Cựu tiền đạo, đội trưởng Lưu Ngọc Mai: Tết đến làm tôi… nhức đầu thêm! - Tạp chí Đẹp

Cựu tiền đạo, đội trưởng Lưu Ngọc Mai: Tết đến làm tôi… nhức đầu thêm!

Bộ Sưu Tập

Dáng người bé nhỏ, nhanh nhẹn, mái tóc ngắn gọn gàng, làn da chi chít tàn nhang do “dầm” nắng, đôi mắt sáng thông minh, thoảng một chút muộn phiền, nụ cười thường trực trên môi, nhưng lại rất gượng gạo… có thể tạm coi đó là bức chân dung về Lưu Ngọc Mai – cô tiền đạo nhỏ bé, vẫy cổ chân cực dẻo, hết sức lợi hại trên hàng tấn công.

 Sự nghiệp cầu thủ của Mai là không biết bao nhiêu lần tạo nên khúc hoan ca chiến thắng bằng những cú dội bóng “đốt” lưới đối phương, là bàn thắng ấn định tỷ số giữa Việt Nam với Indonesia tại SEA Games 22, mà đến bây giờ chính Mai cũng không hiểu tại sao mình lại… nhảy cao đến vậy! Là 3 lần trào dâng những giọt nước mắt hạnh phúc khi bước lên bục danh dự cao nhất của SEA Games 19, 21, 22, và là những chiếc vít trong chiếc xương mác làm Mai nhói đau mỗi khi chấn thương… để đến bây giờ – ở tuổi 32 – những đồng nghiệp của Mai (Kim Hồng, Hiền Lương, Mỹ Oanh, Thúy Nga…) đã bỏ lại sau lưng tình yêu bóng đá để đi tiếp con đường đời không – sân – cỏ, thì Mai vẫn không sao dứt được gánh nợ với nghiệp quần đùi áo số. Mai đã luống tuổi để làm một cầu thủ, sức khoẻ cũng không còn dẻo dai như xưa để mà hy vọng tiếp tục làm vua phá lưới, nên sân cỏ giờ đây chỉ còn lại một góc nhỏ bé cho Mai…
 
Có thể giải thích sự nặng nợ với bóng đá của chị như thế nào?

Thứ nhất, đó là đam mê. Thứ hai, đó là cái nghiệp của mình. Khi còn là cầu thủ, tôi dành hết tình yêu, tâm huyết cho nó. Xong đời cầu thủ, tôi không có việc gì để làm, chuyển sang một công việc khác không phải chuyện đơn giản. Làm việc văn phòng thì tôi không có kiến thức, nhất là khi tuổi không còn trẻ. Còn kinh doanh thì không có kinh nghiệm. Năm 2001, vừa thi đấu SEA Games về, tôi cũng hùn vốn mở quán cà phê, nhưng sớm đóng cửa vì thua lỗ. Nên đành bước tiếp đam mê bằng cách tạo sự nghiệp huấn luyện. Coi như là tiếp tục một cuộc dấn thân mới với bóng đá, xem có thể dạy học trò của mình thành tài được không? Được như mình ngày xưa là đủ để tôi hạnh phúc.

Hơn 10 năm gắn bó với bóng đá, có điều gì làm chị ân hận không?

Tôi buồn khi ngẫm lại, thấy những gì mình mất sao nhiều hơn được? Tôi chưa học xong, kiến thức nông cạn. Ngoài bóng đá, tôi chẳng làm được việc gì cho ra trò trống, để đến khi nghỉ, cảm thấy mình chưa làm gì được hết. Bây giờ, ở Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 1, tôi chỉ làm về nghiệp vụ. Thời gian rảnh thì theo trọng tài liên đoàn, vị trí chủ yếu chỉ là trọng tài biên. Lúc này, học sinh cấp hai bắt đầu thi đấu, tôi được huấn luyện một lớp nhỏ. Khi nào các em thi đấu xong thì về, nên công việc của tôi toàn làm theo thời vụ, không chính thức một cái gì.

Làm công việc huấn luyện, chị có cảm thấy mình đang dìu dắt một lớp trẻ mà rồi cuộc đời nó cũng bước vào con đường giống mình?

Không đâu. Trao đổi với các em, tôi biết rất nhiều em chơi bóng nhưng sẽ không đi con đường bóng đá. Nhất là trong thời buổi kinh tế, việc học luôn được đặt lên hàng đầu. Trừ những gia đình ở tỉnh, kinh tế khó khăn, người ta đưa con vào bóng đá, còn những gia đình bình thường ít ai chịu để con theo nghiệp này. Thành thử các em chỉ đá bóng theo kiểu đá chơi, đá giải trí, chứ không đam mê như chúng tôi ngày xưa. Biết trước một tháng nữa sẽ thi đấu, tôi phải dụ, phải năn nĩ các em lên chơi bóng. Mà dụ cũng có ngày được ngày không, mình phải ngồi chờ mấy em đó lên. Tới khi thi xong thì các em lại nghỉ. Rất khó để tìm được một đội ngủ cầu thủ nhí chuyên nghiệp.

Chị lấy đâu ra nhiệt huyết để dạy những học trò không có nhiệt huyết?

Tôi gắng phải có. Hy vọng nhiệt huyết sẽ kích hoạt trở lại các em. Cũng may mắn vì mình là cầu thủ, nên trong lòng luôn có sẵn quyết tâm. Cái hay của thể thao là rất thoải mái về tâm lí. Mỗi khi ra sân tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, được cười đùa thoải mái.

Công việc đã lỗi hẹn với chị, còn cuộc sống vật chất có làm chị hài lòng?

SEA Games 19 tôi được thưởng 20 triệu đồng, SEA Games 22 đá trên sân nhà, nhiều người hâm mộ chứng kiến cảnh đó, nên các nhà tài trợ đã thưởng cho chúng tôi nhiều hơn, khoảng 60 triệu đồng. Bây giờ, lương của tôi là 1 triệu đồng/1 tháng.

Số tiền đó có đủ để chị trang trải cuộc sống?

Chị nghĩ là có đủ sống không? Nhưng mà vẫn phải cố gắng thôi.

Có khi nào chị nghĩ đến sự bất công dành cho những nữ cầu thủ như mình?

Lúc nào cũng bất công! Tôi là người đi trước và tôi thử chờ đợi xem bất công đến chừng nào?! Những người như chúng tôi là hiện thực rõ nhất của sự bất công dành cho bóng đá nữ! Nếu người ta thấy rõ điều đó và giúp đỡ những đàn em thì mình chịu khổ cũng đâu có sao. Vì mình khổ nhiều rồi, giờ khổ nữa cũng được, nhất là khi thời của mình đã qua rồi. SEA Games năm nay, nhiều người đã góp tiếng nói chung, nên đàn em được nhiều hơn mình, đàn em sau đó sẽ sướng hơn nữa. Ở góc độ nào đó, sự hy sinh của những cầu thủ như chúng tôi đã có giá trị.

Chị sẽ ước gì, nếu có một điều ước dành cho chị?

Tôi muốn được huấn luyện đỉnh cao. Tôi không dám đòi hỏi nhiều, chỉ cần trợ lí cho thầy cũng được. Chứ dạy cho những học trò đá phủi, đá chơi, thi đấu phong trào là một công việc không gây hứng thú. Nhất là năm nay tôi đã 32 tuổi, chẳng còn mấy năm nữa là kết thúc đời huấn luyện viên nữ.

Sao vẫn là ước mơ về công việc, mà không phải sắc đẹp, tình yêu, nhất là khi chị vẫn đang sống một mình?

Không lẽ bây giờ tôi đi tắm trắng, phẩu thuật thẩm mỹ? Phụ nữ nào cũng muốn làm đẹp, nhưng phải xem kinh tế của mình thế nào mới làm được chuyện đó. Còn hôn nhân, tôi vẫn chờ đợi, nhưng không quá mơ mộng!

Chuyện muộn màng của chị có phải lỗi tại bóng đá không?

Cái gì mình làm mình phải chấp nhận, đừng đổ lỗi cho ai cả. Tôi đã có một tình yêu, nhưng cuối cùng chia tay, và đó là lỗi của tôi. Bởi người ta chỉ được chọn 1 trong 2, còn tôi muốn có cả hai. Cuối cùng, tôi chỉ còn lại bóng đá! Nếu có duyên thì còn hôn nhân, còn vô duyên thì đi tìm cũng không được. Chuyện này cũng buồn, nhưng nói ra ai nghe và ai chia sẻ?

Cuối mỗi đời người và mỗi năm, người ta hay đưa ra những tổng kết. Năm nay, cuộc sống tinh thần và vật chất của chị có khá hơn những năm trước?

Mọi cái đều theo chiều hướng… đi xuống. Những năm trước đi thi đấu, còn vui vẻ, có tiền thưởng còn xài thoải mái. Bây giờ không thi đấu nữa, chỉ có tiền lương, nên lúc nào tôi cũng phải gói gém để cuối tháng không phải đi mượn tiền.
 
Nhưng chị sẽ háo hức đón chờ những ngày đầu năm mới?

Những năm trước tôi đi tập huấn, Tết được về nhà, còn cảm thấy háo hức. Bây giờ, Tết đến làm tôi… nhức đầu thêm! Tết phải mua sắm đồ, mà tiền đâu để sắm đồ nhiều? Tết tôi lại hay phải trực. Về nhà cũng …trực, hoặc qua nhà anh rể chơi, qua nhà bạn bè rồi đi hát karaoke. Hết những ngày Tết, tôi lại ra sân bóng./.

Thực hiện: depweb

17/01/2006, 21:37