Dân chủ hóa nghệ thuật

Nhắn tin và trở thành giám khảo các cuộc thi tìm kiếm ngôi sao. Đăng ký và trở thành “tương tác” của các sân chơi truyền hình. Xung phong và thành ca sĩ “hát cùng ngôi sao”. Sáng tác, viết nhật ký và tự do xuất bản trên mạng, trên blog. Viết gì thì viết, bôi gì thì bôi – họa sĩ đề nghị và người xem trở thành người cùng sáng tạo một tác phẩm installation…

Sau một thời gian dài ở ta, công chúng chỉ được làm khán giả, được hưởng thụ kết quả do các Ban giám khảo, các Hội đồng quyết định và ấn định, thì nay họ được đôn lên làm người quyết định nhiều thứ. Một cuộc dân chủ hóa nghệ thuật, đại chúng hóa nghệ thuật như vũ bão mà nhiều khi người được làm chủ nhiều khi cũng thấy hoảng… Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân có một góc nhìn về hiện tượng này.

Ở xã hội nào văn nghệ bác học – cung đình và văn nghệ dân gian – đại chúng cũng luôn song song tồn tại. Cách mạng tư sản và vô sản sau đó đã dân chủ hóa văn nghệ bằng cách mang nghệ thuật bác học – cung đình đến cho toàn dân.

 Các sưu tập cung đình, quý tộc được biến thành các bảo tàng công cộng; các trường dạy vẽ, dạy nhạc, dạy biểu diễn, dạy viết văn… mở cửa cho mọi người.

Công bằng giáo dục nghệ thuật đã nâng tầm văn hóa của người dân các nước phát triển.

Từ những năm 1970, một cuộc cách mạng văn hóa nữa đã bùng nổ với nữ quyền, bình đẳng giới, tự do tính dục, tự do cá nhân và văn hóa Pop.

Phong trào hippy, các dòng “nhạc trẻ”, các đại nhạc hội, sự áp đảo của công nghệ giải trí  kiểu Hollywood, hoạt hình Walt Disney và truyện tranh Manga, phim truyền hình nhiều tập… là các icon tiêu biểu.

Các thành tựu văn nghệ đại chúng như Pop Art, phim Hollywood, nhạc trẻ… qua thương mại hóa dần dần được hàn lâm hóa, bác học hóa, “chính thống” hóa và gây ra một cơn lụt toàn cầu của văn hóa Pop phương Tây gây nhiều tranh cãi.

Sang thế kỷ 21 lại có một cuộc cách mạng nữa với mạng lưới thông tin nghe nhìn và du lịch toàn cầu. Cuộc toàn cầu hóa văn nghệ diễn ra ào ạt như cuộc chiến bão táp sa mạc.

Liên Hiệp Quốc và tất cả các quốc gia, nhất là các nước nghèo, đều lo sự xâm lăng của văn hóa Pop phương Tây sẽ bóp nghẹt văn hóa bản địa và đe dọa sự đa dạng văn hóa cần được bảo vệ y như sự đa dạng sinh học.

Một biểu hiện của cuộc cách mạng này là chủ nghĩa hậu hiện đại với việc đề cao tính bản địa, tính cá nhân và sự hòa trộn các dòng văn hóa, cái truyền thống với cái đương đại, cái hàn lâm với cái phổ thông, cái bác học với cái dân gian, sự “tương tác” hữu cơ giữa sáng tạo và hưởng thụ, thưởng thức, giữa tác giả và công chúng, nghệ sĩ và người xem.

Ranh giới giữa các thứ này ngày càng nhòe mờ. Mọi người đều là chủ thể sáng tạo và tiêu dùng văn nghệ là cái ảo tưởng của cuộc cách mạng này.

 

 MC Nguyên Vũ: Hãy nhắn tin và trở thành giám khảo của Việt Nam Idol

Tính “tương tác” của mọi loại hình nghệ thuật, việc mọi địa điểm, mọi vật liệu (từ đồ vật, âm thanh, con chữ đến rác thải…) đều có thể dùng làm nghệ thuật, nghệ thuật đường phố bùng nổ, kiến trúc hậu hiện đại phóng túng và kỳ dị, các thứ trực tuyến và truyền hình tương tác lên ngôi, các tác phẩm đa ngành, đa phương tiện, các nghệ sĩ đa năng… là các icon mới nữa.

Nếu đợt “cách mạng văn hóa” lần đầu tiên tới Việt Nam sau 200 năm kể từ ngày đầu tiên xuất hiện trên thế giới, lần thứ hai sau gần một thế kỷ, đợt thứ ba cũng còn chậm cả 50 năm thì đợt sau cùng đang diễn ra gần như đồng thời. Đồng thời nhưng rất khác biệt.

Ở các nước phát triển, mức sống và trình độ văn hóa của đại chúng cao hơn hẳn do họ được giáo dục, được tích lũy cả mấy trăm năm nay. Thành tựu văn hóa tinh hoa, văn hóa bác học được dân họ sử dụng, tiêu thụ hằng ngày.

Các cuộc “nổi loạn” của văn hóa “phi chính thống” trên nền “văn hóa nền” khá cao chống lại dòng hàn lâm cổ hủ thường khơi mào, làm động lực cho các phát triển mới.

Ở ta, văn hóa hàn lâm được du nhập hời hợt hoặc “tự phong” dễ dãi nhưng lại được chính thống hóa, thực chất là hành chính hóa quá nhanh, khô cứng quá nhanh.

Chất lượng các danh hiệu, các giải thưởng, các bằng cấp như chuyện hài hước. “Em” nào cũng sau bấy nhiêu hội diễn, cuộc thi sẽ thành ƯT (NSƯT) hay ND (NSND), anh nào làm tượng đài cũng phải tự nhận là xấu rồi sau lại mang ra xin Giải thưởng Nhà nước, giải Cánh diều vàng chiếu rạp có 1 người xem!…

Những thứ “chính thống” đó chẳng ưu tú gì và nhân dân không xem, không nghe, không biết tới! Đó chẳng là một sự bất bình đẳng lớn, là sự thiếu dân chủ lớn đối với người dân phải đóng thuế sao?

Tinh hoa, chính thống chưa ra đâu vào đâu mà lối sống “văn hóa dân gian” (đại chúng) lại phổ biến. Văn hóa “báo tường”, văn nghệ theo ngành nghề, địa phương từ đặc công tới thủy sản, từ vùng tới tỉnh, huyện, xã được hành chính hóa thô vụng.

Văn nghệ dân gian thực thụ thì tàn lụi rồi nhưng văn nghệ nghiệp dư… thì lại tràn lan dai dẳng.

Văn nghệ ở ta thiếu tính chuyên nghiệp còn nằm ở chuyện thứ ba là thang giá trị (hay nói khác là những cái chuẩn về giá trị của văn nghệ) – do quan liêu và nghiệp dư – nên không thuyết phục, không thể đồng thuận.

Với xã hội hóa văn nghệ, quyền định giá giờ đây được trao cho hai cơ chế: hoặc quan liêu hành chính, hoặc công chúng với “văn hóa nền” thấp, bình chọn. Cả hai đều bất cập!

Hiện tượng ai cũng có thể thành họa sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ, làm phim, viết kịch… là thường. Một người vừa làm tướng, vừa làm báo, vừa là doanh nhân, vừa viết đủ thứ, vẽ tranh, làm nhạc, tự bày tranh, in sách, thu đĩa… có phê bình trợ giúp quảng cáo, tiếp thị và bán… là thường.

Các trò chơi, truyền hình tương tác, phim tư nhân, các hoạt động và tác phẩm liên ngành vừa mỹ thuật vừa âm nhạc, vừa sân khấu vừa thơ… là thường.

Các cuộc ai cũng bình chọn từ hoa hậu, 100 bài lục bát… tới Vietnam Idol, Sao Mai hay Triển vọng… là thường.

Các triển lãm, vở diễn, sách, cuộc thi ảnh, ngày văn hóa… có yếu tố ngoại cả về tổ chức lẫn sáng tạo và thưởng thức diễn ra ở quốc nội hay quốc ngoại… là thường.

Nên bỏ thói quen nhìn mọi thứ bằng con mắt hành chính, quan liêu có thang bậc, có quy chế. Sự tham gia của công chúng vào sáng tạo, định giá, tiêu thụ văn nghệ luôn là tích cực.

 Những nỗ lực khuếch trương, phục hồi các di sản văn hóa văn nghệ từ ca trù, nhạc cung đình, đờn ca tài tử, cải lương, tới múa rối, điêu khắc… việc phục hồi các lễ hội gắn với du lịch cũng là rất hay.

 Người của công chúng và các fan là hai sản phẩm đương nhiên của thị trường văn hóa đại chúng, không nên bắt chúng phải đồng nghĩa với giá trị nghệ thuật vĩnh cửu.

Văn nghệ đại chúng buộc chính quyền phải đánh giá lại thứ văn nghệ mình bảo trợ, nâng dần chất lượng lên, cố mà thu hút công chúng, đặt thứ văn nghệ làm bằng tiền thuế phải “sáng tạo hay là chết”.

Đồng thời sự “nhốn nháo” và “thị hiếu thấp” của văn nghệ đại chúng cũng buộc chính quyền phải đầu tư cho giáo dục nghệ thuật một cách thường xuyên và căn bản hơn.

Dân chủ hóa nghệ thuật là rất hay, nhưng Marx cũng nói: “Muốn thưởng thức nghệ thuật thì phải được giáo dục về nghệ thuật và lịch sử loài người là lịch sử đào luyện các giác quan”.

 Nguyễn Quân

 

 

 


From the same category