“Tôi không đi qua tôi để lại gì”
(Văn Cao)
Việc rửa bát hay không không quan trọng, quan trọng là thiên kiến của mỗi người về người về việc đó.
Thu nhập và Rửa bát: có nên so sánh?
Có bạn la oảng lên là “Tôi thu nhập gấp ba lần vợ, Tôi không rửa bát”, tôi không đồng tình về mặt quan điểm, còn đúng hay sai tôi không biết vì đó là thiên kiến của mỗi người.
Nếu kể ra tôi công tác tại một ngân hàng lớn, vợ tôi công chức, lương của tôi có thể gấp nhiều cái ba lần của bạn, nhưng những dịp như 8.3, hoặc khi mẹ tôi hay vợ tôi mệt, tôi vẫn rửa bát bình thường.
Tại sao ư? Có hai lý do: Thứ nhất, có thể bạn cho rằng tôi sách vở nhưng tôi thấm những lời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong “Phép lạ của sự tỉnh thức”, đại ý tôi rửa bát và tôi biết tôi đang rửa bát, và tập trung vào một việc rửa bát, coi như bước đầu của Thiền.
Tôi rửa bát để cho con tôi nhìn và hiểu rằng công việc đó ai cũng có thể làm được.
Thứ hai, tôi rửa bát để cho con tôi nhìn và hiểu rằng công việc đó ai cũng có thể làm được, con cũng có thể làm được, bố cũng có thể làm được, bà nội cũng có thể làm được. Nếu ta sợ bẩn, sợ lôi thôi lếch thếch khi rửa bát làm mất “nhuệ khí, phong độ” đàn ông thì khi ta ăn ta có nghĩ tới việc ai sẽ rửa bát. Hay như ngày xưa, tôi và chị tôi hồi nhỏ hay đưa đẩy nhau trong những ngày đông rét mướt “không ốm đau ăn sau rửa bát”. Chẳng lẽ việc rửa bát – một việc đơn thuần trong nhà lại khiến ta mất đi “phong vị” đàn ông đến thế.
Tôi không nghĩ như vậy. Việc đàn ông trượng phu hay không, phải do vị trí, vị thế của người đó trong xã hội quyết định, cũng như tiếng nói trong gia đình dòng tộc, cách cư xử với người trên kẻ dưới chứ không phải việc người ấy làm những – cái – gì – cụ – thể.
Một người quét rác sống tử tế còn hơn gấp vạn lần anh đi xe – Mẹc – đâm – xe – chết – người – rồi – bỏ – trốn. “Trụ cột” hay “cụ chột” của gia đình cũng cần sống tử tế, ngay từ việc rửa bát, may ra mới để lại Phước cho con cho cháu.
Thế nào cho phải Đạo?
Tôi nghĩ mỗi người mỗi việc, việc rửa bát không có quy định thành văn nào là để cho phụ nữ làm, còn đàn ông thì chỉ làm những việc quốc gia đại sự, những bạt sơn quá hải, nam nhi chí khí bình sơn hải, nữ nhi thường tình.
Trong một nếp tư duy khác, một cách nghĩ khác, mình sẽ thấy câu chuyện hết sức bình thường, ai rửa bát cũng được, miễn là phải sạch sẽ, tử tế. Có người nấu ăn, có người rửa bát, có người ăn, có người chẳng muốn làm gì cả, đều là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong một gia đình, sự sẻ chia cực kỳ quan trọng và việc thể hiện sự chia sẻ ấy là cả một nghệ thuật.
Hành động căn cứ trên mục tiêu của bạn, mục tiêu của tôi là nuôi dạy con thành người, thông qua việc rửa bát tôi dạy cả vợ cả con rằng việc rửa bát tôi làm được, tôi sẻ chia được với vợ, với mẹ. Nói như các cụ ở quê tôi, coi như là một mũi tên coi như là trúng hai đích, vậy thôi!
Theo Vietnamnet