Không giúp được bạn thì thôi chứ sao lại lấy tiền của bạn
– Đây là năm thứ hai Phạm Hoàng Nam tham gia làm đạo diễn sân khấu của Monsoon Music Festival, anh thấy những điều chương trình đang làm và đã làm, đạt được mức điểm bao nhiêu trong thang tiêu chuẩn chung của việc tổ chức một lễ hội âm nhạc?
– Tám năm trước Đại sứ Quán Đan Mạch tổ chức cho tôi và Quốc Trung đi xem festival âm nhạc ở thủ đô Copenhagen. Sau đó, chúng tôi đã nhiều lần dự định, nhưng quả là việc tổ chức một lễ hội âm nhạc ở Việt Nam không hề đơn giản. Đến tận năm 2014, dự án mới hình thành sau những phác thảo và nhiều lần đi gõ cửa các cơ quan ban ngành. Quốc Trung là tổng đạo diễn, còn tôi hỗ trợ Trung tất cả các công việc phía sau về kỹ thuật.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam (trái) và nhạc sĩ Quốc Trung (phải)
Nhiệm vụ năm 2014 là để chương trình có thể ra đời, và nó đã diễn ra thành công ngoài mong đợi, được nhiều người chú ý. Thường thì, việc tạo dựng thương hiệu rất quan trọng, khi đã có thương hiệu rồi chúng ta sẽ tiếp tục những thứ khác tốt hơn. Chúng tôi đều nghĩ từ năm tổ chức thứ hai mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Nhưng thực tế làm mới biết, ở Việt Nam mọi thứ không hề đơn giản vậy. Năm nay, chương trình trước khi diễn ra gặp khó khăn chồng chất.
Tuy vậy, Quốc Trung vẫn muốn đưa mọi khâu tổ chức vào một hệ thống chuyên nghiệp hơn, từ bán vé đến quảng cáo, kết nối nghệ sĩ…. Rồi chúng tôi nhận ra, những thứ mình đã học ở nước ngoài, dù rất tốt chưa chắc áp dụng được ở Việt Nam.
– Những khó khăn các anh gặp phải cụ thể là gì, trong mùa Monsoon thứ hai này?
– Quan niệm của mọi người về một lễ hội âm nhạc ở Việt Nam rất khác, hệ thống quản lý và tư duy tài trợ ở ta cũng khác biệt. Một phần, đa số các nhà tài trợ chưa tưởng tượng chương trình sẽ diễn ra như thế nào, phần nữa, không phải nhà tài trợ nào cũng hình dung được giá trị lâu dài của một festival mang lại.
Khi đời sống giải trí có quá nhiều gameshow miễn phí trên tivi, nhiều nhà tài trợ vẫn hiểu quyền lợi của nhãn hàng là những cái logo trên sân khấu. Họ yêu cầu màu sắc nhiều thứ trong chương trình theo đó phải “đổi màu” theo. Có nhiều yêu cầu phải nói là… hơi thô. Khi ấy, nếu ban tổ chức đồng ý, tức là chấp nhận biến festival này trở thành một chương trình thương mại. Nhưng festival không phải là một chương trình như vậy, bởi cái cuối cùng của một lễ hội là mang được âm nhạc sạch đến với công chúng.
Chưa kể, cơ chế quản lý của chúng ta cũng có nhiều thứ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trước một sự kiện lớn như thế này. Năm trước họ chưa biết lễ hội âm nhạc là cái gì, chúng tôi vẽ cho họ một cái hình dung. Nhưng năm nay, khi lễ hội ấy đã gây tiếng vang, nó cũng tự làm khó mình.
Nghệ sĩ phiêu hết mình tại Monsoon mặc gió mưa, dưới sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả
– Tôi có nghe một thông tin bên lề và bây giờ muốn anh xác nhận lại, rằng đạo diễn Phạm Hoàng Nam tham gia một chương trình lớn như Monsoon đến hai năm rồi, nhưng anh ấy không được nhận đồng cát sê nào. Chuyện ấy có thực không?
– Đây là chuyện không chỉ xảy ra ở festival âm nhạc này, mà ở hầu hết chương trình tôi và Quốc Trung làm với nhau, các show của Thanh Lam nữa, chúng tôi đều tự nguyện và hoàn toàn không có cát sê. Tôi và Trung là bạn đến nay đã hơn 20 năm.
Chưa kể, Monsoon là giấc mơ của Trung và tôi, chúng tôi đã cùng nhau mơ ước sẽ làm được điều này tại Việt Nam, cho nên trong sự kiện này này tiền bạc càng là thứ tôi không được nghĩ đến. Giả sử có một xu nào đấy tôi nhận được, thì tôi cũng sẽ đưa lại hết vào chương trình. Làm cùng nhau, tôi hiểu chương trình còn quá nhiều khoản phải chi, Trung là người phải đứng mũi chịu sào, thậm chí phải mang tiền nhà đi làm. Không giúp được bạn thì thôi chứ sao lại lấy tiền của bạn?
Trung chấp nhận thà thiếu tiền nhưng âm nhạc phải được tôn vinh
– Trước 10 ngày diễn ra chương trình, được biết Monsoon Music Festival vẫn chưa có đủ tiền tài trợ. Anh có thể phân tích lý do tại sao năm trước nó thành công đến vậy mà năm nay lại gặp khó khăn về kinh phí?
– Thực ra, có rất nhiều nhà tài trợ muốn tham gia vào chương trình, nhưng do tư duy không gặp được nhau, nên ban tổ chức và nhà tài trợ không bắt tay được với nhau. Đây là một chương trình mà Quốc Trung và ban tổ chức vẫn quyết giữ tinh thần là để âm nhạc được tôn vinh chứ không phải là bất cứ thứ gì khác. Vì vậy, Trung chấp nhận, thà thiếu tiền nhưng phải đảm bảo được chất lượng âm nhạc tốt nhất, uy tín.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam
– Là bạn hơn 20 năm, anh thích gì ở Quốc Trung và ngược lại?
– Trước hết, chúng tôi đều là hai “con ngựa”, cùng tuổi, bằng lứa, và chơi với nhau hơn 20 năm rồi, nên thành ra nói thích nhau ở điểm nào khó lắm. Tình cảm giữa chúng tôi là tình cảm gia đình, cả hai biết rõ về gia cảnh nhau, cách nuôi dạy con cái của nhau nữa. Mà mối quan hệ của chúng tôi là sự bổ sung, khi một thằng than thở điều gì đó thì người kia nếu tham gia được phần nào trong dự định ấy thì tự nhiên đứng ra gánh vác. Ví dụ Giai điệu Tự hào tôi là người đề nghị Trung tham gia nhưng Trung theo dài còn tôi lại rút sớm. Hay “Ionah”, hay làm Đẹp Fashion Show…, chúng tôi đều đã sát cánh bên nhau.
– Thỉnh thoảng trên Facebook cá nhân, anh Trung rất hay “cau có” vì những deadline. Cả giới nghệ sĩ đều kêu, anh Trung hay trễ hẹn. Anh ấy sở hữu toàn những thứ “khó chịu” thế, làm sao các anh vẫn yêu thương anh ấy nhiều đến vậy?
– Thực ra, tôi chưa thấy Trung thể hiện sự khó chịu với mình bao giờ. Đôi khi tôi còn thấy mình làm cho Trung khó chịu nhiều hơn. Thực ra thằng hay cười cười đó nhiều khi rất nguy hiểm. Nên đôi khi cái nhăn của Trung là do mình góp phần, vì mình đòi hỏi nhiều ở Trung quá. Hơn nữa, nếu có thể nói gì đó về mối quan hệ của bọn mình, thì tôi là người tỉnh táo hơn, tôi không quá nghệ sĩ như Trung. Làm công việc của một người luôn phải chịu trách nhiệm sau cùng, tôi không có quyền được có quá nhiều cảm xúc. Thế nên, khi mình sắp xếp việc gì đó, đồng nghĩa mọi việc phải được hoàn thành đúng thời hạn. Còn một nghệ sĩ nổi tiếng như Trung, tài năng như Trung, rất nhiều đơn đặt hàng, việc phải lựa chọn giữa “Yes” và “No” đôi khi Trung không lựa chọn được, phần vì quá nhiều, phần vì cả nể. Vì thế Trung thường bị quá tải.
Khi hiểu vấn đề của nhau thì chúng tôi quan tâm đến kết quả. Bạn biết đấy, Trung vui vẻ hay nhăn nhó thì cuối cùng đến hạn vẫn phải nộp bài cho Nam. Trung khó chịu bao nhiêu, tác phẩm ra vẫn đứng tên Trung mà. Nên dù có đôi lúc Trung lỡ nhăn mà để ai đó nhìn thấy, thì bọn mình vẫn nói với nhau rằng: “Trung có thể nhăn, có thể sai hẹn, nhưng có điều là Trung không thể thay thế”.
Tất nhiên, có nhiều dự án mình không làm với Trung, nghĩa là mình có thể tìm người thay thế. Nhưng đa phần các show lớn thì Trung khó “thoát” với mình.
– Là một người luôn biết cách đứng lại phía sau, nhìn thấy bạn mình ở vùng “lộ sáng” anh thấy thế nào và muốn chia sẻ gì với anh ấy?
– Tôi nghĩ chúng tôi đều là những người cực đoan và luôn giữ được giá trị cốt lõi trong việc làm nghề, nhưng Trung chọn con đường lộ diện còn mình thì không. Khi bạn chọn con đường lộ diện, đồng nghĩa bạn phải đối đầu với tất cả những thứ lộ diện. Tôi nghĩ mình có lẽ là người yếu bóng vía, không chịu được áp lực của người lộ diện nên đã luôn ở phía sau. Còn người lộ diện tức là để mọi thứ phơi sáng hết, thì phải tìm một cách ứng xử hợp lý với hoàn cảnh đó. Chưa kể, Trung là người cảm xúc mạnh hơn lý trí, cách mà Trung đối với con thế nào cũng là cách Trung đối với nghệ thuật.
Nhạc sĩ Quốc Trung tại Monsoon Music Fesival 2015
Tôi nghĩ tất cả chúng tôi đang làm thứ đúng nhất với mình, nó là kết quả của rất nhiều sự trả giá trước đó. Bọn mình làm nghệ thuật nên mọi thứ vô cùng, nhưng tôi tin những điều Trung đang làm là tốt nhất cho Trung. Tôi chỉ nghĩ, vấn đề là mình phải sắp xếp thế nào để cho mọi thứ hài hòa nhất có thể. Bây giờ mọi thứ không chỉ là sự nghiệp và gia đình mà còn là sức khỏe nữa. Tôi vẫn nói nếu không còn sức khỏe sẽ không còn bản thân nữa nên còn đâu là sự nghiệp. Vì vậy, tôi muốn Trung làm gì cũng cần quan tâm đến sức khỏe của mình. Tôi nghĩ Trung phải suy nghĩ nghiêm túc về điều đó.
– Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài: Thục Khôi
Ảnh: Ban tổ chức Monsoon Music Festival và nhân vật cung cấp
Chương trình kéo dài đến hết ngày 29/11/2015.