“Loài người mơ cùng một giấc mơ bốn năm một lần. Giấc mơ đó chính là hòa bình phải không?”, dòng chữ hiện ra như một lời khép lại cho phim tài liệu Tokyo Olympiad. Vậy mà bây giờ loài người còn chẳng cần đến bốn năm, suốt hai năm qua họ đã cùng mơ chung một giấc: giấc mơ ngày trở lại.
Hai năm thời kì đen tối của nhân loại. Một ngày nào đó, thế hệ “sống sót” sau dịch bệnh sẽ kể lại về những năm tháng này. Họ kể về những khó khăn và hi sinh, sự ra đi và ở lại, và họ cũng kể về những giấc mơ của họ trong thời điểm đó. Đó chính là “anh công nhân có thể đến công trường, thầy cô giáo có thể đến bục giảng, học sinh có thể đến trường, anh chủ doanh nghiệp có thể mở cửa công ty….và một sân khấu chỉn chu để đứng lên đã là ước mơ tất cả các nghệ sĩ lúc này”, đạo diễn Ngãi Võ viết trên trang cá nhân.
Điểm chung của những giấc mơ ấy nằm ở chỗ “bình thường”. Nếu là hai năm trước, những khát khao kia chẳng có gì đáng để khao khát. Nhưng trong thế giới xoay theo trật tự Covid, sự bình thường ấy bỗng thành xa xỉ. Như đạo diễn Ngãi Võ đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Có đôi khi những ước mơ tưởng chừng như cao quý lắm, nhưng không, ước mơ của chúng ta lúc này là trở về cuộc sống thường nhật. Những tiếng rao “Bánh mì sài gòn, chân gai gò cút lộn, mài kéo mài dao đây cô bác ơi, hay những câu hỏi “đánh giày không anh ơi?” tưởng gần gũi nhưng nó rất xa lạ, gần như là trong giấc mơ của mỗi người lúc này”. Có lẽ trong tất cả sự hỗn loạn bây giờ, thứ chúng ta mong ngóng nhất chính là sự yên bình trở lại.
Mặc dù bị hạn chế di chuyển, nhưng chúng ta đều có thể ngủ một giấc tròn vẹn nếu muốn. “Ngoài kia, vẫn có những người thiếu hụt nghỉ ngơi, chỉ mong được chớp mắt thêm ít phút để có sức mà chống dịch. Các y bác sĩ đã phải hy sinh rất nhiều, họ phải thường trực dài ngày tại các điểm làm việc. Họ không được về nhà, họ không có một giấc ngủ ngon. Họ chỉ có thể tiếp xúc với người thân qua những cuộc gọi vào những khoảnh khắc nghỉ ngơi hiếm hoi sau mỗi ca trực. Họ phải đối mặt với sự căng thẳng và mệt mỏi cả về thể xác và tinh thần. Đó là những nỗ lực to lớn của các thầy thuốc”, đạo diễn Ngãi Võ viết. Họ được gọi là những anh hùng áo xanh. Năm 2020 và 2021 chính là lúc những khái niệm thay đổi, và ở đó ước mơ của anh hùng chính là được trở về nhà.
“Họ đã phải làm việc không kể thời gian, không kể hiểm nguy, nỗ lực gấp 2-3 lần, thậm chí nhiều hơn thế để có thể chạy đua với thời gian, ngăn chặn sự lây nhiễm của nhiều biến chủng, cấp cứu bệnh nhân, giành giật mạng sống với tử thần. và họ mong sao cho những người bên ngoài không bị nhiễm bệnh và đừng phải có mặt tại các bệnh viện dã chiến hay là các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch, mong sao cho mọi người khỏe mạnh”. Trước những nỗ lực đó, những gì ta có thể làm cho các y bác sĩ lúc này chính là chấp hành tốt quy định giãn cách, tuân thủ 5K. Giữ cho bản thân khỏe mạnh chính là đang giảm sức ép lên lực lượng y tế và bảo vệ những người xung quanh.
“Với 10 ngày chúng tôi đã làm ra 1 chương trình hơn 150 phút, 0 đồng và tất cả mọi người trong show không gặp mặt nhau”. Đó là một câu mô tả hoàn chỉnh của đạo diễn Ngãi Võ về đêm hòa nhạc kì lạ “Cảm ơn những điều phi thường”. Chương trình không có sân khấu, nghệ sĩ không còn lấp lánh dưới ánh đèn, lớp trang điểm chẳng còn kĩ càng như trước. Tất cả chỉ còn lại sự đơn giản mộc mạc và mong muốn lan tỏa tinh thần tương thân tương ái đến khán giả. Đại dịch làm chúng ta xa cách nhau, rõ ràng là thế. Nhưng âm nhạc sẽ kéo những tâm hồn lại gần nhau hơn, góp phần tạo năng lượng lạc quan, cũng như lan tỏa một niềm tin, niềm hy vọng trụ vững sau đại dịch Covid 19.
“Đây cũng là cách tôi mong muốn chúng ta sống cùng với lực lượng tuyến đầu khi đã lâu lắm rồi họ không trang điểm với những lằn ranh ẩn sâu trên mặt do đeo khẩu trang quá lâu. Hay đã cắt phăng mái tóc của mình để làm việc không vướng víu với cái nóng khi mặc bộ đồ bảo hộ. Chương trình là một sự trải lòng, chia sẻ với những giây phút lắng đọng vào đêm chủ nhật, khi mà bên ngoài kia, rất nhiều gia đình vẫn đang khó khăn, xoay sở cho những người thân của mình không may nhiễm Covid. Và cũng ngoài kia các lực lượng y bác sỹ, lực lượng tuyến đầu tiếp tục gồng mình để chống dịch. Tôi mong quý vị xem và cảm nhau bằng âm nhạc, câu chuyện nhiều hơn”, đạo diễn Ngãi Võ gửi gắm. Thông qua đêm nhạc trực tuyến “Cảm ơn những điều phi thường”, tính đến 21 giờ 35 phút ngày 15/8/202, tổng số tiền gây quỹ được là 2,3 tỷ đồng – trong đó 1.434.398.474 đồng (hiện kim) và 944.360.000 đồng (hiện vật). Chương trình vẫn nhận sự đóng góp của quý khán giả và mạnh thường quân, những đóng góp đó sẽ tiếp sức rất nhiều cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Thay cho lời kết, mượn lời của của vị đạo diễn gửi đến thành phố đang “bệnh”: “Tôi tin rằng nhất định TPHCM sẽ quay trở lại với cuộc sống thường nhật của mình giống như trước đây”. Loài người mơ cùng một giấc mơ suốt hai năm này. Giấc mơ đó chính là sự yên bình trở lại, phải vậy không?
Đạo diễn Ngãi Võ
Đạo diễn Ngãi Võ là cái tên quen thuộc với các nghệ sĩ và những sân khấu biểu diễn tại Việt Nam. Anh được biết đến với là đạo diễn của những “cú đấm lớn” (hoặc những “hit” liveshow) riêng của từng ca sĩ. Có thể kể đến là cú hit mang tên Sơn Tùng MTP với liveshow “Sky Tour” năm 2019 hay gần đây nhất là liveshow “Tri Âm-2021” của “chị đại” Mỹ Tâm. Anh cũng là người đưa nhạc Trịnh gần hơn với khán giả trẻ nhưng vẫn giữ được chất riêng quen thuộc cho đối tượng lớn tuổi đã gắn bó với nhạc Trịnh từ lâu. Nếu như “Cánh Vạc Kinh Bắc – 19 năm nhớ Trịnh” từng gây nhiều cảm xúc trong lòng khán giả yêu nhạc Trịnh vào năm ngoái, thì Ngãi Võ đã tiếp tục mang đến một bữa tiệc âm nhạc đầy ký ức “Những Sớm Mai Việt Nam – 20 năm nhớ Trịnh” vào đầu năm nay.