1. Rửa mặt
Việc làm sạch da mặt có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến việc mụn hình thành và phát triển. Bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trong khâu lựa chọn sữa rửa mặt vì đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của việc loại bỏ tạp chất, bã nhờn và những vi khuẩn tích tụ gây nên mụn. Đừng sử dụng những loại sữa rửa mặt có chứa các hạt nhỏ vì chúng có thể gây tổn thương lên bề mặt da vốn đã rất nhạy cảm. Thêm vào đó, bạn cũng nên nói lời chào tạm biệt với những loại sữa rửa mặt có mùi hương quá nồng hoặc lên bọt nhiều vì những chất tạo bọt hay hương liệu có khả năng gây kích ứng da sẽ khiến tình trạng mụn thêm trầm trọng.
Cách tốt nhất là bạn hãy lựa chọn những loại sữa rửa mặt dành riêng cho da mụn hoặc da nhạy cảm vì lúc này sức đề kháng của da đang khá yếu. Cũng có thể rửa mặt bằng nước muối pha loãng vào buổi sáng thay vì dùng sữa rửa mặt, vì sau một đêm, da bạn chỉ có dầu, mỹ phẩm chăm sóc da còn sót lại, không quá cần thiết phải dùng chất tẩy rửa mạnh. Sữa rửa mặt có thể chỉ dùng vào buổi chiều tối khi bạn muốn làm sạch sâu và xóa bỏ hoàn toàn bụi bẩn sau một ngày dài.
2. Dưỡng ẩm
Rất nhiều người gặp phải tình trạng da khô hay bong tróc trong quá trình sử dụng các loại kem, thuốc để điều trị mụn nhưng lại không dám dùng kem dưỡng ẩm vì sợ chúng “đánh nhau” và gây nên phản ứng ngược trên da. Thế nhưng, nếu như da không được cấp ẩm đầy đủ thì sẽ khiến cho lượng dầu tiết ra ngày một nhiều hơn cộng với các tế bào chết xuất hiện khi da bị khô sẽ làm cho làn da ngộp thở và gây mụn. Dưỡng ẩm chính là cách tối ưu để hạn chế tình trạng này.
Nhưng bạn cũng cần phải lưu ý rằng, làn da mụn rất yếu ớt, nếu cấp ẩm quá nhiều, không đúng cách sẽ gây nên hiện tượng bí da và khiến tình trạng mụn không thể suy giảm. Không ít mà cũng không nhiều, hãy dưỡng ẩm cho da đều đặn 2 lần sáng – tối bằng các sản phẩm dưỡng ẩm kiểm soát dầu lỏng nhẹ. Bạn nên thay thế kem dưỡng da bằng các loại nhũ tương, sữa dưỡng, gel hay lotion để duy trì độ ẩm vì bản chất của những sản phẩm này cũng có chung mục đích là tạo độ ẩm cho da nhưng lại dịu nhẹ, dễ thẩm thấu và không gây cảm giác nặng nề trên da mặt.
3. Đắp mặt nạ
Khi da còn đẹp, bạn có thể thử nghiệm nhiều loại mặt nạ khác nhau theo ý thích và nhu cầu bản thân để tìm ra đâu là sản phẩm dành cho mình. Nhưng khi da bị mụn thì không phải loại mặt nạ nào cũng có thể giúp bạn loại bỏ những đốm sưng đáng ghét. Hãy tạm thời chia tay với những miếng mặt nạ đóng gói có sẵn , mà thay vào đó là học cách chiều chuộng làn da với các công thức đắp mặt nạ thiên nhiên như: lô hội, trứng, nghệ, dưa leo, trà xanh… Đây đều là những thành phần lành tính và có tác dụng kháng viêm, điều trị mụn mà không hề gây nên tác dụng phụ trên da.
Ngoài ra, khi bị mụn thì đắp mặt nạ bằng đất sét cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp làm sạch và đả thông các lỗ chân lông khiến da bạn thông thoáng, mát nhẹ, cũng từ đó mà mụn sẽ có ít cơ hội được viếng thăm hơn.
4. Tẩy da chết
Đừng quên tẩy da chết 1-2 lần/tuần ngay cả khi bị mụn, cái bạn cần phải thay đổi ở đây là phương thức tẩy da chết sao cho da vẫn được “dọn dẹp” sạch sẽ mà không bị chà xát hay mài mòn quá mức khiến thương tổn thêm trầm trọng. Có một cách tẩy da chết hiệu quả mà dịu dàng hơn rất nhiều so với các sản phẩm tẩy da chết thông thường đó là bột trà xanh và yến mạch.
Chất saponin có trong yến mạch có tác dụng làm sạch sâu và loại bỏ tạp chất trên da kết hợp với tác dụng kháng khuẩn, chống lão hóa của trà xanh sẽ là công thức hoàn hảo để bạn áp dụng lên làn da mỏng manh của mình. Tất cả những gì bạn cần chuẩn bị cho mỗi cuộc thanh tẩy là:
+ 1 muỗng canh yến mạch
+ 1 thìa cà phê bột trà xanh (matcha)
Trộn hai nguyên liệu lại với nhau trong một cái chén nhỏ, chế thêm vào đó một chút nước ấm cho bột yến mạch mềm ra và tạo thành một hỗn hợp keo dính có độ sánh sệt nhất định. Sau đó dùng các đầu ngón tay mát xa nhẹ nhàng hỗn hợp theo hình vòng tròn trên da trong vòng 3-5 phút rồi rửa sạch mặt lại với nước. Không chỉ có tác dụng làm sạch da, loại kem tẩy tế bào chết tự chế này còn khiến da bạn trở nên sáng hồng, mịn màng, giảm sưng tấy và làm mờ những vết thâm do mụn để lại.
5. Chống nắng
Ánh nắng mặt trời không chỉ khiến các vết nám và tàn nhang xuất hiện trên da mà còn kích thích các vi khuẩn gây mụn trên da hoạt động mạnh. Da bị mụn không có nghĩa là không cần chống nắng. Thông thường, các loại kem chống nắng vật lý sẽ thích hợp để bôi lên những vùng da nhạy cảm hay gặp các vấn đề về mụn hơn là các loại kem chống nắng hóa học. Chỉ cần bạn lưu tâm một chút tới các thành phần có trong sản phẩm để chọn ra loại kem chống nắng thích hợp cho da.
Bạn có thể tìm mua những sản phẩm chống nắng dành riêng cho da mụn và da nhạy cảm với một số thành phần lành tính có nguồn gốc từ thiên nhiên như lô hội, trà xanh hoặc chứa axit salycilic – thành phần giúp điều trị mụn hiệu quả để vừa có thể bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, vừa xoa dịu những vùng da kém mịn màng bởi mụn.