“Đàn bà, một tính từ đầy ám ảnh”

Tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch là cái tên lạ với tôi, lạ theo nghĩa trước “Một giọt đàn bà” tôi chưa từng đọc bất cứ thứ gì mang tính văn chương cậu viết. Sau đó lên mạng, tôi thấy có mấy bài giới thiệu cuốn sách “Chênh vênh hai lăm”, nghe chừng đâu cũng nhiều người thích lắm, nhưng thực sự tôi không chú ý đến cuốn này vì không thích tản văn viết về tình yêu vốn đã nhan nhản ngoài nhà sách, thường chỉ một màu hồng nhàn nhạt, đẹp, nhưng kém sâu sắc, kém ấn tượng. Tôi đánh đồng Thạch trong những tản văn như vậy, nhưng quan điểm của tôi thay đổi sau khi đọc “Một giọt đàn bà.”

một giọt đàn bà

Bìa cuốn “Một giọt đàn bà” 

“Một giọt đàn bà” rất… đàn bà, nhưng đàn bà theo cách riêng của Thạch. Các nhân vật trong sách xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau. Họ có thể là cô nhân viên văn phòng mới cưới, cảm thấy sao khoảng cách từ “người yêu” và “chồng” lại xa đến vậy. Họ có thể là một người chị, cả đời lam lũ tảo tần nuôi em, đến mức quên đi hạnh phúc của bản thân mình. Họ có thể là cô con dâu chịu tủi nhục sống trong nhà chồng, chịu mọi điều oan khiên của kiếp làm dâu chỉ bởi vì bản thân không còn giữ được trinh tiết lúc về nhà chồng. Và có thể đàn bà của Thạch là một cô điếm đứng đường, không dám đón nhận tình yêu vì nghĩ thân phận mình không xứng đáng. Đọc “Một giọt đàn bà” của Thạch, chắc chắn ai là đàn bà, là phụ nữ đều nhận ra đâu đó trong những thứ Thạch viết, thấp thoáng hình ảnh của mình.

Nguyễn Ngọc Thạch (bút danh khác: Jade) sinh năm 1987 tại Tp.HCM. Anh là tác giả trẻ được cộng đồng mạng rất quan tâm. Các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thạch luôn có đề tài rất gai góc, gây nhiều dư luận trái chiều như đồng tính, mại dâm, chuyển giới.

Các tác phẩm đã xuất bản:

–  “Đời Callboy”
–  “Lòng dạ đàn bà”
–  “Chuyển giới”
–  “Mẹ ơi, con đồng tính”
–  “Chênh vênh hai lăm”
–  “Một giọt đàn bà”

Nhưng dù những người đàn bà của Thạch như thế nào, thì cũng đều có một mẫu chung rất dễ cảm nhận: họ vùng vẫy, cố gắng thoát khỏi những định kiến về kiếp đàn bà người đời hay gán cho.

Đọc truyện của Thạch, điều tôi ấn tượng nhất là cá tính của những người đàn bà – họ gai góc, bất cần, không đi vào khuôn khổ chuẩn của những thứ người ta nghĩ về đàn bà. Họ có thể uống rượu, hút thuốc, có thể yêu cuồng dại, có thể đã có chồng nhưng vẫn mang trong tim một hình bóng khác, có thể leo lên giường với đàn ông trong lần đầu tiên gặp mặt, và cũng có thể đá bọn đàn ông xuống khỏi giường nếu cảm thấy không vui. Thậm chí, họ có thể nhìn đàn ông mà hỏi: “Em nghe nói, sau khi làm tình, 10% đàn ông quay lưng vào tường ngủ, 5% hút thuốc, còn 85% còn lại thì về nhà với vợ. Anh thuộc loại nào?” (truyện “Ba mươi”)

Tôi còn nhớ đâu đó, người ta nói: “đàn bà thông minh, thường không tin vào đàn ông, càng không tin vào tình yêu.” Nếu câu nói đó đúng, đàn bà của Thạch cực kì thông minh, vì thường họ đều tự định đoạn cuộc đời mình chứ không đặt chúng vào tay đàn ông.

Cứ đọc xong một truyện ngắn, tôi thường dừng lại một lúc, cứ trăn trở về một phận đàn bà mình vừa được Thạch kể cho nghe. Có lúc thấy chua xót, thương đến chảy nước mắt. Có lúc lại đồng cảm, nước mắt chảy cho người ta hay chảy cho mình cũng không biết.

Tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch

Văn của Thạch không đẹp, nếu không muốn nói nó… tầm thường. Những câu chữ Thạch dùng, mọi người có thể thấy nó ở nhiều chỗ, nhiều nơi, thậm chí lật tập làm văn ra cũng thấy, nhưng cách Thạch đặt chúng cạnh nhau, lồng chúng trong những tình tiết làm người ta phải nóng lòng theo dõi, lại khiến câu chữ của Thạch có sức ám ảnh đặc biệt.

Như đã nói từ trên, tôi vốn không thích những tản văn người trẻ viết, vì chúng thường chỉ bó hẹp trong một mảng đề tài duy nhất là tình yêu, nếu có, rộng hơn cũng chỉ là những triết lý người ta thường hay viết trên mạng xã hội, người ta thi nhau ấn like, bình luận và chia sẻ. Những thứ đó hay ru ngủ con người sống trong một xã hội hồng nhàn nhạt. Nhưng trong cách viết của Thạch, tôi tìm thấy những thứ sâu và rộng hơn. Đó không đơn thuần chỉ là tình yêu giữa nam và nữ, đó là tình yêu giữa người và người, đồng cảm từ những thân phận cùng vẫy vùng trong vũng lầy số phận.

Từ lâu, tôi cũng biết rằng cuộc sống không chỉ có trắng và đen, mà còn có màu xám. Nó lưng chừng giữa đúng và sai, sáng và tối, chỉ đơn thuần tùy trường hợp cụ thể, con người ta sẽ ngã về bên trắng nhiều hay bên đen nhiều hơn. Đàn bà của Thạch là những mẫu người sống trong vùng xám đó của xã hội. Họ không hẳn hoàn toàn đáng thương hay đáng trách, họ chỉ làm đúng với bản ngã của mình, đúng với trái tim mình xui khiến, còn đằng sau đó, họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình đã đưa ra. Thạch chỉ đơn thuần là một người kể chuyện, ít khi nào phán xét, hay nhận định rằng cách sống của nhân vật trong đó là đúng hay sai. Câu trả lời, nằm ở mỗi người đọc, tùy theo quan điểm cá nhân của mình, tùy theo những trải nghiệm của bản thân mà đánh giá.

Tuy nhiên, mỗi nhân vật của Thạch, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn hướng về ánh sáng, luôn mong muốn cho bản thân một thứ hạnh phúc, dù phải chấp nhận đánh đổi bằng rất nhiều nỗi đau. Và cuối cùng, đàn bà của Thạch cũng như bao kiếp đàn bà khác, khi mệt mỏi, yếu lòng, vẫn cần một khuôn ngực đàn ông để dựa vào mà khóc cho tan hết nỗi đau.

Đúng như lời giới thiệu, “được viết bằng bản ngã đàn bà sâu thẳm nhất”, tôi nghĩ, đây là một cuốn sách nên đọc cho những ai muốn hiểu hơn về thân phận đàn bà, và để nhận ra rằng, “đàn bà là một tính từ đầy ám ảnh.”

Bài và ảnh: Phương Anh 


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: “Trước giờ cũng đâu ai cấm được người đồng tính sống chung với nhau. Không lẽ cứ hai trai, hai gái cùng thuê phòng trọ là vi phạm pháp luật? Muốn sống với ai là quyền tự do của mỗi cá nhân và pháp luật không có quyền cho phép hay không – tác giả trẻ đồng tính Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ sau khi nghe tin: kể từ ngày 12/11/2013, tất cả những cặp đôi đồng tính đều được pháp luật cho phép tổ chức đám cưới và sống chung như vợ chồng.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category