Đạo diễn Ngô Quang Hải: Đối với tôi Phượng phải khác

Người Mỹ trầm lặng” là môi trường làm nghề quý giá 

– Vai tướng Thế trong “Người Mỹ trầm lặng” đến với anh như thế nào?

– Ban đầu tôi được mời casting vai trợ lý của ông Thomas Fowler (do Michael Caine thủ vai – PV) nhưng sau đó, khi đoàn phim cân đối lại, tôi được mời vào vai tướng Thế.

– Tham gia một bộ phim Hollywood nhưng vai tướng Thế dường như chẳng mấy tác động đến sự nghiệp điện ảnh của anh?

– Hoàn toàn chính xác. Thật ra, tôi không mấy quan tâm đến diễn xuất. Ngay từ khi bước vào trường Điện ảnh Hà Nội, tôi đã muốn học làm phim. Trước khi đến với “Người Mỹ trầm lặng”, tôi từng làm việc với nhiều đạo diễn Việt Nam như chú Đặng Nhật Minh, Lưu Trọng Ninh, Lê Đức Tiến, Vương Đức, Vũ Xuân Hưng… ở nhiều vị trí như diễn viên, trợ lý.

ngo-quang-hai-4

Những năm 90 cho đến đầu 2000, tôi có dịp tham gia một số phim hợp tác với Pháp (“Miền Nam xa xưa” – “Sud Lointain”), với điện ảnh Hàn Quốc (“Tạm biệt Sông Ba” – “Farewell To Song Ba”), và đóng trong hai bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng (“Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”). Tôi đã cố gắng tìm hiểu tư duy cũng như cách làm phim của Trần Anh Hùng, và có ý định đi Mỹ để học.

Những chép nhặt bên lề phim “Người Mỹ trầm lặng”

– Lẽ ra Johnny Depp mới là diễn viên vào vai bác sĩ – nhân viên tình báo Alden Pyle. Nhưng do sự trì hoãn của dự án, Johnny Depp đã chuyển sang kí hợp đồng với bộ phim “Cướp biển vùng Caribê”.

– Sir Michael Caine được đề cử giải Oscar Nam diễn viên chính vào năm 2002 với vai diễn nhà báo Thomas Fowler trong phim.

– Phim sử dụng ca khúc “Thiên thai” (của cố nhạc sĩ Văn Cao) và “Nothing in This World” (với một phần lời Việt) cho đoạn giới thiệu mở đầu và kết thúc phim (open credit và end credit). Cả hai ca khúc đều do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện.

– Có 3 diễn viên người Việt được đảm nhiệm vai chính trong phim: Hải Yến (vai nữ chính, Phượng), Mai Hoa (vai Hải, chị của Phượng), Quang Hải (vai tướng Trịnh Minh Thế).

– Phim dự kiến phát hành vào năm 2001, nhưng do sự kiện khủng bố ngày 11/09, lịch công chiếu phải dời lại tới năm 2002. Điều này đã thay đổi vận mệnh của bộ phim! Phim chịu thất bại lớn về thương mại, chỉ thu được gần 27,7 triệu USD trên toàn cầu, so với chi phí sản xuất là 30 triệu USD.

Sự xuất hiện của phim “Người Mỹ trầm lặng” khiến tôi nhận ra cơ hội vàng để áp sát công nghệ làm phim của Hollywood là đây. Cho đến giờ, với tôi, “Người Mỹ trầm lặng” là môi trường làm nghề quý giá trong sự nghiệp của mình, dù ở đó tôi phải căng tai căng mắt để nghe, để hiểu người ta nói gì. Bộ phim đã tạo ra nhiều thay đổi trong sự nghiệp của tôi, không phải với tư cách diễn viên mà là quá trình đạo diễn và sản xuất phim.

– Nghĩa là anh đã lĩnh hội được rất nhiều từ ê-kíp làm phim “Người Mỹ trầm lặng”, đặc biệt là đạo diễn Phillip Noyce?

– Khi Hải Yến được chọn vào vai Phượng, tôi và ông Phillip Noyce đã có những cuộc nói chuyện riêng. Tôi nhớ mình đã nói: “Tôi muốn Yến thành công và tôi tin là ông cũng muốn bộ phim của ông thành công… Xin ông giúp tôi biết cách làm phim”. Vài ngày sau, tôi xin ông ấy 30 phút để đọc kịch bản đầu tay của mình. Ông Phillip cho phép tôi đặt 10 câu hỏi mỗi ngày, nhưng phải bí mật.

Những ngày đầu tôi rất hào hứng nhưng sau đó, thấy ông ấy phải xử lý quá nhiều việc và sợ mình làm phiền ông, nên tôi đã tự ý rút lại những thắc mắc của mình, chỉ khi nào thật cần thiết mới hỏi. Thay vào đó, tôi quan sát cách ông làm việc và giao tiếp với những người trong đoàn.

– Vậy anh nhận xét gì về vị đạo diễn nổi tiếng này?

– Phillip Noyce là người có trái tim lớn. Trong một cảnh quay nổ bom tại Nhà hát Lớn thành phố (cảnh này quay bằng 6 camera ở các góc độ khác nhau), đạo cụ tại hiện trường có cả lòng heo, trời nắng nên chúng bốc mùi kinh khủng, còn diễn viên quần chúng thì phải nằm la liệt dưới nắng gắt. Nhận thấy khó khăn của diễn viên, ông cầm loa nói to: “Tất cả các diễn viên, cho tôi một lần nữa được cảm ơn các bạn. Chúng ta đang tái hiện lại một phần lịch sử Việt Nam. Và ngay lúc này, vai trò của các bạn còn quan trọng hơn hai người đứng cạnh tôi là Michael Caine và Brendan Fraser. Tôi đề nghị tăng cát-sê cho những người đang nằm ở đây”. Đó là bài học lớn tôi học được. Một đạo diễn phải thật sự có tấm lòng với những người đang làm việc với mình.

ngo-quang-hai-2

Vai tướng Thế không phải là đính kèm

– Đồng hành cùng anh đến buổi casting là Hải Yến, ở thời điểm ấy, sự lựa chọn của nhà sản xuất cho vai Phượng có đến bất ngờ như cách người ta vẫn kể?

– Yến cùng tôi đến buổi casting, bà Christine King (giám đốc casting phim) nhìn thấy Hải Yến và xin tôi ảnh của cô ấy. Ngay lập tức, tôi từ chối vì hiểu cái nghề mình đang theo đuổi vất vả thế nào. Yến lúc đó là bạn gái của tôi, tôi không muốn cô ấy phải khổ. Nhưng sau một hồi bị thuyết phục, tôi hứa sẽ đưa ảnh Yến cho bà. Tuy nhiên, tôi cười và bảo bà hãy thay đổi yêu cầu về diễn viên chính trên thông báo tuyển diễn viên, “một cô gái tóc dài, có nụ cười xinh và làn da trắng” – chỉ có hình thức, không có nội dung.

Yến lúc đó không biết tiếng Anh, chỉ có thể đọc thuộc lòng chứ không hiểu gì. Đi casting, có người thuê áo dài mấy triệu, còn áo dài của Yến do tôi đi mượn. Biết Yến là người có cổ và bờ vai đẹp, tôi đã tập cho cô ấy một cảnh trong phim để đi casting. Tới buổi thử vai, cô ấy chỉ cần cười và nói một câu rất ngắn. Sau này, cảnh Yến ngoái đầu lại được chọn làm poster của phim. Khá vất vả chúng tôi mới qua được vòng 1.

Sau đó, đạo diễn Phillip Noyce trực tiếp bay từ Mỹ về. Tôi còn nhớ lần gặp đầu tiên, khi ông hỏi Yến có khỏe không thì cô ấy trả lời: “Tôi muốn uống Cocacola!” và ông cười phá lên. Mỗi lần gặp đạo diễn Phillip Noyce, tôi lại nhắc Yến để một kiểu tóc khác nhưng đơn giản thôi vì vẻ đẹp của Phượng trong phim được ví như cây cỏ.

Ở vòng thử vai cuối cùng, đạo diễn Phillip Noyce hỏi tôi: “Hải Yến có hợp với vai Phượng không?”, “Anh nghĩ Yến nên vào vai này vì anh yêu cô ấy?”. Tôi cười trừ và trả lời, cô ấy hợp vì có thần thái của Phượng.

– Vậy anh có nhận xét gì về diễn xuất của Hải Yến trong phim?

– Đối với tôi, Phượng phải khác… Đó là một nhận xét rất vô tư về điện ảnh chứ không ác ý gì!

– Anh nói gì về tin đồn nhờ Hải Yến nên anh mới có được vai tướng Thế?

– Không bao giờ có chuyện kèm như vậy. Các nhà làm phim nước ngoài rất rõ ràng và sòng phẳng, họ chỉ làm những gì tốt cho công việc thôi.

Sau này khi ra mắt phim tại một số nước, trước những tình huống khó khăn, tôi đã phải đối diện với những câu hỏi rất khó và buộc phải trả lời giúp Yến. Tôi nhớ, có một phóng viên nước ngoài hỏi Yến rằng: “Thưa cô, chúng tôi được biết, vai Phượng, như miêu tả của Graham Greene có vẻ đẹp của hoa lá cây cỏ, nhưng trong phim cô ấy là một gái điếm và cô ấy yêu hai người đàn ông một lúc. Vậy cô hiểu biểu tượng đó như thế nào?”.

ngo-quang-hai-3

Yến không trả lời được và tôi thay mặt cô ấy trả lời: “Hải Yến còn quá nhỏ để biết như thế nào là biểu tượng. Tôi cũng chỉ biết ý nghĩa của từ đó qua từ điển nhưng gia đình tôi và những người xung quanh đã có quá nhiều mất mát trong chiến tranh, song họ vẫn luôn lạc quan hướng đến tương lai. Trở lại với Phượng trong phim, cái quan trọng nhất với người phụ nữ là tình yêu. Không phải cô ta yêu ai hay yêu bao nhiêu người mà suy nghĩ về tình yêu của cô ấy như thế nào, cách cô ấy tiếp nhận tình yêu và giữ được vẻ đẹp trong sáng đó”. Mọi người nghe xong thì vỗ tay rầm rầm.

Lời đồn tôi hét giá cát-sê là một câu chuyện thêu dệt

– Còn chuyện cả hai suýt bị hủy vai vì đòi nâng giá cát-sê, thực hư câu chuyện ấy như thế nào?

– Đó là chuyện thêu dệt. Thực tế, cả quá trình đàm phán về cát-sê cũng rất khủng khiếp. Đến nỗi, diễn viên Michael Caine khi biết chuyện còn hỏi tôi tại sao không thuê luật sư mà lại thương thảo một mình. Tôi đã không biết là ký hợp đồng với nhà sản xuất lại phức tạp đến thế, dù trước đó tôi đã từng va chạm nhiều.

3 ngày trước khi rời Úc về Việt Nam, chúng tôi bắt đầu bàn về hợp đồng. Họ áp đặt con số 50.000 đô Úc và nói nếu không đồng ý, tôi và Yến có thể trở về Việt Nam ngay lập tức. Nghĩa là chúng tôi không có quyền đàm phán. Đương nhiên tôi không đồng ý. Họ gây sức ép liên tục, bắt chúng tôi phải trả lời. Khi thấy chúng tôi không đổi ý, họ nói sáng mai sẽ để chúng tôi về Việt Nam và trả 5.000 đô Úc cho chi phí sang đàm phán.

Cả tối đó, Yến cứ nằm trên giường và khóc. Tôi hỏi Yến có tức không, cô ấy nói có. Yến không chịu nổi cách người ta không cho cô ấy được nói. Tôi lại hỏi Yến có tiếc không nếu mất vai diễn này, cô trả lời nếu nói không là nói dối.

Sáng hôm sau, họ trả thêm 5.000 đô nữa. Lúc đó, tôi chỉ yêu cầu bà Christine King khoan nói về con số mà hãy nhìn Yến, xem những áp lực này đã hành hạ cô ấy như thế nào. Số tiền đó rất quý nhưng đừng đối xử với chúng tôi như thế.

Bà ấy nói muốn ký hợp đồng vai tướng Thế với tôi trước. Tôi nhắc để bà ấy không quên câu chuyện lúc này không phải là tôi, mà về cát-sê của Yến… Khi bà ấy nói sẽ thêm 5.000 đô nữa cho vai Phượng, tôi đứng dậy ngay và tuyên bố: “Câu chuyện của chúng ta kết thúc ở đây. Chúng tôi đến đây vì muốn cống hiến điều gì đó cho bộ phim chứ không phải là chịu áp bức”. Cứ thế, con số tăng dần lên đến 80.000 đô. Tôi trả lời, nếu vẫn giữ cách đàm phán đó thì con số tôi đưa ra là 500.000 đô. Và ngay lập tức, có lời đồn tôi hét giá cát-sê.

Khi tôi gặp đạo diễn Phillip Noyce, ông ấy hiểu những gì chúng tôi muốn. Ông ấy quyết định số tiền cát-sê sẽ là 150.000 đô (chưa trừ thuế), chúng tôi sẽ nhận trước 35.000 đô, số còn lại sẽ trả sau khi phim có lời. Tiếc là phim không có lời.

– Vậy mà người ta vẫn nói vì anh kìm hãm nên sự nghiệp đóng phim của Yến không thể tiến xa hơn ở Hollywood?

– Tôi là người muốn cô ấy nổi tiếng hơn ai hết. Sau “Người Mỹ trầm lặng”, Hải Yến có casting thêm phim “Hồi ức một geisha”. Tôi là người đích thân đưa cô ấy đến Chợ Lớn, hay ra tận Vũng Tàu để quay thử rồi gửi sang casting, nhưng không được nhận vai. Yến khá sốc về chuyện này. Để an ủi cô ấy, tôi bảo: “Em sai rồi, để có vai trong phim Hollywood không chỉ cần tài năng mà còn cần thị trường và nhiều yếu tố khác”. Khi biết diễn viên Chương Tử Di được nhận vai, tôi nói với Yến: “Hãy đặt mình vào vị trí của Chương Tử Di, nếu cô ấy cũng casting vai Phượng và thất bại”. Lúc đó, tôi hiểu Yến nghĩ gì.

nguoi-my-tram-lang
Ảnh tư liệu trong phim “Người Mỹ trầm lặng”

KHI NGƯỜI MỸ… KHÔNG TRẦM LẶNG

Năm 2002, “Người Mỹ trầm lặng” – bộ phim về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Phillip Noyce – chính thức được công chiếu rộng rãi trên toàn thế giới. Bộ phim được quay tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều gương mặt đại diện cho nền điện ảnh Việt lúc đó đã là một tiếng vang, thu hút được sự quan tâm lớn từ công luận.

Sau 15 năm vật đổi sao dời, khi những người xưa đã thành cố nhân, khi bản hợp đồng cũng đã ráo mực, thì câu chuyện những người trong cuộc chọn kể không chỉ là chuyện nghề, mà là những hoài niệm, dư âm – dù có phần… chênh phô ở không ít tình tiết, nhưng lấp lánh trong đó vẫn là niềm tự hào, bởi họ đã tận hiến hết mình.

Còn “trầm lặng” hay không, đó là lựa chọn sống của mỗi người!

Tổ chức: Việt Tú

Đọc thêm:
– Diễn viên Đỗ Thị Hải Yến: Phượng làm tôi nhớ đến sự dại khờ của đàn bà tuổi
– Nàng thơ & những chiếc đũa thần


From the same category