Đạo diễn – Nhà văn Xuân Phượng: “Trái tim nếu giữ được niềm ao ước sẽ không bao giờ già đi”

Ở tuổi 95, tay phải chống gậy, bám vào tường hoặc cần có người dìu đỡ khi di chuyển, làn da in hằn dấu vết của thời gian, nhưng bà Xuân Phượng dường như vẫn mang thần sắc của một người thiếu nữ trẻ trung với đôi mắt sáng, giọng nói tràn đầy nội lực, đầu óc linh hoạt, có thể sắp xếp công việc thuần thục bằng máy tính và điện thoại thông minh. Bà khoác lên người những bộ trang phục sang trọng và trang nhã, không bao giờ thiếu hoa tai, vòng cẩm thạch, đồng hồ tone sur tone với nhau. Môi bà tô một lớp son hồng và luôn nở nụ cười thật tươi.

“Chào Phượng!

Tôi chưa được quen bà nhưng hôm nay tôi muốn gửi đến bà một lá thư. Chồng tôi là kỹ sư. Từ khi về hưu, ông không ra khỏi nhà, chỉ ăn uống trong phòng và không muốn tiếp xúc với xã hội nữa. Tôi rất lo lắng. Cho đến một hôm, tôi đưa cuốn sách ‘Áo dài’ của bà cho ông ấy đọc thì bỗng nhiên sáng hôm sau, chồng tôi cầm vòi tưới cây tưới hoa ở ngoài vườn và khe khẽ hát. Tôi bàng hoàng chạy đến hỏi vì sao ông lại như thế. Ông cảm ơn tôi đã cho ông đọc cuốn sách của một nhà văn Việt Nam. Ông thấy xấu hổ với bà ấy và muốn sống ít nhất là phải xứng đáng với người đàn bà Việt Nam này. Tôi mừng vô cùng nên tôi viết thư này để cảm ơn bà”.

Xin phép tóm lược nội dung bức thư của một độc giả người Pháp gửi đến bà Xuân Phượng về quyển hồi ký “Áo dài” (viết bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 2001). Quyển sách này còn được dịch sang tiếng Anh và tiếng Ba Lan, cho thấy những câu chuyện kể trong hồi ký của bà Xuân Phượng không chỉ lay động bạn đọc trong nước mà còn có sức nặng với độc giả ở khắp nơi trên thế giới.

Mười chín năm sau, “Gánh gánh… gồng gồng…” được xuất bản khi bà Xuân Phượng đã ngoài 90. Bốn năm sau đó là quyển hồi ký tiếp theo – “Khắc đi, khắc đến”. Có lẽ tôi phải kể thêm những câu chuyện nhỏ chẳng liên quan gì đến nhau để độc giả có thể hiểu vì sao nhiều người không chỉ mến mộ mà còn thực lòng yêu quý bà Xuân Phượng và trìu mến gọi bà là “nhà văn trẻ”.

“Nhà văn trẻ” của chúng ta vô cùng hài hước. Bà hỏi thăm tôi cách xuất bản một tập thơ số lượng ít vì “có một con bé bà quen viết thơ dễ thương lắm”. Một lúc sau, tôi nghe bà gọi điện thoại cho ai đó cũng để hỏi việc tương tự. Lúc này, bà nói: “Con bé đó mới có 60 tuổi à!”. Một lần khác, bà kể về kỷ niệm thời làm bác sĩ quân y: “Có lẽ tôi là người Việt Nam duy nhất từng đo huyết áp cho ông Fidel Castro”. Khi tôi hỏi bà có muốn nhắn nhủ gì cho toàn thể phụ nữ nhân ngày 20/10 không, bà nói: “À, nếu mà nhắn thì nhắn cho người từ tuổi 90 trở xuống…”.

Khi “nhà văn trẻ” ấy háo hức mong đợi một điều gì đó, trông bà cứ như cô thiếu nữ đôi mươi.

Còn phải kể đến khoảnh khắc “nhà văn trẻ” ấy háo hức mong đợi một điều gì đó, trông bà cứ như cô thiếu nữ đôi mươi. Chuyện là, anh Trần Đại Thắng – Giám đốc Đông A Books – hẹn mang quyển “Lịch sử Việt Nam bằng hình” sang cho bà xem. Đây là một công trình đồ sộ được thực hiện suốt 17 năm của tập thể những người yêu lịch sử, một nhân chứng lịch sử như bà chắc chắn sẽ vô cùng trân trọng. Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, bà cứ ngóng điện thoại của anh Thắng. Khi anh đến, bà chào đón rất nồng nhiệt, thận trọng giở từng trang sách, tấm tắc khen: “Đẹp quá”, “Hay quá”, thi thoảng vỗ vai anh khen: “Giỏi quá”, “Sao mà chụp được bức hình này hay vậy”. Bà còn rất vui khi nhìn thấy những nhân chứng lịch sử khác xuất hiện trong quyển sách. Cũng bằng chính lòng háo hức ấy, bà săn vé các buổi chiếu phim trong Liên hoan phim Italy 2024, y như giới trẻ săn vé xem buổi diễn của thần tượng.

Cái đẹp không bao giờ bị tiêu diệt

“Nhà văn trẻ” không những hài hước mà còn là người duy mỹ. Có thể khẳng định như thế qua cách bà chọn trang phục, trò chuyện với mọi người bằng thái độ trân trọng, nâng niu những giá trị đẹp đẽ, trao đi những thông điệp nhân văn qua từng trang sách. Liệu rằng, vào cái thời chiến tranh loạn lạc, bà có từng thèm được gặp lại những điều đẹp đẽ không? Bà Xuân Phượng kể về đôi chân trần rướm máu của một cô tiểu thư trốn gia đình để tham gia kháng chiến, về những nỗi đau rất đàn bà, đúng như những gì được nhà văn người Belarus Alexievich ghi chép trong quyển sách “Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ”: “Tôi không thể. Tôi không muốn nhớ lại. Ba năm trải qua chiến tranh… Và suốt ba năm, tôi không còn là phụ nữ. Cơ thể tôi ngủ lịm… Vậy mà tôi đã từng là một người phụ nữ đẹp”.

Nhưng bà đồng thời khẳng định, ở nơi tối tăm và đau đớn bom đạn dội xuống, “cái đẹp không bao giờ bị tiêu diệt”. Đêm đêm, bà vẫn cố nhớ lại khu vườn của bà ngoại, tiếng đàn tranh của mẹ, những năm tháng tuổi thơ êm đềm. Như thế, tâm hồn bà mới ngừng dao động trước cái thực tế tàn nhẫn và khốc liệt. Quyển sách đầu tiên bà viết được đặt tựa là “Áo dài” với ngụ ý gợi nhớ về biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ XX, băng qua chiến tranh, đến ngày độc lập lại càng thêm đẹp. Bà còn kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về những vẻ đẹp mà theo bà, sẽ không bao giờ tàn phai theo năm tháng.

“Bức tranh tự họa của họa sĩ Trương Đình Hào được rất nhiều người ở Pháp hỏi mua nhưng bà không bán, vì bà rất thích. Ông ấy vẽ bức tranh này trong tâm trạng suýt nữa thì tự tử vì mãi không bán được tranh, không có tiền lo cho gia đình. Nhưng một chiếc gàu rơi tõm xuống giếng làm ông giật mình, chai thuốc sâu để sẵn bỗng đổ xuống sàn, đàn kiến bò qua giãy giụa khiến ông rét run. Ông ấy liền muốn vẽ bức tranh chính mình trong giây phút đó để nhắc nhở bản thân phải quyết tâm sống. Nhà nghèo đến độ không có giấy vẽ, ông vẽ lên giấy báo.

Con xem, đôi mắt đầy buồn bã và căm phẫn không hiểu vì sao cuộc đời lại đối xử với mình như thế. Rất đơn giản nhưng khó vẽ vô cùng! Bàn tay to hơn bình thường để thể hiện sự quyết tâm. Còn những nét sọc trông như bộ áo tù này ý muốn thể hiện cảm xúc bị giam cầm. Những chi tiết màu đỏ ở góc tranh thể hiện niềm tin yêu và lòng khao khát sống. Còn ở đằng kia, con hãy nhìn đôi mắt ở bức tranh vẽ cô đào của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Ánh mắt ngây dại. Chỉ với vài nét vẽ mà khiến mình cảm thương cho số phận của người phụ nữ. Thế đó, cái đẹp không nằm ở những gương mặt trong tranh, mà ở chiều sâu của câu chuyện đằng sau đó”.

“Trong một chuyến sang Pháp, bà kể cho một nhóm người Pháp nghe về nỗi đau của đôi chân trần. Lúc bà ra về, họ đem tặng bà một chiếc hộp, trong đó có mấy đôi giày cao gót làm bằng sô cô la. Hay là, có một cái Tết ở chiến khu, trong rừng sâu, mấy chục anh em Bộ Tài chính quây quần với nhau. Bộ trưởng thời đó là ông Lê Văn Hiến. Ông gọi mấy đứa trẻ con đến, bảo là bác nghèo quá không có tiền, bác cho mỗi đứa một viên đường ăn cho ngọt ngào đầu năm. Mấy chục năm sau, chúng nó lớn lên vẫn còn nhớ như in. Khi anh tỏ được sự quan tâm của anh đối với người bên cạnh trước nỗi buồn của họ, đó là một cử chỉ đẹp”.

“Hay như thế này nữa con này, năm 1977, đám cưới con trai đầu lòng của bà được tổ chức giản dị. Một chiếc bình làm bằng ống vỏ đạn đại bác 120 ly được ba nó đem về từ Điện Biên Phủ, cắm hoa vào. Tiệc cưới là gì con biết không? Nhà nước tặng cho 5 lô thuốc lá Tam Đảo và 5 cân lạc rang. Rồi thì Trần Tiến đạp xe đạp, đèo sau lưng là Trịnh Công Sơn lần đầu tiên ra Hà Nội, đến đám tiệc nói rằng chúng em không có gì làm quà, xin hát mấy bài cho vui, cứ thế hát từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau. Có những vẻ đẹp lâu bền, vĩnh cửu, làm cho những người xung quanh được vui vẻ hơn. Cái đẹp khi đó thật đáng quý”.

Đừng chỉ nhìn mà không thấy

“Khi mình hiểu được chiều sâu của một vấn đề thì cái đẹp nó hiện lên khác lắm. Khi nhìn một bó hoa đẹp, mình phải thấy rằng đằng sau đó là cái công chăm sóc của mọi người – lấy giống như thế nào, nắng mưa thế nào, bảo vệ thế nào rồi kết hoa kết trái như thế nào. Quan niệm nhìn và thấy ảnh hưởng đến cuộc đời ghê gớm lắm. Nhìn và thấy bằng trái tim rộng mở, tự nhiên trong lòng mình sẽ có sự vị tha. Ví dụ như thái độ của ai đó có thể làm mình ghét họ, nhưng nếu mình thấy, mình có thể hiểu cho hoàn cảnh của họ, đồng cảm với họ, mình không hằn học nữa, và mình thanh thản hơn”, bà Xuân Phượng nhắc đi nhắc lại điều này.

“Đâu dễ gì làm được như thế, phải không bà? Ở thời điểm nào bà cảm thấy con người bên trong đạt độ chín muồi, nhận thức rõ ràng mọi sự việc để bản thân thay đổi?”, tôi hỏi. Bà Xuân Phượng cười, giọng sang sảng: “Đúng rồi, khó lắm, nhưng mình làm được. Trước bà hay bực mình la um sùm, nhưng có một thời điểm khiến bà quyết tâm thay đổi. Chuyện là bà từng cho một cô bạn vay tiền, mãi sau cô ấy không trả. Bà nói với mọi người là cô ấy lừa tiền bà. Cho đến một hôm, con gái của cô ấy đến nói với bà rằng đợi cháu lớn, cháu sẽ trả lại số tiền mẹ cháu đã vay. Mẹ cháu bị bạn bè rời bỏ cả rồi. Khi đó, bà quá bất ngờ vì không nghĩ cơn giận của mình lại có thể ảnh hưởng đến cả một gia đình. Bà đã đến tìm hiểu hoàn cảnh của gia đình bạn, xin lỗi và hai người ôm nhau khóc. Từ đó bà tự răn mình là phải hết sức thận trọng, phải hiểu tại sao người ta làm như thế với một trái tim yêu thương”.

Thơ Đường và văn học Pháp

Để có thể nhìn và thấy, cảm thụ về cái đẹp sâu sắc đến thế, bà Xuân Phượng không ngại ngần khẳng định: “Văn hóa bổ sung lẫn nhau”.

“Bà đã nói rất nhiều với bọn trẻ là chỉ cần biết thêm một ngoại ngữ, con sẽ hấp thu được cả một nền văn minh khác. Nhớ một chuyến đi đến Singapore, bà có dịp nghe ông Lý Hiển Long diễn thuyết về vấn đề làm sao để kết nối các dân tộc. Ông ấy nói rằng các quý ông quý bà cho con của mình đến trường không những học về ngoại ngữ mà còn là học về thái độ của mình trước sự tiến bộ của thế giới. Ví dụ, vào thang máy đi như thế nào, lên cầu thang siêu thị như thế nào, đón xe, lên tàu điện ngầm như thế nào… Tức là làm sao cho người Singapore đứng trước một thay đổi tiên tiến của thế giới mà không bị kinh ngạc. Khi mà các quý ông quý bà dạy được cho con cái mình thái độ mở rộng trước sự tiến bộ của thế giới như vậy thì dân tộc Singapore sẽ đoàn kết lại ngay”.

Bà Xuân Phượng may mắn thụ hưởng cả hai nền văn hóa.

“Cái đẹp không ở đâu xa mà chính là cái vốn ở trong lòng mình.”

Thuở bé, ông nội thường đọc thơ Đường cho bà nghe và có một câu bà rất thích: “Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai”, nghĩa là “Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống”. Nhớ về ông, bà còn nhớ một đêm trăng khuyết, ông gọi các cháu đến và đọc lên câu thơ: “Móng vàng ai bấm trời tây”. Khi đó, bà cảm nhận được một vẻ đẹp sang trọng và thầm kín của thiên nhiên.

Những năm học trường Pháp, bà gặp được một bà giáo giảng văn học Pháp khiến học trò say mê vô cùng. Một bài thơ nọ kể về hành trình của hai con kiến đi dự đám tang của một con kiến khác. Hai con kiến bắt đầu lên đường từ mùa đông, trời xám xịt, chúng vừa đi vừa buồn bã nghĩ đến cái chết của bạn mình; trên đường trở về, trời đã sang xuân, hoa nở, mặt trời mọc, dòng nước trong xanh, hai con kiến vừa đi vừa uống rượu rất ngon, quên đi nỗi buồn. Như thế, cái đẹp không ở đâu xa mà chính là cái vốn ở trong lòng mình.

“Các cụ nhà mình có một câu mà bà rất muốn nói với thanh niên thời nay: giấy rách phải giữ lấy lề. Lề ở đây là sự giáo dục của gia đình và xã hội. Mình gắng làm sao giữ cho được thì tự nhiên sẽ tạo thành tư cách của một con người. Mà tư cách thì cực kỳ quan trọng. Người ta có thể ghét mình, nói xấu mình, nhưng không ai có quyền khinh mình”.

Hiện tại, bà Xuân Phượng đã gần hoàn thành bản thảo quyển hồi ký tiếp theo kể về những chiến khu bà từng đi qua. Lịch làm việc, tham gia hội thảo, các buổi diễn thuyết của bà vô cùng dày đặc. Những ngày không ra ngoài, lịch sinh hoạt tại nhà của bà diễn ra đều đặn: sáng thức dậy lúc 5 giờ 30, tập yoga, ăn sáng thong thả đến tầm 10 giờ sẽ ngồi vào bàn viết trong 2 tiếng, sau đó ăn trưa, nghỉ trưa, đến tầm 3 giờ rưỡi – 4 giờ chiều lại ngồi vào bàn viết trong 2 tiếng. Bà mong hồi ký của mình sẽ là thông điệp để những người lớn tuổi thấy rằng cái đẹp đến với mình không có giới hạn tuổi. Trái tim nếu giữ được sức thanh xuân, giữ được niềm ao ước sẽ không bao giờ già đi. Mỗi giây phút cuộc sống đẹp quá, đừng phí hoài!

FEATURE: TÂM HỒN KHÔNG TUỔI

Vẻ đẹp của xúc cảm, sự sáng tạo, lòng nhân từ, vẻ đẹp của ý chí kiên định, can đảm dấn thân…, những vẻ đẹp tâm hồn ấy hiển nhiên không có tuổi vì kể từ khi bắt đầu chớm hé trong người phụ nữ, chúng sẽ không bao giờ phai tàn mà theo thời gian, chỉ càng thêm nở rộ. Càng tuyệt vời hơn nữa khi người phụ nữ có thể uyển chuyển lưu dấu vẻ đẹp tâm hồn họ trong những trang sách, những thước phim, những tác phẩm nghệ thuật.

Thực hiện: Lê Ngọc – Ngọc Ánh

Đạo diễn – Nhà văn Xuân Phượng: “Trái tim nếu giữ được niềm ao ước sẽ không bao giờ già đi”
“Vũ trụ nghệ thuật kịch nói” của nghệ sĩ Ái Như: Sáng tạo chính là say đắm mà đi
Đạo diễn Diệu Linh: “Quá trình làm phim giúp tôi dần chạm vào hai chữ ‘tự do'”


From the same category