Đàn bà, sự ám ảnh đẹp và buồn - Tạp chí Đẹp

Đàn bà, sự ám ảnh đẹp và buồn

Bộ Sưu Tập

Người ta nói rằng, với đạo diễn Doãn Hoàng Giang, chẳng đếm được bao nhiêu bóng hồng đã đi qua đời ông kể từ sau cuộc hôn nhân đầu tiên. Giờ đây, ông chọn cho mình con đường tự do và sẽ theo nó mãi đến hết cuộc đời.

Ngược lại, với họa sĩ Thành Chương, người dường như không biết nản trí và mệt mỏi trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, ông dành sự lựa chọn là mái ấm gia đình.

Những gì họ trải qua, luôn có sự tác động của những người đàn bà ngay cả trong sự nghiệp và cuộc sống. Hai người đàn ông, hai cực, hai quan niệm đối lập nhau hoàn toàn, một người tự nhận mình không phải là người của gia đình, một người luôn coi trọng tổ ấm.

Sức mạnh kinh khủng

Doãn Hoàng Giang (D.H.Giang): Đàn bà à? Hỡi ơi, một đề tài muôn thuở đấy. Mà những kẻ dính đến văn nghệ một tí, thì hình như người đàn bà lúc nào cũng lấp ló ở một nơi nào đó, ở đằng sau, ở sự suy tưởng. Ám ảnh và buồn bã.

Nghề của chúng tôi khác với các nghề khác, nghề của những ước mơ bay bổng, của nghệ thuật, của suy tư…

Trong cuộc sống, đã là đàn ông đúng nghĩa, thì chả ai có thể thoát khỏi bóng hồng, có thể mờ ảo, mông lung, hoặc hiện hữu hoặc cụ thể, nhưng khó có anh nào thoát khỏi sự ám ảnh của người đàn bà trong cuộc đời mình.

Thành Chương (T.Chương): Việc đàn ông, đàn bà, đúng là chuyện muôn thuở, không cứ gì với giới nghệ sĩ mới bị ảnh hưởng của người đàn bà. Một nhà doanh nghiệp, một người bình thường, đều bị ảnh hưởng của nửa kia thế giới.

Và cái sự thành công hay thất bại, không chỉ có do người phụ nữ đứng đằng sau, không riêng giới lãng đãng chúng tôi, mà còn bao nhiêu chuyện khủng khiếp hơn nhiều, nhưng nào ai biết. Chúng tôi, dễ bị… “nổi tiếng” nhưng cũng dễ bị… “tai tiếng”.

D.H.Giang: Chương biết không, có rất nhiều vở kịch của tôi viết về hình dáng người đàn bà. Nàng có tính cách hay quá, có thể tôi viết, không chỉ là nàng, nhưng vẫn lấp ló bóng dáng, tính cách của nàng.

Tôi nghĩ, sức ảnh hưởng từ người đàn bà tới người đàn ông rất lớn. Không những là người đứng bên cạnh, đằng sau, người song hành để nuôi nấng, chăm chút cho cuộc đời, sự nghiệp người đàn ông.

Họ, chính là những người làm cho nghệ thuật của ta thăng hoa, mang màu sắc của cuộc sống.

T.Chương: Tôi thì cho thế này, cái thành công của người đàn ông hoặc sự thất bại, trong cuộc sống, cũng như trong sự nghiệp đều có thể xảy ra.

Kẻ lụi bại, người thành tiên, kẻ ra ma. Người phụ nữ có sức mạnh kinh khủng lắm đấy.

Những người đàn ông gặp được người phụ nữ ủng hộ, giúp đỡ cho sự nghiệp của mình thành công, nhưng cũng có những người gặp nửa kia phá phách, thì nhiều khi, họ không hề lụi bại đi, mà biết vượt qua nó, để thành công.

Như vậy, đôi khi cái phá phách của người phụ nữ vô tình mang lại tác dụng ngược cho người đàn ông.

D.H.Giang: Đó, cái nghiêng nước nghiêng thành của mỹ nhân là thế đấy. Giá mà cái mũi của mỹ nhân lệch đi một tí, có phải đỡ làm cho bao anh hùng, bao bậc anh tài mất sự nghiệp, đất nước chỉ vì… nhan sắc hay không?

Có câu thơ: “Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Tự nhiên ông Trời ban cho loài người bóng dáng một cơ thể đàn bà, đôi mắt thế, vòng eo như thế, cuộc đời đẹp lên bao nhiêu.

Có niềm vui nhiều lên, nỗi buồn nhiều lên, tiếng cười nhiều lên, tiếng khóc nhiều lên…

Tôi còn nhớ, thời thanh niên, đã từng trải qua cảm giác của sự tự ái, công phẫn. Nghèo, lí lịch… tồi. Có cô người yêu lại gia giáo, trong môi trường quân đội. Tôi đã viết vở “Người yêu tôi là hoa hậu” cho bốn cậu sinh viên nghèo lo lắng giúp đỡ cho cô hoa hậu.

Người vác gỗ, kẻ phụ nề, người làm thêm để lấy tiền mua quần áo, hướng dẫn cô gái đi thi hoa hậu.

Rồi khi cô gái thành hoa hậu, thì cô lại tuột ra khỏi đời anh sinh viên, để đi lấy một ông Đài Loan, trước đó, cô còn nức nở: “Em yêu anh, nhưng em không thể lấy anh được”. Đó, với tôi quan niệm, Đẹp, cũng là một cái vốn!

Cứu rối chúng ta, vẫn là công việc

T.Chương:
Anh Giang thì mất người yêu thời tuổi trẻ là một lẽ, mất người yêu vì nàng gặp một người yêu hơn mình, bỏ mình, thì đi một nhẽ. Còn tôi lại khác anh ạ.

Người yêu tôi đã bỏ tôi, để rơi vào tay một kẻ kém mình, chẳng có gì hơn mình cả, thế có đau không cơ chứ.

Sau này, nhiều năm trôi qua, gặp lại cô ấy, tôi hỏi thật một điều là sao hồi đó em bỏ anh, cô ấy bảo: “Tại anh không biết… nịnh”. Ối giời, hóa ra, mình không biết giả vờ nịnh và chiều cô ấy.

Thôi, chẳng biết đường nào mà lần. Muôn kiếp cũng không thể hiểu nổi phụ nữ, và đó cũng chính là cái hấp dẫn đàn ông đấy.

Nhưng anh Giang ạ, có những mối tình làm cho người đàn ông thăng hoa, nhưng cũng có nỗi thất vọng, chán chường, stress.

Lúc vui, lúc buồn, và dẫu khốn đốn đến cùng cực, thì may thay, cứu rỗi tôi vẫn là nghệ thuật. Tôi giao lưu với nhiều nghệ sĩ, giới văn chương, hội họa… những lúc tâm giao, đều thấu hiểu một điều đó là sự ảnh hưởng của người đàn bà với sự nghiệp của họ.

Những anh làm thơ, lãng đãng hơn đôi chút, cho dù chỉ một bóng hồng thoáng qua, một cô gái đi trong mưa, sẽ có những câu thơ bất hủ.

Với họa sĩ, cái con người ấy, nó sẽ ra hình hài cụ thể, chứ không chỉ bâng quơ, sương khói, thoảng qua.

D.H.Giang: Hình như tôi nghe nói Chương yêu quý ai thì vẽ tranh về người đó, tức nhiên là về những người đàn bà, phải không?

T.Chương: Cũng có thể đúng đấy, điều ấy là ám ảnh, không thể giấu được. Yêu ai, là nó hiển hiện ra tranh. Và cũng có khi tình yêu đến làm cho người ta lên cao, cũng như cái mất mát, làm cho người ta đi đến cái tận cùng của nghệ thuật.

Riêng với ai, tôi không biết, nhưng với tôi, sung sướng hay đau khổ, tôi cũng quay về với nghệ thuật, và luôn có đủ bản lĩnh đàn ông, để vượt qua điều đó.

D.H.Giang: Ừ, tôi cho đó là bản lĩnh quá đi chứ. Bởi vì thực tế nhiều người không vượt lên được, thân tàn ma dại.

Người nào chết vì điều đó, thực yếu đuối quá. Từ cái khô cằn mà vươn lên chứ, thế mới có giá trị. Cái hay của con người là: Hạnh phúc cũng làm tôi thăng hoa, đau khổ cũng vậy thôi, cô gây cho tôi nỗi đau, thì tôi biến nỗi đau ấy phải là nhân tố bắt tôi vượt lên.

T.Chương: Ấy, còn chưa kể là có những người tự tử vì tình. Buồn tình, thì đúng là làm sao mà không đau khổ tiêu cực được chứ. Ai chẳng vậy.

Nhưng mà này, có những trường hợp trả thù như là một thứ “mốt” ấy. Đàn ông trả thù đàn bà, đàn bà trả thù đàn ông.

Ví như trước kia, đã từng yêu nhau, sau đó, thất tình hoặc vì lý do nào đó, dẫn đến sự thất vọng chán chường, rồi không muốn sống là mình nữa, mà muốn sống giả dối, có thể có rất nhiều đàn bà kèm theo. Sống buông thả thế, cho khổ vì họ.

Ngược lại, đàn bà cũng thế, họ cũng yêu nhiều, buông thả, chỉ để trả thù đàn ông thôi.

Người của gia đình

D.H.Giang: Có một điều này, tôi muốn nói đến. Đây là sự suy nghĩ đơn giản của tôi: Nếu ai bảo sao tôi yêu nhiều thế, họ yêu ít, đó là việc của họ, còn tôi, tôi cứ phải yêu nhiều chứ.

Nhưng, vấn đề, là tôi có làm bậy trong tình yêu đó hay không, có lừa dối cô ấy là: anh yêu em yêu lắm, mình sống với nhau trọn đời đâu hoặc cứ xong, là thôi đâu?

T.Chương: Tôi biết có những trường hợp có gia đình, rồi thì do hoàn cảnh nào đó mà chia tay, mà tan nát, đứt gánh giữa đường, và sau đó, họ sợ, không muốn tiếp tục.

Ngược lại, có người muốn níu giữ kỷ niệm đẹp, không muốn phá vỡ. Nhưng cũng có những người không phải đa tình, lăng nhăng, mà người ta vẫn không ngừng đi tìm hạnh phúc, khát khao cuộc sống gia đình.

Anh bạn tôi, 5 vợ, tại sao lại lấy nhiều như vậy? Lăng nhăng quá ư? Không, tất cả những người ấy, họ đều sống hết tình hết nghĩa. Yêu thương, chăm sóc con cái… Hạnh phúc, thứ mà có phải ai muốn cũng được đâu. Họ vẫn không ngừng kiếm tìm.

D.H.Giang: Quả thực như Chương nói, người ta cứ khao khát kiếm tìm, mà chưa gặp được. Tôi chưa gặp được, thì tôi đi tìm. Chả lẽ, cứ cắn răng, ngồi chờ à? Cắn răng, mặc cho bi kịch ngày này qua tháng khác à?

Ly dị, cũng là một hạnh phúc đấy, hạnh phúc của sự giải thoát. Không biết Chương nghĩ thế nào, còn tôi, tôi yêu nhiều, đó là chuyện của tôi, miễn là tôi không giả dối, lừa gạt.

T.Chương: Tôi thì hơi ngược với anh, anh Giang ạ.

D.H.Giang: Thì mỗi người có thể khác nhau, nhưng tôi có thể tự hào mà nói rằng, không phải vì tôi ghét đàn bà, hay tôi là kẻ phóng túng đâu, mà là vì với tính cách của tôi, không thể là người của gia đình. Tôi tự do một cách quá đáng. Cô nào mà chịu được!

Tôi thường hay nói thế này: “Anh có thể yêu em, có thể có trách nhiệm đến tận cùng cuộc đời em, nhưng đừng nghĩ đến chuyện lấy anh. Lấy anh, em sẽ khổ lắm”.

Ba mươi mấy năm qua, tôi không muốn lấy vợ thêm lần nữa. Cho dù, có lúc người ta yêu tôi, lúc tôi yêu người ta, đến nước lăn đùng ngã ngửa ra, nhưng đêm về suy nghĩ lại… tôi vẫn thấy mình không phải là người của gia đình được!

T.Chương: Anh Giang là yêu kiểu gì cũng không lấy. Còn tôi, không yêu thì thôi, còn yêu, là phải lấy. Đã yêu, thì có thể bất chấp tất cả, vứt hết, không cần cái gì, để lấy nhau. Riêng cái đó, trái ngược với anh Giang rồi.

D.H.Giang: Có thể do anh Chương có điều kiện hơn tôi về mọi mặt!

T.Chương: Điều kiện gì đâu, có ai hơn ai nào? Không có ai hơn ai về điều kiện cả!

D.H.Giang: Tôi thì sợ không làm cho người đàn bà của mình được hạnh phúc khi lấy tôi. Còn Chương thì có điều kiện làm cho người đàn bà của mình được hạnh phúc!

T.Chương: Anh nghĩ thế thôi, chứ biết đâu, anh không lấy người ta, mới là làm cho người ta đau khổ ấy chứ!

D.H.Giang:
Tôi thì được cái nói thẳng, khi biết tình yêu như thế, tôi đối thoại ngay, chứ không bao giờ nói gì lừa dối hết.

T.Chương: Tôi thì nếu như tình yêu đến thì tôi sẽ chăm bẵm, lo toan, vun xới để đơm hoa kết trái, có thể bỏ hết tất cả mọi thứ, không cần gì trên đời, chỉ cần có người ấy.

D.H.Giang: Ừ, đó là một quan niệm, Chương nhớ là tôi không chống lại quan điểm đó, thế thì cuộc đời nó mới phong phú chứ!

T.Chương: Tôi cũng không chống lại quan điểm của anh, mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh cái ý rằng: con người cứ mãi kiếm tìm hạnh phúc, hãy hiểu cho họ!

D.H.Giang: Không phải vì mối tình đầu của tôi quá đẹp, để mà tôi không còn muốn lấy ai nữa đâu, chỉ là vì tính cách của tôi thôi.

Ly dị là giải thoát

D.H.Giang: Tình yêu, nếu cố tìm, không có đâu. Có những sự trái ngược nhưng lại là sự bù đắp cho nhau. Chương biết không, tôi có biết một số trường hợp, tưởng như vợ chồng họ là biểu hiện của một cặp vợ chồng hạnh phúc, thế mà đùng một cái họ ly dị rồi lấy một người kém nhiều mặt. Làm sao mà giải thích được cơ chứ.

T.Chương: Trong tiểu thuyết “Đôi bạn chân tình” của Hermann Hess, có hai anh bạn không thể rời nhau được, vì khác nhau nhiều quá. Nếu giống nhau, có khi lại bỏ nhau rồi.

Tôi thấy có một trong những lý do đưa ra khi ly dị đó là không hợp nhau, nhưng xét ra có khi lại là giống nhau quá nên không chịu nổi.

D.H.Giang: Chương nói đúng đấy. Như tôi thường mê bóng đá ấy, họ có cái sức mạnh mà tôi không có.

T.Chương: Tôi đã gặp một số quan tòa, hoặc những người làm việc xét xử ly dị, họ nói rằng: Chỉ cần nhìn các cặp đến xin ly dị, họ biết, cặp nào có khả năng bỏ, có khả năng không.

Cứ đôi nào đến còn cãi nhau om tỏi, còn khóc lóc, buồn bã, là còn cơ hội hàn gắn. Còn cặp nào lạnh tanh, đi ly dị mà cứ như đưa nhau đi xem kịch ở Nhà hát Lớn, cứ như đi dự tiệc, ấy là thôi rồi, không thể hòa hợp lại được, chỉ có chia tay mà thôi.

D.H.Giang: Đúng, tôi và nhà tôi, đã từng ôm nhau đến tòa án. Đến nỗi ông chánh tòa còn khóc bảo là tôi nhìn anh chị đẹp quá, sao lại ly dị thế này, tôi phải nói rằng:

Thôi ông đừng nói thêm gì, cũng đừng hẹn thêm ngày làm gì, chúng tôi chỉ cần chiếc giấy chứng nhận đã ly dị, thế là đủ.

T.Chương: Anh Giang ạ, với tôi thì lại thế này: Một lần, hai lần, ba lần, tôi đều hết mình sống trong tình yêu. Khi đã lấy làm vợ, thì bao giờ cũng thế, có trách nhiệm hết mình. Còn khi không yêu nữa, không còn gì giữ lại, thì cũng phải thôi, ra khỏi địa ngục trần gian là hạnh phúc.

D.HGiang: Ừ, trút một gánh nặng, đau đớn, dằn vặt, giằng xé, Chương nhỉ!

T.Chương: Anh Giang, anh nghĩ xem, ai mà không muốn mình có một người đàn bà tốt lành, người sống với mình đầu bạc răng long, nhưng cuộc sống không như mong muốn. Phức tạp ở chỗ đó.

Có những người, yêu mà không lấy, vì người ta tính toán, có thể yêu người này, nhưng lại lấy người khác.

Còn với tôi thì có thể vứt hết để đến được với nhau, và khi đã đến bước cuối, cũng có thể vứt hết, để về mo, để đến một cái khác. Mọi thứ, rõ ràng như vậy. Không bao giờ phải ân hận, xót xa, hay nuối tiếc điều gì cả.

D.H.Giang: Khi chia tay không được, đó là nỗi khổ của cả hai, nhưng còn nỗi khổ thứ ba, đó là con cái. Với tôi, chia tay, là cứu cả con đấy.

Trước kia, tôi cũng nghĩ hay là thôi đi, cắn răng chịu nhau đi, để con được yên ổn. Nhưng chính như thế, lại có lỗi với con, tạo cho con phải sống trong một bầu không khí giả dối.

Tôi không biết Chương thế nào, còn tôi, không muốn con ngơ ngác nhìn mẹ, nhìn bố và cảm giác buồn bã.

T.Chương: Khi không còn yêu nhau nữa, khi nào đến tột cùng, của sự không tôn trọng nhau, thì đứa con sẽ khinh mẹ, bố, hay cả hai?

Tức nhiên, trong cuộc sống, không thể lấy một trường hợp để áp đặt. Có những trường hợp chán nhau, nhưng vì người của công chúng, sợ điều tiếng mà đành vậy đấy. Đó là sự thực.

D.H.Giang: Đúng, đó là một lí do, khi tôi chuẩn bị ly dị, tôi cũng sợ, nhưng vẫn phải làm. Tôi đã từng viết một vở kịch để tự răn mình, bi kịch lớn nhất là đứa con sẽ sống thế nào, với ai. Tôi tự răn mình, đừng vì hạnh phúc của mình, mà bỏ rơi con.

T.Chương: Vâng, đúng là tùy từng mức độ, con cái có thể níu kéo, hàn gắn được gia đình, nhưng cũng có lúc không thể. Quan trọng nhất, là phải đảm trách nhiệm và vật chất với đứa con đó.

Và cả hai, không nên tác động ngược để con cái đứng ở giữa, sử dụng con để phản ứng với cha hoặc mẹ. May thay, với xã hội văn minh bây giờ, việc này đã bớt đi rất nhiều, cũng bởi trình độ văn hóa ngày càng tốt lên, con người ứng xử với nhau tiến bộ hơn so với ngày xưa.

Vợ có nên can thiệp quá sâu vào công việc của chồng không?

D.H.Giang: Chương biết không, tôi có một niềm tự hào, là đứa con. Trước đó, nhiều người cảnh báo, là tôi sẽ cô đơn lắm, nếu không có người đàn bà, con nuôi cha, không bằng bà nuôi ông, rằng cơm vợ thì ngon, cơm con thì đắng.

Tôi yêu sự tự do, và tôi nói với những người đàn bà của tôi như vậy, tôi cũng không muốn ai can thiệp quá sâu vào sự nghiệp công việc của tôi. Tôi đã lựa chọn sống theo kiểu của tôi, tôi chấp nhận.

T.Chương: Vâng, thực ra, anh Giang có thể yên ổn sống với tính cách của anh, còn tôi thì có thể yên trong cách của tôi. Tôi là người muốn có một gia đình, có vợ, có con, có công việc. Tất cả, sẽ còn ý nghĩa gì nếu không có những cái đó.

Còn việc có khó chịu không, khi người đàn bà can thiệp quá sâu vào sự nghiệp của mình ư? Cũng có, nhưng mà, nói chung, đã là gia đình, làm sao mà tránh được.

 Có người nào mà vợ không biết gì đến công việc của chồng, thành công không mừng, thất bại chẳng mừng… thì thế nào là sự can thiệp vào công việc, vào đời tư?

 Quá sâu ư? Tùy thôi. Ví dụ, nhiều khi bực vì sự can thiệp quá sâu, nhưng nhiều khi cũng thấy thông cảm và đáng yêu, bởi vì người ta yêu mình.
 
Tôi kể anh Giang nghe, một lần, nhìn thấy vợ nằm ngủ trên ghế, tôi ngồi bên, ngắm nhìn vợ, và chợt nhận thấy những nét dấu của thời gian. Nó không đẹp, nhưng trong lòng tôi gợi lên tình yêu, tình thương vô cùng. Còn hơn cả khi tôi ngắm người ấy lúc trang điểm.

Cái tình cảm đó làm cho tôi xúc động. Và đôi khi, tôi vẽ, vẽ vợ đã đành, vẽ người khác, chân dung khác, cũng lại có phảng phất giống vợ… Mà trong nghệ thuật, thì lại cần phải thay đổi, phải làm khác, làm mới.

Nếu thấy vợ không vui, thì mình cũng phải suy nghĩ, tuy rằng, với mình, chỉ là thuần túy công việc thôi.

D.H.Giang: Quả thật, đó là bản chất của người tốt đấy Chương ạ, có phải ai ngắm những nét tàn phá của thời gian mà lại biết xúc động thông cảm đâu. Biết xúc động một cách tử tế, hiếm lắm.
 
T.Chương: Vâng, tôi cũng nói thật với người đàn bà ấy như vậy, đó là cảm xúc thực sự của tôi. Mà anh này, lúc người đàn bà hiền dịu thì thích, lúc họ dữ dội, nổi giận thì cũng đáng sợ nhỉ.

D.H.Giang: Đúng quá, chả cứ gì đàn bà, ai giận mà chả mất khôn. Kinh khủng! Đàn bà ghen tuông được mô tả trong văn học rất nhiều đấy.
 
T.Chương: Thôi, để tôi đúc kết lại nhé: Vợ mà bắt gặp chồng ngoại tình, là ông chồng bỏ người tình mà chạy. Còn chồng mà bắt gặp vợ ngoại tình, là có khi… ông chồng… phải đòn luôn ấy chứ. Bản năng người đàn bà vẫn dữ dội, quyết liệt hơn đấy!

 Nguyễn Lan Anh
Ảnh: Quang Bảo
Chụp tại: LýClub, 51 Lý Thái Tổ, HN

Thực hiện: depweb

17/04/2008, 10:23