Nếu nhìn ngược một chút về những bộ phim trước đây của đạo diễn họ Lê, người ta có thể đoán được nội dung của “Đại náo học đường” ra sao. Những “Bóng ma học đường” “Gia sư nữ quái” hay thảm họa gần đây là “Biết chết liền” đủ để người ta hoài nghi về chất lượng của “Đại náo học đường”. Nếu xếp bộ phim này vào loại hài nhảm như “Hello cô Ba”, “Nàng men chàng bóng” thì có lẽ không đúng, bởi trong “Đại náo học đường” vẫn có những chi tiết đắt giá, có tính nhân văn nhất định. Nhưng nếu nói nó là một bộ phim có chiều sâu, cuốn hút, hấp dẫn, hay là bước tiến của điện ảnh Việt, thì lại càng không đúng, vì nó đi trên tất cả những lối mòn mà những bộ phim hài nhảm trước đây từng áp dụng.
Một cảnh trong phim “Đại náo học đường”
Câu chuyện của phim như sau: Lão đại của một nhóm giang hồ qua đời do tuổi già, sức yếu, trước khi chết, ông nhắn lại cho con trai và hai đệ tử rằng nếu muốn được kho báu của mình thì phải đi học để biết chữ. Thế là Huỳnh Lai (nói lái từ tên Hoài Linh), Huỳnh Sang (Hoàng Sơn) nghe lời Tái Chì (Chí Tài) để đăng ký vào học ở một trung tâm giáo dục thường xuyên của cô giáo Thảo (Hiền Mai). Tại đây, Lai và Sang đụng mặt Sửu (Hiếu Hiền), cũng là một tên giang hồ con thích bắt nạt bạn học. Lai và Sang vì bảo vệ cô gái bị tật ở chân là An (Trương Quỳnh Anh), nên liên tục xảy ra đụng độ với Sửu. Cho đến một ngày, thân phận thật sự của cô giáo Thảo được bộc lộ, cũng như căn bệnh của Sửu bắt đầu trở nặng…
Nội dung phim đơn giản như vậy, và thật sự cũng không nên bàn đến những điều phi logic hay gượng ép trong kịch bản phim, vì chúng trải dài từ đầu đến cuối. Ở đây chỉ bàn đến những cách làm khán giả cười trong phim. Như đã từng nói qua trong phim “Âm mưu giày gót nhọn” hay “Tiền chùa”, phim hài Việt Nam thường rơi vào ba cách chọc cười kiểu tấu hài thường thấy: dùng ngoại hình nhân vật, lời thoại hoặc hành động ngô nghê, ngớ ngẩn và đem người đồng tính ra làm trò cười. Phim của Lê Bảo Trung hội đủ ba yếu tố đó.
Ở bài viết này, về yếu tố ngoại hình, sẽ không nói tới chiều cao khiêm tốn của Hiếu Hiền. Vai làm khán giả cười của Hiếu Hiền trong “Bóng ma học đường” là gã đàn em tên Voi trong phim, ngoại hình to con, hung dữ, nhưng gương mặt cố ý làm cho miệng méo xệch và đôi mắt lé, mỗi lần nói chuyện lại cố ý phùng mang trợn má, nhăn mặt để tạo ra tiếng cười. Ok, thì người ta vẫn cười, điển hình là cả rạp cười ngay từ giây phút đầu tiên mà Voi xuất hiện, các cảnh sau, cứ hễ nhìn thấy đôi mắt lé của nhân vật là người ta cười ồ. Nhưng nói thật, có vài người chẳng cười, thay vào đó là cái lắc đầu ngao ngán. Đạo đức gì khi đem dị tật hình thể của người khác ra làm trò cười? Rồi nếu một ai đó bị tật ở mắt đi xem bộ phim này, cảm giác của họ sẽ ra sao? Vậy đó, đôi khi con người ta chỉ nhìn thấy niềm vui của đa số mà quên đi nỗi buồn của thiểu số.
Lời thoại và hành động ngô nghê – những thứ này trải dài từ đầu phim cho đến tận giây cuối cùng, đặc biệt là nhấn vào nhóm vai của Hiếu Hiền, đám đàn em, hay những màn biểu diễn võ thuật, hành động không giống ai. Như hai băng nhóm đánh nhau, bỗng dưng có anh đẩy xe kẹo kéo đến, đứng bật nhạc lên rồi nhảy nhót um xùm cho vui rồi thôi. Đồng ý rằng, phim hài thì không chấp nhất logic, nhưng kiểu hài bằng cách cho nhân vật có lối hành xử ngô nghê đến mức thua con nít, dễ để người ta lầm tưởng rằng đang coi một bộ phim tư liệu được quay từ bệnh viện tâm thần, và điều đó, chẳng có gì buồn cười hay ho.
Điểm thứ ba, “Đại náo học đường” cũng đem giới tính ra làm trò đùa. Trong khi một số bộ phim gần đây thường đưa hình ảnh người đồng tính tươi sáng với những lý tưởng sống cũng như cách sống làm người khác thích thú, thì trong “Đại náo học đường” có những màn tắm lộ thiên của một anh con trai cùng câu la: “Căng lại cái màn tắm cho chị”, hay như anh bán rau ưỡn ẹo xin số điện thoại nhân vật chính: “Em không cần tiền, em chỉ cần số điện thoại của hai tráng sĩ.” Những câu thoại, hình ảnh như vậy, dĩ nhiên cũng sẽ có người cười, và có người không cười nổi.
Với ba điểm gây cười chính trên, dễ dàng thấy rằng đây đã là “thương hiệu Lê Bảo Trung” nên nếu anh Trung có ra phim mới, người xem sẽ dễ dàng đoán được trong phim sẽ có gì và cân nhắc xem có nên đi coi hay không.
Về dàn diễn viên trong phim, chỉ nhìn vào những cái tên Hoài Linh, Chí Tài, Hoàng Sơn, Hiếu Hiền đã đảm bảo cho lượng khán giả đến rạp không hề ít. Thêm vào đó, với tâm lý thích những sản phẩm giải trí đơn giản, cộng thêm lịch chiếu dày đặc ở tất cả các rạp cũng như chi phí sản xuất không quá cao, chắc chắn rằng “Đại náo học đường” vẫn gom về một khoảng thu không nhỏ để đạo diễn Lê Bảo Trung tiếp tục suy nghĩ cho những dự án phim sau.
Tóm lại, với những điểm kể trên, “Đại náo học đường” có thể coi như một bước giậm chân tại chỗ của điện ảnh Việt, cũng như, không nên gọi nó là một bộ phim hài, hành động, mà khái quát hơn, nó phải là một bộ cái lẩu thập cẩm của tấu hài điện ảnh cùng những pha hành động quá mức cần thiết. Dĩ nhiên, tuy có nhiều dư luận trái chiều, nhưng “Đại náo học đường” cũng sẽ là một bộ phim có doanh thu cao vì đa số dân ta, vẫn còn dễ dãi với tiếng cười lắm lắm.
Bài: Chú Hề
Ảnh: Galaxycine
>>> Có thể bạn quan tâm: Câu chuyện của “Tía ơi” – bộ phim mới của Hoài Linh – không mới, cách kể chuyện cũng không phải của một bộ phim điện ảnh trau chuốt, lối diễn hài được bê từ sân khấu lên màn ảnh, nhưng đây vẫn là một bộ phim có thể chấp nhận được cho những gia đình cần một buổi cuối tuần bên nhau.