Đạo diễn Lê Hoàng: Thầy phải già và phải nghèo! - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn Lê Hoàng: Thầy phải già và phải nghèo!

Sống

Văn học nghệ thuật của chúng ta tuy phản ánh đủ thứ trên đời nhưng cũng dành một “bộ phận không nhỏ” để miêu tả các thầy cô trong sách vở, trong sân khấu và điện ảnh. Tuy vậy, điều vô cùng ngạc nhiên là từ thành thị tới nông thôn, từ núi cao đến đồng bằng, nhân vật thầy cô thường khá giống nhau, thường gây cho người xem cảm giác kính cẩn nhưng… không mơ ước trở thành.

Dưới đây, chúng tôi xin thống kê một vài biểu hiện mà trong nghệ thuật, thầy cô luôn luôn có, đã được in sâu vào tâm lý người sáng tác và người xem tới ngàn năm, sâu sắc tới mức có lẽ khán giả nào cũng thuộc lòng. Đó là:

1. Thầy phải già. Tóc thầy phải điểm bạc, sức khỏe thầy phải yếu, khi nói chuyện với khách khứa, thầy phải luôn luôn ho, thỉnh thoảng ôm ngực.
2. Thầy phải nghèo: Cái nghèo phải được nhìn thấy trong nhà rất rõ ràng, tuy nhiên thầy không khi nào nói tới tiền. Thầy trở thành giáo viên vì muốn xây dựng tâm hồn cho học trò chứ không phải muốn xây nhà cửa cho mình.
3. Nhà thầy phải chất đầy sách, sách để kín tường và phần lớn là sách cũ.
4. Thầy trò chuyện lúc nào cũng ân cần, nhỏ nhẹ.
5. Vợ thầy cũng già như thầy và rất hiền, con thầy luôn luôn rất ngoan và học rất giỏi.
6. Thầy có nhiều album cũ chụp hình với các học trò. Trong đó học trò nhiều người đang giữ các chức vụ rất to nhưng thầy không nhấn mạnh.
7. Khi khách khứa ra về, thầy luôn tiễn ra tới cửa, mắt thầy luôn ánh lên.
8. Thầy luôn luôn được hàng xóm yêu quý.
9. Thầy đã có nhiều cơ hội thăng chức nhưng luôn từ chối vì muốn ở lại với học trò.
10. Thầy thường suốt đời gắn bó với một trường.

Đấy, đại loại chúng ta thường xây dựng hình tượng thầy giáo như thế, chả khác gì một nhà tu hành vĩ đại. Còn sau đây là những phẩm chất hầu như chưa khi nào nghệ thuật Việt Nam miêu tả người thầy:

1. Thầy đẹp trai, trẻ trung, cao to, trắng trẻo. Thầy vừa đóng phim hoặc làm người mẫu.
2. Thầy là bạn thân của các cô hoa hậu, ca sĩ nổi tiếng. Họ luôn tới nhà nhau chơi.
3. Thầy lúc xe hơi, lúc mô tô phân khối lớn rất đẹp và thành thạo.
4. Thầy ở trong căn hộ cao cấp, luôn tràn ngập nhạc trẻ và trong nhà có ti vi màn hình lớn chiếu các bộ phim thời thượng.
5. Thầy và học sinh thường đi tắm biển, đi ăn ở các trung tâm thương mại.
6. Hễ hè là thầy sang Paris hoặc London để tham quan các viện bảo tàng.
7. Thầy khiêu vũ giỏi, đá bóng hay, bơi lội cừ, có kiến thức về rượu vang.
8. Vợ hoặc người yêu thầy là diễn viên điện ảnh hay ca sĩ ngôi sao.
9. Thầy luôn mời cả lớp tới nhà
ăn uống.
10. Thầy hướng dẫn học sinh cách chọn quần áo đẹp và cách đi dự tiệc đúng tiêu chuẩn.
11. Thầy dạy hay nhưng học phí
rất cao.
12. Thầy xuất thân từ gia đình quyền quý giàu có.

Nói tóm lại, chúng ta luôn luôn muốn thầy cô là các vị khách và mình tả họ trong quá trình “tử vì đạo”, trong khi phần lớn con người không phải thánh và cũng không muốn trở thành như thế!

NHỮNG NGƯỜI ĐƯA ĐÒ ĐẶC BIỆT

Có những ngôi trường mà mỗi ngày bố mẹ đón con về không cần hỏi câu quen thuộc: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Có những học trò mà mỗi ngày đến trường, ngoài con chữ còn nhận được điều lớn hơn là “sự sẻ chia, để thấy mình không lạc lõng giữa thế giới này”. Có những lớp học mà học trò và thầy giáo chỉ ngang bằng tuổi, vừa học vừa đập tay cười nói rộn ràng như ở trong một thế giới thần tiên nào đấy.

Đó là những lớp học đặc biệt được tạo ra bởi những người thầy đặc biệt. Đẹp đã tìm đến những nơi ấy để hiểu thêm về hai chữ “Làm thầy” và nhận ra thầy giáo nhí của hàng ngàn học trò – Đỗ Nhật Nam – đã đúng khi cho rằng: “Nội hàm của chữ ‘Thầy’ ngày càng được hiểu rộng ra”, để thấm thía lời bà giáo già 86 tuổi đã hơn 20 năm cặm cụi với một lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật: “Tôi thấy mình đang sống!”, khi được hỏi: “Bà nhận được gì?”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin được vinh danh họ – những người đưa đò đặc biệt!

Bài cùng chuyên đề:
– Thầy của kình ngư Ánh Viên: “Thầy trò chúng tôi đều không phải là tài năng”

Đỗ Nhật Nam: “Tôi nghĩ mình chưa đạt được đến chữ ‘Thầy’ cao quý”
– Bà giáo già 86 tuổi Hồ Hương Nam: “Tôi biết mình đang…sống”
 Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thảo Vi: Làm thầy của những học viên áo sọc
– Vũ công Đào Phi Hải: Người thầy  đặc biệt của 3 đứa trẻ  mồ côi mẹ
– Thầy giáo 15 năm cắm bản, dạy trò bằng 5 thứ tiếng
– Mr. Luc Gheysens: “Không gì tuyệt vời hơn là giúp đỡ trẻ em học”

Thực hiện: depweb

20/11/2018, 07:00