Đàn ông ngoan được gì? - Tạp chí Đẹp

Đàn ông ngoan được gì?

Sống

Một người đàn ông được định nghĩa “ngoan” chỉ cần: chăm chỉ kiếm tiền cho gia đình, không xấu không đẹp, không cờ bạc, không nghiện rượu chè, không ngoại tình, thương vợ, yêu con, biết chia sẻ việc nhà, không yếu… chuyện gối chăn, cũng không (thèm) bạo hành, bạo lực với vợ cả trong đời sống lẫn trong tình yêu.

Ngoan quá hóa… hèn?

Thế nhưng, đàn ông muốn ngoan không phải dễ. Nhiều anh chồng sớm “giác ngộ” để duy trì hạnh phúc gia đình bỗng một ngày nhận ra mình đang tự nhàm chán hóa cuộc sống lứa đôi. Đàn ông quá nề nếp thì cũng bị bạn bè gièm pha.

 

Chưa kể, dẫu phụ nữ muốn chồng mình chừng mực, ngoan hiền để giữ chân nhưng họ vẫn không ngừng âm thầm, ngưỡng mộ và… khao khát những anh chàng có chút lãng tử, ngang tàng. Đàn ông đa phần bản tính xuề xòa, đã quen nếp sống… ngoan thì sẽ chỉ có ngoan và ngoan hơn nữa thôi.

Ban đầu, các bà vợ cũng muốn có anh chồng toàn tâm cho gia đình. Nhưng đàn ông chỉ biết làm việc, chơi với từng ấy người bạn, lên giường với vợ trong từng ấy tư thế thì hẳn vợ cũng sẽ mộng mơ về hình bóng… phá cách hơn. “Tôi đưa tiền lương về đầy đủ thì cô ấy vui. Sau đó, tôi muốn lấy tiền chi tiêu thì hạch sách, khó chịu, coi thường ra mặt. Tôi chán nản muốn thay đổi cũng không biết phải làm gì. Không lẽ ra đường thành kẻ chơi bời trác táng mới đáng để vợ trân trọng?” Anh D.T (39 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng) cám cảnh than thở.

Mất cả chì lẫn chài

Người ta vẫn nói phụ nữ cam phận nên dễ bằng lòng. Chỉ cần cho nàng một gia đình êm ấm, tiền bạc đủ xài, đời sống vợ chồng viên mãn là nàng sẽ hạnh phúc. Nhưng có bà vợ nào dám thề rằng, với bản tính hay so sánh và hay đòi hỏi, một anh chồng ngoan chỉ cần theo một khung tiêu chuẩn ấy là đủ?

Anh T.Q (42 tuổi, Đà Nẵng) chua xót nhận ra, làm chồng ngoan có quá nhiều thiệt thòi và hiểm họa. Quá trình hơn 15 năm chung sống yên ổn của hai vợ chồng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Anh vẫn yêu vợ. Chị cũng không có người thứ ba. Nhưng trong đời sống vợ chồng, họ có những “triệu chứng” chán nhau.

 

Ban đầu, chỉ là những lục đục kiểu “chén bát xô nhau”. Anh giận vợ mấy cũng bỏ lên sân thượng ngắm trời ngắm đất rồi lại vào chơi với con. Nhưng dần dà, đến lúc căng thẳng trong “chuyện riêng” của hai vợ chồng, anh ức chế chỉ biết đấm tay vào tường. Những lúc ấy, anh cứ nghĩ một hội bạn nhậu sẽ là liều thuốc tiên đối với tâm trạng u uất của anh. Đôi khi anh Q muốn hâm nóng tình cảm vợ chồng, “tái hẹn hò” cùng vợ. Chị phán ngay: “Ông có gì hay ho đâu mà hẹn với chả hò”. Rồi khi anh muốn đổi mới chuyện yêu thì chị lại cho rằng anh “rửng mỡ ăn chơi”.

Nhiều lần xuống nước hàn gắn với vợ vì vẫn còn yêu và thương hai con còn nhỏ quá nhưng vợ anh chỉ bảo rằng chị không thể vượt qua cảm giác chán nản này, anh đành thuận tình ly hôn dù thấy ấm ức bởi mình “ngoan” mà vẫn khổ.

Trong gia đình, khi người đàn ông có phần nhẫn nhịn, phụ nữ sẽ lấn tới. Một câu hỏi đặt ra là dù các ông chồng “ngoan” luôn đáng được hoan nghênh, tuy nhiên vì thế mà sống khuôn mẫu, một màu liệu có tốt? Và dù chồng hiền nhưng người vợ chưa biết trân trọng, vẫn còn cách nghĩ “cỏ bên đồi kia xanh hơn” thì hạnh phúc nào có thể bền chặt trong mái nhà mà người giữ lửa đã dội vào đó sự hờ hững, chán nản?

Theo Gia đình

Thực hiện: depweb

12/08/2012, 21:19