Đại gia vứt đi trăm tỷ chỉ mong được nhẹ thân - Tạp chí Đẹp

Đại gia vứt đi trăm tỷ chỉ mong được nhẹ thân

Tin Tức

Bán tống, bán tháo

Ngày 25/2, HSX nhận được thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà – Sudico (SJS).

Theo đó, Phó Chủ tịch HĐQT Đỗ Văn Bình đăng ký bán 2,87 triệu cổ phiếu, dự kiến bằng phương thức thoả thuận từ 1/3/2013 đến 15/3/2013.

Thông tin đăng ký mua bán của cổ đông nội bộ là điều thường thấy và con số gần 3 triệu cổ phiếu đăng ký bán ra cũng không phải nhiều. Tuy nhiên, điều mà giới đầu tư quan tâm lại nằm ở chỗ cái tên Đỗ Văn Bình quá nổi trong năm vừa qua với thương vụ đổ vài trăm tỷ vào “nắm” SJS – một doanh nghiệp BĐS từng nổi tiếng trước đây nhưng đang rơi vào bất ổn và bê bết trong hai năm gần đây.

Trước đó, hồi cuối năm 2012 ông Bình cũng đã bán thành công 1,2 triệu cổ phiếu SJS để giảm số lượng nắm giữ từ gần 20 triệu đơn vị xuống số lượng như hiện nay.
 
Đại gia vứt đi trăm tỷ chỉ mong được nhẹ thân

Diễn biến này trái ngược với đầu năm 2012, TTCK xôn xao với thông tin một đai gia “âm thầm” đã mua hơn 15,4 triệu cổ phiếu SJS (tương đường gần 16% cổ phần). Số tiền bỏ ra khi đó không được tiết lộ nhưng với thị giá của SJS bấy giờ, tổng giá trị cổ phiếu SJS đại gia này nắm giữ tương đương hơn 500 tỷ đồng và thuộc ngay tốp 30 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.

Đại gia đó được xác định là ông Đỗ Văn Bình, Chủ tịch của CTCP Đại Dương ở Bắc Ninh và là thành viên HĐTV kiêm TGĐ của Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng Maritime Bank.

Thương vụ của đại gia này đã được đem ra mổ xẻ và nhiều nhà đầu tư cho rằng, doanh nhân này đã chộp đúng thời điểm TTCK “xuống đáy” để mua vào một tỷ lệ rất lớn, mang tính chi phối một doanh nghiệp BĐS từng nổi đình, nổi đám trên TTCK và đang sở hữu rất nhiều quỹ đất sạch. Nhiều khả năng, ông Bình sẽ kiếm được món hời lớn khi nhà đất ấm lại.

Tuy nhiên, diễn biến thực tế hiện nay lại khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao ông Bình cũng như nhiều đại gia khác lại đang dần thoái vốn cho dù giá cổ phiếu thấp hơn rất nhiều so với thời điểm khi họ mua vào?

Thực trạng thoái vốn ở mức giá thấp cũng đã và đang diễn ra ở rất nhiều đơn vị khác như: SGT của đại gia Đặng Thành Tâm thoái vốn khỏi Ngân hàng Westernbank; Vinaconex thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp và đang tính thoái vốn tại xi măng Cẩm Phả

Đặc biệt, gia đình đại gia Đặng Văn Thành thoái vốn khỏi Sacombank; ACBS thoái vốn tại tại 6 ngân hàng trong đó có cú thoái 53 triệu cổ phiếu Eximbank; sau khi đã bỏ tiền tỷ, mất bao nhiều công sức để mua gom….

Bỏ của chạy lấy người

Một điểm chung có thể thấy trong hoạt động đầu tư thâu tóm của nhiều đại gia trên sàn chứng khoán là: Mua vào rất nhanh và bán ra cũng rất nhanh, vấn đề giá tại thời điểm giao dịch có lễ không phải quan trọng nhất.

Trong trường hợp ông Đỗ Văn Bình, chưa biết đại gia này sẽ bán ra bao nhiêu cổ phiếu SJS nhưng cú bán ra 1,2 triệu cổ phiếu hồi cuối năm ngoái và quyết định đăng ký bán gần 3 triệu cổ phiếu lần này có thể đem lại cho ông này một khoản lỗ đáng kể.

Trong phiên giao dịch 26/2, thời điểm thông tin ông Bình đăng ký bán được công bố ra thị trường, cổ phiếu đã có một phiên giảm sàn hết biên độ từ 22.000 đồng/cp xuống còn 20.500 đồng/cp.

Nếu chỉ tính với mức giá đóng cửa ngày 26/2 so với mức giá khoảng 30.000-35.000 đồng/cp thời điểm ông này mua vào thì mức lỗ đã lên tới khoảng 30%. Tính trên con số tổng 500-700 tỷ đồng mà ông này đã bỏ ra, khoản thua lỗ tất nhiên không hề nhỏ.

Hơn thế, TTCK trong những ngày đầu tuần thứ ba của tháng 2/2013 diễn biến khá xấu. Diễn biến này đang ảnh trực tiếp và có thể bẻ gãy xu hướng đi lên của thị trường vốn được xác lập gần đây.

Bất chấp TTCK đang bế tắc nhưng quyết định bán ra của ông Bình xem ra khá dứt khoát. Nó nằm trong bối cảnh viễn cảnh của Sudico khá đen tối, đặc biệt dòng tiền của DN này rất bi đát.

Báo cáo tài chính 2012 vừa được đưa ra vài ngày qua cho thấy, thay vì lời vài trăm tỷ đồng như kế hoạch, SJS bất ngờ bão lỗ hơn 300 tỷ đồng; dư nợ lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Doanh thu thuần quý IV/2012 của SJS chỉ đạt gần 31 tỷ đồng. Cùng với các vướng mắc của nhiều dự án, nhiều khả năng SJS sẽ đối mặt với một năm thua lỗ nữa và nguy cơ hủy niêm yết cận kề.

Không chỉ đại gia Bình, rất nhiều các ông lớn khác cũng đã chấp nhận cắt lỗ cổ phiếu rất nhiều trong thời gian vừa qua.

Báo cáo quý III/2012, doanh nghiệp SGT của đại gia Đặng Thành Tâm cho biết, đã chuyển nhượng hết toàn bộ 18,8 triệu cổ phiếu của Westernbank cho hai cá nhân với giá vỏn vẹn 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với số tiền hơn 300 tỷ đồng (tương đương 16.060 đồng/cp) mà doanh nghiệp này bỏ ra đầu tư trước đó.

Một thành viên khác của đại gia họ “Đặng” là Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) trong báo cáo quý III/2012 cũng cho biết đã công bố thoái toàn bộ 26,55 triệu cổ phần tại Ngân hàng Westernbank (trị giá theo mệnh giá là 265,5 tỷ đồng). Giá chuyển nhượng không được công bố nhưng kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2012 cho thấy, KBC lỗ 233 tỷ đồng.

Phương án thoái 75% vốn tại xi măng Cẩm Phả của Vinaconex cũng là một ví dụ và có lẽ là một bài toán cắt lỗ mà đại gia BĐS và xây dựng này đang tính tới. Gánh nặng từ xi măng Cẩm Phả góp phần không nhỏ vào khoản nợ hợp nhất lên tới 22.000 tỷ đồng của Vinaconex.

Trước đó, VCG đã quyết định thoái vốn ở hàng loạt doanh nghiệp như 25% cổ phần tại Vinaconex Hoàng Thành (đơn vị tham gia xây dựng dự án BĐS ParkCity tại Hà Nội); 51% tại Công ty Xây dựng Số 3; toàn bộ 24% vốn tại Vinaconex – VCN và 15% trong số 51% vốn góp tại Công ty Vinaconex 6. Trong đó, riêng giá cổ phần tại Vinaconex Hoàng Thành, Vinaconex đã phải điều chỉnh giảm giá bán ba lần trước khi thành công.
 
Theo Mạnh Hà
VEF

Thực hiện: depweb

06/03/2013, 08:04