Trong lịch sử mỹ thuật nhân loại, hình tượng về phụ nữ khoả thân là một chủ đề lớn được nhiều hoạ gia, điêu khắc gia say mê mô tả. Đương nhiên, ở một chừng mực nào đó (đặc biệt tại phương Tây), đàn ông cởi truồng cũng được bọn họ nồng nhiệt quan tâm.
Không kể những ký hoạ mang tính bài tập suýt soát ngang tầm tác phẩm, thì các ví dụ kinh điển hay được nhắc đến nhiều nhất đó là những tượng đá hoa cương Hy Lạp của Praxiteles (390? – 330?. BC) rồi David (1503) của Michel Angelo.
Có điều, hầu hết những đàn ông cởi truồng này đều thoát tục nửa thần nửa người (không phải ngẫu nhiên “bo-đì” của thần mặt trời Apollo lại được khai thác triệt để), “cái kia” rất xinh còn cái mặt hoặc chân tay đều hoành tráng rạng ngời chính phái.
Ở văn hoá Hy Lạp, chuyện đàn ông “nuy” không phải là cái gì quá tệ hại và xa lạ, vì thế việc đàn ông văn minh ngày nay bỗng trở nên “ê-lê-gần” kín đáo chắc hẳn nguyên nhân không xuất phát từ quan điểm thẩm mỹ.
Còn ở ta, trong một bản đồng dao tương truyền từ thời Đinh đã có những câu “Là thằng con trai. Có tài đả hổ. Đẵn cây cây đổ. Xô đá đá nhào. Leo lên núi cao. Bắt con hổ mộng. Nhảy xuống sông rộng. Chém con thuồng luồng. Chớ có cởi truồng. (Mà) nó vồ mất cu”.
Đồng dao Việt vốn là một thể loại nghệ thuật phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống, qua đó có thể thấy rằng vào thuở xa xưa trong trắng, đàn ông lúc đang lao động (mà săn bắn là hình thái nam tính nhất) luôn cẩn thận mặc quần hoặc khố, cốt để phòng tránh một tai nạn oái ăm không đáng.
Cố nhiên cũng có trường hợp vừa lao động vừa thoát y như Chử Đồng Tử, nhưng lý do lại thật đơn giản: nhà Chử quá nghèo. Khi quần áo ít, đàn ông thường thanh thoát trong sạch, gần gũi thiên nhiên, nuôi dưỡng một lương tri trong vắt. Có lẽ vì thế nên đàn ông hồi ấy lúc ngơi nghỉ, đa phần đều cực kỳ phong phanh, so với nếp sinh hoạt của đàn ông hôm nay thật khác lắm.
Bây giờ, kha khá đàn ông ở đô thị lớn thường thích thư giãn trong các tiệm mát-xa gội đầu máy lạnh hoặc những quán karaoke có tay vịn, và hầu hết bọn họ đều rụt rè không dám cởi.
Bởi mặc dù không có hổ mộng hay thuồng luồng, thế nhưng nhỡ có cởi truồng thì thỉnh thoảng vẫn bị “nó” vồ mất. Nỗi hãi sợ này luôn ẩn ức trong vô số đàn ông hiện đại, và cái vô thức thèm cởi chỉ buột hiện hình thăng hoa trên mặt bìa album của một số nam ca sĩ chuyên hát các bản tình ca tan vỡ.
Sâu xa cùng thời gian, đàn ông cởi truồng đã thành một triết lý sống hẳn hoi. Ngoại trừ những biến thái ở mấy giáo phái vớ vẩn bệnh hoạn, thì ngay từ thời Tấn (265 – 420) bên Tầu đã có nhiều danh sĩ tài cao đức trọng cổ xúy cho thói quen khoả thân. “Sách Thế thuyết tân ngữ”, thiên Nhậm đản kể rằng, Lưu Linh (một trong số bảy người hiền của Trúc Lâm) thường cởi quần áo ở trần truồng trong nhà.
Người đời thấy vậy chê cười, Linh nói “Ta lấy trời đất làm nóc nhà, buồng nhà làm quần áo, tại sao các ngươi lại chui vào quần của ta”. Đủ rõ lối sống phóng túng của chủ nghĩa tự nhiên ở phái Phong lưu vượt ra ngoài quan điểm xã hội để vươn lên quan điểm vũ trụ thiên nhiên…
Họ thanh tao hoá cảm xúc đến trình độ tế nhị hơn là những cảm xúc vật dục tầm thường”. (Lịch sử triết học phương Đông – NXB TP.Hồ Chí Minh, 1991 – trang 198). Đại loại, Lưu Linh là một hiền nhân đại triết gia, triết lý “tự nhiên nhi nhiên” của Đạo gia được ông phát huy tới cùng cực làm đám thiết kế thời trang đang học đòi quân tử vô cùng ghét.
Chuyện về đàn ông cởi truồng thì có rất nhiều, và đặc sắc nhất vẫn là chuyện “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” do văn hào Hans Christian Andersen (1805 – 1875) sáng tác. Có một ông vua thích ăn diện nên đã bị hai thằng đại bịp hành nghề thợ may lập kế lừa. Bọn chúng làm ông ta tô hô đi diễu hành trước bàn dân thiên hạ.
Đám đông đứng xem gồm có nhân sĩ trí thức tự phụ trung thực, thiếu nữ ngây thơ vỗ ngực đoan trang, nhưng tuyệt không một ai dám nhìn ra. Duy nhất có thằng bé tuổi mẫu giáo cứt nát hồn nhiên bi bô: “Hoàng đế cởi truồng”.
Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử may mặc của loài người, sự hèn nhát lố bịch của đám đông, sự giả dối ngu dốt của quyền lực bị lột trần tới mức tinh tế như vậy. Andersen xứng đáng là bậc thầy của nghề điêu khắc chữ, ông đã tạc ra một điển hình kinh hoàng bi thảm về đàn ông cởi truồng.
Kể từ sau câu chuyện của văn hào Đan Mạch, đàn ông trên khắp thế giới lúc xuất hiện lịch sự trước đám đông đều đạo mạo đủ quần đủ áo. Riêng ở ta tại Hà Giang, có một nam giáo viên đã dũng cảm mặt dầy đi ngược lại xu thế thời đại. Khi bị toà tuyên với tội danh lạm dụng nữ sinh, gã khăng khăng đòi tụt quần trước công đường để chứng tỏ mình là trinh bạch.
Đáng thương thay cho cái gọi là đàn ông quang minh trong sạch những khi nó trắng trợn trần truồng.
Minh họa: Mớ