Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: "Ta đâu có ngờ…cho tới khi thức tỉnh" - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: “Ta đâu có ngờ…cho tới khi thức tỉnh”

Sao

Jared Diamond đâu có ngờ những gì ông kết luận trong cuốn sách nổi tiếng “Súng, Vi trùng và Thép” của mình, để lý giải nhờ sức mạnh nào mà một số dân tộc này lại có thể chinh phục, xâm chiếm lãnh thổ của những dân tộc khác ở các lục địa xa xôi, nay đã có những hiệu ứng ngược lại.


Đầu thế kỷ 19, đế chế mà Napoleon Bonaparte thiết lập đã trở thành một Đế quốc Thực dân, sau đó đi chinh phục cả thế giới. Khi Pháp xâm chiếm Algerie năm 1830, nước Pháp đâu có ngờ vào một ngày định mệnh của gần hai thế kỷ sau sẽ có những người Hồi Giáo đến từ nơi ấy xả súng sát hại nhiều người Pháp ngay giữa kinh đô Paris hoa lệ.

Khi Mikhail Timofeevich Kalashnikov sáng tạo ra khẩu AK (Avtomat Kalashnikov) nổi tiếng năm 1947 và sau đó trở thành một biểu tượng cho phong trào giải phóng dân tộc của thế kỷ 20, ông đâu có ngờ đến đầu thế kỷ 21 nó lại có thể trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa khủng bố vì góp phần sát hại hàng triệu sinh mạng trên thế giới, để cuối cùng ông phải hối hận vì tạo ra nó, vào năm 2006 trước khi qua đời.

Khi sáng tạo ra chiếc xe ôtô chạy bằng xăng đầu tiên vào năm 1887, tác giả của nó – ông Gotlib Daimler đâu có ngờ có ngày phát minh tiến bộ ấy dẫn đến một “cuộc chiến dầu hỏa” toàn cầu núp bóng tôn giáo và lãnh thổ. Ông càng không thể ngờ rằng cỗ xe đầy tính nhân văn ấy một ngày nào đó lại vô tình trở thành vũ khí giết người hàng loạt mang tên “xe điên” tại Việt Nam – một xứ sở đang cố gắng hướng tới văn minh bằng lý thuyết tinh thần chứ không phải một tư tưởng cụ thể hay ý thức xã hội và luật pháp tiến bộ.

Năm 2004, khi sáng lập ra Facebook, Mark Zuckerberg đâu có ngờ ngoài những tính năng nhân văn ra, nó còn là một nơi để nhiều người sát phạt nhau, “ném đá” nhau tơi bời mà không cần phải đối mặt, đâu có ngờ mặt trái của một công cụ văn minh và tích cực tưởng chừng để kết nối với bè bạn có lúc lại mang về những quan hệ ảo và tiêu cực, đẩy con người xa nhau.

Không ai ngờ dưới câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” treo khắp nơi lại diễn ra hàng ngày những hành động phản giáo dục đến thế, khi không chỉ những học trò tự xử với nhau một cách tàn bạo và hoang dã mà cả thầy cô với trò cũng hành xử với nhau tệ đến mức khó tin, không giống cách của loài người văn minh.

Không ai ngờ được một nước Châu Á truyền thống chịu ảnh hưởng của Khổng Nho với gia đình được coi là giá trị gốc, mà hôm nay đâu đó những chuyện cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái bạo hành nhau, thậm chí sát hại lẫn nhau lại hoàn toàn có thật.

Có thể hiểu dân tộc này xung đột với dân tộc kia vì quyền lợi, lãnh thổ, tôn giáo văn hóa, hay có dân tộc tự triệt hại lẫn nhau trong những cuộc nội chiến… Nhưng chúng ta đâu có ngờ người cùng một dân tộc có thể vô thức và có ý thức đầu độc đồng bào mình từ thức ăn vật dụng hàng ngày cho đến việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay ngoài đường phố ngay trong thời bình vì chút quyền lợi vật chất tầm thường.

Ta đâu có ngờ là thế giới thay đổi đến thế. Ta không thể ngờ rằng sau những đau thương mất mát từ những cuộc chiến triền miên đầy tổn thất, một số đông người Việt lại có thể thay vì yêu thương đùm bọc nhau thì lại ứng xử với nhau thế, tan rã và phân hóa như thế. Và càng không bao giờ ngờ được rằng trong hoà bình, sự nguy hiểm và bất an lại rình rập và hủy diệt con người nhiều ngang trong thời chiến như thế.

Ta không thể ngờ…, vì ta còn mơ màng, mê muội, do dự, toan tính, sợ hãi, đắn đo trong mọi ứng xử, mọi hành động của mình. Ta không thể ngờ vì ta chưa thức tỉnh để nhận ra rằng mọi điều không ngờ kể trên đều có một biểu hiện chung: bạo lực. Có đủ mọi thứ lý do để đổ cho hiện tượng này, từ nguyên nhân của cái nghèo và bất bình đẳng đến sự hoang tưởng tâm lý, từ tình trạng nghiện ngập đến nỗi lo sợ mất an toàn, từ giáo dục gia đình đến sự xuống cấp hay khủng hoảng của những giá trị xã hội, từ khác biệt tôn giáo cho đến xung đột hệ tư tưởng… Tất cả những thứ ấy đều không sai nhưng có vẻ nó không liên quan trực tiếp đến chúng ta, những người do tình cờ hoặc sự may mắn chưa dính trực tiếp vào vụ việc.

Khi lý trí bất lực thì bản năng trỗi dậy. Bạo lực chỉ xuất hiện khi con người không còn khả năng đối thoại. “Đối” là đối xử trao đổi, “thoại” là dùng lời nói. Khi ngôn từ bất lực thì người ta phải dùng đến… quả đấm. Khi không còn niềm tin thì người ta tuyệt vọng, khi không còn yêu thương thì người ta thù hận. Khi tính “người” không còn thì chỉ còn tính “con”. Khi không còn cái đẹp thì thế giới sụp đổ.

Xin trích những góp nhặt từ nhiều bài viết và ý kiến về “Đối thoại” thay cho kết luận: “Trong cuộc sống xã hội thường nhật, người ta nói tới nhiều hình thức đối thoại như: đối thoại bằng con tim, đối thoại bằng cuộc sống, đối thoại và hòa bình, đối thoại và hợp tác. Như vậy, đối thoại trở thành một nét chính không chỉ trong phương thế để giải quyết các tranh chấp trên bình diện quốc tế, kinh tế, chính trị, mà còn trong việc xây dựng tình liên đới giữa người với người. Bài học đối thoại là biết cho đi và giữ lại. Cho đi chính bản thân mình, cho đi ý riêng, bỏ đi ý kiến cá nhân hay cái tôi to lớn của mình. Giữ lại một lời nói hữu ích có thể biến đổi cuộc đời theo hướng tích cực. Có thể là một lời khích lệ, cũng có thể là một lời phê bình. Những lời ta giữ lại phải có tác dụng làm ta hoán cải, suy nghĩ để rút ra bài học sửa đổi cho mình. Nhưng quan trọng hơn cả là giữ lại tha nhân”.

Ta đâu có ngờ… cho đến khi thức tỉnh.

Bài: Đạo diễn Phạm Hoàng Nam

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thực hiện: depweb

15/11/2015, 20:52