“Đả nữ” Ngô Thanh Vân - Tạp chí Đẹp

“Đả nữ” Ngô Thanh Vân

Bộ Sưu Tập

Bây giờ thì chắc Vân (cũng như fans của Vân) đã quên cái nghệ danh “NTV Virus” rồi, cùng với việc khép lại cái thời đi hát và những ngày sát cánh bên người đã nghĩ cho cô cái tên giàu ẩn ý ấy. Cái “nick name” Vân tỏ ra tâm đắc lúc này là từ “ngựa hoang (nhưng nếu biết huấn luyện), sẽ trở thành ngựa chiến” mà đạo diễn Charlie Nguyễn đã dùng để khích lệ cô trên bước đường điện ảnh. Hai cái tên tuy khác nhau, nhưng xét cho cùng, lại giống nhau về bản chất: năng lực tấn công và “hủy diệt”… nên dễ thường, không dành cho kẻ thiếu vaccine.

Virut không dành cho kẻ thiếu vaccine

“Đừng tưởng hoa hồng rải trước nhà tôi”

Cú đáp đúng lúc, đúng sân của cô ca sĩ – người mẫu Ngô Thanh Vân xuống “Dòng máu anh hùng” đúng là hoàn hảo. Vân bật lên bất ngờ và hào quang của thành công ấy làm người ta quên sạch những chuyện “lặt vặt” cô từng vướng.

Tôi từng có khoảng thời gian ít nhiều ác cảm với Vân khi không khỏi so sánh điểm sáng rực rỡ mà Vân đang có với bóng tối đằng sau lưng người đàn ông bên cạnh cô. Mặc kệ, Vân vẫn không rời tay người đàn ông cùng cô mang tai tiếng, không giải thích. Cách họ vẫn ở bên nhau, cùng làm việc và tiếp tục thành công đã khiến tôi phải nghĩ lại.

Vô số lời khen: Cô ấy đẹp, cô ấy giỏi, cô ấy chịu khó, cô ấy thông minh, cô ấy mạnh mẽ, cô ấy khéo léo… cùng những lời chê: Vân cơ hội, “máu lạnh”, Vân đụng vào đâu là nơi đấy có đổ vỡ và tiếng khóc của những người đàn bà…, đủ khiến tôi – dù biết quá nhiều (như mình tưởng) về Vân, vẫn phải tò mò. Rồi cuối cùng, tôi cũng có với Vân một câu chuyện thẳng thắn và ngập tràn mâu thuẫn.

Những cản trở đối với tôi chỉ là gợn sóng

Khi đến cast cho “Dòng máu anh hùng”, mục đích lúc đó của Vân là gì? Một cơ hội không thể bỏ qua, hay một sự tình cờ?

Tình cờ thôi chị, khi được kêu vào cast cho “Dòng máu anh hùng” là thời điểm Vân vừa mới đi đóng phim ở Singapore về, một vai đả nữ nhưng thực sự đánh đấm bên đó cũng không ăn thua gì so với “Dòng máu anh hùng” sau này. Vân đi sáu tháng trời vừa về đến nơi, trong lòng vẫn còn đang mê đắm võ thuật lắm và chỉ ước gì có ai làm phim võ thuật ở Việt Nam thì kêu mình để mình được thỏa ước.

Khi đó, Vân đã chú ý đến anh Trí (Johnny Trí Nguyễn) rồi, là cháu của chú Nguyễn Chánh Tín mà, lại nghe nói từ Hollywood về, biết đánh võ này kia… – chỉ biết vậy thôi. Vân gặp anh Trí, tiếng Việt của anh còn rất bập bẹ, và vào cast. Chẳng nghĩ gì, xong thì về cho đến khi được đạo diễn gửi cho kịch bản, kêu Vân đọc kỹ. Trời ơi đọc kịch bản Vân thấy hứng thú với nhân vật Thúy quá, vì cô nàng này cá tính mạnh mẽ giống y như Vân ở ngoài đời.

Một vai diễn đến đúng thời điểm?

Trái lại, từng khá khó xử vì nó. Bởi nó đến vào thời điểm Vân đã là một ca sĩ có tên, mà cát-sê cho diễn viên thì không nhiều, đạo diễn lại yêu cầu tập trung hai tháng luyện võ và sau đó quay luôn. Đoán chừng vai diễn sẽ ngốn của mình nửa năm trời, Vân rất phân vân. Vì Vân còn muốn đi hát, đi hát Vân sẽ được rất là nhiều tiền.

Manager của Vân dĩ nhiên là không cho nhận phim rồi, vì vừa không được nhiều tiền lại mất nhiều thời gian. Suy nghĩ hoài, cơ hội chẳng bao giờ đến lần thứ hai, nếu mà mình đã thích thì tại sao không quyết? Mà từ xưa đến giờ mình đi làm nghệ thuật có phải vì tiền đâu? Vì đam mê đấy chứ?

Nhưng phải nói thẳng ra là ở những phim trước, Vân không thành công. Vậy làm sao Vân có thể chắc ê-kíp “Dòng máu anh hùng” có thể cho Vân một cơ hội tốt hơn?

Trước đó, hai phim Vân đóng là “2 trong 1” và “Sài Gòn Love story”. Hai phim đó có không thành công thì cũng không phải do Vân, mà là do kịch bản và đạo diễn. Vân nghĩ vậy. Vân là diễn viên tay ngang, nên cần thời gian để tự trưởng thành mình trong diễn xuất. Diễn viên đâu dễ có một vai là được nhớ luôn? Có thể phải đi 10 năm mới đụng được một vai họ cảm thấy hài lòng.

10 năm có là quá dài không, khi tuổi thọ nghề của diễn viên thường rất ngắn? Cho mình quá nhiều thời gian, biết đâu sẽ dẫn đến sự bằng lòng và thỏa hiệp?

Điều đó tùy thuộc vào niềm đam mê của bạn, ăn thua ở chỗ bạn có đủ kiên trì bám trụ con đường bạn đã chọn hay không. Vì chắc chắn sẽ có nhiều người không đủ đam mê để mà đi hết con đường. Họ sẽ bỏ cuộc.

Vân gọi tên đam mê của Vân đi, là gì?

Vân muốn trình diễn. Vân muốn được làm những gì mình thích: Đó là hát, nhảy múa, diễn xuất… Đó là bản thân Vân, là khả năng của Vân, là chính Vân.

Lấy sở thích đóng khung mình?

Không hẳn! Khi Vân đi từ nhân vật này đến nhân vật khác thì đó là sự khác nhau. Đúng là tất cả xuất phát từ cái tôi của Vân và cơ hội là những thứ bề nổi nhưng nhận nó thế nào lại là cách của Vân. Những cản trở đối với Vân chỉ là gợn sóng. 

Đốm màu đậm hay nhạt là do người vẽ

Đam mê mạnh mẽ đến mức độ nào đó có thể làm nảy sinh sự bảo thủ. Không đúng sao?

Vân nghĩ mình đủ sức mạnh để luôn có thể đón nhận, học hỏi được một cách tốt nhất. Khi làm việc trong ê-kíp “Dòng máu anh hùng”, Vân hiểu rằng mình còn thiếu kinh nghiệm nhiều quá. Vân đã chấp nhận bất cứ việc gì: là thời gian tập luyện, là quên đi chính bản thân mình… Để sau khi “Dòng máu anh hùng” ra mắt, khi vai diễn của Vân đã có chỗ đứng trong lòng khán giả cũng là lúc Vân nhận ra mình cần phải học hỏi thêm. Vân đã quyết tâm đi Mỹ học diễn xuất.

Khóa học ấy là một sự khái quát, nó giúp mình đọc tên ra những kỹ năng diễn xuất mà mình đã biết, hay còn nhiều hơn thế?

Thực chất đúng như chị nói, khái quát và đọc được tên ra thôi. Vân đã nhận ra nhiều kỹ năng thuộc về bản năng mà Vân chưa biết và giúp Vân làm chủ dễ dàng hơn. Ai cũng có cảm xúc, nhưng có lẽ nếu có kinh nghiệm, mình sẽ tích lũy được trong người nhiều cảm xúc hơn.

Cảnh nào khó đóng nhất trong “Dòng máu anh hùng”?

Là cảnh trước giây phút Thúy quyết định treo cổ tự tử trong nhà lao. Khó bởi đó là một kinh nghiệm Vân chưa bao giờ có trong đời. Bản thân quan điểm của Vân khác với nhân vật, Vân sẽ không bao giờ lựa chọn cái chết để giải quyết một vấn đề nào đó của mình. Để diễn cảnh đó, Vân đã bị anh Charlie Nguyễn bỏ vô một cái nhà tù thật, ngồi trong bốn bức tường, Vân cảm giác như đối mặt với cái chết. Ngột ngạt, khó chịu và hình như có những linh hồn đang lảng vảng xung quanh.

Khi đó Vân mới 25 tuổi, kinh nghiệm diễn xuất non nớt, Vân không biết phải xử lý ra sao, chỉ tập trung suy nghĩ là nếu biểu hiện trạng thái chuẩn bị treo cổ thì sẽ làm thế nào? Quá phức tạp! Cũng may là có Charlie Nguyễn, anh mướn một ông đàn cò từ… nhà xác của Bệnh viện nhiệt đới kế nhà tù đến.

Đúng thời điểm máy chuẩn bị xong, tự nhiên tiếng đàn cò vang lên giữa đêm tối, Vân nổi hết da gà lên luôn. Nguyên đoàn phim ai cũng nổi da gà hết trơn! Phải nói là tiếng đàn cò thôi thúc mình đi đến cái chết kinh khủng! Lúc đó Vân, hay chính là Thúy đã quỳ xuống, Vân cũng không biết nữa.

Philip Noyce khi được hỏi ông làm việc với Đỗ Hải Yến theo cách nào ở “Người Mỹ trầm lặng”, đã nói: Yến nhắm mắt lại, đặt tay lên tay ông và để ông dắt đi quanh phòng cho đến khi ông nhận thấy Yến đã hoàn toàn tin cậy vào sự dẫn dắt của ông. Vân có thích làm việc theo cách đó?

Nếu gặp một đạo diễn như vậy… Tại sao lại không tin đạo diễn, khi họ là người vẽ tranh và mình chỉ là một đốm màu nhỏ được phết vào đâu, đậm hay nhạt là tùy thuộc vào sự quyết định của người vẽ.

Có cách nào để vẫn giữ được sự tự tin khi làm việc với những người giỏi hơn mình?

Vân thích làm việc với những người chuyên nghiệp vì họ sẽ không làm mình mất thời gian. Nói một câu hơn là phải nói mười câu chứ! Mọi người hay nói sao Vân không chọn con đường khác cho mình mà cứ dính vào anh Trí cùng với Chánh Phương. Nhưng thực chất khi làm việc với mọi người, Vân thấy rất thoải mái.

Những người chuyên nghiệp như anh Charlie Nguyễn, anh Dustin Nguyễn, anh Stephan Gauger, anh Victor Vũ… không chỉ cho Vân sự tự tin cá nhân mà còn là sự tự tin cho chính nền điện ảnh nước mình nữa. Hay như trước đó, trong âm nhạc, là được làm việc với anh Quốc Bảo. Lúc nào cũng vậy, Vân luôn muốn tìm được người giỏi nhất, chuyên nghiệp nhất trên con đường mình muốn đi để cố vấn cho mình.

Vân đã khóc ở Mỹ khi “Dòng máu anh hùng” ra mắt. Tại sao vậy?

Lần ra mắt ở Mỹ là lần đầu tiên Vân được xem “Dòng máu anh hùng” hoàn chỉnh với 103 phút. Vân nhớ 103 phút đó, dường như Vân không thở! Từng giây phút trôi qua Vân cảm nhận được hết nó.

Vân là diễn viên mà Vân còn xúc động vì câu chuyện mà anh Charlie đã kể cho khán giả, sau đó cả rạp đứng lên vỗ tay đến 10 phút. Và có rất nhiều bạn trẻ đã xúc động nói: Họ học ở Mỹ và trước đây sợ nhận ra mình là người Việt. Nhưng sau phim này, họ tự hào vì là người Việt Nam.

Còn khi chiếu ở Việt Nam?

Hai cảm giác khác nhau. Khán giả Việt ở Mỹ quá nồng nhiệt, người ta xem phim, vỗ tay rồi dành cả buổi tối để giao lưu chia sẻ với mình. Lúc đó Vân đã thấy cái thành công của bộ phim dường như mình chạm vào được. Nhưng khán giả Việt thì khác, mọi người xem xong vỗ tay rồi đi về hết.

Vân và mấy anh em như Dustin, anh Trí ngỡ ngàng nhìn nhau rồi dắt nhau đi… nhậu. Nhưng sau đó là báo chí bắt đầu quan tâm. Niềm vui về sự thành công ở Việt Nam đi lên tuy chậm nhưng kéo dài hơn. Đến cả 2, 3 tháng sau vẫn lan tỏa. Hào quang của “Dòng máu anh hùng” mà Vân được hưởng có lẽ phải dài đến một năm.

Cũng có một số lời chê về phát âm, hay một số chi tiết khác nhưng thành công quá lớn của phim đã lấp hết. Và đó có lẽ chính là bất ngờ lớn nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Vân. 

Không phải là đạp bằng mọi thứ

Ném mình vào cuộc phiêu lưu mới là điện ảnh, phải chăng Vân chính thức thừa nhận mình thua, mình không có chỗ trong âm nhạc?

Mọi người nói Vân không thành công trong lĩnh vực ca nhạc. Nhưng thực chất, cơ may của Vân với ca nhạc không được như điện ảnh. Mỗi khi Vân ra một album mới thì Vân lại đồng thời nhận một phim. Không còn thời gian mà đi quảng bá cho album nữa. Khi trở lại, Vân lại cố gắng tiếp tục, album vừa ra thì lại có phim. Thế là nó lại chìm đi. Có lẽ Vân không có duyên với ca nhạc.

Không có duyên thôi sao?

Nói chung Vân không quan trọng mình phải được tung hô thế nào. Vân quan trọng hơn với việc Vân đi hát ở một quán bar có khán giả đến xem và người ta chịu trả giá tiền mà Vân đưa ra. Ca hát là nơi để Vân kiếm tiền. Vân không có nhiều fans hay có nhiều người ủng hộ nhưng suốt thời gian Vân đi hát, số tiền kiếm được của Vân rất ổn định và lượng khán giả đến với các tụ điểm Vân hát cũng rất ổn định.

Cái mà nghề người mẫu không đủ mang lại?

Vân chọn nghề người mẫu bởi vì thích được là một centerpoint (tâm điểm) để mọi người chú ý tới và Vân luôn tìm mọi cơ hội để có thể được thế. Cơ hội đến, Vân cũng nắm chặt ngay. Tứ ca Ngẫu Nhiên là cơ hội ấy, dù chỉ là hát nhóm. 5 tuổi Vân đã được dạy hát, Vân đã hát trong trường, nghe nhạc trên radio Vân đã ước Vân là ca sĩ.

Chính xác là Vân thích trình diễn, thích đứng trên sân khấu, trước công chúng cũng như thích thể hiện mình trước ống kính. Nhưng khi ước mơ từ nhỏ bị đánh thức thì cái hoạt động của nhóm Ngẫu Nhiên không đủ với mong muốn của Vân, Vân ra solo.

Vân có nghĩ mình là một người thành công quá nhanh không? Cho đến thời điểm này?

Không, bởi đoạn đường Vân đi đã trên 10 năm rồi. Trong 10 năm đó, Vân cũng trật chân nhiều lần. Vân đâu có cái gì phía sau để bước lên là một giai nhân hay một ca sĩ đâu? Con đường Vân đi là một cầu thang dốc mà mỗi bậc cầu thang Vân phải gắng sức bước qua.

Luôn chinh phục được những cộng sự giỏi, cách của Vân?

Làm bất cứ điều gì với người khác, Vân luôn cho họ thấy niềm đam mê của mình cho dù khả năng Vân không có. Đam mê chính là hành trang duy nhất cho Vân bước vào những lĩnh vực mà Vân muốn. Cộng thêm mong muốn đạt được những gì họ thử thách mình để mình có thể chinh phục họ, đó là cách Vân chọn.

Đam mê càng lớn thì càng gần với tham vọng. Tham vọng mà tỷ lệ nghịch với khả năng của mình thì có phải là nguy cơ dẫn đến sự tổn thương không?

Làm nghệ thuật không thể không có tham vọng. Vân dám chắc không có ai mà không muốn nổi tiếng hết, không có ai mà không muốn ở vị trí hạng nhất hết! Ai cũng muốn tỏa sáng thôi. Quan trọng là cơ hội có đến không? Còn tỷ lệ nghịch như chị nói thì biết sao, làm dâu trăm họ mà. Có người thích sẽ có người ghét, may mắn thì thích nhiều hơn ghét và ngược lại. Chỉ biết là, từ khi Vân bước vào nghệ thuật, Vân chỉ làm những gì Vân thích thôi.

Nên dám chấp “5 ăn, 5 thua” để đi hát, cả khi biết mình không mạnh về giọng?

Vân đã không đặt quá cao ước vọng với ca nhạc vì Vân biết khả năng của mình. Không bao giờ Vân muốn làm diva. Nhưng Vân tuyên bố “Tôi là một entertainer” (hình mẫu giải trí). Khi đó cái nhìn của đồng nghiệp với chữ entertainer rất xấu, giống như nhìn con rối vậy. Chứ không như bây giờ ai cũng muốn là entertainer!

Thời điểm Quốc Bảo bắt đầu dìu Vân là lúc Vân hứng nhiều búa rìu nhất. Nào là dùng ngoại hình lấp đi giọng hát, kỹ năng này nọ. Vân còn quá trẻ nên rất dễ tổn thương. Cứ nghĩ hoài làm sao cho khán giả hài lòng? Không lẽ Vân phải ăn mặc xấu đi để cho người ta không chú ý đến ngoại hình của mình mà nghe mình hát?

Đam mê ở Vân có phải là một động lực thôi thúc mạnh mẽ đến độ Vân có thể đạp đổ mọi thứ khác?

Không phải là đạp bằng mọi thứ. Vân làm gì cũng phải nằm trong khả năng có thể của Vân, nếu nó không giỏi, không nổi bật thì nó vẫn là khả năng của Vân, Vân chỉ làm được tới đó thôi. Có nhiều việc xảy ra không theo ý muốn của mình. Có cái mình thấy okie mà với cái nhìn hoặc sự cảm nhận của người khác thì mình lại làm sai.

Mình làm sai mà mình không biết. Mình là con người mà, trên đường đời mình luôn phải học hỏi và chẳng thể nói ở tuổi nào mình đã học được hết để trưởng thành. Mình đi qua bài học đó rồi, mình chưa nhớ, đời sẽ dạy cho mình lần nữa.

Tôi chọn cách: Không giải thích

Cách gì để phản ứng với những từ trường xấu?

Ngày xưa thì khóc, khóc xong rồi cũng đứng lên lại nghĩ sao mình khóc vì những chuyện không đâu vậy kìa? Khóc cho đã rồi mình cũng tự đứng dậy chứ có ai đến dỗ hoặc kéo mình lên đâu? Chẳng lẽ họ cứ nói và mình cứ khóc hoài?

Đã bao giờ Vân nếm cảm giác bị tẩy chay chưa?

Chưa, may mắn là chưa. Những người chửi họ rất là sung, rất nhiệt tình trong việc leo lên mà chửi. Còn những người ủng hộ thì là những người rất âm thầm.

Trong những thời điểm nhạy cảm nhất mà thông tin phát ra có thể ảnh hưởng ít nhiều đến sinh mệnh nghệ thuật của mình, Vân chọn cách nào để đối phó?

Từ xưa đến nay với Vân chẳng có tin đồn nào là nhẹ! Tin đồn nào cũng nhắm vào để nó giết mình hết. Và nó xuất phát từ những người có lẽ căm ghét Vân dữ lắm. Không hiểu từ đâu! Vân nghĩ với dư luận mà mình bắn lại một phát thì nó sẽ bùng nổ.

Trước nay Vân luôn chọn cách không giải thích, nếu không đúng thì tại sao mình phải đính chính? Mà nếu lên tiếng dù để nhân danh tự bảo vệ mình thì cũng sẽ làm người khác tổn thương thêm nữa.

Còn cảm giác phản bội thì sao, nếm trải chưa?

(Ngập ngừng khá lâu) Không! Nói chung là không có nhớ, ý chị nói là phản bội trong công việc hay tình yêu nhỉ? Với con người thì đương nhiên là khó lường. Có lúc đã cảm thấy mình ngu kinh khủng và chỉ muốn đào lỗ để chui xuống đất cho mình đừng tồn tại nữa vì sự trả giá khi tin người. Vân sống ở Tây nên khá thẳng thắn, nhưng ở Việt Nam, sự thẳng thắn ấy đôi khi lại quay lại đốt mình. Sau này khôn hơn, mình sẽ chỉ nói ra những gì mình muốn nói.

Vân tự nhận mình là người cá tính mạnh, gai góc, gây hình dung là mẫu người không dễ gần. Nhưng ngược lại, Vân rất cởi mở với đồng nghiệp, bạn bè, báo chí. Đó có phải là lớp vỏ mà Vân dùng để bảo vệ mình?

Vân luôn nghĩ cứ sống thật đi cho dù cái thật đó đã hại Vân rất là nhiều lần. Nếu Vân tính toán khi giao tiếp, tức là tự Vân đã tạo ra cho mình một rào cản thì làm sao Vân có thể mở lòng với mọi người? 

Người ta đã nghĩ tôi là… les

“Mở lòng với mọi người”, vậy mà mới đây, vợ cũ của nhạc sĩ Quốc Bảo lại cho biết rằng: Hồi còn cộng tác với Quốc Bảo, “cô em kết nghĩa” Ngô Thanh Vân lại chẳng có lấy một lần đến nhà chào chị ấy?

Vân sẽ không bình luận về cuộc sống riêng tư của gia đình anh Quốc Bảo. Cái Vân muốn nói ở đây là khi Vân làm việc với người nào thì Vân chỉ biết người đó thôi, làm việc trên công việc và dựa trên công việc.

Đời sống của người cộng tác với Vân nằm ngoài phạm vi quan tâm của Vân. Vân không muốn xen vào sự riêng tư ấy. Dù Vân biết người Việt hay có cách làm việc với ai thì đến nhà thăm người ta.

Sự quyến rũ, nếu là nguyên nhân gián tiếp gây ra sự đổ vỡ trong gia đình người khác, theo Vân có “có tội”?

Vân xin lỗi nhé, nói Vân là nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ của biết bao gia đình ngoài kia thì chẳng khác nào nói những người đó là những người không trưởng thành và không quyết định được cuộc sống của mình. Tại vì họ đã có gia đình thì họ phải làm chủ bản thân của họ.

Gia đình họ có ra sao là do quyết định từ phía hai người chứ đâu phải từ lý do khác? Vân nghĩ chỉ có những người dưới 20 tuổi mới mơ hồ chạy theo một thứ gì đó bất chấp, còn khi đã ký vào giấy hôn nhân thì đó là quyết định của hai người lớn.

Vân vừa nói mỗi bước đời là một bài học, vậy sao sau bài học Quốc Bảo lại vẫn dẫn đến trường hợp tiếp theo: gia đình Johnny Trí Nguyễn?

Không ai có thể biết trước những gì cuộc đời này mang đến cho mình. Những cuộc hôn nhân đó chỉ có người trong cuộc mới hiểu nó ra sao. Và cho dù có người thứ ba thì chính người đàn ông sẽ phải chịu trách nhiệm với cuộc sống của họ và gia đình họ.

Dẹp qua những chuyện đó, với riêng Vân, nếu yêu một người đàn ông, Vân có bất chấp không?

Tìm được một tình yêu giữa cuộc sống hiện tại rất khó. Nhất là một cuộc sống nghệ sĩ như Vân. Những cám dỗ vật chất thường gây ra ảo tưởng. Ai đó đi xe sang, cho Vân nhà cửa, ăn ở nhà hàng sang trọng, một cuộc sống thoải mái, từ đó Vân cứ ngỡ Vân yêu người đó ư? Không, đó chỉ là lớp vỏ hào nhoáng. Tình yêu phải xuất phát từ hai phía chứ không phải vì anh thấy tôi đẹp rồi anh yêu tôi, vài bữa tôi yêu lại anh, rồi ba tháng thì anh chán tôi, anh kiếm người khác…

Hãy hiểu đúng ý: Chữ “bất chấp” ở đây có nghĩa trong một trật tự theo luân lý bình thường của người Việt, một người đàn ông có đủ phẩm chất cho Vân rung động nhưng lại có gia đình rồi thì lựa chọn của Vân là gì? Vân có lùi bước không?

Có. Nhưng còn tùy vào sự mãnh liệt của tình yêu đó nữa. Nếu người đàn ông mà Vân thấy yêu thì chắc chắn phải là người đàn ông bản lĩnh và anh ta phải có quyền quyết định với cuộc sống của anh ta. Vân độc lập lắm, Vân sống cuộc sống của riêng Vân và có thế nào đó cũng là cuộc sống của Vân. Vì thế Vân mới không bị ảnh hưởng bởi dư luận quá nhiều. Mình đâu có mướn ai khóc hoặc cười cho mình được đâu?

Người ta đồn là Vân được nhiều đàn ông (thậm chí, cả phụ nữ) mê là nhờ có bùa ngải. Bùa ngải ở đây là sắc đẹp chăng?

Ai nói Vân được nhiều đàn ông thích? Ai nói điều đó? Người ta có thể nhìn thấy ở ngoài và nghĩ như thế thôi. Nhưng điều đó khác với những gì Vân sống. Cuộc sống mà Vân đang trải qua làm sao mà người ta biết được? Vân phải nói thật là để có được thành công hôm nay Vân phải trả giá rất nhiều.

Một trong những sự trả giá đó là hình như tất cả đàn ông đều rất ngần ngại hẹn hò với Vân. Đừng tưởng Vân được hoa hồng rải trước cửa nhà mỗi ngày. Đừng tưởng Vân có trong máy điện thoại những tin nhắn lãng mạn.

Những điều đó là hoàn toàn không có và hình như nó đã không có từ sáu năm nay rồi. Đến mức người ta nghĩ Vân… les! Hay Vân giống một bông hồng có gai chỉ để người ta ngắm mà không ai muốn động vào?

Thực hiện: Hạnh Duyên
Hình ảnh: Art Direction by Huongcolor
Photography: Phạm Hoài Nam
Make up: NamTrung
Stylist: Minh Ngọc
Costume L’usine shop
Dong Khoi Street

Thực hiện: depweb

14/06/2010, 17:31