Có gì mới?
“Dạ cổ hoài lang” – kịch bản giúp hàng chục sân khấu sáng đèn suốt hơn 20 năm khi lên màn ảnh có thêm điều gì mới? Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng hẳn đã đặt cho mình câu hỏi ấy khi bắt tay thực hiện tác phẩm này. Và anh tạo ra những điều khác biệt cho phim khi mảng ký ức đẹp đẽ của hai nhân vật chính – ông Tư Lành (Hoài Linh đóng) với ông Năm Triều (Chí Tài đóng) được khai thác tương đối tốt nhưng vẫn đảm bảo mạch chuyện chính của kịch bản gốc – mâu thuẫn thế hệ trong gia đình Việt, mâu thuẫn văn hóa thông qua cuộc đối thoại giữa hai người bạn.
Dấu ấn điện ảnh của Quang Dũng chính là tạo ra sự kết hợp độc đáo giữa câu chuyện kinh điển và một phong cách kể đầy cảm xúc về bi kịch của hai người bạn tha hương. Từ những lát cắt của hiện tại, những khác biệt văn hoá Đông – Tây giữa các thế hệ người Việt trong và ngoài nước, bộ phim đưa câu chuyện của hai người bạn già về với những ký ức của thời trẻ nít rong chơi, của những buổi hát đình và chuyện tình tay ba đầy cảm động.
Trong phim, Nguyễn Quang Dũng đã đẩy sự cô đơn của ông Tư Lành lên một mức cao hơn, khi để bạn trai của Tammy (cháu nội Tư Lành – PV) là một người da màu, thay vì một chàng trai Việt kiều như phiên bản sân khấu. Và trong cuộc đối thoại đó, ông Tư ở giữa những người không thể hiểu ngôn ngữ cũng như văn hóa của mình.
Bi kịch về khác biệt văn hóa, khác biệt thế hệ được khai thác tương đối giống tinh thần nguyên tác sân khấu của Thanh Hoàng. Việc Nguyễn Quang Dũng để chính tác giả kịch bản sân khấu trở thành “chủ bút” kịch bản phim ít nhiều khiến “Dạ cổ hoài lang” khi lên màn ảnh rộng tiếp tục trở thành một sân khấu thu nhỏ với những góc quay tĩnh đầy chủ ý, dù đạo diễn sử dụng tới hai DOP trong bộ phim này.
Khán giả phía Bắc vốn chưa thân thuộc với “Dạ cổ hoài lang” trên sân khấu hẳn sẽ đón nhận bộ phim với sự hồn nhiên trong cảm xúc hơn khán giả phía Nam, khi một số chi tiết trong phim được phát triển rộng ra do nhu cầu tất yếu phục vụ điện ảnh. Tuy nhiên có thể nói, hồn cốt của sân khấu vẫn đậm đặc, đôi khi bị đạo diễn sử dụng hơi quá liều, khiến khán giả có lúc tưởng như mình đang xem một sân khấu qua màn hình rộng.
So với những phim trước đây như “Nụ hôn Thần Chết”, Giải cứu Thần Chết”,“Những nụ hôn rực rỡ”, “Mỹ nhân kế”.., “Dạ cổ hoài lang” có một phong cách khác hoàn toàn. Nguyễn Quang Dũng từng muốn phát triển bộ phim này theo hướng độc lập, cuối cùng vẫn lựa chọn cách làm hài lòng số đông bằng cái đầu tỉnh táo của một người am hiểu thị trường, ít nhiều khiến khán giả nhận ra sự “chần chừ” của đạo diễn ở một số phân cảnh và ngay cả cái kết của phim.
Nước mắt vẫn rơi suốt 20 năm, vì sao?
Dù không phải là câu chuyện xa lạ với nhiều người, “Dạ cổ hoài lang” tái xuất trên màn ảnh rộng vẫn khiến người xem xúc động. Hoài Linh – một kẻ chọc cười thay thế Thành Lộc – người chuyên trị các vai bi sân khấu trở thành ông Tư Lành trên màn ảnh rộng đã lấy được nước mắt người xem ở nhiều trường đoạn. Vóc dáng nhỏ thó, dáng đi liêu xiêu cùng chất giọng run run sẵn có của Hoài Linh là những nét cộng hưởng để Tư Lành hiện rõ thân phận của người đàn ông lạc lõng nơi đất khách mà vẫn mang đầy đủ những mặc cảm của một người từng đối diện cái nghèo.
Nhiều người không hiểu tại sao mình đã khóc khi xem phim, có lẽ họ nhìn thấy ở đó những mặc cảm tồn tại từ trong vô thức mang tính “di truyền” qua nhiều đời. Họ còn nhìn thấy một bi kịch lớn hơn trong gia đình người Việt – một kiểu gia đình truyền thống với nhiều thế hệ sống chung một mái nhà, ở đó nảy sinh bi kịch của sự riêng – chung, của yêu thương giữa thế hệ này không được thế hệ kia chấp nhận. Nước mắt đã rơi suốt hơn 20 năm và bây giờ tiếp tục rơi có lẽ chính vì ai cũng thấy đời sống của mình ở đấy.
Bên cạnh đó, nỗi niềm của những thuyền nhân Việt Nam nơi xứ xa vẫn chạnh lòng không chỉ với riêng những người đang phơi đời mình cùng tuyết trắng bên kia nửa bán cầu. Câu chuyện của họ nhắc đến nỗi đau chưa nguôi về một thời kỳ lịch sử vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người ở lại.
Nói như nhà phê bình phim Châu Quang Phước: “Khóc, nói cho đúng hơn là nước mắt của người xem, hẳn nhiên không phải là điểm đến duy nhất hoặc cuối cùng mà một bộ phim nhất định phải hướng đến. Nhưng nếu không còn muốn khóc, biết khóc hoặc kể cả dám khóc trước những xúc cảm này kia, e rằng đời sống cũng hóa vô cảm”.
Tuy nhiên, nước mắt đó có giúp Quang Dũng níu chân khán giả trong suốt 90 phút bộ phim? Việc Quang Dũng tự làm mờ vai trò đạo diễn của mình trong bộ phim này có thể giúp anh không bị fan sân khấu của “Dạ cổ hoài lang” so sánh, nhưng hình như anh đã tự từ bỏ cơ hội để đi đến tận cùng điều mình muốn.
Sức hút của một khúc ca có đời sống gần 1 thế kỷ, của một tác phẩm sân khấu có sức sống suốt 2 thập kỷ ít nhiều là đòn bẩy giúp “Dạ cổ hoài lang” lôi kéo được người xem đến rạp. Nhưng, “Dạ cổ hoài lang” trên màn ảnh rộng có giúp nhà sản xuất “hốt bạc”, trở thành hiện tượng phòng vé như một số phim của Dũng “khùng” đã làm được trước đó hay không, có lẽ câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Khúc hát “Dạ cổ hoài lang” được nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác cách đây gần 1 thế kỷ, đã vượt qua khuôn khổ một bản vọng cổ, trở thành di sản. Bài hát được ông viết ra khi nhớ thương người vợ tảo tần, vì hoàn cảnh riêng đang tạm chia lìa (nhưng lại đặt mình ở vai người vợ) trong một đêm ông nghe tiếng trống chùa (dạ cổ).
Kịch bản sân khấu “Dạ cổ hoài lang” được thai nghén khi nghệ sĩ Thanh Hoàng tình cờ nghe được bài hát này của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Anh đã dốc tâm dốc sức để viết ra một kịch bản chứa đựng nỗi nhớ quê hương của những người già nơi đất khách. Sau đó, vở kịch chính thức xuất hiện trên sân khấu vào năm 1994 dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Công Ninh. Kịch bản được gợi lên từ một bài hát, còn là sản phẩm dàn dựng đầu tay của đạo diễn nhưng đã chạm đến trái tim của rất nhiều người. Vở diễn sân khấu được đóng đing với tên tuổi của NSUT Thành Lộc, Việt Anh (sau này là Hữu Châu).