Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thùy Dương, đã có trong tay bốn tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn, chị là Phó Tổng biên tập báo Diễn đàn Doanh nghiệp và là một người chơi chứng khoán cũng đã khá lâu. Với chị: Công việc là nghề; viết văn là nghiệp; chứng khoán là thú chơi để hiểu biết và kiếm thêm… tiền.
Về nhân vật nữ doanh nhân trong tiểu thuyết “Thức giấc”, chị nói: “Cuộc sống của tôi bình lặng chứ không khổ đau và trả giá như nhân vật của mình. Tuy nhiên ở đôi chỗ tôi tặng cô ấy (nhân vật) những ký ức, những chiêm nghiệm của chính mình. Tôi chỉ là một “tay chơi” dạo qua thị trường chứng khoán còn cô ấy mới là người trong cuộc, bắt đầu chỉ là nhập vào đoàn người “đi săn” và sau này sẽ chịu sự điều chỉnh của chính thị trường”.
Suýt giật phắt sổ tiết kiệm
Tôi nghĩ rằng, đa phần đàn bà chúng ta, khi thích cái gì đó cho dù giá nó rất cao thì có rút ví ra mua ngay lập tức, nhưng cũng có lúc rất phân vân trước một thứ có giá tiền rất thấp. Còn với chứng khoán thì sao thưa chị, để rút tiền từ ngân hàng ra chơi chứng khoán, chắc cũng không phải là một ý định rất nhanh chóng với chị?
Đúng vậy. Tôi còn nhớ, năm 2003, người bạn thân của tôi qua môi giới mua được một lô cổ phiếu ngân hàng. Cô ấy rủ tôi cùng mua. Sau một đêm suy nghĩ (và hỏi ý kiến chồng nữa) sáng ra tôi đi rút tiền tiết kiệm. Giờ phút ấy thật đáng nhớ.
Trời thì ong ong nắng, phòng điều hòa mát lạnh mà tôi vẫn toát mồ hôi. Có một phút nào đó tôi có một ý nghĩ điên rồ là thò tay qua quầy tiết kiệm giật phắt cái sổ bỏ chạy về mặc cô nhân viên sững sờ… Thế đấy.
Chứng khoán cũng như cuộc đời, đủ cả vui buồn, giận giữ và yêu thương… Và chúng tôi nhìn cuộc đời qua lăng kính của thị trường chứng khoán. Một cái nhìn đầy nhân văn. |
Chị đã thắng ngay từ đầu? Ăn may hay sự khôn ngoan, thưa chị?
Cuộc chơi đầu tiên ấy, cổ phiểu của tôi lên 2.1, rồi 2.5… Tôi vẫn nhớ cảm giác về cái sự sung sướng dù còn dè dặt của người lần đầu tiên bước chân vào lĩnh vực hiện đại nhưng cũng rất xa lạ này. Giống như mọi người thôi, thuộc nằm lòng những lời khuyên của các chuyên gia "Đừng cho tất cả trứng vào một giỏ", "Phải biết tham lam khi người ta sợ hãi, phải biết sợ hãi khi người ta tham lam"…
Tôi vẫn tự nhủ mình rằng lãi một chút là bán để bảo toàn vốn, phần dôi ra thực sự để "chơi". Vậy mà nói thực nhé – sự khôn ngoan bay biến sạch. Mà chẳng cứ gì tôi, vào cái dịp VN-Index trên 1.000 điểm ấy…
Từng đi thăm phố Wall của nước Mỹ, hình như kinh nghiệm của chị trong chứng khoán đã tăng lên rất nhiều?
Đấy chỉ là một kỷ niệm rất vui. Khi đoàn nhà văn tới phố Wall, tôi có nói với mọi người "Hãy cho tôi xuống sờ vào con trâu vàng nổi tiếng cho may mắn". Cả đoàn ùa xuống chụp ảnh kỷ niệm bên con trâu vàng – biểu tượng của phố Wall – biểu tượng cho sự đi lên của thị trường chứng khoán.
Tôi còn giữ được bức ảnh rất thú vị trong giờ phút ấy do nhà văn Y Ban chụp. Chẳng biết đó có phải điềm may mắn không mà sau đó, VN-Index lên tơi tới, lô cổ phiếu của tôi được giá.
Nhìn cuộc đời qua lăng kính chứng khoán
Từng là người giữ chuyên mục "Cafe chứng khoán", chị thấy nó có… khó không?
Viết cái gì cũng không dễ, chứng khoán cũng vậy. Nhưng cũng không phải quá khó, đặc biệt là khi ta say sưa với nó. Tôi rất thích đọc những bài báo về chứng khoán, đặc biệt là của các cây bút nữ (liệu điều đó có thiên vị không nhỉ?) và nhận thấy rằng chứng khoán mới xuất hiện ở ta được chục năm mà đã xuất hiện một loạt các cây bút chuyên nghiệp.
Bạn cứ mở bất cứ một tờ báo nào ra xem, mục chứng khoán là không thể thiếu… Và có những bài phân tích đánh giá của các nhà báo rất hay – chẳng khác các nhà kinh tế. Con người quả là nhập cuộc rất nhanh.
Tôi còn được biết chỉ số công nghiệp Dow Jones mà chúng ta đều biết ra đời vào tháng 5/1896 và do chính một nhà báo, nhà kinh tế tên là Charles Henry Dow và hai người bạn cũng là nhà báo sáng lập ra. Thật là thú vị phải không!
Theo chị, ưu thế/rủi ro của một nhà báo chơi chứng khoán là gì?
Rủi ro thì giống nhau hết. Còn ưu thế: Có nhiều thông tin hơn. Nhưng đôi lúc chính điều đó cũng ẩn chứa sự rủi ro bởi thông tin thì quá nhiều mà bộ lọc không phải lúc nào cũng tỉnh táo. Và thị trường thì nhạy cảm với tin đồn!
Nhưng đôi khi người ta e ngại các quan điểm của nhà báo với chứng khoán, về cái gọi là “lợi ích cá nhân”, chị nghĩ sao về điều này?
Người viết phải chịu trách nhiệm trước những gì mình viết ra. Bạn có để ý đến sau mỗi bài phân tích cổ phiếu nào đó thường có câu: “Đây là quan điểm riêng của người viết và chỉ có giá trị tham khảo”… Đấy cũng là một sự cảnh báo các nhà đầu tư.
Nhưng đã qua rồi cái thời mà có những nhà đầu tư mua theo phong trào. Bây giờ họ đã trưởng thành. Có một số nhà đầu tư ở câu lạc bộ các nhà đầu tư chứng khoán của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp chúng tôi giờ đây chơi trên sàn Singapore… Các nhà đầu tư thông minh lắm, chẳng có gì qua mắt được họ.
Bạn mà đi dự đại hội cổ đông thì rõ, họ "quay" chủ tịch HĐQT đến chóng mặt ấy chứ! Chứng khoán cũng như cuộc đời, đủ cả vui buồn, giận giữ và yêu thương… Và chúng tôi nhìn cuộc đời qua lăng kính của thị trường chứng khoán. Một cái nhìn đầy nhân văn.
Chứng khoán chạm đáy, tôi thấy mình bản lĩnh hơn
Sự cân nhắc và tính phòng xa của chị em liệu có ích gì trong chứng khoán, nơi mà đôi khi cũng cần một sự… “máu lửa” hơn đôi chút?
Cũng thật khó phân định. Những người phụ nữ chơi chứng khoán mà tôi biết thì cuộc chơi của họ dè dặt hơn nhưng cũng dai dẳng hơn. Sự cân nhắc và tính hay phòng xa của phụ nữ khiến họ nếu được thì ít hơn, nhưng nếu thua cũng nhẹ nhàng hơn so với nam giới. Nhưng đấy là những người tôi biết, còn ra sàn hả, bạn sẽ thấy phụ nữ cũng "máu lửa" lắm.
Hôm vừa rồi tôi gặp hai người đàn bà đứng tuổi trong thang máy từ sàn đi xuống, (cùng tầng cơ quan tôi có hẳn 2 sàn chứng khoán), họ bảo nhau: “May mà đã kịp cắt lỗ. Khối người chạy không kịp”. Một người thở dài: “Em vừa đổ mấy tỷ vào con…”. Tôi thật sự kính phục những "lá gan" như thế đấy!
Còn chị đang ở trong tình trạng nào? Nín thở nằm vùng hay đã “âm thầm” đầu tư cái gì đó?
Có một câu rất hay thế này: “Khi chưa rút chân ra khỏi thị trường chứng khoán thì chưa thể nói là thua hay thắng!”. Tôi bây giờ là nhà đầu tư dài hạn (Cứ kỳ vọng cổ phiếu giá cao để bán, chẳng may tuột mất cơ hội thì bỗng nhiên từ nhà đầu tư ngắn hạn chuyển một nhát sang dài hạn ngay!).
Thực ra cuộc chơi của tôi cũng không âm (mọi người vẫn động viên là may đấy!), nhưng đáng lẽ cái số dương khá là được cơ! Tôi đang cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình. Giữ lại một số cổ phiếu tốt và cố quên nó đi.
Đã từng trải qua khá nhiều cuộc… “bể dâu”, chứng kiến kẻ khóc, người cười, và cả chính mình nữa, chị liệu đã rút ra được điều gì?
Cái lợi lớn nhất là tôi học được nhiều thứ. Học được ở lĩnh vực kinh tế, học được cách xử lý ở đời. Để tôi có thể đọc duyệt những bài báo viết về chứng khoán mà thấy mình cùng chung nhịp với nó, trong nó chứ không phải là kẻ bên lề. Tôi thấy chán nhất những kẻ vui cũng không hết mình mà buồn thì cũng tìm cách trốn tránh.
Sau khi chứng khoán chạm đáy thấy mình bản lĩnh hẳn lên (hay là tôi AQ cũng nên) nhưng thực tế – người mất cắp mỉm cười khi lấy được của kẻ cắp thứ gì. Câu cách ngôn mà tôi yêu thích là thế. Trong mọi tình huống dù xấu thế nào mình vẫn tìm thấy một điều gì đó có ích cho mình!
Những người phụ nữ chơi chứng khoán mà tôi biết thì cuộc chơi của họ dè dặt hơn nhưng cũng dai dẳng hơn. Sự cân nhắc và tính hay phòng xa của phụ nữ khiến họ nếu được thì ít hơn, nhưng nếu thua cũng nhẹ nhàng hơn so với nam giới. |
Còn về gia đình chị thì sao?
Chồng tôi là một doanh nhân. Anh ấy không chơi chứng khoán và luôn cho rằng kiếm tiền bằng nghề của mình chắc chắn hơn nhiều. Thi thoảng anh có cho tôi lời khuyên (mà thường là đúng) nhưng tôi lại không chịu nghe.
Chị dự đoán sắp tới thị trường chứng khoán sẽ thế nào?
Thị trường chứng khoán trên thế giới có hàng trăm năm chúng ta mới hơn chục năm chưa có gì để nói nhiều. Thăng trầm cũng là chuyện bình thường. Nhưng tôi thuộc týp người lạc quan. Tôi vẫn hy vọng vào ngày mai.
Có một lời khuyên nào đó với những người phụ nữ chuẩn bị, hoặc đang kinh doanh chứng khoán không, thưa chị?
Tôi thì luôn có câu trả lời trong mọi lĩnh vực – một câu trong bộ phim nổi tiếng từ rất xa xưa – yêu có nghĩa là không nói lời hối tiếc!
Xin cảm ơn chị!