Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: “Chuyện quấy rối trong showbiz Việt là có nhưng ít ai chịu lên tiếng”

* Metoo là phong trào kêu gọi cộng đồng đứng lên chia sẻ câu chuyện của mình và vạch trần những hành vi quấy rối và tấn công tình dục, đặc biệt là tại nơi làm việc. “Me too – tôi cũng vậy” trở thành từ khóa biểu tượng cho phong trào này. (Theo Wikipedia)

Có thể nhận thấy, phong trào #MeToo đang lan tỏa mạnh mẽ sang Việt Nam, nhất là trong showbiz. Anh nhìn nhận như thế nào về việc này?

Quấy rối tình dục là khái niệm rất rộng, cấu thành từ nhiều hành vi. Nhưng thường thấy rõ nhất vẫn là trường hợp “gạ tình” để giăng lưới đối phương bằng các đặc quyền (vai diễn, vị trí …). Nạn nhân lúc này đứng trước sự chọn lựa dễ mà khó. Đồng ý thì coi như dấu hiệu quấy rối bằng không. Không đồng ý thì thường cũng sẽ im lặng, không tố giác vì sợ ảnh hưởng đến công việc.

1
Huỳnh Tuấn Anh được biết đến là đạo diễn của hai phim “Lô Tô” và “Đời cho ta có bao lần đôi mươi”

Theo tôi, khái niệm quấy rối cần được làm rõ và tuyên truyền để mọi người có thể nhận biết. Thường nghệ sĩ Việt rất ít kiến thức về quấy rối tình dục nên rất khó để mọi người (cả nạn nhân và thủ phạm) cùng hiểu và nhìn nhận trực diện vấn đề. Chuyện quấy rối trong showbiz Việt có âm ỉ, dữ dội nhưng vì thiếu kiến thức, khó nhận biết, không biết ai bảo vệ mình nên tất thảy trở nên lặng im.

Nói như vậy nghĩa là trong showbiz Việt, chuyện quấy rối vẫn thường xảy ra, chỉ là nạn nhân không lên tiếng?

Đúng! Chính xác hơn là chỉ biểu hiện và được nạn nhân ghi nhận ở góc độ “gạ tình”, còn những hành vi nhỏ nhặt như cọ quẹt, gợi ý, cố tình đụng chạm thì thường được cho qua.

Có trường hợp người nổi tiếng bị gạ tình và bị gài, sau đó bị uy hiếp ngược lại. Lúc đó ai bảo vệ họ? Người nổi tiếng kỳ thực rất dễ trở thành con mồi của nạn quấy rối tình dục. Khơi gợi người khác hình thành hành vi, rồi tự cho mình là nạn nhân cũng là một loại quấy rối tình dục.

Hậu quả của sự im lặng này là gì, theo anh?

Sự im lặng nối tiếp nhau tạo ra luồng dư luận không tốt về môi trường làm việc. Đó là nguyên nhân người ta bảo nghệ sĩ phóng túng, nghệ thuật dung dưỡng tiêu cực, gây ác cảm chung của công chúng dành cho nghệ sĩ và nghề.

3

Người ta nói không có lửa làm sao có khói. Ở showbiz, việc đổi tình lấy vai diễn được không ít người chấp nhận. Anh nói sao về lựa chọn này?

Dục vọng luôn có trong mỗi người, “thuận mua vừa bán” nên đã đổi chác thì chấp nhận những hệ lụy của nó. Mình có quyền từ chối, tài năng vẫn là thứ quyết định. Dẫu rằng chối từ sẽ vất vả hơn nhưng đó là cách tự mình tìm một lối đi khác, sạch sẽ hơn.

Nếu kiến thức về quấy rối tình dục được phổ cập một cách bài bản thì sẽ tạo ra vùng an toàn giúp giảm thiểu tiêu cực của nghề. Cụ thể, ai cũng hiểu thế nào là quấy rối, thế nào là hành vi giao tiếp thông thường, thế nào là đùa giỡn thì tất cả đều thận trọng trong ứng xử, tự răn đe mình trước ham muốn dẫn đến những điều đáng tiếc. Vậy nên, cần hiểu rõ quấy rối là gì, phổ biến kiến thức phòng chống quấy rối thành một kỹ năng cơ bản trong môi trường showbiz như một quy ước văn minh cho tất cả mọi người.

Trong một số trường hợp, nếu đó là sự thỏa thuận giữa hai bên, thì chúng ta có cần lên án không?

Đã là thỏa thuận thì sao lại lên án? Đó là cuộc giao kết từ hai phía, nó không là quấy rối nữa mà cấu thành một mối quan hệ đồng thuận. Nếu không nhận ra dấu hiệu quấy rối thì nạn nhân vì một tình thế nào đó rất có khả năng trở thành đối tác hợp pháp cho những trò chơi ái tình dục vọng.

Không lên án, đồng nghĩa với dung túng cho một lối sống thiếu lành mạnh. Và đó cũng chính là mầm mống nảy sinh nạn quấy rối tình dục. Anh nói sao?

Điều đó là hẳn nhiên, nhưng cái cần quan tâm trong lúc này là phải tạo ra một môi trường văn minh trong tố giác, lên tiếng, tránh tình trạng ăn theo phong trào, đánh bóng tên tuổi. Muốn vậy cần phải có chứng cứ thuyết phục cho mỗi cuộc lên tiếng. Phải chứng minh, có lý lẽ chặt chẽ về hành vi quấy rối tình dục của thủ phạm, không mơ hồ và cảm tính.

3

Tâm lý chung của mọi người thường đứng về kẻ yếu, nhưng trong câu chuyện quấy rối tình dục, nạn nhân lại thường chịu sự phán xét của những người xung quanh. Đây có phải lý do khiến cho ít người chịu lên tiếng?

Nạn nhân không dám lên tiếng hoặc yếu ớt vì thật sự chưa có sự chuẩn bị và chưa hiểu rõ về quấy rối tình dục. Bỗng một ngày phong trào #MeToo xuất hiện, người ta vì lý do gì đó cuống cuồng lôi nhau lên mặt báo tố nhau. Xem và nghe thấy vẫn cứ lúng túng, bối rối, và trình bày vụng về. “Đầu xuôi, đuôi mới lọt”!

Tuy nhiên, phát pháo đầu lại không đủ mạnh mẽ. Rõ ràng, nó đã tạo cho công chúng cảm giác chưa thật sự tin tưởng, thành ra phong trào không thể thành hình một cách mạnh mẽ. Đã thế, những nạn nhân khác cũng rụt rè và không dám theo sau. Nếu bạn đủ lý lẽ, bằng chứng, chuẩn bị cho sự trình bày tố giác thật khoa học, nó sẽ gây sức mạnh rất lớn.

Tôi nói thẳng, các trường hợp mở phát pháo đầu rất yếu ớt, lúng túng, và cảm tính. Nếu là thủ phạm, tôi hoàn toàn có cách để mọi chuyện không “gió thoảng mây bay”. Tôi sẽ im lặng, đến khi nào có đủ bằng chứng thì lôi nhau ra tòa giải quyết. Thế là xong!

Hiện tại, quấy rối chưa đủ để cấu thành tội phạm, chỉ khi nào có bằng chứng rõ ràng thì lúc đó mới đưa được vào khung luật. Chính cái không rõ ràng đó cũng cản trở rất nhiều cho phong trào.

2
Theo đạo diễn “Lô Tô”, một trong những cách để hạn chế quấy rối tình dục tại Việt Nam là “remake” phong trào #MeToo theo kiểu phù hợp với văn hoá người Việt.

15 năm hoạt động trong showbiz Việt, anh đã từng nhận được đề nghị nào cho việc đổi tình lấy vai diễn chưa?

Chưa.

Nếu rơi vào tình huống như vậy, cách xử lý của anh là…

Tôi hỏi thẳng: “Tôi nhận lại được gì? Phim của tôi có hay hơn, khán giá có yêu thích hơn không?” Bạn có tài năng, nhiệt huyết và sở hữu cái mà bộ phim của tôi thiếu thì đừng lo, tôi bằng lòng trải thảm mời bạn vào vai chính. Còn nếu không thì đó là vì chúng ta chưa có duyên. Vậy thôi! Như tôi đã nói, tài năng là thứ quyết định dẫu bạn có đi đường vòng, đường tắt hay đường thẳng.

Theo anh, showbiz Việt có thể làm gì để hạn chế quấy rối tình dục?

Chúng ta có thể “remake” phong trào #MeToo theo một kiểu phù hợp với văn hoá người Việt để tránh gây ác cảm – trung thực, thực chất, bài bản để người ngoài cuộc nhìn vào thấy rõ đó là một nhu cầu thật sự của người nghệ sĩ bảo vệ mình, bảo vệ uy tín nghề nghiệp, cũng như người trong cuộc tự răn đe lấy chính mình.

Báo chí nên đi đầu trong việc nói rõ lại cho đúng và trúng khái niệm của quấy rối tình dục là gì một cách sâu và rộng. Bởi thực chất ngay cả chính bản thân người trong cuộc còn mơ hồ về khái niệm và các hành vi cấu thành hiện trạng quấy rối tình dục. Làm tốt hai điều này sẽ tạo ra hành lang dư luận và đạo đức có giá trị và tác động đến tập thể nghệ sĩ.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ rất thẳng thắn.


From the same category