Đàn ông uống rượu vốn chẳng xa lạ trong xã hội. Ngày thường uống đã khác, ngày Tết lại càng khác…
Ở trong quán là sầm sập những đại ngôn thăng hoa chém gió. Ngoài cửa quán là nắng là mưa là dung tục đời thường cứ chầm chậm trôi. Đàn ông đã biết uống đa phần đều là những người biết chia sẻ, biết chịu đựng. Họ bất cần sống nhanh, thế nhưng, dù lai rai chậm đến mấy thì cữ uống ngày thường cũng thua xa ngày tết.
Tết ở Việt Nam là khoảng thời gian phóng khoáng trôi chậm nhất thế giới. Hải Phòng, Đà Nẵng hay Sài Gòn vốn đã chậm, nhưng Hà Nội mới vô địch về chậm. Có được sự giảm tốc đáng yêu đấy là nhờ những bữa cỗ tràn ngập đám đàn ông thích uống. Nhiều phố cổ như đứng yên trong mìn mịn màn mưa phùn luênh loang mùi men. Chiều muộn Giao thừa làm tất niên, trưa sớm mồng Một làm khai niên. Mấy anh em đồng hao quanh năm bận việc mất mặt nhau nay được dịp bù khú, “cử bôi tiêu sầu” ngấm ngầm san sẻ nỗi bất hạnh mang tên “đằng vợ”. Rồi chiều mồng Hai bạn mời, rồi trưa mồng Ba mời bạn. Bữa nào cũng sóng sánh Vodka, Whisky. Cầu kỳ nữa là rượu cất nếp thửa riêng, ngâm cao hổ mật gấu ba kích táo mèo… Tất cả thăng hoa thành một vòng tròn phê phê lừ đừ quay dìu dịu. Ngày tết ngày nhất đi đâu mà vội. Vì thế lịch xuất hành chúc tết của đa số đàn ông ham uống thường đứt đoạn. Tất nhiên, vợ con khó tính có thể cáu, người yêu quen “chảnh” có thể hờn. Có điều ngày tết là ngày của cao cả vị tha, chẳng ai nỡ mất vui làm đau lòng người khác.
Đàn ông từ từ uống tết đại loại chia thành hai, loại trót có gia đình và loại độc thân lãng tử. Loại một mang vẻ đứng đắn, vừa sáng ra thì ân cần tranh thủ cả nhà ngủ muộn, dự định đến ông này chú kia. Còn chiều sẽ đi cùng vợ con, tới thăm cô này dì nọ. Tết nhất kiêng gõ cửa người ta sớm, nên tới nhà đầu tiên cũng chừng hơn mười giờ. Chủ nhà đã com lê com táo chuẩn bị đi, mới ra ngõ gặp khách thì hớn hở quay vào kêu may quá, bèn bầy đôi chén gọi là nhâm nhi tí ti chúc nhau sức khỏe. Chén đầu tự cắt khoanh giò, chén sau hô đứa con gái lớn múc thêm bát măng. Khách tỏ ra lịch sự, nốt chén thứ ba này thôi nhé, vì trót có hẹn một ông ở đầu Hàng Trống. Chủ khe khẽ nài, thì cứ uống đi, từ đây sang đấy có bao xa, trưa nay tôi cũng phải đi chúc tết ông bà Nhạc dưới tít tận Giảng Võ.
Chợt có khách đến thêm, mà lại là bạn chung, mà lại là người nức tiếng có tửu lượng hào sảng. Chủ nhà phi như bay vào buồng trong, nơi có giấu một chai “độc nhất vô nhị”. Hiền thê đang uốn éo trước gương là lượt quần áo xong rồi, tuy hốt hoảng nhưng vẫn nhẹ nhàng nhắc “ông bà ngoại chờ cơm bố đấy nhé”. Chủ nhà nghiêm mặt toát ra vẻ chính khí kinh người. “Ơ hay cái cô này, tết nhất mà cứ vội vội vàng vàng”. Ông khách đến đầu tiên nhìn thấy chủ nhà cầm chai rượu quý ra thì lưỡng lự như thở dài, tặc lưỡi rút điện thoại gọi về dặn nhà là một lúc nữa.
Và một “lúc” của ngày tết thường dài bằng thế kỷ. Chênh chếch quá Ngọ, mâm uống đã phình ra hơn sáu. Và vui nhất là có cả bố vợ của chủ nhà. Cụ mới chừng hơn sáu mươi, hồi trẻ cũng từng lê la không biết bao nhiêu tửu quán. Biết tính la cà của thằng con rể, nên đầu giờ chiều chủ động mò tới, lì xì mở hàng cho mấy đứa cháu ngoại. Thế là ngồi cùng mâm, thế là ngồi một “lúc”. Đám đàn bà trẻ con hình như còn giữ được một chút cốt cách phương Đông, chiều chồng nể cha, đành đem bộ bài “tá lả” hay “tam cúc” ra chơi ăn tiền mừng tuổi. Chiều xuân sầm sậm mưa, rét buốt này thì đi đâu. Tết chẳng dành cho người thân thì dành cho ai. Thời gian lững lờ hạnh phúc, mim mỉm cười ủng hộ.
Đàn ông uống tết loại thứ hai thường là dở dang độc thân văn nghệ sĩ. Có thể là vẽ, có thể là văn nhưng đáng nể nhất là mấy ông làm thơ chưa thành. Họ mới đúng là đích thực thi sĩ. Tết đến nhà họ chơi hay họ đến chơi nhà, đại để đều là một ngày vui thảm họa. Họ sẽ uống qua trưa, qua chiều, kệ cho khách hay gia chủ ruột gan như lửa đốt. Và đã uống đến chai thứ hai thì đừng nói chuyện đi đâu, trừ phi bê cả cái bàn đang dở sang nhà khác uống tiếp. Với họ, phẩm chất cao quý nhất của ngày tết là sự thong thả. Họ luôn nhìn những thằng uống kiếm cớ đi về sớm bằng đôi mắt khinh khi, nửa trắng nửa đỏ. Này, ông đã được nghe cặp câu đối của một nhà Nho xưa ngông nghênh chơi tết chưa. “Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, cưỡi con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu. Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng châm rượu trước hiên mai”. Thấy khách vẫn nhấp nhổm, họ khinh bạc phẩy tay không tiễn. Làm sao có thứ tầm thường tới mức, lúc người ta đang cao hứng đọc thơ khai bút, lại có thể cung kính đứng lên cáo lỗi xin phép về với vợ con. Và thơ mừng Xuân thì có ai đi đọc đoản thi. Ngắn nhất cũng phải ba chương trường ca. Và chương ngắn nhất cũng phải gần năm nghìn chữ.
Vì là ngày xuân, hơi lành khí thiêng tụ, nên đôi khi trong đám lãng tử ham uống vẫn có một vài ẩm giả thoát tục. Cách đây chừng ba chục năm, góc đầu Nhà Chung rẽ sang Nhà Thờ Lớn có một vị như thế. Ông xứng đáng là một “tu” sĩ. Tửu lượng vô bờ, kiến thức thâm tàng vô lượng. Xuất xứ Công giáo nhưng thường nhật hành Thiền. Cứ mỗi khi tết đến lại tự chế một bình “Túy nhật tửu”. Rượu đó thơm ngát, uống một chén say đúng một ngày. Ông chẳng bao giờ đi chúc tết nhà ai, khách tới chơi quý lắm thì mời uống nửa chén. Kẻ viết bài này cậy thân, tham lam xin uống đủ hai chén, say ngủ suốt cả ngày mồng Một mồng Hai. Mở mắt dậy hoang mang thấy mình như khác. Kể từ đó loay hoay tập tọng viết văn, sâu xa đến giờ vẫn không biết do ý mình hay ý rượu.
Hình như tết năm ấy cũng là tết con Ngựa.