Ngày càng có nhiều “đám cưới không chú rể” được tổ chức tại Nhật Bản khi phụ nữ ở nước này có xu hướng kết hôn muộn hoặc lựa chọn sống độc thân và họ muốn một lần được mặc bộ váy cưới xinh đẹp.
Theo xu hướng ngày càng phổ biến tại Nhật Bản, nhiều phụ nữ lựa chọn tổ chức “đám cưới không chú rể” nơi họ “kết hôn” với chính mình.
Lý do cho những đám cưới “độc thân” này rất khác nhau. Một số người muốn một lần được mặc trang phục cô dâu, trong khi những người khác muốn kỷ niệm một cột mốc đặc biệt hoặc thậm chí thể hiện tình cảm dành cho một người nổi tiếng.
Một phụ nữ tên Hanaoka đã tổ chức lễ cưới riêng tại một nhà hàng ở Tokyo, mời 30 người bạn và chi tổng cộng 1.600 USD.
Cô chia sẻ: “Kết hôn với chính mình không có nghĩa là tôi không muốn kết hôn với đàn ông. Tôi đã đọc về đám cưới không chú rể trong bài viết của một blogger và nghĩ rằng mình không thể làm được. Nhưng khoảng ba năm trước, tôi bắt đầu làm những việc khiến mình hạnh phúc như mặc quần áo đẹp, thưởng thức đồ ăn ngon. Đó là lúc tôi bắt đầu nghĩ đến việc kết hôn với chính mình.”
Những người tổ chức đám cưới không chú rể khác cho biết họ “muốn tổ chức lễ kết hôn bình thường nhưng không có cơ hội” hoặc “không hài lòng với trang phục mặc trong đám cưới thực sự của mình” nên quyết định chụp ảnh riêng sau đó.
Yuko Miyamoto sống tại Osaka gần đây đã sử dụng dịch vụ tổ chức hôn lễ một mình để biến sinh nhật lần thứ 50 trở thành một ngày đặc biệt.
Miyamoto giải thích: “Nếu tôi cứ chờ đợi một người bạn đời xuất hiện, có thể tôi sẽ không bao giờ có cơ hội được tổ chức đám cưới. Tôi muốn được một lần mặc váy cưới cho chính mình.”
Một lý do khác khiến cô quyết định tổ chức đám cưới độc thân là vì cô bị ung thư vú vài năm trước và cô hy vọng có thể chụp ảnh khi còn khỏe mạnh.
Xu hướng này đã làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi ở cả Nhật Bản và Trung Quốc.
Một số người ca ngợi trào lưu này giúp thúc đẩy sự độc lập của phụ nữ khi cho rằng có nhiều cách để đạt được hạnh phúc và điều quan trọng nhất là phải yêu bản thân mình trước tiên.
Trong khi đó, những người khác lại coi đây chỉ là một cách để tránh bị chê cười vì chưa kết hôn và việc tự đeo nhẫn cưới vào ngón tay trông có vẻ hơi cô đơn.
Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, năm 2023, nước này ghi nhận số lượng kết hôn thấp nhất trong 90 năm, với chưa đến 500.000 cặp đôi kết hôn.
Tỷ lệ kết hôn giảm đã thúc đẩy sự phát triển của “nền kinh tế độc thân” với các lễ cưới không chú rể nổi lên như một cơ hội kinh doanh mới cho ngành dịch vụ này.
Một nhân viên công ty tổ chức tiệc cưới tại Nhật Bản cho biết: “Đám cưới không chú rể là dấu hiệu của thời đại đang thay đổi. Giờ đây, nhiều phụ nữ Nhật Bản có thể tự chu cấp cho bản thân mà không cần kết hôn và họ không muốn bị bó buộc bởi những vai trò truyền thống.”
Các doanh nghiệp đang phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng lối sống của người độc thân tại Nhật Bản, những người có ít gánh nặng gia đình và có thu nhập cao hơn, cho phép họ tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại Kobe, cửa hàng Petit Wedding đặc biệt phục vụ những khách hàng có ít khách đến dự lễ cưới và những người chỉ muốn chụp ảnh cưới với vợ/chồng mà không tổ chức sự kiện lớn.
Theo Petit Wedding, khách hàng ở mọi lứa tuổi đều sử dụng dịch vụ này nhưng phần lớn là phụ nữ ở độ tuổi 20-30.
Giải thích lý do mọi người chọn phương án làm đám cưới không chú rể, đại diện cửa hàng cho biết ngày nay mọi người có xu hướng kết hôn muộn hơn.
Không biết khi nào họ sẽ kết hôn hay liệu họ có cơ hội mặc váy cưới hay không, rất nhiều người hy vọng được mặc váy cưới đẹp cho dịp đặc biệt ở độ tuổi 20 còn trẻ trung.
Xu hướng chụp ảnh cưới một mình này cũng có thể là kết quả của sự gia tăng các “đám cưới chụp ảnh” trong thời kỳ đại dịch COVID-19 vì nhiều cặp đôi lựa chọn chỉ chụp ảnh cưới thay vì tổ chức tiệc chiêu đãi linh đình.