Trong những nghề tử tế tương đối lâu đời thì nghề bán sách luôn lọt vào “top ten”. Ở Hà Nội xưa và nay, bán sách thường có cả đàn ông lẫn đàn bà, nhưng ở các quầy sáng choang tủ kính sặc sỡ bìa các màu xanh đỏ lại rất hiếm thấy đàn ông.
Thảng nếu có thì những đàn ông đó đều giông giống bình thường, không đáng kể. Đàn ông đã hành nghề bán sách để tự nhiên thành khác thường đương nhiên phải bán sách rong. Hoặc trên một vỉa hè nào đấy, hoặc trong một mặt tiền thuê lại nhỏ xíu phố cổ xập xệ nào đấy. Bọn họ lẫn lộn biết nhiều, đa phần cuồng chữ đọc thiên kinh vạn quyển. Trí nhớ chẳng thua gì Giacốp Menđen, người đàn ông Do Thái bán sách rong vĩ đại mà văn hào Stefan Zweig tâm phục khẩu phục thành kính miêu tả. Tất nhiên, do luẩn quẩn chật hẹp chuyện cơm áo, vẻ ngoài của đàn ông bán sách dạo trông “hèn hèn” còn bên trong cũng khuất khúc vài góc tối vô minh. Đến nay, những tay xuất sắc nhất trong bọn họ đều đã thành “những người muôn năm cũ” giống như “ông đồ” của thi sĩ Vũ Đình Liên. Hà Nội vắng họ, chợt lộ ra một khoảng trống, một hẫng hụt.
Đàn ông vất vả đi bán sách thì không hẳn đã phải là đàn ông vất vả đi bán chữ, mặc dù trong sách hiển nhiên có rất nhiều chữ. Bởi cái thứ “chữ” trước khi đưa vào sách đều tất tật được làm “handmade”. Hoặc mỏi nhừ nắn nót viết bằng bút, hoặc ê ẩm lách cách gõ bằng bàn phím. Tất tật đều chiết xuất từ mồ hôi, từ nước mắt, đôi khi có cả máu. Và những chữ khốn khổ “thủ công” đấy hầu hết không thể bán. Muốn bán, bắt buộc nó phải máy móc in thành quyển. Vì thế, câu đầu miệng đầy khát khao của bọn ngậm ngùi chuyên nghiệp bán chữ là “đợi sách in ra đã”. Sách ra, may mắn mới có chút tiền còm để mà lay lắt viết.
Không kể một bộ phận nhỏ vốn dĩ lưu manh, thì phần đông đàn ông đi bán chữ (nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu…) đều là người lương thiện. Do “cùng một lứa bên trời lận đận” (“Tỳ bà hành”, thơ tả cave của Bạch Cư Dị) những đàn ông bán sách cũng rất dễ trở thành thiện lương. Đấy là còn chưa kể những đàn ông bán chữ kiêm luôn cả nghề bán sách. Dịch giả tài cao Đoàn Tử Huyến chẳng hạn. Có một dạo ngặt nghèo mưu sinh, ông Huyến chăm chỉ ngồi bán sách rong tới mấy năm giời.
Ở vài đoạn trong trắng của thời bao cấp, khi mà sách vẫn còn được trân trọng, thậm chí có những gã “dở hơi” còn quý nó hơn cả danh lợi thì riêng ở Hà Hội có khá nhiều tay bán sách dạo khác thường lắm. Thôi thì không kể mấy “ca” quá ồn ào nổi tiếng báo chí kiểu như dư “Bà Triệu” hay Cảnh “Bát Đàn”. Khoảng giữa phố Hàng Bài, bên số lẻ “39” sát gần rạp Tháng 8, luôn có một nhà im ỉm cửa đóng. Cân đối hai bên cửa ra vào là hai cửa sổ rộng cũng luôn đóng kín, thừa ra một bệ dài lát gạch hoa cũ kỹ. Trấn đều đặn ở đó là hai trung niên. Một mặt rỗ, nhang nhác gần giống mặt một nhà phê bình văn học xuất xứ quân đội. Một mặt phẳng phiu, Đông cũng như Hè, thích đội mũ nồi. Cả hai chở sách tới bằng bao tải, rồi nâng niu bầy chẳng theo trật tự gì. Danh mục sách bầy bán phổ cập bình thường, giá cả hợp lý và đương nhiên cho phép khách đọc “cọp”.
Ông mặt rỗ vanh vách về văn học Liên Xô. Ông mặt phẳng phiu điềm đạm hơn, thiên về văn học Pháp. Khách cầu kỳ muốn mua sách quý hiếm thì phải dặn, đôi lúc chờ dài vài ba tháng là chuyện thường. Hình như sưu tập gia sành điệu Yên Ba mua nhặt được bộ “Tam Quốc diễn nghĩa” 13 tập của NXB Phổ Thông là ở đây. Nếu đúng thế quả là kỳ tích. Bởi cái hồi ấu trĩ trong veo đấy, kiếm được “Một anh hùng thời đại” của Lécmôntốp hay “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng là điều không tưởng. Do nghề nghiệp bản chất lương thiện, nên dù “đụng hàng” hai ông này không bao giờ cãi nhau, chỉ gừ gừ xa xôi lườm. Vào lúc ế, cả hai vừa lim dim vừa đứng vừa ngủ gật.
Người đàn ông bán sách rong đáng tiếc nhất có lẽ là ở đoạn đầu Phùng Hưng khúc lượn tàu điện. Gầy gò hơn bốn mươi, con nhà gốc gác tư sản. Giỏi tiếng Pháp, giỏi cả tiếng Latinh, tự học tiếng Nga “siêu” tới mức chê được ông dịch giả hàng xóm ở ngay sát đấy là dịch nôm na như củ chuối. Làm gì có kiểu nói “bà Anna Đi mi tơ rốp trô va ơi, thằng Anđờrây xéc xờ ki cô vích nhà tôi nó yêu con bé Nataxa Bê du khốp cô va nhà bà”. Sông người ta đang êm đềm bỗng thành sông gập ghềnh lổn nhổn. Ông thậm ghét những đứa mua sách chỉ để bầy, hoặc hét giá cao hoặc không bán. Ông có thể để hàng giờ giải thích cho khách mua cuốn kịch “Âm mưu và tình yêu” thì cái chữ hay nhất là chữ “và”. Buôn bán như thế mà không nghèo nàn rồi đột ngột chết mới lạ. Nhớ ông nhiều, vì ở chỗ cửa hiệu xộc xệch nhưng sách luôn được quý hơn vàng ấy, may mắn mua được ba tập “Pháo đài cổ” và một tập lẻ “Vỡ mộng” với giá rẻ.
Ngày nay, đàn ông lang thang bán sách vẫn còn nhan nhản. Không kể mấy cậu choai choai thì đám già dặn trung niên cũng đã khác xưa nhiều. Bán sách mà không phân biệt nổi văn thơm với văn thối, mà ném sách y xì như đồ tể ném thịt thì đi bán sách để làm gì hả giời.
Những đàn ông bán sách rong của một thời xưa cũ ơi, “hồn ở đâu bây giờ”.
Nguyễn Việt Hà