"Đặc trị" trẻ biếng ăn - Tạp chí Đẹp

“Đặc trị” trẻ biếng ăn

Sống

Bé biếng ăn là vấn đề nan giải của các bà mẹ. BS Phan Bích Nga – (Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia) cho biết, nhiều bà mẹ than thở đã làm đủ mọi cách để hy vọng con mình chịu ăn, nào là chế biến đủ các món theo sách, đọc trên mạng, qua kinh nghiệm của các bà mẹ…

Theo bác sĩ Nga, để khắc phục tình trạng này, các bà mẹ cần có “nghệ thuật” uốn bé từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm:

Đa dạng thực phẩm

Việc đầu tiên cần làm với những trường hợp biếng ăn ở trẻ là cần đa dạng thực phẩm và chú ý chế biến ngon để trẻ thích ăn, ngoài ra cần thực hiện nghiêm khắc chế độ ăn như: ăn đúng giờ. Trẻ nhỏ cần ăn nhiều bữa một ngày để đáp ứng nhu cầu vì lượng dự trữ glucid của trẻ rất ít do lượng ăn một lần không nhiều nên trẻ rất nhanh đói, các bữa ăn cách nhau khoảng 3 giờ để trẻ vừa đói.

Không cho ăn vặt hoặc ăn kẹo bánh trước bữa ăn; với những thức ăn trẻ thích cũng không nên cho ăn qúa nhiều, không la rầy, dọa dẫm trẻ khi ăn, không bắt ép trẻ khi trẻ không muốn ăn.

Ngủ đủ giấc

Bên cạnh đó, muốn cơ thể hấp thu tốt những chất dinh dưỡng cần phải cho trẻ ngủ đẫy giấc. Thời gian ngủ cần thiết cho trẻ từ 1-6 tuổi là 12-15 tiếng/ngày, nếu được ngủ đủ thì trẻ sẽ ăn ngon miệng.


Bỏ bữa dần dần khi trẻ lớn hơn

Bác sĩ Nga cũng lưu ý, trẻ từ 12 tháng tuổi nên cho ăn 6 bữa/ngày, chỉ giảm xuống 3-4 bữa/ngày khi trẻ đã ăn được nhiều trong một bữa (thường là độ tuổi <3 tuổi). Nếu bỏ bữa của trẻ nhỏ thì trẻ sẽ càng mệt mỏi và có thể có nguy cơ cao của ngất xỉu do hạ đường huyết, do vậy sẽ càng kém ăn.

Lập kế hoạch cụ thể

Các bà mẹ cũng cần xây dựng thực đơn bổ dưỡng cho các bé bắt đầu từ sau 5-6 tháng và có kế hoạch cụ thể để bé làm quen với thức ăn từ ngọt đến mặn, điều này giúp bé không bị chán ăn:

– Bắt đầu cho các bé ăn thức ăn đặc về cơ bản bao gồm ngũ cốc gạo trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức. Trước khi cho thức ăn trẻ em đặc, mẹ cần kiểm tra xem em bé có thể ngồi dậy, quay đầu đi và có ý thức nhai hay không. Tất nhiên lúc đầu, bạn sẽ thấy rằng em bé không thích ăn nhiều thức ăn đặc ngay lập tức. Vì vậy, thức ăn đặc chỉ là  sự bổ sung cho chế độ ăn uống của bé và không thể thay thế sữa.

– Để tập cho bé ăn thức ăn đặc, mẹ cần kiên nhẫn, không bao giờ thay đổi chế độ ăn của bé ngay lập tức. Có thể sẽ có lần bé không chịu ăn thức ăn đặc mà chỉ ăn sữa, lúc đó bạn nên chấp nhận để bé thay đổi dần dần. Không nên bắt bé ăn bằng được nếu bữa ăn đó bé không thích, sẽ hình thành thói quen “chống đối” mỗi khi tới bữa ăn, việc này sẽ làm cho bé hình thành thói quen lười ăn về sau.

– Tiếp đó, cho bé làm quen dần với trái cây và rau quả. Rau súp là một nguồn cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho bé và giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Đến 8 tháng tuổi, mẹ có thể tập cho bé ăn thức ăn mặn…

– Chưa nên cho bé ăn sữa bò trước khi em bé được một năm tuổi vì bé sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa. Khó tiêu đầy bụng cũng sẽ làm bé lười ăn. Đặc biệt không nên cho bé ăn mật ong trước một năm tuổi vì nó có nguy cơ gây ngộ độc trên hệ thống miễn dịch của bé.

Các bà mẹ nên thực hiện theo những lời khuyên này trước khi cho bé tập ăn thức ăn đặc, để phòng chống thói quen lười ăn của bé. Đừng cho bé ăn đặc quá sớm, bé cần độ “cứng” để làm quen với thức ăn đặc, như thế hệ thống tiêu hóa của bé cũng đủ tuổi hoạt động tốt và bé không chán ăn.

Lê Hạnh

Thực hiện: depweb

01/09/2011, 16:06