Như vậy đã có tổng cộng 26 túi được vớt lên và đưa về cảng Tanjung Priok. Các thợ lặn và thiết bị đã tìm kiếm ở độ sâu 35m.
35 tàu và 50 thợ lặn cùng hàng trăm nhân viên khác đã tham gia tìm kiếm chiếc máy bay.
Thời gian thực hiện các hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay bị nạn dự kiến sẽ diễn ra trong 7 ngày. Sau thời gian này, nếu vẫn còn những nạn nhân chưa được tìm thấy, chiến dịch sẽ được kéo dài thêm 3 ngày nữa.
Hiện chưa có mảnh vỡ lớn nào từ máy bay được trục vớt, trong khi các túi vật thể thu được từ hiện trường sẽ được chuyển về bệnh viện Cảnh sát ở Đông Jakarta và chờ nhóm chuyên gia phân tích mẫu gene làm việc để xác định danh tính các nạn nhân.
Theo Basarnas, các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn máy bay Lion Air JT 610 còn có sự tham gia của nhiều lự lượng như Hải quân Indonesia, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia…
Quân đội đã huy động 6 tàu, trong đó có một tàu có khả năng phát hiện dưới nước và 1 tàu hoạt động như tàu cơ sở. Ngoài ra còn có 41 lính thủy đánh bộ cùng người nhái và các thiết bị dò tìm, thiết bị lặn.
Bộ Giao thông vận tải đã thiết lập Nhà ga VIP 1B Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta trở thành trụ sở đón tiếp gia đình nạn nhân. Bộ cũng hỗ trợ gia đình các nạn nhân chỗ ở và phương tiện di chuyển đến Bệnh viện Cảnh sát Jati Kramat để nhận người thân.
Người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn quốc gia (Basarnas) M. Syaugi cho biết, trọng tâm của đội là tìm kiếm tập trung vào trục vớt các nạn nhân.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Soerjanto Tjahjono tiết lộ rằng có một nhóm chuyên gia của Singapore sẽ trực tiếp đến hiện trường để hỗ trợ việc tìm kiếm khung máy bay Lion Air JT 610. Nhóm gồm 3 người và trang thiết bị cho các tìm kiếm đặc biệt.
Ông cho biết NTSC sẽ phối hợp hỗ trợ Basarnas trong việc tìm kiếm máy bay và nạn nhân trước khi tiến hành các bước điều tra để xác định nguyên nhân của vụ tai nạn.