Dàn diễn viên của tác phẩm “siêu viral” “Đào, Phở và Piano”: Họ là ai?

Hiện tượng phóng vé “Đào, Phở và Piano” đã tạo ra cơn sốt chưa từng có trong lịch sử điện ảnh nước nhà khi lần đầu tiên một bộ phim phải “có căn” mới xem được, vì web bán vé của các rạp bị “sập”, và hàng dài người xếp hàng mua vé trực tiếp. Sức hút của bộ phim cũng giúp dàn diễn viên nhập vai nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía công chúng.

Lấy bối cảnh 60 ngày đêm khói lửa của Hà Nội sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào 1946, “Đào, Phở và Piano” là thước phim đẹp kể về những người con của thủ đô gan góc với ý chí bền chắc, quyết tâm giam chân địch đến những ngày cuối cùng. Dưới bom rơi đạn nổ, con người Hà Nội vẫn giữ được sự thanh lịch trong cốt cách, và niềm lạc quan hướng tới tương lai. 

Không đi theo lối tái hiện lại những trận chiến đấu hào hùng, hay đường lối chỉ huy xuất sắc, “Đào, Phở và Piano” kể về tình yêu nước bằng cách tập trung khắc họa, tôn vinh vẻ đẹp của những người Hà thành xưa. Lấy trung tâm là mối tình lãng mạn của cặp đôi Văn Dân (Doãn Quốc Đam) và Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh), đạo diễn Phi Tiến Sơn còn hướng ống kính tới những mảnh đời nhỏ bé khác trong chiến tranh: một ông họa sĩ già bám trụ ở thủ đô để thắp hương cho những người đã khuất và hoàn thiện tác phẩm tâm huyết, một cha xứ với nỗi khắc khoải về độc lập, một me-xừ (nghĩa tiếng Pháp: monsieur – quý ông) Phán căm ghét chiến tranh và kiên trì tìm nét lãng mạn trong thời chiến,… Hình ảnh con người trong đó tựa như một nét chấm phá lãng mạn giữa sự khốc liệt của chiến tranh. Thổi hồn vào những nhân vật đó là dàn diễn viên đầy tài năng, nổi bất phải kể đến NSND Trung Hiếu, NSƯT Trần Lực, Doãn Quốc Đam, ca sĩ Tuấn Hưng, nữ chính Cao Thị Thùy Linh,…

Doãn Quốc Đam – Anh dân quân kiên trung

Trong “Đào, Phở và Piano”, Doãn Quốc Đam vào vai Văn Dân – một anh tự vệ quân mười chín, hai mươi bộc trực, thậm chí có phần ngờ nghệch khi băng qua lửa đạn để mang về một cành đào bởi “ngoài chiến lũy cũng thèm một cành đào đẹp”. Nhưng hơn cả, Dân cũng đại diện cho một thế hệ thanh niên sẵn sàng hy sinh vì đất nước, một lòng nhiệt thành cống hiến.

Là một cái tên đã quen thuộc với công chúng trên màn ảnh nhỏ với kinh nghiệm diễn xuất dày dặn nhưng Doãn Quốc vẫn cảm thấy khó khăn khi vào vai Văn Dân. Bởi lẽ anh là một người trẻ được sinh ra trong hòa bình và bản thân cũng không sinh ra ở Hà Nội, nên chưa hiểu được cái “chất” của người Hà Nội. “Để hoàn thành được vai diễn, tôi đã phải xem đi xem lại những tư liệu từ YouTube, xem lại từ những nhân chứng lịch sử, rồi cách nói chuyện của con người thời đó để cố gắng tái hiện lại gần nhất có thể, để mọi người xem phim không thấy lấn cấn” – Doãn Quốc Đam chia sẻ về quá trình tham gia “Đào, Phở và Piano”.

Cao Thị Thùy Linh – thiếu nữ Hà thành xưa 

Vai nữ chính của bộ phim, cô tiểu thư Hà thành dịu dàng, lễ giáo nhưng cũng gan góc, can đảm trước kẻ thù – Thục Hương, được giao cho Cao Thị Thùy Linh. Ban đầu, cô vốn chỉ định thử sức casting vai quần chúng, nhưng với nét đẹp xưa e ấp, ẩn buồn như thiếu nữ vùng Kinh kỳ, cô lại được đạo diễn Phi Tiến Sơn tin tưởng chọn đóng nữ chính.

Dù xuất thân từng học Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương, ban đầu, nữ diễn viên 19 tuổi vẫn bày tỏ sự e ngại vì sợ không thể đảm nhiệm nhân vật. Tuy nhiên, trong quá trình quay, Thùy Linh cho biết cô được đạo diễn cùng ê-kíp động viên rất nhiều. Đặc biệt, nghệ sĩ Nguyệt Hằng cũng giúp đỡ cô về đài từ, cách phát âm, thể hiện cử chỉ, ánh mắt. 

Vai Thục Hương đánh dấu lần đầu Thùy Linh thử sức với điện ảnh. “Lần đầu đóng phim đã được nhận vai nữ chính, tôi cảm thấy khá áp lực. Trong phim, Hương bị lạc gia đình giữa chiến trận, sau đó cô gặp lại người yêu. Tôi và anh Doãn Quốc Đam phải diễn tả được tình yêu cháy bỏng của hai nhân vật chính khi hội ngộ”, cô chia sẻ.

Cha xứ – NSND Trung Hiếu

Ngoài cặp đôi chính, vai cha xứ của NSND Trung Hiếu cũng gây ấn tượng với công chúng. Tưởng chừng không liên quan, nhưng nhân vật này là người minh chứng cho tình yêu thời loạn – tình yêu không phân biệt tôn giáo. Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, nhân vật của diễn viên Trung Hiếu là đại diện cho mong cầu của cả một thế hệ: xóa tan khác biệt từ tín ngưỡng đến giai cấp, tất cả đều là người con của đất Thủ đô, vẫn “không muốn chiến tranh”, “cần bình yên”, sớm mong ngày tận chiến và tình yêu nước.

NSND Trần Lực – Ông họa sĩ 

Nhân vật ông họa sĩ già của NS Trần Lực cũng là một vai diễn mang nhiều suy tư cho khán giả. Trong chiến tranh, khi sự sống còn không được đảm bảo thì người họa sĩ vẫn kiên trì theo đuổi nghệ thuật – vừa là đam mê, vừa là nơi thể hiện tình yêu đất nước. Là nghệ sĩ gạo cội, NSND Trần Lực đã khắc họa rõ nét một họa sĩ thời chiến, kiên trì bám trụ vì lý tưởng bản thân và kiên trung với Cách mạng.

 Tuấn Hưng – Me-xừ Phán 

“Đào, Phở và Piano” còn gây bất ngờ cho khán giả với sự góp mặt của ca sĩ Tuấn Hưng, vì vài năm gần đây, anh không hoạt động quá nhiều trong showbiz. Trong phim, anh vào vai me-xừ Phán 30 tuổi – một anh chàng Tây học lúc nào cũng “sơ mi, cà vạt, gile, đầu bóng mượt” có sở thích nghe hát ả đào nhưng cũng là một tiểu tư sản giàu lòng yêu nước, sẵn sàng gia nhập chiến khu Việt Bắc.

Đảm nhận vai trò mới là diễn viên, Tuấn Hưng đã phải cố gắng rất nhiều, đặc biệt khi nhân vật của anh là một me-xừ, du học Pháp. Nam ca sĩ phải lên Google nghe cách phát âm từng từ và học theo, thậm chí là liên hệ với những người bạn để hỏi cách nói ra sao cho chuẩn nhất. Chia sẻ về quyết định tham gia phim, anh nói: “Cho dù có được nổi tiếng bằng 10 phim thương mại tôi vẫn chấp nhận đánh đổi với ‘Đào, Phở và Piano’ vì giá trị nhân văn mà đạo diễn cũng như ê-kíp xây dựng”.


From the same category