Theo đạo diễn Lê Hoàng, hạnh phúc với phụ nữ không phải là được yêu thương mà là được chăm sóc. Bởi vì yêu thương tưởng hay ho, tưởng cao quý nhưng mà vô tận lắm, trừu tượng lắm. Còn phụ nữ hạnh phúc khi được chăm sóc là được hưởng những gì cụ thể, nhìn thấy được, ăn được, dùng được, chơi được chứ chả cần phải mất công suy nghĩ hay vắt óc đoán mò.
Lê Hoàng viết: “Đã có một thời, người ta reo hò rằng hạnh phúc của phụ nữ là thấy chồng con hạnh phúc, là khiến chồng con hạnh phúc và làm tất cả để chồng con hạnh phúc thì mình sẽ hạnh phúc tuyệt diệu. Mấy chục năm qua, chị em vui vẻ tin như thế nhưng đùng một cái gần đây, chả hiểu do ‘đứa’ nào xui khiến, có thể là ma quỷ chăng, chị em đột nhiên tin rằng hạnh phúc là hạnh phúc của cá nhân mình chứ không thể mượn tạm của chồng con… Hiểu ra như vậy, nhưng từ hiểu ra cho tới chỗ thay đổi là một khoảng cách mênh mông”. Và ông tuyên bố, hạnh phúc nhất đối với phụ nữ là được chăm sóc.
Dưới đây là quan điểm của đạo diễn Lê Hoàng bàn về hạnh phúc của người phụ nữ:
Hình như có ngày Noel, ngày của Mẹ, ngày của Cha, ngày thứ sáu đen tối còn chưa đủ, lại có thêm ngày hạnh phúc của trái đất. Trong ngày đó, người ta tuyên bố, người ta tiết lộ và người ta tranh cãi về các chỉ số hạnh phúc giữa quốc gia này với quốc gia kia, giữa người này với người khác đến mức suýt làm tan vỡ hạnh phúc về bè bạn.
Cũng phải công nhận rằng hạnh phúc có quá nhiều tiêu chuẩn, phụ thuộc vào hoàn cảnh, tuổi tác, địa vị xã hội và văn hóa của mỗi cá nhân. Ví dụ như Lê Hoàng thì hạnh phúc khi vợ cho ăn một quả chuối, nhưng các cô khác thì chỉ hạnh phúc khi được làm quen với cô hoa hậu, cô khác nữa thì mua được túi xách 65 ngàn đô la tặng bồ, cô khác nữa nữa thì trở thành giám khảo của một cuộc thi bikini mới là hạnh phúc.
Đã có một thời, người ta reo hò rằng hạnh phúc của phụ nữ là thấy chồng con hạnh phúc, là khiến chồng con hạnh phúc và làm tất cả để chồng con hạnh phúc thì mình sẽ hạnh phúc tuyệt diệu.
Mấy chục năm qua, chị em vui vẻ tin như thế nhưng đùng một cái gần đây, chả hiểu do ‘đứa’ nào xui khiến, chị em đột nhiên tin rằng hạnh phúc là hạnh phúc của cá nhân mình chứ không thể mượn tạm của chồng con. Dù chồng có làm đến chức gì, dù con có đỗ đạt tới đâu mà bản thân mình không được vui chơi, không được mặc đẹp, không được ăn ngon, không có thời gian đi làm tóc, đi mát xa, chỉ suốt đời quần quật trong bếp thì hạnh phúc của mình cũng bé như con chuột nhắt, thậm chí còn bé hơn.
Hiểu ra như vậy, nhưng từ hiểu ra cho tới chỗ thay đổi là một khoảng cách mênh mông, và có thể dễ dàng nhận thấy đa số phụ nữ Việt Nam mình, cái gì thuộc về hạnh phúc cũng quá xa vời.
Chỉ cần bước ra đường ba bước chân thôi, bất cứ ai cũng ngay lập tức bắt gặp phụ nữ đẩy hàng rong, phụ nữ bán vé số, phụ nữ nội trợ, phụ nữ chở rau chở cá đi bán, có cả phụ nữ phụ hồ, bán cà phê đèn mờ hoặc đèn sáng nhưng mờ mờ về tương lai. Gần như tất cả những người như thế chỉ vật lộn với cái ăn, cái mặc là đủ kiệt sức, chả còn hơi đâu tự hỏi xem hạnh phúc mặt mũi ra sao.
Cho nên Lê Hoàng có cảm giác các cuộc tranh cãi về hạnh phúc, dù có vẻ ngoài nghiêm túc đến đâu, cũng sặc mùi sa lông và mùi máy lạnh. Nó là cuộc bàn cãi giữa các ông các bà không thừa mỡ thì cũng thừa thịt hoặc thừa xương, ngồi trên ghế bành nhắm nháp ly cà phê và bàn tán om sòm, bàn tán xong dù thua hay thắng cũng kéo nhau đi uống bia hoặc ăn thứ gì đó mà chả cần lo nghĩ tới giá tiền. Với những con người như thế, hạnh phúc vừa đẹp, vừa cao quý, vừa khó gọi tên và vừa đa dạng, nắm bắt khó vô cùng.
Nhà văn Nam Cao, từ mấy chục năm trước có viết: “Hạnh phúc là một cái chăn rất hẹp, người này đắp thì người kia hở”. Ai trong cuộc sống, cũng như trong đêm đông giá lạnh, đều cố gắng co kéo cái chăn đó về mình. Nhưng phụ nữ chúng ta không thế, họ tự đóng co ro, đắp cho con, cho chồng lúc trẻ và đắp cho ông, cho cháu lúc già.
Nhưng dù có khổ sở đến đâu, lam lũ đến đâu và cực nhọc đến đâu, phụ nữ cũng có quyền và có ước mơ về hạnh phúc chứ, chỉ có điều cách họ thể hiện điều đó không lãng mạn và không có vẻ gì triết học mà thôi. Với cô này thì hạnh phúc là không bị chồng đánh, với cô kia hạnh phúc là mua được cân thịt giá hời, và cô khác là được con tặng hoa nhân dịp 8/3 mặc dù hoa ấy không tươi.
Nhưng thôi, không dài dòng nữa, nếu Lê Hoàng có cái may mắn, được chị em tin tưởng hoặc được chị em liều mạng giao cho nhiệm vụ tìm ra hạnh phúc cho các bà các cô, Lê Hoàng sẽ tuyên bố ngay rằng hạnh phúc nhất đối với phụ nữ là được chăm sóc.
Tại sao Lê Hoàng không nói hạnh phúc là được yêu thương. Bởi vì yêu thương tưởng hay ho, tưởng cao quý nhưng mà vô tận lắm, trừu tượng lắm. Đặc biệt, yêu thương có một đặc tính cực kỳ đáng ghét là có thể giấu trong lòng. Rất nhiều gã trai, rất nhiều gã chồng chả quan tâm gì nhưng hễ bị dư luận hoặc vợ chê kém yêu thương là gào rú lên, bảo rằng mình có kiểu yêu thương nội tâm, yêu thương đặc biệt không cần nói ra. Thôi đi, im cái mồm đi, nghe mà sốt cả ruột. Bọn ấy cứ làm như yêu thương là tiền tiết kiệm gửi ngân hàng chả ai nhìn thấy, chả khi nào rút ra cả lãi lẫn gốc để tiêu. Yêu thương cứ như mùi nước hoa, thoang thoảng trong không khí mà chả nhìn thấy bao giờ.
Trong khi đó chăm sóc lại khác. Phụ nữ được chăm sóc là được hưởng những gì cụ thể, đàn ông không thể hô lên đã chăm sóc mà không mua đồ ăn, không đưa đón, không mang chậu quần áo đi giặt hoặc không mắc màn cho ngủ, bưng đồ ăn sáng khi thức dậy.
Nói cách khác, phụ nữ hạnh phúc khi được chăm sóc là được hưởng những gì cụ thể, nhìn thấy được, ăn được, dùng được, chơi được chứ chả cần phải mất công suy nghĩ hay vắt óc đoán mò.
Mà chăm sóc vợ thì chả cần giàu có, chả cần văn hóa cao siêu chỉ cần có tình thương chân thành. Chăm sóc đôi khi cũng không nặng nhọc, chỉ cần để ý cái nhỏ nhặt hàng ngày, chỉ cần chu đáo, cẩn thận là đủ.
Hãy để ý đến các ông chồng Tây. Họ được giáo dục từ bé, đi đâu thì xách đồ, kéo ghế, mở cửa xe cho vợ và họ có thể chăm như vậy đến ngàn năm chứ chả phải chỉ khi cô ấy còn trẻ đẹp. Hạnh phúc thế thôi, chứ đâu nhất thiết phải trèo lên cửa sổ bằng cành cây khô để như Romeo trèo vào nhà Juliet.