Đàn ông và ‘fast food’

Làm sao mà cánh mày râu, những chàng trai ưa hoạt động và không thích ngồi có thể cà kê những bữa ăn hàng tiếng đồng hồ nếu như ngồi đối diện họ không phải là một cô gái đẹp hay một hợp đồng làm ăn béo bở. Nói thế, đàn ông không thích kéo dài chuyện ăn uống trong ngày, nhất là khi anh ta có hàng núi việc đổ lên đầu. Fast food hiện ra trong tích tắc, dĩ nhiên chỉ một cú điện thoại, bạn có thể… no cả ngày.

Thật chứ chẳng đùa, một khẩu phần fast food bình thường đã có thể cung cấp 1.200 – 1.600 kcal, gần đủ cho một nhân viên văn phòng làm việc trong một ngày. Sự tiện lợi về mọi mặt đã đẩy fast food vào hàng ngũ những lựa chọn thực phẩm tối ưu. Trong khi đó, sự thật thì hơi phũ phàng một chút các chàng trai ạ. Bởi thức ăn nhanh thường trải qua nhiều công đoạn gia công và trở thành thực phẩm nhiều calo nhưng lại dinh dưỡng thấp. Chớ nên bị lừa bởi dòng chữ “không chất béo transfat” hoặc “100% yến mạch” vì thực tế, các gia vị như muối, đường, chất béo bão hòa khá cao.

Đàn ông ăn nhanh, cả nghĩa đen lẫn bóng bởi khi đã chọn fast food, chẳng ai lại ngồi nhâm nhi như uống café. Nhưng chuyên gia dinh dưỡng thì khuyên bạn nên ăn chậm thức ăn nhanh, để cơ thể có thời gian tăng đường huyết.

Một đùi gà rán hoặc một phần bánh mì bò bít-tết trung bình cung cấp đến 800 kcal (trong đó có 80g chất béo). Trong khi đó một phần fast food ba cánh gà tẩm bột chiên giòn đã chứa đến 1.000 kcal (trong đó có trên 100g chất béo). Nếu ăn nhanh sẽ không cảm thấy no, đến khi ăn cho no thì lúc đó cơ thể đã không kịp tiêu hóa hết các chất béo. Với những anh chàng lười tập thể thao thì dùng fast food đúng là một thảm họa!

Bốn thức ăn nhanh được “để ý” nhiều nhất

Khoai tây chiên: Có một chút rối rắm khi nói đến xuất xứ của món ăn cực kỳ thịnh hành này. Jo Gerrard, một nhà sử học người Bỉ, cho rằng khoai tây đã được chiên từ những năm 1680 ở vùng thung lũng Meuse nằm ở giữa Dinant và Liège. Tuy nhiên, người Pháp lại cho rằng  khoai tây chiên có nguồn gốc từ nước mình bằng cách đưa ra bằng chứng rằng món khoai tây chiên giòn được Thomas Jefferson (tổng thống thứ 3 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) nhắc tới vào đầu thế kỷ XIX, và đầu bếp của ông ta là người Pháp, người làm cho ông món khoai tây chiên.

Bánh mì kẹp: Ngày nay, người ta dùng bánh mì kẹp (dạng ống như Việt Nam) hay dạng lát như sandwich để ăn với thịt, đồ biển hay phô mai cùng với rau hay xà-lách để giảm ngấy. Buổi sáng, sở thích quệt một chút bơ đậu phộng, pa-tê, dầu hay mù tạt… lên sandwich đã trở thành thói quen của những công dân dán mác văn phòng.

Gà rán KFC: Với người mập thì thật khó cưỡng lại sức hấp dẫn của những miếng thịt gà thơm lừng, chứa đầy dầu mỡ và chất béo. Xuất xứ của gà rán Kentucky là do ông Harland Sanders chế ra, gia vị pha trộn 11 nguyên liệu khác nhau tạo nên mùi vị độc đáo.

Rau trộn: Thường được dùng kèm những lúc cảm thấy quá ngấy mùi vị dầu mỡ và những đùi gà béo gậy. Một đĩa rau trộn có đầy đủ hoa quả ưa thích dùng kèm với nước sốt mayonnaise quả là lựa chọn hoàn hảo cho những chàng giảm cân (nếu không dùng thức ăn có đạm nào khác).

Lưu ý

Không nên dùng thức ăn nhanh đi kèm với nước uống chứa chất caffein. Các chuyên gia Đại học Guelph tại Canada cho biết, khi ăn các loại fast food giàu đạm và chất béo, việc  uống cà phê sẽ làm cho tình trạng sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một cuộc khám phá nho nhỏ đã chỉ ra rằng, việc kết hợp thức ăn nhanh với chất caffeine không chỉ làm tăng đường huyết gấp đôi với những người chỉ dùng fast food thông thường. Mức tăng đường huyết cao tương tự với những người có nguy cơ đái tháo đường.

Các chuyên gia cũng cho biết khi ăn nhiều chất béo, việc tiết hormone incretin từ dạ dày ruột (hormone này truyền tín hiệu đến tuyến tụy làm tiết insulin) bị ảnh hưởng. Thông thường, chất béo ngăn cản đáp ứng của ruột với carbohydrate. Tương tự, caffeine sẽ làm “hư hỏng” tín hiệu từ ruột đến tuyến tụy. Những người có nguy cơ đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa ngoài việc tránh thức ăn nhiều chất béo còn phải tránh dùng caffein đi kèm.

Trần Linh (TTVH & Đàn Ông)

From the same category