Nhoài mình trên chiếc xe máy đắt tiền, trên vai đeo túi to bự với ti tỉ những vợt, dây cước, hộp mồi, phao dự phòng, ghế gấp, dao các loại để lên đường đi câu cá; Hai tay đút túi quần đến hồ câu thuê cần có vài ngàn một giờ cũng giật được cá khỏi mặt nước; Quần sắn móng lợn, cái thời tre đan lúc lắc ngang hông, vai vác chiếc cần câu dài ngoằng, chẳng khác gì mấy anh kia. Đi câu, nghĩ mà cũng rách việc ra phết…
Khỏi phải tả độ sướng, bởi lẽ chỉ có ai đã từng trải qua thời khắc ấy mới cảm nhận được khi tận mắt chứng kiến con cá giãy đành đạch trên không!
Xa rồi câu trẻ thơ
Nhớ dạo đi sơ tán ngày còn bé tí tẹo, lũ trẻ con chúng tôi đi đâu cũng ngó nghiêng để tìm cho ra một cây trúc thẳng to cỡ ngón tay cái người lớn, dài chừng non hai mét để rồi rình khi trưa vắng, vác dao ra tiện quanh gốc, cuỗm bằng được, rồi vòi mẹ mua cho vài mét cước, chiếc lưỡi câu màu đen của thợ thủ công nội, hoặc chiếc lưỡi xịn màu trắng của Trung Quốc, buộc thêm một đoạn muồng làm phao, bới quanh vườn mấy con giun. Thường dân phố đã được tiếp xúc với văn minh đồ hộp thì có chiếc ống bơ, mấy anh bạn quê không liên quan tới văn minh bơ sữa thì kiếm lấy chiếc bát vỡ, bát mẻ ra đựng mồi, thế là cũng đi câu như… người lớn.
Có lẽ đã mấy chục năm rồi, nhưng ai đã từng có một quãng tuổi thơ trải qua những ngày gian khổ ấy, giống như trò tiêu khiển cưỡi bò, nhổ đòng đòng trộm, những buổi đi câu ngày còn thơ ấy sao mà thú vị thế! Lũ chúng tôi ngồi im như tượng bên bờ ao, (thấy bảo, động đậy cá nó “nghe” thấy thì chạy hết!) vung tay ném nắm thính rang thơm ngầy ngậy, lặng lẽ cấu con giun ra móc vào lưỡi câu rồi khi thấy tăm cá sủi lên từ vùng đã ném thính, thả xuống và khi ấy, trên đời này chỉ còn chiếc phao bé tí tẹo trên mặt nước nước mà thôi.
Buổi trưa vùng quê ngày ấy không có đài đóm, ti vi, xe máy như bây giờ, cả một khoảng không lặng như tờ, thỉnh thoảng đâu đó vang lên tiếng gà gáy khi xa khi gần. Mơ màng vậy, nhưng khi chiếc phao nhay nháy là đứa nào cũng tỉnh như sáo ngay lập tức. Khốn khổ, những ngày đầu đi câu, hôm nào chúng tôi cũng bị cá đòng đong phát hiện ra con giun khốn khổ đang oằn oại với chiếc lưỡi câu sắc lẻm và lạnh ngắt nằm trong ruột nó là kể như tiêu, với thân hình nhỏ như ngón tay út, chúng tha hồ liên hoan món quà từ trên bờ rơi xuống mà tuyệt không có một sự đe dọa nào! Hì hụi đào giun, ngồi chịu trận muỗi đốt, ngứa nhanh nhách mà không dám đập, chỉ khe khẽ gãi mà thôi, nhưng có lẽ điều tệ hại nhất là bao nhiêu hoan hỉ tưởng tượng ra ban đầu về những con rô con diếc rán vàng từ sự đóng góp để chứng tỏ mình đã là một tay tháo vát của bữa ăn chiều đã tan biến vào mồm mấy con cá khốn kiếp.
Mãi về sau, chúng tôi rút ra kinh nghiệm để tránh được sự phá đám ấy, chúng tôi phải lấy đất trộn thính nặn thành cục to cỡ ngón chân, sau đó thả chìm xuống đáy ao, các đại gia cỡ bàn tay bàn chân mới mò tới. Ước lượng độ sâu của ao, căn độ dài từ lưỡi đến phao căn theo loại cá nào ăn ở độ sâu nào mà chỉnh, rồi bất động để đợi gặt hái! Chiếc phao khe khẽ nháy, im lặng, nhay nháy chìm xuống, nổi lên, hễ tay nào ăn non mà giật ngay là vứt đi, cứ mặc nó, con cá cũng khôn lắm nó đang thử đấy, sau khi thử thấy an toàn (giống cá thế mà dại!) nó mới chơi thật. Một tích tắc sau khi phao nổi lên là chìm hẳn tụt xuống mất hút trong làn nước xanh, lắc nhẹ cổ tay, độ nảy của chiếc cần trúc cùng với độ thiện nghệ của cú lắc cổ tay ấy sẽ đem lại kết quả tương ứng. Khỏi phải tả độ sướng, bởi có lẽ chỉ có ai đã từng trải qua thời khắc ấy mới cảm nhận được khi tận mắt chứng kiến con cá giãy đong đong trên không! Tháo con cá chiến lợi phẩm ra, ngày ấy chúng tôi sỏ mồm cá qua một cái lạt, ngâm ngay xuống bờ ao để khỏi ươn và tiếp tục móc giun vào lưỡi để rồi chờ lại sướng tiếp. Nói thì đơn giản vậy, nhưng phải qua hàng tháng trời đúc kết kinh nghiệm, chúng tôi mới biết được cá rô ta thì đớp mồi như thế nào, cá diếc thì ăn ra sao, nếu sai quy tắc vận hành may ra trên lưỡi câu còn dính cái môi con cá, tệ hại hơn là con cá chết hụt sẽ đánh động những con khác, chúng té chạy, thế là hết, lủi thủi vác cần về đành chờ vận đỏ đến sau.
Sau này khi hợp tác xã phát triển nuôi cá ra hầu hết các ao của làng trên xóm dưới, những buổi đi câu của lũ trẻ chúng tôi thưa dần, sau này khi đã về với Hà Nội, nghe bảo thú câu tao nhã ấy đã tuyệt chủng, chỉ còn đám câu trộm cá của hợp tác xã để kiếm tiền mà thôi. Giá phải đánh đổi bất cứ thứ gì đó để được quay lại thời ấy, tôi dám chắc là mình sẽ không ngần ngại. Xa rồi những buổi vác cần đi câu ngày còn thơ.
Theo chân đại gia vác tiền đi giật cá
Sau này khi lớn lên tôi mới biết ai cũng có thể đi câu, nhưng kẻ giật được cá đem về nhà thì không hẳn là tất cả những anh vác cần đi. Người xưa dạy rằng, phàm anh nào sát gái thì cũng sẽ sát cá, vì thế chuyện đi câu với tôi cũng giống như trèo lên đỉnh của Hymalaya vậy. Sếp tôi thì lại khác, chuyện sát gái thì là lĩnh vực nhạy cảm chẳng dám bàn tới nhưng đi câu thì ông thích tới mức mê mẩn, ngồi đâu cũng bàn chuyện cá, lúc nào cũng có thể nói chuyện câu. Ông mê tới mức biết mấy giờ thì đi câu ở đâu, câu ở đó thì đem cần gì, loại cần đó phải sử dụng mồi ra sao của tất cả các hồ câu nằm trong bán kính cách Tháp Rùa 50km. Một hôm, làm ra vẻ cũng biết trò tao nhã ấy, tôi bảo ông: Em nghe thấy trên phố Hàng Giấy có loại cần xịn lắm, sản phẩm oách nhất của Hàn Quốc có giá tới gần 2 triệu đồng. Ông nhìn tôi chăm chú rồi cười ra vẻ thông cảm: Máu mê thì cũng có đấy, nhưng chú chưa xứng đáng là tay thợ học việc, hôm nào anh sẽ cho chú mở tầm mắt.
Nói là làm, mấy hôm sau ông ta cho tôi đi theo để “mở tầm mắt” như đã tuyên bố. Đến hồ câu Vườn cây các cụ, ngắm những thứ ông mang theo bày ra ngổn ngang trên bờ mà hãi, cứ như mấy anh Tây đi camping vậy. Chìa thêm cho tôi một chiếc ghế gấp, ông nhìn trời, rồi lại nhìn xuống nước, sau đó chọn một cuộn cước màu trắng và giải thích: “Hôm nay trời thế này, nhìn từ dưới lên phải dùng loại cước này cho mấy “anh chàng” không phát hiện thấy”. Tôi lặng người đi vì thấy mấy cái kiến thức của tôi về câu thủa nào chỉ là đồ bỏ, đi câu như ông này mới gọi là đi câu, nhất thiết phải kiêm thêm cả món thiên văn nữa, khiếp thật. Ông giảng giải tiếp, đây là hồ thả, nhưng uy tín của chủ hồ ở chỗ họ không lừa người câu bằng cách cho cá ăn no để chê mồi câu, cũng không thả quá nhiều cá để giật mỏi tay sinh chán, hơn thế nữa ở đây đã từng có tay câu được con chép cụ nặng tới gần chục cân nên tay nào cũng máu. Vì thế, ông bảo tôi đi câu ở đây, ai cũng vậy đã gọi là chuyên nghiệp nhat thiết phải dùng loại cước chắc có hạng. Miệng nói, tay ông thoăn thoắt kiểm tra ổ quay cước, thân cần, lưỡi và bắt đầu chế thính và mồi. Theo ông, tùy theo loại thính thơm hay thính thối những mỗi người có một công thức chế thính riêng, tí cám rang, bã bia, các loại cánh hồi… cộng thêm một tí ti mê tín khi trộn thính, chất liệu nghìn người không ai trộn lẫn ai. Tôi chợt nghĩ, phức tạp thế này, không biết thính của “bố” ngày hôm qua có giống được ngày hôm nay không mà cứ ba hoa chuyện công thức! Nhưng mà đâu có sao, vì nếu con cá đến từ ngày hôm qua, hôm nay chắc gì đã nhớ vị thính ở chỗ này mà đến, mà nếu đã thích chén rồi để mà mắc câu thì chuyển từ mặt nước sang nồi lẩu còn quái đâu nữa mà quen. Có lẽ mấy ông này lắm tiền nhiều của hay đi chén đặc sản ở những quán quen nên lại nghĩ cá cũng như mình chăng, mà cũng có thể thế thật, sếp câu cá cụ, còn lũ trẻ chúng tôi ngày nào thì câu cá nhí!
Sếp chăm chú ngồi câu, còn tôi vì học việc nên ngồi bên mơ màng nghĩ gần xa, nhưng quả thật cách ông thưởng thức thú chơi này mang nhiều vẻ khoa học công nghệ hơn là cái thú của lũ trẻ con chúng tôi ngày nào, mặc dù cùng chung nhau cái sướng giật con cá lên và đều không cùng ý nghĩ kiếm thêm protid cho bữa ăn. Khi mặt trời rút đi những tia nắng cuối cùng, mặt hồ dần thẫm lại cũng là lúc buổi câu của chúng tôi kết thúc. Hôm ấy nhà tôi cũng được thơm lây một phần kết quả khoa học công nghệ của sếp với đĩa cá rán vàng và nồi riêu cá, nhưng dù sao tôi sẽ không đi học việc nữa.
Câu cá – thật ra là một hoạt động chứng tỏ con người có trí khôn hơn con cá: mắc một món ăn khoái khẩu của loại cá nào đó vào trong một chiếc lưỡi câu sắc lẻm và tất nhiên là có ngạnh, nối vào một sợi dây cước có màu lẫn vào nước, sau đó thả xuống nước và con cá nào tham ăn lại dại dột sẽ há mồm ra đớp, để mà chuyển vùng từ ao hồ sang xoong chảo, thế là lìa đời! Mấy hôm sau, nhân dịp về lại nơi tôi sơ tán ngày nào, đem chuyện sếp tôi đi câu kể cho cụ chủ nhà nghe, cụ nhẹ nhàng bảo: Nghề đi câu là của những kẻ kiếm ăn mạt hạng, thú đi câu là của những người ham muốn tiêu dao, câu kiểu kỹ thuật cao như thế, thà đánh lưới cho xong. Cụ dặn: “Hôm nào mời sếp mày về đây, ông biểu diễn cho một buổi đi câu cá chuối, chắc chắn nó sẽ bẻ cần ngay cho mà xem”. Cụ bảo chỉ riêng chuyện bắt con ngóe móc vào lưỡi câu rồi cài một cọng cỏ sao cho khi kéo con ngóe trên mặt bèo không móc vào cánh bèo, mà con mồi phải như con ngóe còn sống đang nhảy nhảy trên mặt nước mới lừa được con cá chuối. “Ai câu được cá chuối là đại cao thủ! Cá chuối là khôn nhất hạng đấy, cháu có biết con cá chuối mẹ biết lao lên bờ nằm dụ kiến rồi nhảy xuống nước cho con nó ăn kiến rồi chứ?”.
Thế này thì tôi chịu, rối mù lên tất cả, tưởng là đơn giản vác cần đi là câu rồi, chứ thế này thì thế quái nào mới là câu nhỉ?
(Huyền Thi)
Chia sẻ bài viết này