Đại học lúng túng với máy ghi hình tố gian lận

Những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh còn đưa ra những nguy cơ không nhỏ đối với kỳ thi ĐH như lộ đề, gây rối trong phòng thi. 


 

Thí sinh nghe phổ biến quy định mới sáng 3/7 (Ảnh Văn Chung)

Lúng túng

Xác định được thiết bị nào chỉ thu chứ không thể phát trực tiếp giữa một “rừng” các thiết bị điện tử trên thị trường? Làm thế nào để tránh gây tâm lý hoang mang cho thí sinh? Rất nhiều vấn đề đã nảy sinh ở kỳ thi ĐH năm nay khi các trường áp dụng quy định mới về chống tiêu cực của Bộ GD-ĐT.

Báo Thanh Niên ghi lại phân tích của nhiều cán bộ tuyển sinh tại các trường ĐH từ Nam ra Bắc.

Phía Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, trường giới hạn những thiết bị ghi âm, ghi hình được mang vào phòng thi qua sự “không chắc chắn” của giám thị (GT). Nếu GT không chắc chắn thì thiết bị đó không được mang vào. Biện pháp đo lường bằng cảm tính này sẽ khó loại bỏ hoàn toàn những thiết bị tinh vi mà giám thị có thể không biết.

Trường ĐH Hoa Sen quyết định nghiêm cấm tất cả các máy hình, máy quay có màn hình, máy ghi âm nghe lại được. Nếu nghi vấn, trường buộc phải gọi đến bộ phận tuyển sinh thường trực của Bộ GD-ĐT xin ý kiến. ĐH Sư phạm TPHCM lại chọn hướng xử lý cụ thể đối với các trường hợp mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Đại thể, trường chỉ cho phép thí sinh mang theo giấy, bút, máy tính…

Phía Bắc, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, cán bộ tuyển sinh ĐH Ngoại thương cũng băn khoăn: “Trường cũng hướng dẫn GT về những vật dụng được mang vào phòng thi. Trong trường hợp TS mang theo các thiết bị ghi lại thông tin thì cũng chưa biết xử lý như thế nào”.

Báo Dân trí cũng phản ánh nối lo lắng của các trường ĐH trước quy định quá mới và phải triển khai quá cập rập của Bộ GD-ĐT. Nỗi lo lớn nhất là tập huấn xác định các loại máy ghi âm, ghi hình cho các GT, trong khi khâu tập huấn đã hoàn thành từ trước.

Ông Nguyễn Thanh Chương – trưởng phòng đào tạo trường ĐH Giao thông Vận tải nói với   Dân trí “Trường đã thông báo khẩn tới các điểm thi về quy định mới này của Bộ GD-ĐT để trưởng các điểm thi phổ biến tới cán bộ coi thi vì gấp quá. Nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất là rất khó xác định phương tiện không phát hình, phát tiếng vì phải là người có kỹ thuật mới xác định được. Tôi sợ rằng sẽ “loạn” phòng thi vì nếu thí sinh liên tục chụp ảnh, ghi hình trong giờ làm bài”.

Đặc biệt, ông Đoàn Văn Vệ – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ một lo ngại đáng chú ý ở Hội đồng thi này: “Hiện nay GT đang rất hoang mang, họ yêu cầu phải có hướng dẫn chi tiết, nếu không sẽ không đi coi thi. Nếu TS mang vào phòng thi thiết bị được phép mà GT đình chỉ họ thì sẽ bị kiện. Còn nếu để xảy ra vi phạm thì GT lại bị kỷ luật”.

Có thể nảy sinh hình thức gian lận mới

“Ngoài việc có nhiều điều phức tạp trong công tác coi thi, còn có thể xảy ra một trường hợp gian lận khác. Đó là TS mang loại máy ghi hình được phép sử dụng và quay (chụp) lại bài thi, sau đó đưa cho cán bộ chấm thi nhờ chấm điểm có lợi cho TS”. Ông Nguyễn Khắc Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Sài Gòn nói với Thanh Niên về một nguy cơ tiềm ẩn nếu các trường áp dụng quy định mới của Bộ GD-ĐT.

Ông Đoàn Văn Vệ – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ ra một lo ngại khác: ““Ví dụ nếu TS đứng lên quay có vi phạm quy chế không? Nếu TS quay hoặc chụp ảnh để mang bài thi về, đặc biệt là bài thi trắc nghiệm thì có bị xem là lộ đề không?”

Bộ có thể đã vội vàng quyết định sau khi sự việc tiêu cực ở trường THPT dân lập Đồi Ngô- Bắc Giang bị phát giác. Bởi vì, bên cạnh nguy cơ hình thành đường dây gian lận chấm điểm thi vào đại học, quy định mới này nảy sinh những dự đoán nhiều tình huống có thể nảy sinh trong phòng thi, có thể ảnh hướng đến chất lượng làm bài của thí sinh.

Thí sinh Lê Minh Sang dự thi vào ngành quản trị khách sạn chia sẻ ý kiến trên Thanh niên: “Nên cấm TS đem máy quay, ghi âm vào phòng thi. Rủi phòng thi có những TS làm bài không được, cố tình quay để gây rối thì làm sao được. Nếu em bị quay phim, chắc chắn em sẽ gặp khó, ảnh hưởng tâm lý và làm bài không tốt”.

Một thí sinh khác, em Lê Hữu Hùng dự thi vào ĐH Bách Khoa TP. HCM cho rằng: “Việc này không chỉ làm phân tâm thí sinh mà còn khuyến khích những bạn thích “chơi nổi” có dịp quấy rối, nghịch phá những thí sinh khác trong phòng thi.”

Theo Vietnamnet

From the same category