Đàn ông viết tạp văn

Tất nhiên, người Việt hồi xa xưa lúc báo chưa ra cũng có những đàn ông viết đoản văn cự phách lắm, cứ đọc “Vũ trung tùy bút” hay “Tang thương ngẫu lục” thì biết. Người Việt vốn thể trạng xinh và nhỏ, theo lời Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, dễ có truyền thống thuần thục những gì hơi ngắn. “Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, bọn địch cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh, dùng đoản chế trường là chuyện thường của binh pháp”. (Đại Việt sử ký TT, bản kỷ – Quyển 6 – NXB Khoa học xã hội).

Lại nữa, trong cuộc sống, những đàn ông giàu bền dài “ba họ” tuyệt hiếm, chỉ nhan nhản thấy bọn trọc phú dư tiền quật khởi nửa đoạn nửa đời.

Đàn bà cũng viết tạp văn, đương nhiên, với bọn họ thì chẳng từ bất cứ việc gì. Có điều, như chính một nữ sĩ hồn nhiên sâu sắc tự thú, tạp văn là một thứ quà vặt, nhí nhách chỗ hội thảo đông người hay lúc cô đơn chờ tình đều vừa răng thích miệng. Hoặc là ám ảnh về một cuốn sách vừa đọc. Hoặc là nghẹn ngào của một mối tình vừa tan. Hoặc bức xúc về những dung tục vừa mới thô bạo chợt xảy, đại loại là những ký ức vụn. Nhưng với nhiều đàn ông, ví như văn hào Lỗ Tấn (1881-1936) người Tầu chẳng hạn, tạp văn là nghiêm ngắn.

Nó vừa có thể “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm” lại vừa “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (thơ cụ đồ Chiểu). Lỗ tiên sinh có công mặc định chữ “tạp văn”, trước ông thiên hạ hay dùng “tạp cảm” “tạp lục” hoặc “tạp bút” “tạp ghi”… Văn nghiệp của tiên sinh có vô số tạp văn tuyệt vời tới mức kinh điển. Gần đây trên tờ Văn Nghệ “già” có một ông thuần ta thống thiết đề nghị đừng gọi là “tạp văn” nữa mà phải gọi “tản văn” nghe cho nó sang. Đúng sai chẳng bàn, chỉ biết ngày nay cái kiểu “vụn văn” này sống được là nhờ báo chí. Mà đã là báo thì hẳn nhiên nhốn nháo, nơi ồn ào ra vào của bao nhiêu thập loại chúng sinh, muốn sang trọng thuần khiết là điều bất khả. Hầu hết các báo, dù lá cải hay không, thường dành một mục nuôi văn ngắn tản mạn. Thôi thì hoặc bình dị “dọc đường”, hoặc lãng mạn “một thoáng”, hoặc gồ ghề “góc nhìn”. Rồi “cà phê sáng” rồi “chén trà chiều”, tạp văn được đất tha hồ cuồn cuộn chảy.

Và cho dù cuồn cuộn, tựu chung tạp văn do đàn ông viết ở ta thường có hai loại, loại để kiếm tiền và loại để không kiếm tiền. Hai loại đều có bài thơm bài thối, vấn đề sang hay hèn cũng vậy, đều lẫn lộn có ở hai. Tuy nhiên đọc loại viết để kiếm tiền thì biết ngay, bởi đơn giản, kẻ viết bài này chính là một thứ như thế. Tạp văn kiếm tiền giống như món bò sốt vang bán cho quảng đại tiểu thị dân, vừa tươi đỏ mầu hoa hiên vừa nồng nàn mùi vang quá “đát”. Nói chung, để chan vào phở hay dùng bánh mì chấm đều được. Nhân đây cũng xin huênh hoang một “tạp kiến”, Hà Nội là nơi đông chỗ bán sốt vang ngon nhất nước. Không kể làm ra vẻ cao lâu như Nguyên Sinh phố Lý Quốc Sư thì vỉa hè nào cũng rất sẵn. Thâm niên tàm tạm ăn được có gánh (chỉ bán sáng sớm) ở góc Hàng Ngang ra Hàng Chiếu, rồi Lý béo (chỉ bán đêm) ở Hàng Quạt. Dăm năm lại đây có phở số 8 Hàng Da cũng rất ổn. Có điều, vì chủ quán là đàn bà nên thịt bò nạc quá, cả một cục vuông đầy đặn giống như đạo đức của đám đại gia lúc bốc đồng từ thiện làm người ăn chóng chán. Cố nhiên, đã bò sốt vang thì đừng lắm bèo nhèo, nhưng muốn ngon vẫn phải là diềm giắt mỡ và ngon nhất là gân. Tạp văn kiếm tiền bắt buộc phải lên gân. Thành ngữ bia hơi bảo “cổ có gân thành thần nói phét”, tạp văn kiếm tiền mà không biết bốc phét thì có nước húp cháo.

Loại thứ hai là tạp văn không kiếm tiền, so với loại trước, điều khác biệt dễ nhận là nó hay được tập hợp in vào sách. Tạp văn thành sách không hiểu có oai và sang hơn không nhưng chắc chắn là đang thời thượng, bởi nó a dua chiều theo cái thói quen ngại đọc dài của độc giả. Kệ sách đựng nó ở thư viện Quốc Gia càng ngày càng đầy phè, số lượng đe dọa hai kệ để thơ bên cạnh. Mẫu mực của tạp văn không kiếm tiền thường thấy ở hình thức “entry” rưng rưng cảm xúc trên mênh mông các Blog. Đấy đều là những đoản văn vô tư vô danh vô lợi không diêm dúa chẳng tu từ, nhiều khi bâng quơ nhỡ đọc bỗng dưng xót xa bật cười đau buốt ruột. Nhìn kỹ lại màn hình, chợt thấy những vệt chữ sao mà giống y như những vệt nước mắt.

Tuy nhiên, hầu hết những đàn ông khởi đầu bằng viết tạp văn, cho dù viết hay, thường rất vất vả để thành một nhà văn chuyên nghiệp. Tạp văn là một thứ “ăn ngay” nên ngày ngày bào mòn nội lực của người viết. Khi phải đối diện với việc cần mẫn viết dài đòi hỏi thời gian, bọn họ dễ sốt ruột. Đa phần những nam văn sĩ viết giỏi tạp văn đều buông bút không viết văn nữa, có người may mắn trở thành nhà báo. Và chính vì sự bác tạp của tạp văn, cũng như sự “tức thời” của nó với độc giả nên đám đàn ông tham gia viết cũng mang đủ loại xuất xứ. Có văn sĩ tiền bối như Ngô Tất Tố, Võ Phiến. Có họa sĩ như Đỗ Phấn, Phan Cẩm Thượng… Có nhạc sĩ như Quốc Bảo, Dương Thụ. Có bác sĩ như Đỗ Hồng Ngọc. Có thi sĩ như Đỗ Trung Quân, rồi có người xuất xứ là kiến trúc sư như Nguyễn Trương Quý… Ngoài ra, rất đáng kể là những nhà báo chuyên nghiệp, bởi tạp văn là thứ nửa văn nửa báo. Vào năm 2008 tờ Thể Thao và Văn Hóa đã tổ chức rầm rộ cuộc thi viết Entry (thực chất là một kiểu tạp văn) với giải thưởng xinh xinh.

Nói cho cùng, tạp văn là thứ văn mưu sinh, là thể loại “tủi thân” nếu miễn cưỡng phải so với tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đàn ông viết ra nó đều là những người có nhân cách, thậm chí còn tử tế. Ngày hôm nay, số người mua và đọc tạp văn thường đông hơn hẳn số người mua và đọc tiểu thuyết.

Điều này chẳng hiểu nên lo hay mừng.

Nguyễn Việt Hà 



From the same category