Ở vào thời nay, bên ta cũng vậy mà bên Tầu cũng vậy, so với việc phụ nữ có văn thì hình như đàn bà có võ bị ít hơn rất nhiều. Trên văn đàn đương đại tấp nập thiếu nữ làm thơ, thiếu phụ viết tiểu thuyết, có tuổi hơn nữa thì viết tản văn, viết hồi ký. Không những các giải thưởng văn chương cao quý đã vắng hẳn đám râu ria mà các sách best-seller cũng nồng nàn mùi son phấn. Tên tác giả tác phẩm quyến rũ như hương như hoa, đại loại như “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu ở ta chẳng hạn, “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” của Tào Đình ở Tầu chẳng hạn. Hồi xa xưa, hiện tượng bị lệch một vế như thế này là hiếm lắm.
Cứ nhìn qua ca dao cổ của người Việt miền Trung thì biết. “Ai về Bình Định mà coi. Đàn bà cũng biết cầm roi đi quyền”. Con gái Bình Định nổi tiếng chuộng võ và thượng võ, họ thủy chung can đảm yêu chồng thương con, những phẩm chất chói lọi ưu tú mà ở đàn bà có văn thỉnh thoảng có người lại để rơi mất. Nữ đô đốc kiệt hiệt Bùi Thị Xuân (? – 1802) là điển hình tiêu biểu cho đàn bà Việt có võ. Bà là người vợ đảm đang, người mẹ độ lượng, và hơn cả, bà là liệt nữ không tiếc thân mình tận trung báo quốc. Tên của bà đã được trân trọng đặt làm tên phố ở nhiều đô thị lớn khắp Trung – Nam – Bắc. Và hình như những thiếu nữ sống ở những phố mang tên bà cũng có đôi nét đặc biệt khác, đa phần họ đều nhanh nhẹn sáng ngời rắn rỏi.
Đàn bà có võ ở đời thực đã nhiều, nhưng có lẽ nhiều nhất là trong các trường thiên tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung tiên sinh. Nguyên nhân động cơ dẫn đến việc các bà các cô luyện võ thì vô cùng linh tinh phức tạp. Có người luyện vì nuôi báo thù nhà, có người luyện là do học văn yếu. Có người thì vì ghen tình, có người thì vì tức khí. Hoàng Dung trong “Anh hùng xạ điêu” vốn là ái nữ con nhà danh gia được bố cưng chiều nên vô tư tập võ. Hoàng tiểu thư võ công tuy cao nhưng chẳng biết làm gì, thường bỏ nhà đi lang thang giang hồ chọc ghẹo thiên hạ, hao hao giống các cô chiêu cậu ấm con cái nhà dư dật bây giờ, tiền nhiều đến mức “tẩu hỏa nhập ma” rửng mỡ tiêu pha vô mục đích. Bọn họ uống “Giôn xanh” chỉ vì giá của nó là hai triệu, nuốt thuốc lắc là vì bỗng dưng được nhún nhẩy quay cuồng. Sinh hoạt thì bê tha trác táng nhưng nhỡ được đạo diễn truyền hình khả nghi cao hứng mời lại khăng khăng đòi vào vai thiếu nữ nghèo học giỏi tần tảo vượt khó.
Triệu Mẫn quận chúa trong bộ “Ỷ thiên Đồ long ký” thì hơi có khác. Cô này có nhà mặt phố có bố làm to nên a dua theo gia phong đầu tư vào hoạn lộ. Mới tí tuổi đầu đã lăm le phấn đấu làm thủ lĩnh quần hùng. Triệu quận chúa học võ theo đúng kiểu trịnh thượng con nhà sếp, mời toàn giáo sư tiến sĩ cỡ Huyền Minh nhị lão chuyên gia đầu ngành của môn “Âm hàn chưởng” về làm gia sư. Tà đạo hơn nữa, cô này còn sai gia nhân đánh thuốc mê bắt về nhà toàn những tuyệt đại cao thủ rồi ép họ đánh lẫn nhau để tẩn mẩn học mót. May thay, vốn trong trắng tuổi trẻ cô tự dưng biết yêu, cho dù đấy là gã Trương Vô Kỵ nhạt hoét. Nhờ thanh sạch hy sinh vị tha, cô đã ngộ ra một điều giản dị, ái tình chân chính cũng như võ học tuyệt chiêu chẳng thể nào mà ăn gian vơ vét trong một chiều một sớm.
Phụ nữ tuy có võ nhưng đa phần vẫn giữ được nét truyền thống đàn bà, khi xuất thủ sát chiêu luôn dựa vào đòn cào cấu. Yêu phụ Mai Siêu Phong khét tiếng thiên hạ bằng môn “Cửu âm bạch cốt chảo” với yếu quyết để móng tay thật dài thật bẩn rồi cào vào mặt đối thủ. Hơn trăm năm sau, Chu Chỉ Nhược phái Nga Mi (đây là một hệ phái độc đáo của rừng võ, nhang nhác như Hội liên hiệp phụ nữ thời hiện đại, bởi từ chưởng môn đến đệ tử hầu hết toàn đàn bà là đàn bà) đã trấn áp quần hùng cũng là nhờ cái công phu đậm đà nữ tính này.
Tuy nhiên, quái lạ nhất là cô gái xinh đẹp Vương Ngữ Yên trong “Thiên long bát bộ”. Vương cô nương liễu yếu đào tơ không biết tí tẹo võ công nhưng đọc thiên kinh vạn quyển, bất cứ cao thủ nào xuất chiêu hóc hiểm kỳ bí đến đâu cũng bị nàng vanh vách đọc ra chiêu số hoặc xuất xứ môn phái. Với năng khiếu này, nếu bỏ võ lâm quay sang văn đàn, Vương cô nương chắc chắn sẽ thành nữ phê bình gia cự phách. Có điều, tuy cô nương họ Vương giỏi võ mồm nhưng rất hay yêu nhầm và thỉnh thoảng lại bị té giếng.
Dù còn vài hạn chế hoàn toàn là lý do khách quan, phụ nữ có võ ở bất kỳ đâu cũng xứng đáng được tôn vinh. Không phải ngẫu nhiên mà hàng năm trong “tốp mười” các vận động viên tiêu biểu quốc gia luôn hiện diện các nữ võ sĩ. Những Nguyễn Thúy Hiền những Trần Hiếu Ngân đã không ít lần làm vinh dự cho thể thao nước nhà trên đấu trường quốc tế.
Hạnh phúc thay cho những đàn ông có vợ hoặc người tình biết bay nhảy khinh công, biết cào cấu điểm huyệt!