Đám cưới không mời quá 300 người: Lãnh đạo phải gương mẫu!

Trao đổi với báo chí chiều 2/10, ông Long cho biết, Hà Nội sẽ sớm ban hành “Chỉ thị thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới”. Từ năm 1998, Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 27 của Bộ chính trị về “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, nhưng do quy định không cụ thể nên việc thực hiện còn hạn chế.

Phó Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long
Phó Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long

Chỉ thị lần này quy định cụ thể như thế nào để cán bộ đảng viên, lãnh đạo chủ chốt của thành phố không thể “lách luật” và buộc phải thực hiện?

Chỉ thị lần này cố gắng đưa định lượng cụ thể như hạn chế khách mời. Cụ thể, một đám chỉ mời 300 khách, nếu nhà trai, nhà gái cùng tổ chức chỉ được mời 600 người. Ngay cả những người quan hệ rộng cũng phải chấp nhận.

Chị thị lần này cũng quy định rõ cán bộ, đảng viên không được tổ chức đám cưới ở nơi sang trọng xa hoa, đắt tiền không phù hợp với điều kiện chung của nhân dân như khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Tránh những trường hợp “lách luật” tổ chức đám cưới nhiều lần như trước đây, Chỉ thị lần này cũng quy định chỉ được tổ chức một lần.

Cấp nào của thành phố sẽ đi đầu trong việc thực hiện Chỉ thị này?

Đã là đảng viên khi Chỉ thị của thành phố ban hành thì đều phải thực hiện. Lãnh đạo thành phố, quận huyện – người có vị trí, ảnh hưởng lớn đối với xã hội – phải gương mẫu làm trước, còn nhân dân sẽ tuyên truyền vận động họ làm.

Ai sẽ giám sát việc này, thành phố có cần tổ chức một lực lượng riêng đi đến kiểm tra, soi xét đám cưới cán bộ đảng viên?

Theo kế hoạch, Chỉ thị sẽ sớm được ban hành, sau khi triển khai tất các cấp ủy phải quán triệt đảng viên phải thực hiện trước. Quận, huyện giao cho các đoàn thể như Mặt trật Tổ quốc, đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ… vận động thành viên trong đoàn thể của mình thực hiện. Trong việc theo dõi giám sát giao cho Ban tuyên giáo phối hợp với các sở ngành khác xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổ chức thực hiện.

Theo tôi, không cần thiết phải tổ chức hẳn một lực lượng giám sát vì đây là nhiệm vụ một cán bộ đảng viên phải thực hiện. Hiện nay, cũng đã có rất nhiều cơ quan đoàn thể như chi bộ đảng cơ sở, còn về mặt chính quyền có các sở ngành chức năng như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Ban chỉ đạo thực hiện nếp sống văn hóa có thể giám sát việc cưới xin, của cán bộ đảng viên, lãnh đạo. Nhân dân khắp các xã phường cũng cùng vào cuộc giám sát cán bộ đảng viên thực hiện việc cưới xin.

Nếu cán bộ, đảng viên vẫn cố tình mời cưới quá 300 người và tổ chức nhiều nơi, nhiều lần ở khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp sẽ bị xử lý thế nào?

Lần này, nếu nhân dân, đoàn thể nào phát hiện đảng viên, cán bộ lãnh đạo làm sai Chỉ thị và báo cáo về nơi cán bộ đó công tác, đơn vị chức năng sẽ xem xét hình thức xử lý tùy theo mức độ nghiêm trọng so với quy định. Thực tế, trước đây Hà Nội từng xử lý kỷ luật đối với cán bộ tổ chức đám cưới gây phản cảm cho xã hội.

Mặc dù ủng hộ chỉ thị này, nhưng nhiều người còn băn khoăn liệu Hà Nội có “đánh trống bỏ dùi” hay không, thưa ông?

Thực ra, việc chưa ban hành, chưa thực hiện thì khó có thể nói trước điều gì. Nhưng chúng tôi ghi nhận được thái độ, quyết tâm của lãnh đạo thành ủy, thành phố cũng như ban chấp hành trong việc thảo luận triển khai thực hiện Chỉ thị lần này. Lãnh đạo nòng cốt của thành phố hưởng ứng như vậy là tấm gương rất lớn. Đương nhiên quá trình triển khai không thể suôn sẻ được ngay vì những phong tục tập quán của nhiều địa bàn khác nhau không dễ điều chỉnh trong một sớm, một chiều.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân trí


From the same category