“Dân không đón xe dọc đường thì lấy đâu ra xe dù, bến cóc?”



Tình trạng xe dù, xe cóc vẫn tiếp tục tái diễn ở dọc các tuyến đường qua khu vực bến xe Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Xe dù” là từ các tỉnh đổ về

Tại buổi kiểm tra công tác vận tải Tết Bính Thân 2016 ở các bến xe, sân bay, nhà ga vào ngày 25/1 của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, chỉ có một đơn vị xin đăng ký tăng giá vé nhưng phía Sở không đồng ý đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp vận tải không được phụ thu giá cước trong dịp Tết Bính Thân này.
“Hiện tại, các đơn vị phải giảm giá cước theo đúng giá xăng dầu, hiện có nhiều doanh nghiệp đang xây dựng lại kết cấu giá thành để có lộ trình giảm giá vé,” ông Linh khẳng định.
Đề cập về nguyên nhân hiện tượng “xe dù, bến cóc” tại Thủ đô, ông Linh thẳng thắn thừa nhận là do nhu cầu dịch vụ hành khách đón xe sai quy định ở khu vực nào đó thì sẽ phát sinh. Mặc dù, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an thành phố xử lý nhiều lần nhưng ý thức của người dân chưa cao, tùy tiện vẫn là yếu tố chính. Người dân thấy dịch vụ tiện thì đi.
Bên cạnh đó, vị Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận, “xe dù” chủ yếu là các tỉnh về bởi Hà Nội quản lý xe khách bằng GPS (hộp đen) nên rất dễ xử lý. Thời gian tới, Hà Nội phối hợp với các tỉnh nhằm thông báo số xe vi phạm để kiểm tra qua thông số GPS của địa phương đó.
Cắt ngang lời ông Linh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đặt câu hỏi, tuyến đường dọc bến xe Mỹ Đình ùn tắc và dân bức xúc nhiều về hiện tượng này. Vậy, lực lượng Thanh tra Sở có đủ dẹp được “xe dù, bến cóc” tại 3 bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa hay không?
“Hôm nào tôi và anh [ông Nguyễn Hoàng Linh-PV] vi hành trên đoạn đường đó. Có hiện tượng xe chạy từ bến ra chỉ có 1-2 người, sau đó xe chạy “rùa bò” thì dẫn đến ùn tắc giao thông (trong khoảng thời gian 7 giờ-9 giờ 30 phút) cả đoạn đường,” Thứ trưởng Thọ cho hay.
Bổ sung thêm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chú tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thành thật đưa ra dẫn chứng, trong dịp Tết, nhiều người dân nhắn tin phản ánh cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và tôi trên xe khách “nhồi nhét” có 50 đến gần 100 người. Sau 20 phút chưa xử lý xong, Bộ trưởng lại gọi điện và truy vấn tôi với câu nói “sao anh vô cảm vậy!” 
“Nếu dân không đón xe dọc đường thì xe lấy đâu ra mà dừng, lấy đâu ra ‘xe dù, bến cóc’. Do đó, chúng ta phải làm từ gốc, trước hết phải xử lý phương tiện dừng đón trả khách trái đúng quy định pháp luật trên tuyến đường trọng điểm. “Xe dù, bến cóc’ không chỉ có mỗi Thanh tra giao thông ra quân làm mà còn Cảnh sát giao thông, chính quyền địa bàn,” ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng đề nghị lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội báo cáo lãnh đạo Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng công an đồng thời giao nhiệm vụ cho các Đội Cảnh sát giao thông nếu địa bàn còn để xảy ra phản ánh “bến cóc, xe dù” trên một số đoạn tuyến đường thì cần gắn trách nhiệm với cán bộ, chiến sỹ.



Lực lượng chức năng lập biên bản lỗi dừng đỗ đón khách ngoài bến. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Sở Giao thông Vận tải đã xử lý rất nhiều doanh nghiệp vi phạm thậm chí đã thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải. Hiện, dọc đường Mỹ Đình chỉ có vài chiếc camera lắp ở các ngã tư nhằm giám sát xe. Thời gian tới, Sở bổ sung cho lắp camera từ dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) để xử phạt nguội.
Nhằm triển khai dứt điểm hiện tượng “xe dù bến cóc”, ông Linh cho rằng, Hà Nội có 600 thanh tra giao thông, mỗi đội trên dưới 20 người đồng thời sẽ xử lý, luân chuyển người phụ trách của các Đội Thanh tra giao thông nếu vẫn để xảy ra các tồn tại nêu trên.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng giao Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải thành lập một tổ (gồm thanh tra Bộ và Sở Giao thông Vận tải) xem có làm dứt điểm ‘xe dù, bến cóc’ được không, với mục đích chính là giám sát nhau. Thanh tra Cục quản lý đường bộ 1 ngay ngày mai ra quân để trước và trong Tết Nguyên đán phải chấm dứt thực trạng này.

Công khai chậm, hủy chuyến bay

Về công tác vận tải của ngành hàng không, ông Vũ Thế Phiệt, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, lịch trình cất hạ cánh của các hãng hàng không tăng 15%, lượng hành khách tăng 20% so với năm 2015. Cảng vụ cũng đã xây dựng phương án khai thác cho từng ngày, từng cung giờ cao điểm nhưng vấn đề an toàn luôn đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, năm nay đảm bảo năng lực khai thác không quá tải.
Theo ông Phiệt, các hiện tượng xe ôm, “xe dù” làm mạnh tay, giảm rất nhiều; các đơn vị đều kiểm soát người và phương tiện ra vào khu bay; tình trạng mất cắp hành lý của hành khách có sự sụt giảm rõ rệt. Tuy nhiên, sân bay có 12 hãng taxi nên vẫn phát hiện một số trường hợp vi phạm như chào mời khách sai quy định, chạy ngược chiều, xử lý nghiêm các đối tượng “cò mồi”, “xe dù”.
Chỉ ra khó khăn trong công tac quản lý xe taxi tại sân bay Nội Bài, Trung tá Lê Văn Duyên, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 15, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho rằng, khu vực cụm Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có diện tích khoảng 3,5km nên lượng xe taxi vào khai thác rất đông, nên cắm biển hạn chế tốc độ 50km/giờ thay cho biển cảnh giới đi chậm.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý các hãng hàng không cần thông tin công khai về tình trạng chậm hủy chuyến bay và thái độ phục vụ của nhân viên trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

“Nhân dân kêu nhiều về thông tin chậm hủy chuyến phải thông báo cho người dân như thế nào, đây là vấn đề cực kỳ yếu của các hãng. Về bán vé, giá vé giữa các hãng cạnh tranh với nhau quyết liệt nhưng lại không công khai, minh bạch, người dân đi chưa hiểu hết lại thắc mắc. Vì vậy, các hãng công khai giá vé đồng thời có sự phối phối hợp, kết nối với nhau để phục vụ hành khách nhanh và hiệu quả,” Thứ trưởng Thọ cho hay.

Theo VietnamPlus


From the same category