Đạo diễn Diệu Linh: “Quá trình làm phim giúp tôi dần chạm vào hai chữ ‘tự do'”

Không thụ hưởng nền tảng nghệ thuật từ gia đình, nhưng dường như giữa Diệu Linh và điện ảnh có một mối nhân duyên kỳ lạ. Trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi về vẻ đẹp của cảm xúc trong điện ảnh và đời sống, Diệu Linh chia sẻ cô luôn quan niệm rằng không có trải nghiệm nào là trải nghiệm vô nghĩa, không có bài học nào là bài học bị phí hoài. Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời đều là một chất liệu làm giàu thêm tri thức về cảm xúc của mình. Vì vậy, Diệu Linh thấy mình giống như một đứa trẻ với câu hỏi luôn chực chờ trên cửa miệng: “Tại sao không?”. Cô luôn sẵn sàng dấn thân vào bất cứ hành trình mới nào vì biết rằng nó sẽ luôn dẫn bản thân mình đến với những điều kì diệu.

Những năm 2000, khi thị trường cho thuê băng đĩa phim khá nhộn nhịp, tình yêu của Diệu Linh với điện ảnh dần được thành hình. Thời cấp 3, Linh tình cờ thắng giải trong một cuộc thi làm video về bảo vệ động vật hoang dã do WWF tổ chức. Sau đó, đọc được thông tin trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) tuyển sinh ngành điện ảnh, cô đánh liều đăng ký dự thi và trúng tuyển.

Sau 5 năm dài với lịch làm việc dày đặc cho bộ phim điện ảnh đầu tay “Mưa trên cánh bướm”, Diệu Linh muốn dành 2 năm cho bản thân để đọc và viết lách – những thứ cô vốn yêu thích nhưng gần như không có thời gian thực hiện trong quá trình làm phim. Ngoài ra, cô cũng tò mò không biết ở đầu bên kia thế giới người ta sống và làm phim như thế nào, có khác gì với Đông Nam Á nơi mình đã quá thân thuộc, mình có thể học được gì từ họ và ngược lại mang đến cho họ những kiến thức mới mẻ gì.

Hiện tại, nữ đạo diễn 9x đang học thạc sĩ Nghệ thuật, chuyên ngành Điện ảnh và Sáng tác văn học tại Đại học British Columbia (Canada). Diệu Linh có lời hứa với bản thân từ hồi còn là một cô bé đầy mộng mơ: một là đi học thạc sĩ, hai là thử đến sống ở một nơi… mát lạnh. Cuối cùng, cô muốn nhìn thấy thế giới rộng lớn đến thế nào. Đây là một cuộc đời mà cô luôn hướng đến.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, Linh từng chia sẻ: “Tôi tin cảm xúc của con người không có biên giới, không có căn tính, không bị giới hạn bởi những giá trị văn hóa khác nhau. Nếu bộ phim đủ chân thành về mặt cảm xúc thì sẽ có thể chạm đến trái tim của khán giả dù họ đến từ bất cứ đâu trên thế giới”. Bạn có đồng ý rằng vẻ đẹp của điện ảnh, ngoài việc lan tỏa cảm xúc theo diện rộng thì còn khơi dậy những cảm xúc ở tầng sâu mà có thể trước đó, con người chưa từng chạm tới?

Không chỉ điện ảnh mà bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng có khả năng chạm tới những tầng sâu cảm xúc của con người. Tôi rất thích một câu trích dẫn từ bộ phim “Dead poets society” (1989): “Chúng ta không đọc và viết thơ bởi vì nó dễ thương. Chúng ta đọc và viết bởi vì chúng ta là con người. Và con người thì luôn ngập tràn những cảm xúc mãnh liệt. Y tế, luật pháp, kinh doanh, kĩ thuật đều là những thứ cao quý và cần thiết để duy trì sự sống. Nhưng văn thơ, cái đẹp, sự lãng mạn và tình yêu thương mới là điều thúc đẩy niềm ham sống trong ta”.

Bản thân một tác phẩm nghệ thuật, dù là một bản nhạc, một bức vẽ hay một bộ phim chỉ thực sự hoàn thành sứ mệnh khi nó rời khỏi sự kiểm soát của người nghệ sĩ và chạm đến từng ngõ ngách cảm xúc của khán giả. Không có hai khán giả nào thưởng thức cùng một tác phẩm nghệ thuật mà lại có những phản ứng y hệt nhau, đơn giản vì mỗi cá thể chúng ta đều có xuất thân hay trải nghiệm khác nhau, rung động ở những tần số riêng biệt. Có người sẽ thấy mình trong tác phẩm nên thích nó, cũng có người thấy mình trong tác phẩm nhưng ghét bỏ vì nó khiến họ phải đối diện với mặt tối của bản thân. Có người sẽ xúc động nhưng không hiểu vì sao mình xúc động, cũng có người phải nhiều năm sau xem lại mới thấy đồng cảm được. Không có một thứ văn mẫu nào dành cho cảm xúc của con người. Đối với tôi, vẻ đẹp của một tác phẩm nằm ở việc nó cho phép con người ta suy ngẫm và đối chiếu với những rung động mà họ đã vô tình bỏ quên trong những bận rộn của cuộc sống.

“Mưa trên cánh bướm” khai thác về mối quan hệ mẹ con và sang chấn liên thế hệ trong bối cảnh xã hội Việt Nam. Đề tài và thông điệp không phải là mới, nhưng cách truyền tải phải có phần mới mẻ để khơi gợi những cảm xúc rất khác, khiến cho khán giả phải lắng lại để nhìn sâu vào chính họ. Bạn đã làm thế nào để tạo cảm giác không nhàm chán cho bộ phim?

Có lẽ điểm mạnh của tôi cả trong cuộc sống và điện ảnh là kết hợp những điều vừa trái ngược vừa tương đồng. Những mộng tưởng tươi đẹp có phần viển vông của cô con gái được đặt cạnh hiện thực bế tắc của người mẹ. Cố gắng thay đổi thực tại dù bằng những cách khác nhau nhưng đều là một hình thức chạy trốn của cả hai. Người này nghĩ mình biết điều gì tốt cho người kia, nhưng cả hai cùng mơ hồ trong một vòng tròn luẩn quẩn của những kỳ vọng xã hội về người phụ nữ. Và “tự do” có lẽ là thứ duy nhất gắn kết họ với nhau, một ước vọng tưởng giản đơn nhưng có lẽ chẳng mấy ai hiểu được ý nghĩa thực sự của nó.

Bộ phim “Mưa trên cánh bướm” của Diệu Linh nhận được hai giải tại Tuần lễ Phê bình phim Quốc tế (Settimana Internazionale della Critica) thuộc Liên hoan phim Venice 2024: giải Circolo del Cinema Verona (Phim Sáng tạo nhất do các nhà phê bình phim quốc tế dưới 35 tuổi bình chọn) và giải IWONDERFULL Grand Prize (Phim hay nhất).

Chị có đồng tình với quan niệm “làm nghệ thuật để được tự do”? Hiện tại, chị đã được giải phóng khỏi những cảm xúc, trăn trở của thời điểm bắt tay vào thực hiện bộ phim chưa?

Đối với tôi, hành trình làm nghệ thuật luôn song song với hành trình trưởng thành và phát triển bản thân. Những gì tôi trải nghiệm ở ngoài đời luôn được truyền tải qua những bộ phim, và ngược lại, quá trình xây dựng một bộ phim chính là phương tiện giúp mình sao chiếu, cô đọng lại đống suy nghĩ hỗn độn trong mình.

“Mưa trên cánh bướm” là hành trình của hai mẹ con kiếm tìm hai chữ “tự do”. Ở ngoài đời, tôi cũng bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa thực sự của tự do là gì. Tự do có phải là không bị ràng buộc bởi một nơi chốn? Vậy thì tại sao có những người di chuyển liên tục nhưng vẫn không cảm thấy tự do? Tự do có phải là không phải chịu trách nhiệm? Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể tồn tại trong xã hội hiện đại mà không phải chịu trách nhiệm với bất cứ thứ gì, ít nhất là bản thân mình? Có khi nào, tự do chính là việc được là chính mình, thành thật đối diện với cảm xúc của mình, được làm những điều khiến bản thân mình hạnh phúc mà không phải nghĩ đến cái nhìn của xã hội hay những ràng buộc trách nhiệm trong đời sống hàng ngày? Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng liệu có mấy ai thực sự làm được. Vì vậy, tôi nghĩ có những người dành cả đời để theo đuổi tự do mà không hiểu được thứ đang níu giữ chân mình lại nằm chính bên trong bản thân mình.

Hiện tại, tôi mới bắt đầu chạm được một chút xíu vào hai chữ “tự do”, và quá trình thực hiện bộ phim “Mưa trên cánh bướm” đã cho tôi dũng khí để làm được điều đó.

Lần đầu tiên thấy những nhân vật của mình bước ra từ trang giấy, có giọng nói, có cảm xúc, có hình hài riêng, chắc chắn sẽ có những thứ giống như hình dung và cũng có những bất ngờ thú vị. Trong suốt quá trình làm phim, khoảnh khắc nào để lại trong chị cảm xúc đặc biệt khó quên?

Thực ra kể từ lúc viết kịch bản, quay phim, làm hậu kỳ cho đến tận khi mang phim đi dự liên hoan phim, ngày nào tôi cũng có những khoảnh khắc đặc biệt khó quên cả.

Tôi luôn bị xúc động vì công sức và tình cảm của mọi người bỏ ra cho bộ phim, nhiều khi chiều theo những yêu cầu hơi oái oăm và có phần khó hiểu của mình. Ví dụ như hôm thử đồ cho diễn viên, cả tổ phục trang bốn năm người ngồi hì hục còng lưng xâu chuỗi hạt để làm chiếc mành che mặt cho nhân vật Thầy. Những ngày tổ thiết kế phải đục đi lấp lại chiếc trần nhà rồi tô vẽ cho đúng ý đạo diễn. Hôm quay cả ngày ở căn phòng kín mà cảnh nào cũng phải xịt khói ngập phòng, cứ hết một cảnh, mọi người lại chạy ra ngoài thở rồi đóng cửa vào xịt khói tiếp. Hai tuần quay ở căn hộ nằm trên tầng năm khu tập thể là từng ấy ngày tổ quay tổ đèn khuân cả xe tải thiết bị lên xuống, từng ấy ngày tổ sản xuất chia nhau đi xin xỏ hàng xóm tắt nhạc, dỗ trẻ con, suỵt chó, bao kiếp nạn đủ cả. Xúc động nữa là có mấy buổi chúng tôi quay lố giờ, đạo diễn nhăn nhó vì vẫn muốn xin quay lại cho thật đúng ý nhưng… không dám, thế là lúc thì phụ quay, lúc thì diễn viên hiểu ý tự đòi quay thêm một đúp vì “lỗi của em”. Quá trình quay cũng có nhiều chuyện ngoài ý muốn xảy ra, và những phút giây căng thẳng là không tránh khỏi, nhưng mọi người luôn tìm cách giải quyết cùng nhau. Nhờ vậy mà tôi được yên tâm tập trung vào công tác đạo diễn và sáng tạo. Tôi phải nói là quá may mắn khi có được một ê-kíp tình cảm và yêu thương nhau vô cùng như vậy.

Dự án “Don’t cry, butterfly” trưởng thành từ một số phim ngắn trước đó của chị như “Thiên đường gọi tên”, “Mẹ, con gái, những giấc mơ” hay “Ngọt, mặn”… Chúng đều xoay quanh nhân vật nữ, khám phá chủ đề về tính nữ, mối quan hệ gia đình và truyền thống văn hóa trong bối cảnh xã hội Việt Nam. Có phải sự dồn nén cảm xúc của người phụ nữ mắc kẹt giữa hai hệ tư tưởng Đông – Tây đã tạo nên sức bật cho các tác phẩm của chị?

Thực ra, có lẽ cũng như nhiều đạo diễn của dòng phim tác giả, những bộ phim của tôi đều mang đậm dấu ấn cá nhân và những trải nghiệm thực tế. Tôi lớn lên được tiếp xúc với nhiều người phụ nữ trung niên và góp nhặt những câu chuyện qua lời kể của họ. Tôi bắt đầu tự đặt câu hỏi cho những hành xử và cảm xúc của họ vì thấy ai cũng giống như đang sống trong một bộ phim bi hài kịch và mang chúng ra so sánh lẫn nhau như một cuộc thi giành giải thưởng “Ai người phụ nữ khổ nhất trần gian”. Xuất phát điểm của tôi thì cũng đơn giản thôi – làm những bộ phim ngắn để kể lại những câu chuyện mình chứng kiến qua góc nhìn và suy nghĩ của một người trẻ. Nhưng càng làm thì tôi càng cảm thấy đáp án cho câu hỏi “Ai làm phụ nữ khổ?” dần hiện ra trong tâm trí, nó thôi thúc tôi đào sâu hơn. Kết quả sau 10 năm đúc kết là bộ phim “Mưa trên cánh bướm”. Đây là mảnh ghép cuối trong chuỗi phim về đề tài phụ nữ trung niên, vì sắp tới tôi muốn bắt đầu khai thác những chủ đề mới.

Theo chị, điểm lợi thế và bất lợi khi phụ nữ làm phim về đề tài phụ nữ là gì?

Trong lớp đại học của tôi, có một câu hỏi được đặt ra cho giảng viên thế này: “Tại sao có quá nhiều phim với nhân vật chính là nam giới?”. Câu trả lời thực ra khá đơn giản – chúng ta có xu hướng làm phim về nhân vật mình có thể đồng cảm, và trên thế giới, tỉ lệ đạo diễn nam cao hơn đạo diễn nữ rất nhiều. Không thể phủ nhận, nhiều đạo diễn nam làm phim về tâm lý phụ nữ rất hay. Tuy nhiên, cũng có quá nhiều bộ phim làm về phụ nữ dưới ảnh hưởng của “male gaze”, lãng mạn hóa và bi kịch hóa nhân vật nữ. Chưa kể đến hình ảnh người phụ nữ châu Á hiện lên trong các bộ phim phương Tây còn thường xuyên bị tình dục hóa hoặc ảnh hưởng bởi nhãn quan phương Tây và nhiều yếu tố phức tạp đến từ lịch sử thuộc địa nữa. Tôi hay nói đùa là mình chẳng thể làm một bộ phim phụ nữ thanh lịch được. Những người phụ nữ trong phim của tôi, dựa trên những người phụ nữ ngoài đời, đều gai góc, xù xì và đi ngược lại những quan niệm về cái đẹp, nhưng họ lại có một sự mong manh và vụn vỡ phức tạp hơn vẻ bề ngoài. Tôi muốn những người phụ nữ khi xem bộ phim có thể thấy được chính họ trong đó, và thay vì ve vuốt bảo bọc theo một khuôn mẫu sáo mòn thì tôi muốn đưa ra những câu hỏi hiện sinh để họ buộc phải đối diện với những khoảng tối bị kìm nén trong tâm hồn.

Nếu không trở thành đạo diễn điện ảnh, chị đoán mình sẽ trở thành phiên bản Diệu Linh nào khác?

Tôi chưa từng nghĩ đến điều này, nhưng có lẽ bất cứ phiên bản nào thì cũng sẽ làm những công việc liên quan đến viết lách, giao tiếp và sáng tạo. Đây là những điều khiến tôi cảm nhận được tình yêu với sự sống một cách trọn vẹn nhất.

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

FEATURE: TÂM HỒN KHÔNG TUỔI

Vẻ đẹp của xúc cảm, sự sáng tạo, lòng nhân từ, vẻ đẹp của ý chí kiên định, can đảm dấn thân…, những vẻ đẹp tâm hồn ấy hiển nhiên không có tuổi vì kể từ khi bắt đầu chớm hé trong người phụ nữ, chúng sẽ không bao giờ phai tàn mà theo thời gian, chỉ càng thêm nở rộ. Càng tuyệt vời hơn nữa khi người phụ nữ có thể uyển chuyển lưu dấu vẻ đẹp tâm hồn họ trong những trang sách, những thước phim, những tác phẩm nghệ thuật.

Thực hiện: Lê Ngọc – Ngọc Ánh

Đạo diễn – Nhà văn Xuân Phượng: “Trái tim nếu giữ được niềm ao ước sẽ không bao giờ già đi”
“Vũ trụ nghệ thuật kịch nói” của nghệ sĩ Ái Như: Sáng tạo chính là say đắm mà đi
Đạo diễn Diệu Linh: “Quá trình làm phim giúp tôi dần chạm vào hai chữ ‘tự do'”


From the same category