Đã đến lúc nói về “Likeability Trap”: “Được thích” quan trọng hay “được việc” quan trọng?

Chúng ta thường xuyên bàn luận về định kiến giới và những ảnh hưởng sâu sắc của nó đến phái nữ lẫn phái nam trong môi trường làm việc. Vậy bạn đã bao giờ nghe về “Likeability Trap” – một hình thái tinh vi hơn của định kiến giới – khi các nữ cường nhân bị đóng khung bởi khuôn mẫu trên hành trình thăng tiến?

Likeability Trap là gì?

Theo định nghĩa từ tác giả Alicia Menendez trong một tựa sách về chủ đề này, Likeability Trap (tạm dịch: Bẫy cảm mến) là hiện tượng phái nữ, đặc biệt là các nữ lãnh đạo, bị công kích về thái độ khi thể hiện bản lĩnh và sự xuất chúng trong công việc. Điều đó buộc họ phải tiết chế cá tính cũng như sự tự tin để chiều lòng đồng nghiệp. “Hãy hiền nhưng đừng quá lành. Hãy thành công, nhưng đừng quá thành công. Tóm lại là hãy trở thành một người dễ mến!” – Đó là một nguyên tắc bất thành văn mà xã hội đặt ra nhằm hạn chế cơ hội khẳng định năng lực của phái đẹp.

Về cơ bản, Likeability Trap vẫn còn là khái niệm khá mới và chưa nhận được sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng. Bởi từ xưa đến nay, phụ nữ thường được gắn liền với vai trò hậu phương, nép mình sau thành công của nam giới. Áp lực phải đoan trang, thuỳ mị cũng giống như một cái khuôn o ép phái đẹp, vô hình trung khiến những phẩm chất tưởng chừng như đối nghịch với nó bị kìm hãm. Ở chốn công sở, một người phụ nữ nhã nhặn, ôn hoà thường luôn được yêu mến hơn một người phụ nữ quyết liệt, với cá tính mạnh mẽ.

Liên quan đến Likeability Trap, một nghiên cứu trên tạp chí Harvard Business Review cho thấy những ảnh hưởng đáng kể của định kiến giới lên các nữ lãnh đạo ngay cả trong 4 ngành nghề có sự hiện diện đông đảo của nữ giới như: luật, giáo dục đại học, công tác xã hội, và chăm sóc sức khỏe. Cụ thể hơn, phụ nữ thường phải lưu ý khi thể hiện quyền hành, đồng thời “nói giảm nói tránh” thành tích của họ. Họ cũng chia sẻ việc thường xuyên bị ngắt lời bởi nam giới khi thể hiện quan điểm, hoặc không được thừa nhận đóng góp trong công việc. Dù phụ nữ được tiến cử một cách công tâm, nơi làm việc vẫn sẽ tồn tại “tâm lý cộng đồng nam giới” với các quyết định chủ yếu do nam giới đưa ra. Cuối cùng, một số phụ nữ không còn lựa chọn nào khác ngoài hạn chế nói ra mong muốn của mình.

Likeability Trap được biểu hiện như thế nào?

Ở góc độ khái quát, chúng ta có thể phân loại Likeability Trap thành ba kiểu đặc thù, tương ứng với những định kiến quen thuộc về nữ giới trong môi trường làm việc. Kiểu thứ nhất, phụ nữ ở vị trí lãnh đạo thường được cho là “không bao giờ đúng hoàn toàn”. Người ta dễ dàng quy chụp các “nữ thuyền trưởng” là quá nồng nhiệt, quá nhạy cảm, quá nữ tính, hoặc ở khía cạnh khác là quá mạnh mẽ, quá hung hăng. Chỉ từ một thái độ hay hành vi, phái nữ có thể bị đánh giá là “thái quá” và không sáng suốt bằng nam giới. Trong trường hợp này, một thực tế cần được nhấn mạnh là: Kỳ vọng của xã hội đối với tác phong của phụ nữ thường khác biệt so với tác phong được kỳ vọng ở một nhà lãnh đạo.

Kiểu thứ hai của Likeability Trap có mối liên hệ mạnh mẽ với tính trung thực ở nơi làm việc. Hiểu một cách đơn giản, phụ nữ đôi khi phải né tránh nói sự thật để nhận được sự yêu mến, tín nhiệm từ đồng nghiệp. Ví dụ, nếu một nữ lãnh đạo đưa ra đánh giá cho nhân viên với thái độ chính trực và không dung túng, các nhân viên có thể cho rằng cô ấy quá quắt và thiếu cảm thông. Tuy nhiên, việc nói “sự thật mất lòng” ở nam giới lại dễ được chấp nhận hơn, bởi nam giới luôn được gán cho tính cách ngay thẳng, trong khi phụ nữ bị đóng khung vào tính cách mềm dẻo, khéo léo.

Kiểu thứ ba của Likeability Trap liên quan đến tinh thần cầu tiến của phái đẹp. Khi phụ nữ chuyên tâm theo đuổi thành công trong sự nghiệp, họ có thể bị gán ghép vào những nét tính cách không mấy tích cực như “tâm cơ”, “tranh thủ”,… Thái độ cầu tiến khiến nữ giới ít được đồng nghiệp yêu mến hơn, hay thậm chí là bị ganh ghét và đố kỵ. Trong khi đó, tham vọng ở nam giới lại được ủng hộ và được đề cao như một nét tính cách hiển nhiên cần có trên hành trình xây dựng sự nghiệp.

Làm thế nào để đẩy lùi Likeability Trap?
Tâm niệm là chưa đủ, hãy hành động!

Ở các lĩnh vực đòi hỏi tinh thần lăn xả và dấn thân cao độ như chính trị, quân sự, kinh tế, vị thế của phái đẹp đã được minh chứng bởi tên tuổi của nhiều nữ cường nhân nổi tiếng từ Âu sang Á, từ cổ chí kim. Thậm chí ở lĩnh vực công nghệ – vốn luôn được thống trị bởi nam giới, công chúng hiện nay cũng đã chào đón sự hiện diện của các nữ lãnh đạo xuất sắc như Elizabeth Churchill – giám đốc cấp cao về trải nghiệm người dùng của Google, Kate Crawford – đồng sáng lập Viện AI Now của Đại học New York,… Và gần đây nhất, thế giới phải ngả mũ thán phục trước “nữ tướng” Mira Murati, giám đốc công nghệ của Open AI, nhà lãnh đạo đứng sau cơn sốt mang tên “ChatGPT” trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bất chấp thành tựu rực rỡ của phái đẹp ở các lĩnh vực then chốt, phụ nữ ngày nay, bao gồm nhiều nữ lãnh đạo, vẫn phải đối mặt với Likeability Trap khi tập trung xây dựng sự nghiệp. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để phái đẹp vượt lên những cạm bẫy vô hình của định kiến giới? Chúng ta đều biết rằng phụ nữ không phải là bình hoa di động, phụ nữ không xuất hiện ở chốn công sở chỉ để làm đẹp nhãn quan, để nói những lời êm tai, làm đẹp lòng đồng nghiệp. Nhưng nếu thực tế này chỉ tồn tại trong suy nghĩ thì hẳn là chưa đủ. Do đó, Đẹp khuyến nghị 3 giải pháp để đẩy lùi Likeability Trap sau đây:

1/ Dù là nam giới hay nữ giới, bạn hãy lên tiếng để bảo vệ giá trị của phái nữ ở nơi làm việc, bởi sự im lặng chính là nguyên nhân khiến nhiều định kiến bảo thủ còn tồn tại trong xã hội như một chân lý bất di bất dịch.

2/ Hãy can đảm rời bỏ những môi trường làm việc độc hại, thiếu công tâm, nơi mà cống hiến của phụ nữ không được công nhận một cách xứng đáng. Giới tính không được sinh ra để đo lường cho đóng góp của bất kỳ cá nhân nào.

3/ Hãy từ chối và quay lưng với những lời chê bai, những nhận xét thiếu tính xây dựng trong công việc. Mỗi người có một phong thái lãnh đạo riêng biệt, đây là câu chuyện về cá tính – không phải là giới tính.

Nghiễm nhiên cuộc chiến chống lại Likeability Trap hay định kiến giới nói chung ở môi trường làm việc không thể nào đạt đến chiến thắng chỉ trong ngày một ngày hai. Bởi lẽ định kiến giới đã tồn tại suốt ngàn năm lịch sử và ảnh hưởng của nó được ghi nhận ở nhiều nền văn minh lẫn tôn giáo lớn. Dù vậy, những hành động đấu tranh dù là nhỏ nhất của chúng ta cũng có thể góp phần khơi lên cơn sóng lớn, giúp đẩy lùi những quan niệm bảo thủ, để phụ nữ được thoả sức khẳng định năng lực của bản thân trong thế giới ngày nay.


From the same category