Đạo diễn Lê Quốc Nam: Tôi mua xe hơi lúc nghệ sĩ Sài Gòn đi xe máy - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn Lê Quốc Nam: Tôi mua xe hơi lúc nghệ sĩ Sài Gòn đi xe máy

Giải Trí

Sài Gòn vang bóng

Chỉ còn ít ngày nữa, Tp.HCM – Sài Gòn kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng – 40 năm ấy là biết bao đổi thay. Những thế hệ nối tiếp nhau gây dựng sự nghiệp và thành công trên mảnh đất hoa lệ ấy. Nhưng, cũng có bao người chứng kiến hào quang và mất mát cũng ở chính mảnh đất này. Sự đổi thay là quy luật của tạo hóa, mà nói như nghệ sĩ Thương Tín “Nếu không có những biến đổi, Sài Gòn không thể như bây giờ và cũng không có cái tên Thương Tín như hiện tại”.

Đẹp Online nhân dịp này đã tìm đến những gương mặt tạo nên đời sống văn nghệ Sài Gòn một thuở để mời họ xuất hiện chung trong chuyên đề mang tên: “Sài Gòn vang bóng”. Chúng tôi tin rằng, sẽ chẳng có điều gì được dựng xây, nếu không có người đặt nền móng – Và chúng tôi làm chuyên đề này với ý nghĩa tri ân như vậy!

Cùng một chuyên đề:
Thương Tín: Cuộc đời toàn những điều lạ kỳ
Việt Trinh: Chiếc xe còn hỏng nói chi cuộc đời
Nguyễn Quốc Nam: Tôi đi xe hơi từ thời Sài Gòn toàn xe máy

Chỉ còn ít ngày nữa, Tp.HCM – Sài Gòn kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng – 40 năm ấy là biết bao đổi thay. Những thế hệ nối tiếp nhau gây dựng sự nghiệp và thành công trên mảnh đất hoa lệ ấy. Nhưng, cũng có bao người chứng kiến hào quang và mất mát cũng ở chính mảnh đất này. Sự đổi thay là quy luật của tạo hóa, mà nói như nghệ sĩ Thương Tín “Nếu không có những biến đổi, Sài Gòn không thể như bây giờ và cũng không có cái tên Thương Tín như hiện tại”.

Đẹp Online nhân dịp này đã tìm đến những gương mặt tạo nên đời sống văn nghệ Sài Gòn một thuở để mời họ xuất hiện chung trong chuyên đề mang tên: “Sài Gòn vang bóng”. Chúng tôi tin rằng, sẽ chẳng có điều gì được dựng xây, nếu không có người đặt nền móng – Và chúng tôi làm chuyên đề này với ý nghĩa tri ân như vậy!

Những diễn viên trong các nhóm hài do anh thành lập, từ Hoàng Tùng, Vân Anh (nhóm Đen Trắng) tới Anh Vũ, Hữu Thạch, Minh Béo (nhóm Lê Quốc Nam)… khi đến với anh đều ở vạch xuất phát là số 0, nhưng giờ đây họ đều là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làng sân khấu phía Nam.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, làm đồng nghiệp của rất nhiều cây đại thụ trong làng sân khấu kịch Sài Gòn như: Thanh Bạch, Xuân Hương, Ngọc Giàu, Hoài Linh…, nhưng ngay cả khi Lê Quốc Nam đứng ở giữa con phố đông đúc của thành phố 10 triệu dân này, cũng chỉ vài người biết tên anh. Mà họ cũng là những người ít nhiều có mối liên quan đến nghệ thuật. Dưới đây là tâm sự của Lê Quốc Nam, đạo diễn Sân khấu kịch Hồng Vân, với Đẹp Online:

 2-copy

Đạo diễn – diễn viên Lê Quốc Nam.

– Điều gì đưa anh đến với nghệ thuật trong khi cả gia đình anh theo nghề kinh doanh?

– Tôi khác hẳn mọi người trong nhà, từ bé tôi vẽ rất đẹp, thường xuyên đi vẽ thuê để đổi lấy đồ chơi hoặc tiền ăn quà vặt. Nên ba hướng tôi đi theo nghề kiến trúc sư chứ không bắt tôi nối nghiệp kinh doanh. Nhưng tôi đã làm trái ý ba, đi học nhạc viện rồi ra làm nhạc công. Được 2 năm, tôi bỏ ngang vào quân ngũ đi sang tận Campuchia. Hết nghĩa vụ, tôi mới chiều ý ba đi thi trường Kinh tế và đậu điểm cao. Nhưng ngày đầu nhập trường, tôi về ngang qua trường Sân khấu Điện ảnh, thấy người ta vây kín cổng trường, tôi nổi tính hiếu kỳ nhào vô xem mới biết trường đang tuyển sinh, thế là tôi cũng làm hồ sơ để đi thi xem sức mình làm được tới đâu. Tôi thích chứng minh cho người ta thấy, họ làm được tôi cũng vậy. Có lẽ đó cũng là sai lầm.

Không may, tôi lại thi đậu và tôi theo học nghề diễn xuất. Ba tôi giận lắm, không nhìn mặt tôi suốt 5 năm trời. Tôi phải tự bươn chải để theo học nên quãng thời gian làm sinh viên của tôi cũng cực khổ không khác gì những người ở tỉnh lẻ lên Sài Gòn đi học.

Lúc còn đi học, tôi thích đi diễn nên nhiều lần đến sân khấu để xin vai mà bị từ chối, phần nhiều do người ta thấy vẻ ngoài của tôi bặm trợn quá. Nhiều lần như vậy tôi được anh Phước Sang thương tình cho vào dự bị, nhưng chủ yếu chỉ toàn đi… xếp ghế ở rạp. Lúc ấy tôi nghĩ, để làm được nghề này chỉ kiên trì thôi không đủ. Nếu người ta không cho mình cơ hội, tại sao mình không tự tạo ra nó.

– Từ người đi xếp ghế, anh làm gì để tạo ra đoàn kịch có thương hiệu Đen Trắng mà bây giờ mọi người vẫn nhắc tên?

– Học đến năm thứ 2, tôi mày mò để lập ra nhóm kịch Đen Trắng cùng với Hoàng Tùng và Vân Anh. Khi ấy, cả ba chúng tôi đều trẻ, còn sân khấu lúc đó toàn là những cái tên “khổng lồ”: Thanh Bạch – Xuân Hương, nhóm hài Tuổi đôi mươi (của Phước Sang) rồi vô số những nhóm lớn nhỏ khác. Tôi nung nấu câu hỏi: Làm sao để tạo được ấn tượng khi mình còn quá nhỏ bé.

Người ta bảo cái khó ló cái khôn, quả chẳng sai. Sân khấu hài khi ấy dù rất thịnh nhưng lại chỉ có một loại hình tấu hài đơn sơ, hai người nói qua nói lại để gây cười. Tôi nghĩ, để làm được mình phải có cái nền tốt, chính là kịch bản. Tôi mày mò viết những vở diễn có nội dung, không chỉ làm vui mà phải khiến người ta xem xong còn đọng lại được điều gì. Chúng tôi đưa nhạc nền vào kịch, cho kỹ xảo ánh sáng để tăng thêm hiệu ứng sân khấu… Điều ấy làm Đen Trắng khác biệt. Nhiều nhóm khác bắt đầu làm theo và được khán giả yêu thích. Lúc đó, tôi nhớ, những kịch bản hài tôi viết, đồng nghiệp mang ra hải ngoại diễn xem xong khán giả còn khóc nức nở.

– Có vẻ như ý tưởng khởi nghiệp của anh thành công rất nhanh nhưng rồi cũng “chìm xuồng” nhanh nhỉ?

– Không hẳn vậy. Đen Trắng chỉ làm những thứ người ta chưa làm, đến giờ mọi người vẫn bảo chúng tôi là những người tiên phong. Mà thói thường, cái gì khác biệt luôn gặp khó. Có khi chúng tôi đang diễn rất hăng thì bị cắt âm thanh, ánh sáng. Hay bị người ta dồn, cắt tiết mục mà mình dày công chuẩn bị. Nhưng càng khó, chúng tôi càng kiên trì. Chỉ hai năm sau, Đen Trắng được xuất hiện ở những sân khấu lớn như Trống Đồng, Nhà hát Hòa Bình. Ngày nhận được lời mời diễn ở Trống Đồng, tôi vui đến cả đêm ngủ không nổi. Rồi catse theo đó mà tăng gấp đôi, show diễn nhiều đếm không nổi. Chúng tôi phải mời nhiều diễn viên tham gia chung.
Những giải thưởng trong các Liên hoan sân khấu Nam, Bắc đều thuộc về mình. Đen Trắng từ một cái tên mới tinh, được đứng ngang với Hồng Tơ, Bảo Chung, Ngọc Giàu….

1-copy

Có lẽ do may mắn nữa. Tôi chọn được đúng thời điểm xuất hiện, để làm những thứ mình thích. Thời tôi gia nhập, sân khấu hài đang phát triển tự do nên tôi có “đất” để thể nghiệm những ý tưởng của mình. May mắn những thứ mình làm đều được khán giả thích. Tôi nghĩ người làm nghệ thuật cũng như người đầu bếp, chỉ là kết hợp những thứ có sẵn thành món ăn. Món nào ngon, được mọi người thích sẽ trở nên phổ biến hơn.

Như thời tôi hoạt động trong nhóm Đen Trắng, những thành quả đều được tính là chung. Đến khi anh Hoàng Tùng gặp bạo bệnh rồi nghỉ. Đen Trắng không còn, cũng chẳng có ai biết đến Lê Quốc Nam là ai cả. Những thứ tôi làm chẳng mang lại cho tôi thứ mà tôi mơ ước từ ngay lúc bắt đầu.

– Rồi điều gì kéo anh ra khỏi sân khấu, khi anh “vật vã” để có thể đến gần với nó?

– Đúng là cuộc đời có nhiều thứ đến rất bất ngờ mà tôi không cưỡng lại được. Tôi chưa bao giờ bỏ sân khấu, nhưng có những thứ thúc bách mình phải làm, khi anh em gặp hoạn nạn, tôi hiểu phải có tiền mới lo cho mọi người được. Tôi không sống ích kỷ được. Và tôi đi kinh doanh.

Thực ra, trời cho tôi có con mắt nhìn xa. Đen Trắng ngày ấy, kể cả có người thay thế anh Hoàng Tùng cũng không thể đi xa hơn được nữa. Tôi thành lập nhóm hài mới mang tên mình và cũng gặt hái được không ít thành quả. Lạ thay, khán giả vẫn chẳng nhớ tên tôi trong khi cộng sự của tôi như Anh Vũ, Hữu Thạch, Vân Anh… lại trở thành gương mặt quen thuộc của khán giả. Đâu phải mình không có tài, cũng chẳng ai ghét mình mà sao mình không nổi được. Tôi hiểu, mỗi người có một cơ duyên.

– Nghệ thuật không mang cho anh danh tiếng nhưng điều gì khiến anh gắn bó đến tận giờ?

– Tôi từng nghĩ mình sai lầm nhưng giờ thì không. Bọn tôi có Tổ nghiệp, mỗi người đều được giao cho một trọng trách khác nhau. May mắn tôi nhận ra điều này không quá muộn, nó khiến tôi thanh thản để tiếp tục làm nghề. Những vở kịch tôi viết, không giữ làm của riêng mà chia sẻ cho anh em cùng làm như “Đình cõi âm”, “Oan hồn truyện”, “Ma khùng”. “Vùng quê yên tĩnh” là vở kịch kinh dị đầu tiên tôi viết cho sân khấu Sài Gòn, trước khi có “Người vợ ma” của Thái Hòa.

Nhiều người có tiếng nhưng sống vẫn chật vật

– Làm nghệ thuật ngoài chuyện đam mê thì vẫn phải nuôi sống được mình. Anh có nghĩ mình sống được bằng nghề không?

– Mọi người không biết đấy, vẫn có nhiều người có tiếng nhưng cuộc sống của họ chật vật lắm. Còn tôi, từ khi vào nghề, tôi tự tin rằng mình kiếm tiền không thua kém nhiều người có danh tiếng. Nhưng tôi không dùng tiền ấy cho riêng mình. Tôi rất nặng gánh gia đình. Tôi làm trụ cột cả gia đình lớn lẫn gia đình nhỏ. Đời tôi có bao nhiêu niềm vui, điều tốt đẹp đều dành hết vào những vở diễn.

– Thời gian gần đây, giới nghệ sĩ khiến dư luận chú ý khi khoe mình sở hữu những đồ vật giá trị khủng. Điều này có khiến anh để tâm?

– Tôi không thấy lạ lắm. Thời nào cũng vậy, nghệ sĩ họ quan niệm mình phải xuất hiện trong hình ảnh đẹp nhất có thể vì họ là người của công chúng mà. Vậy nên, tôi cũng từng khiến người ta giật mình đấy, khi thấy tôi đi xe hơi. Khi giới nghệ sĩ Sài Gòn đi vespa cũng được gọi là sang thì tôi đã lái xế hộp. Dám chắc rằng, ai đó nhìn thấy tôi bước ra khỏi xe, họ sẽ “nản” lắm. Vì người và xe – một trời – một vưc.

Nhưng tôi là người thuộc tuýp không thích thể hiện mình. Tôi ở trên sân khấu và ngoài đời, chỉ là một thôi. Một vài người nói tôi làm xấu mặt giới nghệ sĩ vì chẳng khi nào thấy tôi mặc một bộ âu phục đúng chuẩn. Tất nhiên, tôi có dư khả năng để làm việc đó chứ. Tôi cũng chỉ sắm những thứ phục vụ cho công việc mà thôi.

Tôi không có mục tiêu làm giàu. Tôi kiếm tiền để phục vụ cho sở thích của mình. Mà sở thích của tôi lạ lắm. Tôi sưu tập đồ cổ để đầy nhà. Rồi mới đây, tôi lại dùng hết tiền để mở một quán cà phê mà tôi ấp ủ từ mấy năm trước. Đó là một không gian rất Sài Gòn của thời mới giải phóng, tôi đặt tên “Cà phê Sài Gòn 1975”. Ý tưởng này tiêu tốn của tôi khá nhiều thời gian, thậm chí tôi còn bỏ hẳn lời mời làm đạo diễn một bộ phim điện ảnh kinh dị Thái – Việt. Tôi chỉ kịp hoàn thành kịch bản phim rồi chuyển giao lại cho nhà sản xuất.

– Anh sẽ đi tiếp đam mê thế nào khi vẫn là cái tên thầm lặng?

– Mình không còn trẻ nữa, những thứ đã làm, nếu cố gắng cũng chỉ có thể duy trì nó chứ không thể vượt xa hơn. Tôi đang “thắng” mình lại, mỗi thứ làm một ít. Giờ tôi chủ viết kịch bản, đạo diễn cho sân khấu kịch Hồng Vân, nơi tôi gắn bó 2 năm nay. Tâm huyết mình gắn bó mấy mươi năm, dễ gì bỏ được? Hơn nữa, sân khấu hài sau bao phen lận đận, giờ mới có thể quy về một mối. Chúng tôi vừa lập được câu lạc bộ hài mà anh Hoài Linh quản lý. Tôi sẽ làm những gì mà Tổ nghề giao cho, giúp đỡ những nghệ sĩ trẻ có được bước đi vững chắc hơn trong nghề và cùng xây dựng hài kịch trở thành loại hình đẳng cấp hơn trong lòng công chúng.

– Cảm ơn những chia sẻ của anh.

 

Thực hiện: depweb

24/03/2015, 16:22