Đại gia giờ lo trả nợ còn chưa xong, nói gì bao gái!

-Hôm qua đi đón con mà oải quá em ạ! Đến khổ, một lớp gì mà những 60 học sinh, đến trường tìm con mỏi mắt!

– Trời, 60 cháu cơ á? Thế thì dạy dỗ kiểu gì nhỉ? Mà chị cho con học trường nào đấy?

 

– Thì cũng là trường phố hẳn hoi đấy chứ, lại còn là trường điểm!

– Nhưng là trường công chứ gì! Trường công thì phải chấp nhận đông thôi vì học phí rẻ thế kia mà!

– Học đúng tuyến, không mất đồng nào chạy trường, học phí cũng dễ thở…, nhưng giờ thì đấy, mỏi mắt tìm con!

– Ôi, nhưng cũng đừng tường của đắt tiền mà không “ôi” nhé! Phương Anh nhà em hồi trước, mẹ cũng liều mình như chẳng có, đầu tư “ác” lắm, mẫu giáo mà học phí tới tận 14 triệu/tháng vì 100% giáo viên là người Mỹ. Nhưng khổ nỗi, ban bệ, cấp quản lý thì không phải và cách hành xử thì…

– Cùng lắm là bắt mẹ cháu đến trường hát miễn phí nhân dịp khai giảng chứ gì?

– Thế thì ai nói làm gì! Đây, con mình gặp một sự cố liên quan đến sức khỏe, gọi điện cho hiệu trưởng, thì hiệu trưởng bảo đang đi du lịch, đợi lúc nào về giải quyết. Con học về thì thấy cát dính đầy tay, thậm chí chui cả vào tai, chả hiểu chăm sóc kiểu gì…

– Cũng có thể phương pháp giáo dục của Tây là cho trẻ con được thỏa thích vui chơi theo sở thích…

– Gớm, ai chả biết thế! Nhưng vấn đề là trong môi trường nào. Tây là họ sạch, chứ đâu ô nhiễm như mình, để con bốc đất bốc cát cho vào tai vào mồm thế kia, ai mà yên tâm được!

– Ờ, mà giờ lại nghe nói có cái tin “amip ăn não người” kia, kinh chết đi được! Thấy bảo chỉ dùng nước muối tự chế nhỏ mũi thôi mà đâu như cũng mất hai mạng người kia mà!

– Đấy, thế nên, sau đó, em mới đành phải chuyển trường cho con, sang một nơi dễ chịu hơn hẳn dù học phí rẻ hơn một nửa! Đấy nhé, không hẳn lúc nào cũng “đắt xắt ra miếng” đâu chị!

– Trường trước là trường nào, trường sau là trường nào?

– Trường trước thì… không được nói tên, vì sau khi nhận bồi thường, nhờ sự vào cuộc của luật sư, thì cũng đồng thời phải ký vào bản cam kết là về sau không được đi “bêu xấu” trường. Còn trường sau là Ohana, do vợ cũ của MC Anh Tuấn làm hiệu trưởng đấy! Cuối ngày, chỉ cần mở cuốn nhật ký của con ra xem cũng đã đủ để hạnh phúc rồi, vì trong đó, hình ảnh một em bé hiện lên rất rõ!

– Không có ý “nịnh” trường của con đấy chứ?

– À, không nhé, hoàn toàn là rất vô tư vì hiện giờ Phương Anh đã chuyển xuống Quảng Ninh học rồi!

Ồ, tưởng là “đất lành chim đậu” rồi mà?

– Thì cũng chính bởi thấy “đất lành”, nên mình mới nảy “ý đồ bắt chước”, rủ bà chị gái mở một trường mẫu giáo quốc tế tại Hạ Long. Dưới ấy thì được cái đất đai rộng rãi nên khuôn viên cho trường cũng khá là lý tưởng, mà đáng kể nhất là gần gũi hết sức với thiên nhiên…

– Mẫu giáo kể ra thì cũng chả quan trọng lắm đâu em, vì đã học hành gì mấy đâu! Tiểu học thì mới gọi là…

– Này, nhầm đấy! Mẫu giáo mới là quan trọng nhất, vì nếu như đặt con sai môi trường, thì về sau sẽ rất khó uốn nắn!

– “Uốn nắn” kiểu như em thì có mà chết tiền, kể cả mức 7 triệu, công chức quèn ai dám mơ!

– Không, thì quan trọng nhất vẫn phải là bố mẹ rồi, nhà trường chỉ là cùng phối hợp! Vì còn ai có thể hiểu con mình bằng mình nếu như mình chịu khó quan sát và cùng chơi với chúng. Còn cái sự “liệu cơm gắp mắm” thì nó là đương nhiên rồi! Có tiền thì ai nỡ tiếc với con, vì trường tốt thì tất nhiên là học phí phải cao rồi (dù có thể không hẳn là ngược lại). Nhưng nếu như không có tiền, thì đành phải cho con học trường thường, rồi tìm cách bổ sung cho cháu những gì ở trường không có. Còn hơn là gồng mình cho con học trường tốt, tới lúc thấy con học chả ra làm sao (vì chuyện này, nó còn phụ thuộc vào tư chất của đứa trẻ), lúc đấy lại có phải xót của mà mắng con không, vô hình trung tạo áp lực cho nó…

– Nhưng trường quốc tế, đáng kể nhất, là họ trao cho con mình những kỹ năng mềm để sau này vào đời không bị “hộp”…

– Thôi chị ơi, trẻ con nó bé tý, đến tự xúc ăn nhiều khi còn chả xong, biết gì mềm với cứng mà cứ lo xa! Chả trường nào bằng trường đời hết! Như mình đây, hồi đấy làm gì có trường quốc tế quốc teo, mà cũng vẫn thành người đấy thôi, còn học giỏi là đằng khác! Có câu “thông minh vốn sẵn tính trời”! Vì sao mà cùng học thuộc một bài thơ lúc 5 tuổi, thì có đứa hàng chục năm sau vẫn nhớ, có đứa quên ngay sau đó! Cái đấy, trường nào dạy được! Phương Anh nhà em, em thấy nhu cầu chơi của cháu vẫn còn lớn lắm, mà nói chung hầu hết trẻ con đều thế! Nên tốt nhất là cứ để cháu phát triển hồn nhiên, học mà chơi, chơi mà học, thay vì lúc nào cũng chăm chăm bắt con học ra học, chơi ra chơi…

– Ôi giời, chơi lúc nào? Đến nghỉ hè còn chả được nghỉ, thế nên, chưa vào lớp 1 mà đã đọc thông viết thạo rồi đấy! Không biết vào năm học các cô sẽ dạy gì!

– Đấy, thế nên mẹ em (cũng từng đi dạy) hôm nọ chưa gì cũng đã nhắc em lo mà tìm người… dạy toán cho Phương Anh để năm sau vào lớp 1, nhưng chắc là em không tìm đâu! Bộ não con người ta muốn hoàn thiện phải có thời gian, bắt nó lớn trước tuổi sao được! Chứ nếu cứ trông cả vào trường tốt, vào học thêm, thì lấy đâu ra cả loạt thủ khoa ĐH con nhà nghèo như vừa qua?

– Ôi không học không được đâu em! Lớp 60 đứa, 59 đứa đều đã biết đọc biết viết, thì con mình có mà ra rìa à!

– Ừ, 1/60 thì là chịu rồi! Nhưng biết đâu về sau chính cái đứa “chậm tiến” kia lại thành đạt chứ chả đùa!

– Con chị là con trai mới mong thế, chứ con em con gái có khi chỉ cần học vừa vừa thôi em ạ! Giờ đàn bà đẹp mới sướng, vì đã có đại gia lo, chứ giỏi có để làm gì!

– Thôi chị ơi, ăn bám đại gia giờ này thì chỉ có mà đói nhăn răng, vì đầy đại gia giờ lo trả nợ còn chưa xong, nói gì bao gái! Thời buổi kinh tế khó khăn mới làm lộ ra hơn bao giờ tất cả các giá trị thực, để biết được ai mới thực là đại gia hay đại gia… nhảy lầu! Trai hay gái thì cũng đều là một chủ thể nên tốt nhất là giữ được sự chủ động cho mình. Giỏi thì mới không lo chết đói!


From the same category