Đã sinh mổ cẩn thận thai bám vào sẹo tử cung - Tạp chí Đẹp

Đã sinh mổ cẩn thận thai bám vào sẹo tử cung

Sức Khỏe

Sau khi sinh mổ, nhiều chị em vẫn được nghe bác sỹ dặn “hơn 2 năm mới mang thai lại nhé”. Nhưng không ít người vì bất cẩn nên đã lỡ mang thai sớm. Nhiều người chỉ nghĩ không mang thai lại sớm vì vết mổ bên ngoài chưa liền, vì chưa hồi sức, vì phải mổ liên tiếp mà ít ai nghĩ rằng, mang thai muộn còn để tránh tình trạng thai bám vào sẹo của vết mổ.

 

Nguy hiểm tới tính mạng

Con vừa được hơn năm thì chị Lê Thị Hoa, Thanh Xuân, Hà Nội đã mang thai lại vì nghĩ “sinh luôn, sau đó mới đi làm lại”. Dù lần trước đã sinh mổ, nhưng lại nghĩ bản thân vẫn rất khỏe mạnh nên chị Hoa cũng rất tự tin chờ đón đứa con này. Nhưng đến tháng thứ hai, chị thấy máu bất thường, vùng bụng đau quặn. Gia đình phải vội vàng đưa chị đi viện. Bác sỹ kiểm tra rồi chỉ định chị phải bỏ thai vì thai bám vào sẹo của vết mổ cũ. Nếu không bỏ thai sớm sẽ khó bảo toàn chức năng sinh sản và còn nguy hiểm cả tính mạng. Lúc này chị mới hiểu giá trị của việc chậm mang thai sau khi sinh mổ.

BS. Nguyễn THị Thanh Tuyên, Khoa sản, Bệnh viện Đa Khoa Tràng An, Hà Nội cho biết: Hiện tượng thai bám ở sẹo của vết mổ lấy thai cũ là một dạng thai ngoài tử cung rất nguy hiểm. Những người đã từng mổ thai (như sinh mổ, mổ để khâu tử cung vỡ…) sẽ có sẹo ở mặt trước eo tử cung. Trong khi đó, quá trình thụ thai, trứng đã thụ tinh thường bám vào mặt trước tử cung nên có thể xảy ra hiện tượng bám ngay vào vết sẹo này.

Chúng chia làm hai trường hợp: Bám một phần ở sẹo hoặc cấy hoàn toàn vào trong lớp sẹo. Trong trường hợp thứ hai, các gai trong bánh nhau sẽ ăn sâu vào cơ tử cung rồi xuyên vào bàng quang, dẫn đến phải cắt cổ tử cung, hoặc dẫn tới biến chứng vỡ tử cung, gây chảy máu ồ ạt và nguy cơ đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi rất cao.

Vất vả theo điều trị

Khi phát hiện thai bám ở sẹo tử cung, bác sỹ sẽ chỉ định hủy thai. Phương pháp hủy thai này tùy thuộc vào tuổi của thai. Nhưng sau đó đều phải theo dõi sau điều trị một cách nghiêm ngặt và tốn kém. Sau khi đã lấy thai, bệnh nhân phải đều dặn khám lại, cứ 1-2 tuần một lần, liên tiếp trong 3 tháng.

Phát hiện bệnh khi tuổi thai càng lớn thì điều trị càng khó khăn, thai phụ càng gặp nhiều nguy hiểm, nguy cơ mất khản năng sinh sản càng cao. Bởi vậy để phát hiện sớm tình trạng này, bác sỹ Tuyên khuyên chị em nên khám thai định kỳ từ sớm. Khi thấy dấu hiệu đau ở vùng hạ vị, ra huyết âm đạo bất thường thì nên vào viện ngay vì nguy cơ thai bám ở sẹo tử cung rất cao. Bằng siêu âm, bác sỹ có thể biết được tình trạng thai bám vào sẹo của vết mổ cũ.

Cách phòng tránh

– Với những bà mẹ đã mổ lấy thai nên đợi ít nhất 2 năm sau mới lên có thai trở lại.

– Khi đã có thai cần theo dõi thai nghén chặt chẽ, thăm khám thai định kì.

Theo Sức khỏe Gia đình

Thực hiện: depweb

24/11/2012, 16:32