Ngày 27/8 tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo thường niên lần thứ 3 “Diễn đàn đối tác châu Á về trao quyền pháp lý”. Dự hội thảo có các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực trao quyền pháp lý, đại diện chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đến từ 17 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.
|
Đất đai là lĩnh vực chiếm tỷ lệ khiếu kiện nhiều nhất. Ảnh: Lê Nhung |
Một trong các chủ đề được quan tâm tại diễn đàn là quyền tiếp cận thông tin về đất đai của người dân. Bởi như nhận định của một số chuyên gia tại diễn đàn, cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa, thì số người dân bị mất đất ở các nước châu Á có xu hướng tăng lên. Các trường hợp thu hồi đất, chuyển nhượng, đền bù… nếu không được giải quyết tốt có thể dẫn đến những xung đột xã hội lớn.
Trung tâm tư vấn pháp lý tỉnh Bình Thuận của ông Nguyễn Kiến Quốc vừa kết thúc chương trình tư vấn hỗ trợ pháp lý cho người dân mất đất tại một dự án lớn.
Ông Quốc chia sẻ, dự án kênh tưới Phan Rí – Phan Thiết là dự án trọng điểm do Thủ tướng phê duyệt, khởi công từ lâu nhưng vẫn ì ạch ở khâu giải phóng mặt bằng và đền bù cho dân. Các chuyên gia pháp lý đã tìm đến người dân và chính quyền để cùng gỡ “nút thắt”. Đến nay, tiến độ nhận bồi thường và giao đất của người dân đã có cải thiện đáng kể. Nhưng quá trình để giúp chính quyền và dân “hiểu” nhau cũng như thay đổi mức giá bồi thường hợp lý cũng không dễ dàng bởi còn quá nhiều rào cản trong chuyện công khai, minh bạch thông tin.
Chia sẻ bên hành lang diễn đàn, ông Quốc cho hay, dân “đói” các thông tin về pháp luật đất đai. Trong khi đó, chính sách về giá đền bù đất cũng như các loại hỗ trợ khác chưa được chính quyền công khai cho dân biết.
“Những vấn đề làm cho dân bức xúc nhất, đó là không công khai quy trình đền bù, chính sách cũng như điều kiện đền bù. Đặc biệt là chuyện giá cả”, ông Quốc nói. Chính điều này dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Dự án trọng điểm nhưng tiến độ chậm.
Ông Quốc cho rằng, công khai minh bạch là mấu chốt quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù đất đai cho dân. Thực tế, sẽ rất khó đạt được thỏa thuận mức giá đền bù như đòi hỏi của người dân nhưng cũng không thể thấp hơn giá cả thị trường. Nếu chính quyền địa phương giải quyết chưa thỏa đáng thì bức xúc này vẫn còn kéo dài ở nhiều nơi.
Bài học rút ra, theo ông Quốc, đó là cơ quan chức năng phải tổ chức đối thoại công khai với người dân, để truyền đạt thông tin chính xác, minh bạch và kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh.
Về lâu dài, việc sửa luật Đất đai năm 2003 sắp tới đây của Chính phủ cũng phải xử lý tận gốc những tồn tại lâu nay như câu chuyện giá cả, hạn mức giao đất, hạn điền… Quyền lợi của người dân cần phải được bảo vệ.
Cũng liên quan đến câu chuyện đất đai, TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu văn hóa và ông Huỳnh Xuân Phong, GĐ Trung tâm tư vấn pháp lý tỉnh Lâm Đồng mang đến diễn đàn những câu chuyện cụ thể về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ…
Một số diễn giả quốc tế cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm về tiếp cận chính sách đất đai của các nước trong khu vực.
Theo Vietnamnet