Đạo diễn nữ Việt Nam: Dòng suối nguồn mạnh mẽ - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn nữ Việt Nam: Dòng suối nguồn mạnh mẽ

Giải Trí

Dấu mốc đặc biệt của điện ảnh độc lập Việt Nam nói chung và đạo diễn nữ nói riêng hẳn là “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp khi bộ phim vừa ra mắt toàn thế giới tại Tuần lễ Phê bình Quốc tế LHP Venice trong tháng 9 và được trao giải “Phim hay nhất” của Hiệp hội Các nhà phê bình phim Châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA).

Ê-kíp phim "Đập cánh giữa không trung" tại Liên hoan phim Venice

Ê-kíp phim “Đập cánh giữa không trung” tại Liên hoan phim Venice

Khi nói đến nữ giới trong mối liên quan tới điện ảnh, có lẽ ta thường tưởng tượng đến những diễn viên xinh đẹp và thu hút trong các vai diễn hỉ nộ ái ố trên màn ảnh của họ. Hiếm khi ta nghĩ tới người đứng sau máy quay chỉ đạo diễn xuất là nữ giới, bởi trong tương quan với đồng nghiệp nam, họ chiếm thiểu số và những người xác lập được tên tuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điện ảnh Châu Á – Thái Bình Dương có Jane Campion (New Zealand), Mira Nair (Ấn Độ), Naomi Kawase (Nhật Bản), Ann Hui (Hồng Kông), Samira Makhmalbaf (Iran), Xiaolu Guo (Trung Quốc),… là những cái tên được biết đến ở quốc tế trong vòng 25 năm trở lại đây. Điện ảnh thế giới có tuổi hơn một trăm năm, nhưng phải tới năm 2014, sau 67 năm tổ chức, LHP Cannes mới có một chủ tịch ban giám khảo đầu tiên là nữ giới: đạo diễn Jane Campion.


Còn ở Việt Nam thì sao?

Trước khi mở cửa vào năm 1986, điện ảnh cách mạng Việt Nam ghi dấu ấn một tên tuổi đạo diễn nữ: NSND Bạch Diệp (1929 –2013). Chính thức trình làng phim truyện dài đầu tay “Người về đồng cói” (1973) và gây ấn tượng với “Ngày lễ thánh” (1976) do NSND Trà Giang thủ vai chính, Bạch Diệp được đánh giá là nghệ sĩ gây ảnh hưởng lớn đến các thế hệ đạo diễn nữ sau này. Đạo diễn – NSƯT Việt Linh coi bà như tấm gương về sự tự tin. Tự tin, bởi trong vai trò người nữ, bạn sẽ chỉ là dòng suối so với những dòng sông to lớn ào ạt của đồng nghiệp nam giới. Nhưng phải chăng cũng chính vì lẽ đó, dòng suối nguồn ấy tiềm ẩn sự mạnh mẽ bất ngờ.

Thời điểm Việt Nam mở cửa cũng là lúc bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt Linh (sinh năm 1952) được giới thiệu: “Nơi bình yên chim hót” (1986) với diễn xuất của NSƯT Minh Trang. Với  bộ phim điện ảnh thứ ba “Gánh xiếc rong” (1989), Việt Linh đã khẳng định một phong cách điện ảnh khó trộn lẫn: đó là tính ẩn dụ và nỗi lòng đau đáu về những vấn đề của đất nước, của dân tộc trong tư thế vững chãi của một công dân – nghệ sĩ. Được đào tạo bài bản tại trường điện ảnh VGIK Liên Xô chuyên ngành đạo diễn, Việt Linh còn có thế mạnh về biên kịch và là đồng tác giả kịch bản của nhiều bộ phim ăn khách của đồng nghiệp như “Vị đắng tình yêu” (1990). Chị cũng là người mang đến sự kết hợp của hai gương mặt diễn viên xuất sắc mà điện ảnh Việt Nam từng có được: Đơn Dương và Ngọc Hiệp trong “Dấu ấn của quỷ” (1992). Với “Chung cư” (1999), Việt Linh một lần nữa cho thấy cái nhìn sâu sắc về biến cố lịch sử của đất nước và khả năng dàn dựng linh hoạt. “Mê Thảo – Thời vang bóng” (2002) dựa trên truyện ngắn “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân là sự thử thách một bối cảnh không quen thuộc với chị: miền Bắc đầu thế kỷ XX. 

Sự nghiệp của Việt Linh là dấu son của những đạo diễn nữ Việt Nam thời kỳ đất nước bắt đầu mở cửa, với rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước cùng việc phát hành thương mại ra quốc tế mang tính chất tiên phong ở một số thị trường khó tính như Pháp và Thụy Sĩ. Chị cũng là đạo diễn Việt Nam đầu tiên được Bảo tàng Nghệ thuật bang Queensland (Úc) giới thiệu như một nghệ sĩ điện ảnh đương đại của khu vực với bốn tác phẩm tại triển lãm nghệ thuật đương đại Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 5 (2007).

Ê-kíp phim "Đập cánh giữa không trung" tại Liên hoan phim Venice

Phạm Nhuệ Giang cũng là cái tên được nhắc tới nhiều với hai phim “Bỏ trốn” (1999) và “Thung lũng hoang vắng” (2001). Đặc biệt với phim sau, chị được mời tới LHP Berlin (Đức) trong một chương trình đặc biệt dành riêng cho điện ảnh Việt Nam ở mục Diễn đàn (Forum). Nhuệ Giang chứng tỏ niềm đam mê quyết tâm theo đuổi nghệ thuật khi đã là một kỹ sư xây dựng, chị thi vào khoa đạo diễn của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và thuộc thế hệ đầu tiên tốt nghiệp. Cùng chồng – đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Nhuệ Giang thường đặt trọng tâm vào thân phận người phụ nữ trong các tác phẩm của mình và góp phần đưa tên tuổi của diễn viên Hồng Ánh đến với khán giả.

Những đạo diễn nữ kể trên đều thành danh trong thời kỳ điện ảnh Việt Nam thuần túy là điện ảnh nhà nước, và sự phân bổ kinh phí của nhà nước theo các hãng phim ít nhất đảm bảo cho họ có được điều kiện cơ bản làm phim của mình, trên cơ sở phục vụ các mục đích chính trị và xã hội.

Năm 2003, khi sản xuất phim tư nhân chính thức được cho phép, lần đầu tiên xuất hiện những sản phẩm của các hãng phim đứng tên độc lập. Có rất ít phim nghệ thuật được sản xuất trong thời gian kể từ khi tư nhân chính thức tham gia vào sản xuất và định nghĩa lại thị trường như là một ngành công nghiệp điện ảnh. Phim thương mại chiếm lĩnh phòng chiếu và được đánh dấu bởi toàn các tên tuổi nam giới trong vai trò đạo diễn. Thế nhưng người nắm giữ vai trò quyền lực phía sau lại là những phụ nữ. Đó là Vũ Thị Hoa, Đinh Thanh Hương của hãng Thiên Ngân, là Ngô Thị Bích Hiền, Ngô Thị Bích Hạnh của BHD hay gần đây là Hồng Ánh của Blue Productions, Trần Thị Bích Ngọc (trước thuộc Thiên Ngân, hiện là nhà sản xuất độc lập).

Đoàn Minh Phượng là một trong những người tiên phong làm phim nghệ thuật độc lập. Cùng với em trai là Đoàn Thành Nghĩa, chị cho ra đời tác phẩm “Hạt mưa rơi bao lâu” gây tiếng vang quốc tế khi ra mắt thế giới tại mục tranh giải chính của LHP Rotterdam (Hà Lan) và được giới thiệu như là phim độc lập đầu tiên của Việt Nam. Phim sau đó được mời tham dự trên 50 LHP quốc tế thuộc năm châu lục và được một số giải thưởng đáng kể như Phim hay nhất tại LHP Kerala (Ấn Độ) và Bangkok (Thái Lan). Chăm chút tới từng tiểu tiết trong mỗi khuôn hình, kỹ thuật kể chuyện bằng hình ảnh của phim được đánh giá là “lý do vì sao màn bạc được sinh ra” theo như nhận xét của Giám đốc LHP Rotterdam năm 2005. Rất tiếc, Đoàn Minh Phượng sau đó tập trung vào công việc viết văn và chưa hẹn ngày trở lại với điện ảnh.

Năm năm trở lại đây, kể từ dấu mốc “Bi, đừng sợ!” (2010) của Phan Đăng Di – bộ phim độc lập được sản xuất bởi một phụ nữ: Nguyễn Hoàng Điệp, điện ảnh độc lập Việt Nam và vai trò của đạo diễn nữ đã có chuyển biến. Trở về nước làm phim sau nhiều thập kỷ sống ở nước ngoài, Síu Phạm ở tuổi lục tuần đã ngay lập tức gây ấn tượng và xác lập được một chỗ đứng với “Đó… hay đây” (2011) – bộ phim đầu tay của chị. Đây là phim Việt Nam duy nhất được mời dự tranh giải mục “Những dòng chảy mới” (New Currents) của LHP Busan dành cho những tiếng nói mới từ Châu Á.

Một trong số các dòng chảy mới quan trọng là phim tài liệu. Đó là Đoàn Hồng Lê (“Đất đai thuộc về ai?”), Dương Mộng Thu (“Chiếc chiếu của bà Bứa“), Trần Phương Thảo (“Trong hay ngoài tay em”), Nguyễn Thị Thắm (“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”). Họ khai thác những đề tài gai góc, những phận người bên lề và nhân vật trung tâm trong phim của họ thường là phụ nữ. Đặc biệt phim của Thắm tham gia tranh giải tại LHP điện ảnh hiện thực tại Paris đầu năm nay và hiện đang đi các LHP vòng quanh thế giới. Một dòng chảy mới khác nữa là phim truyện ngắn được xác lập thông qua những sân chơi dành riêng cho phim ngắn như YxineFF, 3-2-1-Action, 48h,… Qua đó, một số gương mặt đạo diễn nữ hé lộ có những tố chất có thể đi dài lâu hơn với điện ảnh như Nghiêm Quỳnh Trang (“Một cuộc thẩm vấn”), Trương Quế Chi (“Mặt trời đen”) hay Phan Nha Trang (“Ký ức mùa xuân”),… Các gương mặt trẻ này hầu hết có cơ hội tiếp xúc rộng rãi với điện ảnh trong và ngoài nước, cùng sự tự tin về vốn ngoại ngữ của thế hệ mới và công nghệ số của thời đại mới.

Ngoài “Đập cánh giữa không trung” của Điệp, một phim truyện độc lập đầu tay nữa của đạo diễn nữ hiện đang được giới thiệu tại LHP Busan đầu tháng 10 này, đó là “Người truyền giống” của Bùi Kim Quy. Các phim tài liệu dài mới của Đoàn Hồng Lê và Trần Phương Thảo cũng đã hoàn thiện và chờ ngày trình chiếu. Hy vọng một ngày không xa, các bộ phim này không chỉ được tôn vinh tại các LHP quốc tế mà sẽ được phát hành rộng rãi tại rạp Việt Nam để sức mạnh dòng suối nguồn của các đạo diễn nữ đến được với khán giả.

Ê-kíp phim "Đập cánh giữa không trung" tại Liên hoan phim Venice

Thời gian này, nếu phải nghĩ về các nữ đạo diễn điện ảnh Việt Nam, tôi lập tức nghĩ đến Bạch Diệp, Síu Phạm, Nguyễn Hoàng Điệp. Không chỉ vì sự thích hay không phim của họ, mà bởi họ có tác động lớn trong sự nghiệp và tư duy nghệ thuật của tôi.

Nhớ lần đầu xem phim “Ngày lễ thánh”, ấn tượng của tôi – cô gái 24 tuổi: phim quá “dữ dội”. Biết đạo diễn là phụ nữ tôi càng muốn xem lại, không phải để thích hơn, mà để qua người phụ nữ “luôn chọn đường đi khó” này, hun đúc một ước mơ… thầm kín. Về sau, khi đã thành đạo diễn, gặp cô Bạch Diệp, tôi luôn nói “Cô đã giúp cháu tự tin”.

Nếu đạo diễn Bạch Diệp cho tôi niềm tin vào bản thân, thì Nguyễn Hoàng Điệp cho tôi niềm tin vào tương lai điện ảnh đất nước. Tôi không nghĩ mình quá lời, cũng không phải đến khi Điệp có “Đập cánh giữa không trung” đoạt giải, mà ngay khi xem phim ngắn “Hai, Tư, Sáu” và tiếp xúc vài lần với Điệp, tôi đã thấy manh nha mong đợi ở con người đa năng, đa ý tưởng, đa… tình này. Tình với thân nhân, với các đồng nghiệp trang lứa mà cụ thể là đã làm sản xuất cho Phan Đăng Di.

Ai cũng rõ nghề đạo diễn cực nhọc. Thế hệ Bạch Diệp và tôi cực vì thiếu thông tin, công nghệ sản xuất lạc hậu; nhưng chúng tôi – điện ảnh công chức – có ngân sách nhà nước. Các bạn trẻ như Điệp nhọc do phải tự lực. Là người có dăm lượt vác đơn xin hỗ trợ tài chính, nên tôi biết sự gian khó “kinh khủng” của Điệp khi toàn bộ kinh phí thực hiện “Đập cánh giữa không trung” do Điệp xin từ các nhà tài trợ quốc tế. Điệp đã một mình làm tất cả, cùng lúc vẫn chu toàn trách nhiệm làm vợ, làm dâu, làm con, làm mẹ… giữa bao nhiêu biến cố. Không phi thường sao? Không đáng tin sao? Đáng tin hơn khi các nữ đạo diễn trẻ như Điệp – với những cái tên bắt đầu nổi bật như Đoàn Hồng Lê, Trần Phương Thảo, Nguyễn Thị Thắm… có quan hệ đồng nghiệp rất tốt – điều các thế hệ trước, buồn thay, quá hiếm hoi.
         
Còn Síu Phạm? Ngoài 60 tuổi mới làm phim đầu tay là quá lạ thường. Tiếp tục lạ thường hơn khi đi tiếp cuộc đam mê và trở thành hình mẫu làm phim độc lập. Với kinh phí khiêm tốn và phương cách tối giản, Síu Phạm đã cho ra đời những sản phẩm đáng xem, giàu cá tính, giàu tưởng tượng của thứ ngôn ngữ điện ảnh cực đoan, ngẫu hứng mà không phải ai cũng thấu cảm. Mặc, Síu Phạm cứ an nhiên đắm say thế giới của mình, với phim thứ ba do “em” Điệp sản xuất! Síu Phạm cho tôi (thêm) lòng tin nghệ thuật rất cần sự kiên định, thậm chí kiên cường. Rằng trong nghệ thuật không bao giờ quá muộn cho một đam mê thật sự.

                                                                                Đạo diễn Việt Linh

  

Bài: Khôi Xuân

logo

>> Đọc thêm tâm sự của đạo diễn “Đập cánh giữa không trung” – Nguyễn Hoàng Điệp, người không tin vào hạnh phúc của phụ nữ. Hẳn chị có lý do riêng của mình. 


Thực hiện: depweb

08/10/2014, 13:12