Đàn ông hoài cổ

Phở không người lái trộn cơm nguội, tóp mỡ xào dưa, cơm độn khoai hoặc sắn. Đàn ông tấp nập vào uống bia hơi quốc doanh, lộn xộn ngồi ghế đánh dối vécni, còn bàn thì có chân làm từ máy khâu “xanh gie” “con bướm”. Khách vừa ăn vừa nghẹn ngào nhìn những kỷ vật khốn khổ của một thời chẳng nỡ quên. Dép đúc Tầu là huyênh hoang quân khu nghĩa hiệp. Cặp lồng nhôm sứt hai ngăn là tần tảo mồ hôi mẹ tan ca. Tivi cửa lùa đen trắng là gom góp bố đi công tác Sài Gòn. Tay chủ, vốn âm thầm sở hữu vài ba quán thời thượng quanh Bờ Hồ, khi trả lời ồn ào báo chí là tại sao làm thế thì ngập ngừng “tôi là một đàn ông hoài cổ”.

Hoài cổ nôm na là “nhớ cũ”, và mười phần trong nỗi nhớ dung dị đấy thì đến bẩy tám là bồi hồi run rẩy. Chẳng phải là sợ cái thứ dọa dẫm sến kiểu như “bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã trả đại bác”, nó đơn giản là một cảm xúc nhưng nhức như nuối tiếc như dằn vặt như bất an. Khi nhỡ hoài cổ, đàn ông đại loại phải làm một cái gì đấy (thông thường là làm thơ), nếu không sẽ rất khó thở. Lại nhớ về buổi chiều nhiều mây khi cái cửa hàng đó chưa khai trương. Gã sẽ là chủ quán bồn chồn nhìn mưa bỗng buông chén khan khàn giọng nặng như chém đá, nhất quyết phải mở một quầy mậu dịch bao cấp. Giờ đây đã thật nhiều tiền, nhưng ký ức với đằng đẵng những cảnh vật lộn xếp hàng cầm sổ lương thực đong gạo rồi chen ngang đánh nhau tem phiếu mua đậu phụ bứt rứt ám ảnh. Đấy là chưa kể lẫn lộn vào những rạch quần loe những “cờ đỏ” cắt tóc dài là một lần cuối ngõ tối, cả hai run như cầy sấy bàng hoàng với nụ hôn đầu. Rồi liều lĩnh mở cúc trên cùng áo phin nõn, chợt hốt hoảng thấy cả một vùng trắng hồng ngấn ngực.

Hoài cổ thì không hẳn là đặc sản chỉ riêng có ở đàn ông, đôi khi ở đàn bà cũng phảng phất. Có điều, những “nhớ cũ” ở các nàng hoặc bâng khuâng ước lệ “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà Huyện Thanh Quan). Hoặc níu giữ nhỏ mọn “Con đường ta đã dạo chơi. Xin đừng đi với một người khác em” (Phan Thị Thanh Nhàn). Chính vì thế mà lúc đâm sầm phải quá khứ, ví như gặp lại người tình cũ ở buổi “pạc ti” nào đấy chẳng hạn, đàn bà vẫn thản nhiên ung dung thăm hỏi. “Khỏe không”, “đã mấy con” rồi nhí nhảnh đùa “hóa ra vẫn độc thân à, để hôm nào đây giới thiệu cho cô em chồng nhà này nhé”. Tất nhiên, ở sâu xa khuất khúc của người hỏi hình như cũng nhoi nhói một tý, và chỉ một tý ấy thôi. Đàn ông khác hẳn, đã không “nhớ cũ” thì thôi, còn nếu bị nhớ, nhất là buổi chia tay cuối cùng của mối tình đầu, thì tất thẩy đều xót xa tan hoang đứt ruột. Không phải ngẫu nhiên mà những người tuổi cao thọ lâu, chín mươi chín phần trăm đều rơi vào các cụ bà.

 

Đàn ông tử tế hoài cổ thường là những đàn ông đang ở đẵn tuổi vận hạn, 49 đã qua 53 vừa tới. Đám trung niên này hoặc từng sở hữu một hôn nhân nát bét hoặc đang có một gia đình chới với mong manh. Và cho dù có tiền hay không thì hầu như bọn họ đều biết đọc sách, đều biết uống rượu ngon rồi thỉnh thoảng có làm thơ. Thơ của bọn họ đều nhói buốt buồn bã, nhiều câu nhiều chữ chấp chới tới tầm “Ô y hạng”, một tứ tuyệt kiệt tác hoài cổ của Đường thi. “Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến. Phi nhập tầm thường bách tính gia”. Nó rơm rớm như nước mắt của anh hùng tuyệt lộ. Giống như sự sang trọng bị bán rẻ. Giống như sự chân thành bị đểu giả phản bội.

Cố nhiên, đàn ông hoài cổ không chỉ có loại xót xa buồn mà còn có loại hớn hở vui. Loại sau đông lắm. Đó là những trọc phú dư dật thành đạt hoặc học giả thời thượng bằng cấp. Tuy được cuộc sống đương thời chiều chuộng hết mực nhưng bọn họ thậm ghét những gì đương đại. Văn học bây giờ đã hết đỉnh cao. Hội họa bây giờ rặt học mót. Âm nhạc bây giờ toàn lai căng. Với bọn họ, ngoại trừ gái tân, còn đâu tuốt tuột phải cổ hết mới giá trị. Câu đầu lưỡi ở họ luôn là “bao giờ cho đến ngày xưa”.

Hôm rồi trên tivi, có một gã mới giàu bỗng sinh thói tao nhã vun đá trồng cây cảnh đã hăng hái tụng cổ, người Thăng Long chơi đá chơi cây thì tinh tế quý phái nhất là thời cuối Trịnh. Danh sĩ Phạm Đình Hổ, người Kẻ Chợ hồi ấy, từng tức giận nói rằng “Ta chỉ quái lạ cho người đời bây giờ chơi hoa chơi đá khéo quá thành ra vụng… Những hình long hổ ngoằn ngoèo, sư lân hống hách khiến ai cũng thấy bịt mắt lắc đầu mà chán. Thế mà người đời lại lấy làm cao, ta thực không hiểu ra sao cả”. (Vũ Trung tùy bút-NXB Trẻ, trang 48).

Ô hô, đã là nông nổi hợm hĩnh thì cổ hay kim đâu có khác. Còn một giáo sư, chạy mãi mới được bằng thì ra vẻ cao đạo tự giễu. Tiến sĩ ngày nay chất lượng đáng ngờ quá, chẳng được như xưa. Có thật thế chăng. Thôi thì không kể mấy ông tiến sĩ “giấy” thời mạt Nguyễn mà cụ nghè Tam Nguyên Yên Đổ đã chua chát, chỉ tính thời Lê thôi, lúc học phong còn đang cao thì cũng “Lê triều tiến sĩ nhị thập tứ. Bát chân bát ngụy bát chân ngụy. Như kim thoát khước triều đầu cân. Vị giác thùy phi hựu thùy thị”. Đây là cảm thán của Thám hoa Phan Thúc Trực, tác giả của bộ “Quốc sử di biên” nôm na có nghĩa “24 vị tiến sĩ triều Lê. Có 8 vị đáng có 8 vị chẳng đáng, còn 8 vị thì nửa nọ nửa kia. Nếu bỏ cái khăn đội đầu ra, bố ai biết là vị nào đúng tiến sĩ”.

Hỡi ơi, xưa cũng như nay cũng một vòng luẩn quẩn. Cũng ngần ấy điều hay và cũng không biết bao nhiêu điều dở. Lãng mạn hoài cổ rồi trở thành gàn dở nệ cổ thì đàn ông tử tế nhất quyết không làm.

Hình như hơn hai nghìn năm trước cổ nhân đã từng nói như vậy.

Nguyễn Việt Hà



From the same category