Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Vác bảng xin việc, chẳng có gì... "nhục nhã" - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Vác bảng xin việc, chẳng có gì… “nhục nhã”

Sao

Tôi thấy xã hội chúng ta có rất nhiều đề tài, câu chuyện mang đầy tính bi hài kịch. Nhưng cũng bi hài kịch là, chúng ta đã không thể khai thác nó để có những tác phẩm nghệ thuật hay và đặc sắc.

Mấy hôm nay mạng xã hội rào rào “ném đá” một chàng trai 21 tuổi vác bảng xin việc trên đường phố. Trong cái nhìn của tôi, hành động đó chẳng có gì… nhục nhã. Con người muốn sống được, ai cũng cần việc làm và mỗi người sẽ tìm ra cách phù hợp với mình trong quá trình tìm kiếm của họ. Tất nhiên, sử dụng phương cách nào, họ sẽ có kết quả theo đúng phương cách mà mình lựa chọn. Tôi sẽ chỉ lên án khi chàng trai đó trộm cắp, cướp giật hay lừa đảo. Tất nhiên, hình ảnh đó của chàng trai cũng ít nhiều khiến những người quan tâm đến xã hội suy nghĩ về hệ quả của giáo dục.

Câu chuyện giáo dục luôn… “nóng” theo mùa. Trên các trang tin, trên truyền hình mấy ngày nay dư luận lại sục sôi với chuyện chọn trường của các thí sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, chuẩn bị vào đại học. Mà chẳng riêng chuyện chọn trường của các thí sinh trước ngưỡng cửa giảng đường, nhiều năm nay, tôi luôn thấy phụ huynh khổ sở về việc học của con em mình ở các cấp. Tôi vẫn cho rằng, giáo dục là một ngành khó nhất và quan trọng bậc nhất, vì nó mang tính quyết định sự phát triển của một xã hội. Bởi thế, trong mỗi chính sách được ban hành, tính khoa học logic chi tiết cần được cụ thể hóa, bên cạnh tính tổng thể và có tầm nhìn dài hạn. Tôi không đồng tình với tất cả những thay đổi mang tính tạm thời theo mùa vụ. Những chính sách “đến đâu hay đến đó” sẽ góp phần làm xáo trộn và gây hoang mang cho người dân, đặc biệt – những người trẻ – họ là tương lai của đất nước này thì càng không nên và không thể để họ có những nỗi hoang mang như vậy.

Dẫu rằng, khi là công dân của một đất nước đang phát triển, chúng ta phải chấp nhận những sự thay đổi và nhiều sự thay đổi.  Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, thói quen của đa số là sợ sự thay đổi. Vì thế, chưa nói đến chuyện thay đổi đó đúng hay là sai, hoang mang là trạng thái con người phải đối diện, xã hội phải đối diện. Cộng với thời đại mạng xã hội đang phát triển, đám đông hoang mang đó quần tụ lại, đẩy sự hoang mang của mình lên cao. Thành ra, khi nhìn vào trạng thái đó, chúng ta cũng cần tỉnh táo để phân định rạch ròi.

Một buổi lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên đại học (Ảnh: Kim Sen)

Nhà văn Trang Hạ cho rằng, sự bức xúc đó như một cơn “lên đồng tập thể” những phẫn nộ của chúng ta là phẫn nộ theo mùa vì mùa tháng 8 sẽ có cơn phẫn nộ về tuyển sinh, đến Tết lại có cơn phẫn nộ về giá tiêu dùng, và tháng 6 khi sinh viên ra trường lại có cơn phẫn nộ về tỉ lệ thất nghiệp. Cá nhân tôi tin vào việc một đám đông đang bức xúc, và hầu hết nỗi bức xúc của họ, đáng tiếc là nó đều có căn cứ. Đặc biệt nỗi bức xúc về giáo dục, vì ai chẳng lo cho tương lai của con em mình. Bởi thế, nếu chính sách xã hội chưa tốt, thì nhà nước phải thay đổi để làm an lòng họ. Bằng cách nào đi chăng nữa, thì kìm hãm ý kiến của người dân vẫn không phải là lựa chọn sáng suốt.

Tuy nhiên, từ cả hai phía: người dân và cơ quan chức năng – chúng ta luôn cần bình tĩnh. Hai bên phải lắng nghe và nghĩ cho nhau, tìm ra cái lợi ích chung cho thế hệ trẻ. Sự phẫn nộ suy cho cùng không bao giờ giúp chúng ta giải quyết được điều gì. Cho dù, sự lên tiếng từ mỗi bên luôn cần thiết và đáng được ghi nhận.

Còn với những chàng trai, cô gái đang đầy ước mơ của tuổi trẻ, các em hãy cứ mạnh dạn theo đuổi những gì mình thích và phù hợp với khả năng, hơn là chạy theo những ngành nghề “sang trọng” theo thời điểm của xã hội. Vì chỉ có sự yêu thích, sự phù hợp với khả năng mới làm chúng ta đi được với nghề nghiệp đó xa hơn. Các bạn hãy cứ tin, nghề nào cũng vậy, nếu bạn giỏi, bạn hoàn toàn có thể sống tốt.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng


logo

Thực hiện: depweb

20/08/2015, 10:09