Đang nghiên cứu về hôn nhân đồng tính

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 24 - 7. Ảnh: Chinhphu.vn
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 24 – 7. Ảnh: Chinhphu.vn.

Sáng nay, 24 – 7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó có ý kiến hỏi về kết hôn đồng tính, công tác hộ tịch, lừa đảo sổ nhà đất, xử lý tham nhũng…

Hiện nay, vẫn cấm hôn nhân đồng tính

Trao đổi về vấn đề công nhận hay không công nhận kết hôn đồng tính, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, đây là vấn đề đang gây ra những tranh luận sôi sổi, tốn nhiều giấy mực báo chí xung quanh việc công nhận hay không công nhận, hay bằng cách nào đó hợp thực hóa hôn nhân đồng tính.

Theo ông Cường, hiện luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam cấm hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn tồn tại hai luồng ý kiến. Thứ nhất, cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế, thậm chí có thể sửa luật để cho phép hôn nhân đồng tính. Luồng ý kiến thứ hai là không đồng ý sửa luật, đặc biệt là ở Việt Nam.

Công Khanh - Thái Nguyên vẫn hạnh phúc sau 6 năm kết hôn .
Công Khanh – Thái Nguyên vẫn hạnh phúc sau 6 năm kết hôn.

“Theo tôi được biết, đến nay đã có 23 nước công nhận quyền của người đồng tính, 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, 44 nước khác thừa nhận quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính.” – Bộ trưởng Cường nói.

“Cá nhân tôi cho rằng, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật… Các vấn đề này đang được nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).” – Bộ trưởng Cường thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Cường, dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính thì cũng không được tạo ra định kiến xã hội đối với cộng đồng và cá nhân người đồng tính. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có cơ chế pháp lý để bảo vệ những lợi ích chính đáng về nhân thân, tài sản hoặc con (nếu có) giữa những người cùng giới tính có quan hệ sống chung với nhau.

Có nên hạ độ tuổi kết hôn của nữ giới?

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, nên hạ tuổi kết hôn của nữ từ 18 xuống 16 tuổi, bộ trưởng Cường dẫn chứng, pháp luật các nước trên thế giới quy định khác nhau về độ tuổi kết hôn của nam, nữ. Có nước qui định thấp, ví dụ như ở Thái Lan, nam và nữ đều phải từ đủ 17 tuổi trở lên; ở Nhật Bản, nam phải đủ 18 tuổi và nữ phải đủ 16 tuổi…

Các nước XHCN Đông Âu, Liên Xô cũ trước đây quy định 16 tuổi. Nhưng cũng có nước qui định cao như Việt Nam, nữ từ 18 tuổi trở lên, nam từ 20 tuổi trở lên; ở Trung Quốc, nam từ đủ 22 tuổi trở lên, nữ từ đủ 20 tuổi trở lên.

Ông Cường lý giải rằng, sự khác biệt do nhiều yếu tố như truyền thống, văn hóa, chính sách dân số…

“Đúng là khi sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, dư luận có ý kiến cho rằng nên hạ thấp tuổi được phép kết hôn. Thực tế, ở một số vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, dân tộc…, người dân sớm chung sống và có con, mà không công nhận là vợ chồng thì rất thiệt thòi cho họ, mà trước hết là phụ nữ.” – Bộ trưởng thừa nhận.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, quy định độ tuổi 18 tuổi mới được kết hôn đối với nữ có từ năm 1959, việc thay đổi là rất hệ trọng, cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc về các khía cạnh xã hội và pháp lý khác nhau như: tập quán, văn hóa, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, học tập, lập thân, lập nghiệp…

“Chúng ta cũng phải xét đến độ tuổi đủ năng lực hành vi dân sự theo qui định của pháp luật.” – Người đứng đầu bộ Tư pháp cho biết.

Mại dâm có nên được coi là nghề?

Độc giả Khánh Ngân (Trần Hưng Đạo, thành phố Cà Mau) đặt vấn đề, có công nhận mại dâm là một nghề hay không?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hiện cũng đang có hai luồng ý kiến về vấn đề này. Thứ nhất cho rằng nên công nhận mại dâm là một nghề với quy chế quản lý đặc thù.

Có nên coi mại dâm là một nghề. Ảnh: Internet
Có nên coi mại dâm là một nghề. Ảnh: Internet.

Theo bộ trưởng Cường, làm như thế thì sẽ dễ dàng hơn trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, ngăn ngừa bệnh lây lan qua đường tình dục, phòng, chống buôn bán phụ nữ và các tội phạm khác liên quan, nhưng đây là vấn đề lớn, liên quan đến truyền thống, đạo đức, văn hóa xã hội.

Cũng vì thế, có luồng ý kiến thứ hai không đồng tình với quan điểm trên.

“Cá nhân tôi cho rằng cần phải tiếp tục có những nghiên cứu rất thấu đáo trên tất cả các phương diện về đạo đức, xã hội, kinh tế, pháp luật và quyền con người thì mới có thể có ý kiến chính thức theo phương án nào.” – Bộ trưởng Cường nói.

Trước ý kiến cho rằng, kể cả khi không hợp thức hóa thì mại dâm vẫn tồn tại và diễn ra, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không thì nó vẫn tồn tại cùng với sự tồn tại của xã hội.

“Có lẽ đã đến lúc, cần có sự đổi mới trong thái độ đối xử với người bán dâm theo hướng tăng cường các giải pháp kinh tế – xã hội phù hợp hơn là biện pháp mang tính chế tài tư pháp để giải quyết vấn đề” – Ông Cường nói.

Dẫn chứng, bộ trưởng bộ Tư pháp cho rằng, với việc bỏ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm trong Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua cho thấy chúng ta cũng đã có cách nhìn nhận cởi mở hơn về vấn đề xã hội này.

“Đây cũng là một nhận thức mới xem người bán dâm như một nạn nhân của xã hội. Cần phải đồng bộ thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế xã hội để giúp những người này thay vì việc chỉ xử phạt tư pháp.” – Bộ trưởng Cường cho biết.

Đăng ký, quản lý hộ tịch còn nhiều hạn chế, bất cập

Cũng trong buổi đối thoại, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là giai đoạn hiện nay, khi sự phát triển kinh tế – xã hội  kéo theo sự dịch chuyển lớn dân cư từ địa phương này sang địa phương khác, thậm chí ra nước ngoài.

“Mặc dù năm 2005, với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch đã có sự phân cấp nhiều loại việc đăng ký hộ tịch trước đây thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện tập trung cho cấp xã, nhưng việc đăng ký hộ tịch hiện tại vẫn đang được thực hiện ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã. Vì thế dữ liệu về hộ tịch được lưu giữ rất tản mát, có khi ở cả 3 nơi mà không tích hợp được với nhau, ví dụ, đăng ký sinh một nơi, thay đổi tên gọi ở một nơi, kết hôn lại ở nơi khác; không có cơ quan nào quản lý được đầy đủ các sự kiện hộ tịch của mỗi cá nhân.” – Bộ trưởng Cường phân tích.

Hơn nữa, theo bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc quản lý các dữ liệu hộ tịch cơ bản là bằng văn bản giấy; cán bộ Hộ tịch thì thiếu về số lượng, chưa được chuyên nghiệp hoá, lại thường xuyên biến động, gần 1/3 chưa được đào tạo Luật…

“Đã xảy ra nhiều trường hợp lợi dụng những bất cập, hạn chế đó để trục lợi cho bản thân, trốn tránh nghĩa vụ công dân, thậm chí trốn tránh cả sự trừng phạt của pháp luật.”– Bộ trưởng thừa nhận.

Về giải pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này, như việc phân cấp các việc đăng ký hộ tịch về cấp xã như tôi đã nói ở trên, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ… Tuy nhiên, theo ông Cường, những giải pháp này cơ bản vẫn là chắp vá, giải pháp tình thế.

“Để giải quyết cơ bản, triệt để vấn đề, Bộ Tư pháp đã đề xuất, được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận và hiện đã soạn thảo trình Chính phủ Dự án Luật Hộ tịch với những nội dung mang tính cải cách như xây dựng mô hình đăng ký hộ tịch một cấp (tại cấp xã); cải tiến Sổ hộ tịch theo hướng cơ quan đăng ký chỉ có một Sổ bộ hộ tịch để quản lý và công dân có một Sổ hộ tịch cá nhân trong đó lưu giữ toàn bộ thông tin hộ tịch của mình; cấp số định danh công dân khi đăng ký khai sinh; tin học hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch; xây dựng chức danh Hộ tịch viên chuyên trách. Nếu được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận, tin rằng trăn trở của bạn sẽ được giải toả.” – Ông Cường cho biết.

Một bạn đọc đặt vấn đề, hiện nay có hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả thông qua hợp đồng có công chứng, thậm chí có một số công chứng viên có hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho lừa đảo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, cũng đã có những trường hợp lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, có hiện tượng dùng sổ đỏ giả để lừa đảo. Ảnh: Internet
Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, có hiện tượng dùng sổ đỏ giả để lừa đảo. Ảnh: Internet.

Trước ý kiến cho rằng, một số công chứng viên có hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho lừa đảo,và chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, phát triển mạnh mẽ các Văn phòng công chứng góp phần làm nên hiện tượng này, bộ trường cho rằng, nói như thế là … bi quan.

“Xin thưa, nếu nói do sự phát triển, xã hội hóa nghề công chứng mà có lừa đảo thì tôi cho rằng là bi quan. Vì giấy tờ chủ yếu là sổ đỏ có thể bị làm giả, do anh em công chứng, văn phòng công chứng nghiệp vụ còn non kém, chưa có máy móc phát hiện. Do sự kết nối thông tin hiện giữa các văn phòng công chứng với các văn phòng đăng ký sử dụng đất, giao dịch chưa được thông suốt, nên có hiện tượng lợi dụng để mang giấy tờ giả đến công chứng.” – Bộ trưởng Cường giải thích.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ tư pháp, do xã hội hóa, các văn phòng công chứng thành lập tương đối nhiều, có những việc chưa kiểm tra hết được, một phần do mặt đạo đức, nghề nghiệp chưa được chuẩn. 

Theo người đứng đầu Bộ Tư pháp, đã đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định theo hướng đảm bảo sự kết nối các dữ liệu thông tin đó. Hiện, Hải Phòng, Hà Nội, TP. HCMS đã làm rất tốt sự kết nối này.

“Khuyến khích các tỉnh cho phép các công chứng viên thành lập hội công chứng để họ tự giám sát nhau, không tiếp tay cho lừa đảo.” – Bộ trưởng nói.

Tình trạng tham nhũng….đang là vấn nạn gây bức xúc xã hội

Bạn Trí Dũng (tridung14@….com) hỏi: Đến khi nào, theo Bộ trưởng, Luật Việt Nam mới có thể áp dụng hình thức truy tố đến cùng người phạm tội (tham nhũng, lợi dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng, làm sai gây hậu quả nghiêm trọng…) cho dù người đó đã nghỉ hưu, chuyển công tác hay sức khỏe yếu…(trừ khi người đó chết đi thì mới không bị truy tố nữa).

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Cảm ơn câu hỏi của anh Trí Dũng, một câu hỏi thú vị. Tình trạng tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng đang là vấn nạn gây bức xúc xã hội.

Trong ngăn ngừa và trừng trị tội phạm liên quan đến chức vụ, tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã và đang có nhiều chủ trương, giải pháp để phòng, chống và xử lý những đối tượng phạm các tội này trên tinh thần nghiêm minh.

Pháp luật hình sự của Nhà nước ta qua những lần sửa đổi cũng đã quy định theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn những tội phạm về chức vụ nói chung, đặc biệt là nhóm tội phạm liên quan đến tham nhũng. Nhà nước ta cũng đã tham gia Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Kết quả xử lý nhóm tội phạm trên thời gian qua được đánh giá là khá tốt.

Tuy nhiên, vấn đề ông hỏi liên quan đến quy định của pháp luật hình sự về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật của tất cả các nước đều quy định về thời hiệu; vấn đề là dài hay ngắn. Không có nước nào quy định vô thời hạn.

Bộ luật hình sự nước ta đã xác định rõ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng là từ 10 năm đối với các tội nghiêm trọng, 15 năm đối với các tội rất nghiêm trọng, 20 năm đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng, tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

Việc nghỉ hưu, chuyển công tác hay sức khỏe yếu… như ông nêu, đều không được coi là lý do, điều kiện miễn trách nhiệm hình sự. Những trường hợp vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự bình thường. Bộ luật hình sự cũng quy định, nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự nói trên.

Tuy nhiên, câu hỏi của ông cũng đặt ra vấn đề cần suy nghĩ, thảo luận tới đây trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào Chương trình và tôi nghĩ sẽ có rất nhiều ý kiến xung quanh việc này.

Theo Tiền Phong

 


From the same category