Dân và chính quyền đứng ngồi không yên vì động đất

Một điểm sụt lún bất thường ngay dưới chân đập Thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Nguyễn Thành
Một điểm sụt lún bất thường ngay dưới chân đập Thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chỉ trong vòng bốn ngày đêm từ tối 3-9, trên địa bàn toàn huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) xảy ra gần 10 trận động đất. Trận mạnh nhất 4,2 độ richter được Viện Vật lý địa cầu đo vào tối 3-9.

Trong khi đó, ngưỡng chịu đựng động đất của đập thủy điện Sông Tranh 2 là 5,5 độ richter. So với trận động đất mạnh nhất hồi cuối năm 2011 (3,4 độ richter), thì động đất dưới con đập thủy điện chứa 730 triệu m3 nước này đang có xu hướng dày hơn với cường độ mạnh hơn.

Trận động đất sáng qua, theo cán bộ và người dân địa phương, dù chỉ kéo dài khoảng chục giây, nhưng sức rung chuyển không kém trận xảy ra tối 3-9.

7h20 sáng qua một tiếng nổ lớn lại vang rền, trong vòng mấy giây, mặt đất rung chuyển, vật dụng trong nhà dân rung lên bần bật, nhà cửa chuyển động. Toàn bộ khách nháo nhào chạy ra khỏi phòng. Thị trấn lại được một phen nháo nhác.

Thị trấn Trà My những ngày qua đi đâu cũng nghe bàn tán chuyện động đất. Người dân liên tục cập nhật thông tin động đất từ đài truyền thanh huyện và báo chí.

Người dân Bắc Trà My lo sợ kể về động đất
Người dân Bắc Trà My lo sợ kể về động đất .

“Nhìn mặt trước đập đầy những vết dán. Người ta chống thấm kiểu gì chúng tôi không biết, nhưng thấy nó loang lổ thế kia đã thấy ớn lạnh rồi. Nay động đất nữa lại càng khiếp hơn” – anh Trần Văn Hưng, một người dân ở thị trấn nói.

“Động đất mấy ngày nay xảy ra như cơm bữa. Sống ngay chân đập không lo sao được. Sợ lắm!” – chị Lê Thị An – người dân thôn 4 Trà Tân, cho biết.

Ông Hồ Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Trà Tân, khu vực nằm dưới đập Sông Tranh 2, cho biết: “Động đất ngày càng mạnh, người dân bắt đầu chuyển sang ở trong những nhà gỗ cũ, không dám ở nhà xây, vì sợ sập nhà. Lo nhất vẫn là những nhà tái định cư kém chất lượng xuống cấp nghiêm trọng, dễ đổ sập bất cứ lúc nào”.

Dọc theo tuyến đường ĐT 616 hàng chục hộ dân sống dọc hồ thủy điện Sông Tranh 2 cũng đã bắt đầu lục đục chuyển qua những ngôi nhà gỗ để ở.

Đáng ngại là dư chấn động đất đã lan rộng sang các huyện lân cận như Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, thậm chí sang vùng cách đó cả trăm cây số. Ông Nguyễn Đình Tân, Chủ tịch UBND xã Quế Lộc (huyện Nông Sơn) cho hay, dù cách tâm chấn động đất ở Bắc Trà My khoảng 100km, nhưng những lần động đất, một số nơi ở Quế Lộc cũng bị rung lắc.

Chị Nguyễn Thị Dung (thôn Lộc Trung), xác nhận: Sáng 3-9, lúc cả nhà đang xem ti vi thì thấy rung lắc nhẹ, sau đó trâu bò ở ngoài chuồng tự nhiên hí lên rồi húc đổ cửa chạy tứ tung. Hàng chục người dân kéo ra đường. Tình hình các ngày sau cũng y hệt như thế.

Đặc biệt, theo ghi nhận tại đập Sông Tranh 2 đang xuất hiện một vệt nứt lún sâu mới và xói lở ở ngay vị trí chân đập sau những trận động đất vừa qua. Trong khi đó, ở phía bờ vai phải bên tuyến đường ĐT 616 điểm sụt lún đang được gia cố bằng những rọ sắt bọc đá, quả núi bên cạnh xuất hiện những sạt lở, vết nứt sâu.

Ông Lê Văn Tuấn, Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, kể: Đêm 3-9, ngay sau trận động đất mạnh nhất xảy ra, ông cùng Chủ tịch UBND huyện Đặng Phong lập tức có mặt ở Trà Tân ngay phía dưới chân đập để kiểm tra tình hình, trấn an dân.

Lúc này người dân đang còn nháo nhác chạy ra đường, vì nhà cửa rung chuyển mạnh. Nhưng khi xe vừa dừng ở ngã ba Trà Tân, có người dân chỉ mặt lãnh đạo huyện, mà rằng: “Các ông phải làm gì đi chứ! Cứ thế này chúng tôi không thể sống nổi”.

May sao một người lớn tuổi kịp can ngăn đỡ lời: “Cán bộ đêm hôm lên với bà con là tốt rồi. Động đất họ đâu có giải quyết được gì !”. Ít ai biết, cán bộ huyện Bắc Trà My đang phải gánh chịu nhiều áp lực đến mức nào từ công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 và những trận động đất.

Ông Tuấn thở dài: “Thấy động đất mình cũng sợ, huống chi dân ! Bây giờ an dân, ổn định tâm lý cho người dân cũng rất khó. Mình làm sao dám khẳng định với dân rằng động đất, đập thủy điện không can dự gì đến tính mạng của dân? Mình đâu phải là nhà khoa học”.

Hàng ngàn người dân đã thực sự lo sợ bởi mức độ động đất ngày càng tăng, nhà cửa nứt toác sau những rung chấn. Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện cho biết, sau những trận động đất, huyện đã tự vạch sẵn một kế hoạch di dời dân lên những điểm cao đề phòng sự cố.

Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra hiện tượng động đất

Chiều 6-9, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu tình hình động đất tại huyện Bắc Trà My và kiểm tra an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Bộ KH&CN nhanh chóng phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu quá trình diễn biến động đất và lắp đặt hệ thống quan sát tại huyện Bắc Trà My vào danh mục đề tài cấp Nhà nước để sớm triển khai thực hiện; Viện KH&CN, Viện Vật lý địa cầu cập nhật, chia sẻ thông tin quan trắc động đất từ trạm quan trắc tại huyện A Lưới (TT- Huế) để có thông tin đầy đủ và khách quan trong việc đánh giá tình hình động đất xảy ra trên địa bàn Bắc Trà My nói riêng, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nói chung.

Theo Tiền Phong


From the same category