Đào Chi Anh: Khi trắc trở đến, tôi lao cả thân mình vào nó - Tạp chí Đẹp

Đào Chi Anh: Khi trắc trở đến, tôi lao cả thân mình vào nó

Women Empower Women

Chúng tôi hẹn gặp Đào Chi Anh trong một buổi chiều, trời hôm ấy mưa to, văn phòng làm việc của cô nhìn ra hồ Ngọc Khánh phủ một màu xám nhạt. Chi Anh nói, vào những ngày nắng, mặt hồ sẽ tỏa những ánh lấp lánh như kim tuyến, thật sự rất đẹp. Chi Anh nhờ chúng tôi chờ vài phút để hoàn thành nốt công việc, tiếng gõ phím gấp gáp và rộn rã trong một không gian yên tĩnh. Trên bàn làm việc bằng gỗ mộc kề bên là những bản in test vài tờ tạp chí –  một trong số những dự án mới của Chi Anh

dat_3525
Những người khởi nghiệp như Đào Chi Anh luôn có mã gene của Icarus: Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm!

Vài phút trôi qua, Chi Anh bắt đầu kể thời gian biểu mỗi ngày của mình, về những buổi sáng như mọi người phụ nữ bình thường khác – bắt đầu từ 6h30 với muôn vàn những chuyện nhỏ bé: đánh thức Oli dậy và cho bé ăn sáng, sau đó bắt đầu viết nội dung cho Vlog và up sẵn lên mạng. Chi Anh nói, khoảng thời gian từ khi thức giấc đến 11 giờ, cô cố gắng dành thật nhiều cho con, và hở ra khoảng 5-10 phút, thì check mail để giải quyết những việc cần quyết định nhanh như giải đáp thắc mắc của nhân viên, cộng sự. 11 giờ, cô bắt đầu đến văn phòng làm việc. Làm đến 19 giờ thì trở về nhà và lại “sà” vào “sự nghiệp làm mẹ fulltime”.

Mọi thứ cô nói quen thuộc và bình dị đến nỗi khiến người ta hơi khó để “link” đến cô nàng độc thân mạnh mẽ vài năm trước, từng khiến giới kinh doanh phải thán phục khi có thể gọi vốn đầu tư lên tới 5,5 triệu đô la để mở một chuỗi nhà hàng ẩm thực hiện đại.

dat_3613
Nửa năm nay, Chi Anh dồn hết tâm huyết cho những dự án mới quy mô nhỏ

Chi Anh dành một tiếng mỗi ngày để làm Vlog, không như những Vlog hiện nay được đầu tư bài bản và kỹ lưỡng cả về kịch bản, cách trình bày cũng như “phần nhìn”, Chi Anh chăm sóc cho kênh cá nhân của mình có phần giản dị. Cô không trang điểm, nói bằng tiếng Anh, và trò chuyện về kinh doanh là chính: “Tôi cũng rất cân nhắc khi lựa chọn tiếng Việt hay tiếng Anh, và cuối cùng không chọn tiếng mẹ đẻ. Bởi tôi diễn đạt bằng tiếng Anh tốt hơn. Thế nên, tôi quyết định thôi thà tiếp cận được ít và sâu với mọi người mà được là chính mình thì hơn cả. Tôi cũng không chuẩn bị gì, bởi nó mang tính ngẫu hứng khi nhu cầu chia sẻ của tôi bỗng chốc nổi lên một cách mạnh mẽ, và ngay lập tức phải trò chuyện với mọi người.”

Là phụ nữ, dường như ai cũng có lúc muốn buông hết mọi áp lực trong cuộc sống, ví dụ như công việc, ví dụ như sự nghiệp, ví dụ như những to- do list phải hoàn thành mỗi ngày mỗi tuần, để thả lỏng, nhẩn nha đọc sách, chơi cùng con, ngủ một giấc chẳng cần báo thức. Nhưng Chi Anh không phải là người như vậy. Cô là tuýp người lên kế hoạch cho từng giờ của đời mình, không thích ngày nghỉ cũng như cảm giác nghỉ ngơi. Chi Anh bày tỏ mình sợ nhất những lúc “không có gì để làm”: “Tỉnh dậy với một bản danh sách đầy những việc đang chờ mang lại cho tôi cảm giác yên tâm.” Ngay cả vào ngày nghỉ, cô cũng lên kế hoạch rõ ràng: “Ví dụ như cuối tuần, thứ 7 chẳng hạn, tôi cần phải đi chợ và chuẩn bị đồ ăn cho cả một tuần kế tiếp. Tôi luôn thức dậy với niềm “đau đáu” đó, cho đến khi chất đầy được thức ăn vào tủ lạnh, mới cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Sang chủ nhật, tôi có kế hoạch cho cả nhà đi thăm họ hàng. Khi không làm được, tôi cứ bứt rứt chẳng yên, tự trách mình đã phí một ngày chẳng đi đến đâu cả”.

dat_3621
Chi Anh luôn đặt ra kế hoạch cho từng ngày cho mình, nhưng những “chuyện lớn” như bao giờ lấy chồng, khi nào sinh con… cô lại để ở vị trí rất nhẹ nhõm, “vạn sự tùy duyên”.

Chi Anh lên kế hoạch cho cả nỗi buồn của mình. Nhắc lại về những khoảnh khắc “down mood” hay thất bại trong cuộc sống, Chi Anh nói, cô vượt qua bằng cách cho mình một  khoảng thời gian để dịu lại, sau đó ngay lập tức “lao vào khó khăn”. Cô sẽ nghĩ xem mình có nên từ bỏ dự án, thay đổi nhân sự, hay tìm một  chuyên gia giỏi để tư vấn. Và khi bị cuốn đi bởi suy nghĩ và hành động, nỗi buồn cũng vì thế mà nguôi ngoai.

dat_3612
Với việc quản lý, cô cố gắng để môi trường xung quanh được ấm áp và đầy sự tin cậy: “Thời gian mà mình trao cho ai đó niềm tin, quyền hạn sẽ tạo ra những giá trị lớn hơn là ngồi đó giữ khư khư sự hoài nghi”.

Tuy rất nguyên tắc, nhưng Chi Anh không bắt mình phải khiên cưỡng bất cứ điều gì. Từ trước đến nay, cô chỉ làm việc mình yêu thích, và cho dù thành công hay thất bại, cô cũng cám ơn cuộc đời đã cho mình trải nghiệm những điều đó: “Ví dụ như với The Kafe, thi thoảng tôi vẫn nhớ đến nó. Nói không tiếc là không đúng, nói không muốn quay lại để sửa chữa vài điều là không đúng. Nhưng tôi sẽ gạt đi để đi về phía trước, vì mọi sự đã trôi qua rồi. The Kafe là một thất bại của tôi – hẳn là vậy- nhưng nếu được làm lại- tôi vẫn sẽ thực hiện nó. Bởi nếu không làm The Kafe, tôi cũng sẽ không có tôi ngày hôm nay, cũng không có những cộng sự vẫn đi cùng tôi cho đến ngày hôm nay. Cho nên, đến thời điểm này tôi cũng chưa có kế hoạch cho điều gì “đình đám” tương tự. Tôi dành cho mình 2 năm để lắng xuống, chờ đợi cũng như tìm xem điều gì mình thực sự muốn làm. Hiện tại, tôi vẫn vận hành Kitchen Art, xuất bản tạp chí về ẩm thực- phong cách sống và đi sâu vào việc tư vấn các doanh nghiệp để phát triển ngành F&B của Việt Nam, giúp họ tìm ý tưởng concept, phát triển menu và xây dựng thương hiệu. Tôi tin rằng tới đây, diện mạo của ngành F&B Việt Nam sẽ khác. Không chỉ ngon hơn mà còn đẹp hơn nữa. Ăn uống không chỉ là nhu cầu đâu, nó còn là sự thỏa mãn về mặt thị giác và tận hưởng của tâm hồn nữa.

Công việc nhiều và bận rộn, khi thì cũng lãi, khi thì đứng yên. Nhưng tôi yêu chúng, và mỗi khoảnh khắc trước khi đi ngủ cũng như sớm mai thức dậy cảm thấy rất thỏa mãn. Thế là đủ.”

dat_3631

Tuy đam mê sự bận rộn, nhưng Chi Anh không cho mình là kiểu người tham vọng, không một chút nào. Đối với cô, việc làm được cái này, lên kế hoạch phải làm được cái kia… là chuyện hiển nhiên nhất trên đời. Cô là một tín đồ clean eating đích thực, ăn uống điều độ và hiểu biết sâu sắc về các chế độ dinh dưỡng. “Tôi và chồng tự chuẩn bị tất cả các bữa trong ngày và mang đi làm, kể cả đồ ăn vặt”.
Chi Anh khiến tôi tò mò vì nguồn năng lượng không bao giờ tắt của cô. Làm thế nào để cô có thể duy trì được ngọn lửa nhiệt huyết với công việc, và nhất là nuôi sống tâm hồn mình để luôn sẵn sàng với mọi trắc trở? Chi Anh bày tỏ, cô khá quen với việc mình hơi khác mọi người, cũng quen với việc được môi trường thử thách. Cô sinh ra tại Nga, khi học lớp 1 thì gia đình sang Đức, năm lớp 6 thì chuyển đến Đài Loan trong khi không biết một  chữ tượng hình nào. Chi Anh vượt qua bằng cách trong 1 năm dự thính, cô xin sách từ lớp 1 đến lớp 5 của Đài Loan để đọc, và liên tục hỏi bạn ngồi bên cạnh khi có điều không hiểu. Cứ thế, sau 1 năm, cô đã đọc xong 5 bộ sách giáo khoa và năm sau bắt đầu học lớp 6 như một người bản địa. Lớp 9, gia đình cô về Việt Nam và sống tại khu Thành Công, Chi Anh lúc đó nói tiếng Việt còn chưa sõi và bắt nhịp lại mọi thứ từ đầu. Cô đã học và thi đỗ vào trường Chu Văn An ngay sau đó.

dat_3653

“Tôi chỉ nghĩ, mình phải lao vào môi trường để va đập với nó. Mỗi khi đến một nơi mới, hàng trăm người đến ngó xem tôi là ai. Tôi thật sự chưa bao giờ thấy ngại ngùng hay phải động viên mình ôi người ta nhìn chán rồi thôi. Tôi hòa nhập vào với mọi người, trở thành một trong số đó rất nhanh chóng. Tuy vậy, tôi biết mình vẫn có cái đó ‘khang khác’, đó là lý do tôi đến Singapo du học sau khi kết thúc cấp 3. Singapo là đất nước đa văn hóa, người ở khắp nơi đổ về sinh sống và làm việc, chẳng ai có thời gian quan tâm ai khác biệt, vì mỗi người đã rất khác mỗi người còn lại.”

Yêu mến Singapo, nhưng Chi Anh quay trở về Việt Nam – vì có gia đình ở đó. Cười chồng và sống ở Việt Nam, Chi Anh trầm lại 1 nốt khi nhắc đến cuộc hôn nhân của mình, cô nói: “Tôi đang cố gắng tìm hiểu bản chất của hôn nhân. Dường như, nó cũng như việc chúng ta là đối tác của nhau. Chồng tôi là người đàn ông không bao giờ bắt vợ phải lựa chọn giữa công việc và gia đình – đó cũng là lý do tôi chọn anh ấy. Tuy nhiên, tình cảm sau kết hôn không giống như khi hẹn hò. Cũng cần một sự cam kết như trong công việc, rằng mình sẽ làm gì cho đối phương, và đối phương cũng thế. Mọi sự cam kết cũng như thỏa thuận phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Mỗi khi hôn nhân đi vào một ‘lối mòn’, tôi cố sẽ ném vào một cái mới để phá vỡ sự cân bằng trước đó.”

Nguồn năng lượng toát ra từ Chi Anh rất rõ nhận biết, tuy nhiên, ai cũng có lúc “mất nhiệt”. Chi Anh chia sẻ bí quyết để đi qua những khoảnh khắc “cạn lửa” bằng sự giao tiếp: “Tôi sẽ ra khỏi phòng riêng, trò chuyện với nhân viên, trò chuyện với bạn bè và mọi người. Cuộc sống là sự cho đi và nhận lại. Mọi người sẽ truyền lửa lại cho tôi, giúp đỡ tôi trước những sai lầm, và ngược lại. Xét cho cùng, càng sống càng thấy đó mới là điều quan trọng nhất.”

Phụ nữ vốn bị quy chụp rằng khả năng chịu đựng khó khăn và áp lực kém hơn đàn ông, cũng dễ bỏ cuộc hơn. Tôi cho là không phải vậy. Phụ nữ có những giá trị khác, có nhiều cách khác để đi qua những trắc trở hiểm nguy, giữ lửa đam mê cũng như lo toan gia đình luôn ấm êm hạnh phúc. Với Đào Chi Anh, tôi nghĩ đến sự lạc quan và tử tế. Lạc quan để luôn giữ nụ cười tươi sáng trên môi, lạc quan để nhanh chóng “bứt” mình ra khỏi trạng thái tiêu cực, “ném” mình vào thử thách tích cực… và tử tế để luôn tin tưởng, đối xử nhiệt thành, ấm áp với những người xung quanh.

Thực hiện: depweb

30/08/2017, 07:00