Được biết đến như một chuyên gia lâu năm trong ngành hàng hải, nhưng suốt hơn hai mươi năm qua, tác giả Đỗ Thái Bình vẫn âm thầm theo đuổi một hành trình khác, riêng tư hơn, âm thầm hơn: hành trình truy nguyên ký ức. Cuốn sách “Ba người vượt ngục Guyane” là kết tinh của hàng nghìn trang tư liệu, được ông miệt mài lần giở qua năm tháng.

Ở tuổi hơn tám mươi, nhiều người chọn sống chậm lại bên con cháu, lùi về phía sau để an hưởng tuổi già, nhưng với tác giả Đỗ Thái Bình, nhịp sống vẫn tiếp tục được dẫn dắt bằng việc đọc và viết. Cuốn sách “Ba người vượt ngục Guyane” là cách ông phủi bay lớp bụi thời gian phủ kín lên một chương hồi ký gia đình. Đồng thời, đó cũng là lát cắt chân thực về những số phận mà lịch sử chưa từng thực sự gọi tên. Hành trình đó bắt đầu từ một nỗi tò mò rất đỗi riêng tư về nhà tù bên kia đại dương, nơi từng giam giữ ông nội của ông sau vụ án Việt Nam Quang phục Hội năm 1913. Nhưng càng tìm hiểu, ông càng đi xa hơn những gì mình từng hình dung. Không chỉ là vùng đất khắc nghiệt, nơi con người bị nhấn chìm giữa rừng thiêng nước độc, sốt rét và lao dịch, Guyane còn là cánh cửa dẫn vào một phần lịch sử Việt Nam ít người chạm tới.
Cựu kỹ sư, tác giả sách
Tốt nghiệp chuyên ngành Vỏ tàu thủy tại Trường Đại học Giao thông Vận tải vào năm 1966
Hiện đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VISIA)
Trong cấu trúc kiểm soát thuộc địa của thực dân Pháp, hệ thống nhà tù giữ vai trò công cụ đàn áp các lực lượng chống đối bản địa, trong đó nhà tù Guyane tại Nam Mỹ được xác lập như địa điểm lưu đầy sau cùng dành cho tù nhân An Nam, đặc biệt là chính trị phạm xuất thân từ các phong trào đấu tranh chống thực dân và khởi nghĩa nông dân từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Thông tin từ cuốn “Những người từ Đông Dương tại Guyane” của Olivier Delesale và cuốn “Nhà lao An Nam ở Guyane” của nhà sử học Christèle Dedebant từng ghi nhận có hơn 2000 tù nhân bị đưa đến giam giữ tại Guyane. Trong đó, ngoài số tù thường phạm, các tù nhân chính trị chủ yếu là những người tham gia phong trào chống Pháp của Đề Thám, Đông kinh Nghĩa thục, Việt Nam Quốc Dân Đảng, và các hoạt động Cộng Sản sau này.

Trò chuyện cùng Tạp chí Đẹp nhân buổi ra mắt sách “Ba người vượt ngục Guyane”, tác giả Đỗ Thái Bình không chỉ nhắc đến ba nhân vật chính của cuốn sách, mà còn nói đến những con người bị cầm tù ở Guyane mà đến nay vẫn chưa ai biết đến. Dừng lại một nhịp, ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng đây là một đề tài vẫn còn phải được nghiên cứu rất nhiều sau này”.

Xin chào tác giả Đỗ Thái Bình. Lời đầu tiên, xin cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn cùng Tạp chí Đẹp. Thưa ông, ở tuổi 84, việc viết một cuốn sách lịch sử về đề tài vượt ngục hẳn là một thử thách lớn. Điều gì đã thôi thúc ông bắt đầu hành trình này?
Thực ra, điều thôi thúc tôi tìm hiểu và kể câu chuyện này với bạn đọc xuất phát từ chuyện của gia đình. Nhưng câu chuyện đó lại liên quan đến cả một cộng đồng, và từ đó lại phản ánh một phần lịch sử của đất nước. Vì thế tôi đã theo đuổi đề tài này. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi cũng đã dành hàng chục năm để đi gom góp tài liệu. Tôi đã đi hết khắp các châu lục, sang Trung Quốc, Pháp, rồi bay qua Mỹ, và nhất là đến tận Guyane, nơi mà các nhà Nho đã chịu án tù đày khổ sai. Còn nếu chỉ tính từ lúc bắt đầu đặt bút cho đến lúc hoàn thành quyển sách thì tôi mất khoảng 2 năm thôi.

Trong quá trình “ngược dòng lịch sử”, có khoảnh khắc nào đã thay đổi cách ông nhìn nhận câu chuyện mà ông được gia đình kể trước đó không?
Để phủi đi lớp bụi thời gian, điều tôi cần làm là phải chắt lọc tất cả những nghiên cứu có từ trước. Nhưng mỗi nhà nghiên cứu đều có những ý kiến đề xuất khác nhau, khiến tôi nhận thấy đây là một trường hợp khá đặc biệt. Đến phút cuối cùng, tôi vẫn chưa tìm được chính xác là các nhà Nho bị cầm tù ở đâu. Bởi vì dựa trên các giả thiết của các nhà lịch sử, đặc biệt bà Lorraine Paterson, và sau đó là cụ Nguyễn Đình Đầu và các nhà nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh đều nhắc đi nhắc lại là các nhà Nho bị tù đày và vượt ngục từ thủ phủ Cayenne của Guyane. Nhưng tôi lại cho rằng các nhà Nho đi tù ở ven sông Maroni, nhưng ở đâu thì tôi vẫn chưa rõ.
Tôi thân chinh đến vùng ven sông Maroni của Guyane, nơi tôi cho là ông nội từng bị đi đày để tìm lời giải. Đây là nơi mà ít người Việt lui tới. Bản thân tôi đã cố gắng tránh đi vào mùa mưa. Bạn biết không, mật độ mưa ở Guyane gấp 4 lần Việt Nam, nên không khí ở đây luôn ẩm ướt. Cũng bởi sự ẩm ướt đó nên chuyến đi vào rừng rất vất vả, tôi trượt ngã cũng rất nhiều lần nhưng vẫn không thể tìm ra vị trí nhà tù ở đâu tại Guyane cả. Tới đây, tôi phải biết ơn bà Christèle Dedebant, người đã lục tìm tư liệu chứng tỏ các tù nhân ở trại giam Malgaches, bây giờ đó là khu mang tên Charbonnière (Trại Than) ngay ngoại ô của thành phố Saint-Laurent-du-Maroni. Chính lúc đó, tôi đã chắc chắn 100% đây là trại tù giam các nhà Nho.

Từ câu chuyện về ông nội Đỗ Văn Phong, tại sao ông chọn kể về hai chí sĩ khác là Nguyễn Quang Diêu và Lý Liễu trong “Ba người vượt ngục Guyane”?
Đây là một câu hỏi hay đấy (cười)! Câu chuyện về Lý Liễu và Nguyễn Quang Diêu vốn đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu viết thành sách từ những năm 60 ở Sài Gòn. Trong cuốn sách đó có đề cập đến ba nhân vật là Lý Liễu, Nguyễn Quang Diêu và Đinh Hữu Thuật. Trong hồi ký của gia đình có kể ông Đỗ Văn Phong vượt ngục cùng với 12 người nữa. Khi tôi thực hiện nghiên cứu, cái tên Đỗ Văn Phong hoàn toàn không được lịch sử đề cập tới. Thế nên, để nghiên cứu về Đỗ Văn Phong, đầu tiên tôi lại phải tìm hiểu về hai ông Lý Liễu và Nguyễn Quang Diêu trước đã. Sau đó, từ cuốn sách của tác giả Nguyễn Văn Hầu và các tài liệu sau này, tôi có thể khẳng định rằng cho đến nay, chúng ta mới có tài liệu về 4 người vượt ngục là Đỗ Văn Phong, Lý Liễu, Nguyễn Quang Diêu và Đinh Hữu Thuật.
Trong cuốn sách này, tôi cố gắng nêu các vấn đề với những luận chứng một cách chính xác. Tôi cũng không phải là vì tình cảm gia đình mà tự viết về ông nội của mình không đúng sự thật. Giống như bức tranh lego vậy, các tài liệu góp nhặt có nhiều mảnh ghép, mỗi người ghép một tí. Ông nội tôi cũng là một mảnh ghép trong bức tranh đó. Và trong mỗi mảnh ghép đó, cũng có những khớp nối sai và cần những người đi sau xem xét kỹ. Còn về lý do tại sao không có ông Đinh Hữu Thuật trong quyển sách thì, ông ấy sau đó cũng vượt ngục về Việt Nam nhưng tài liệu về những hoạt động sau đó của ông vẫn chưa được ghi chép nhiều. Nhưng tôi vẫn ghi chép về ông rất kỹ trong cuốn sách “Ba người vượt ngục Guyane”.

Theo thông tin trong sách, ước tính tổng cộng khoảng 9.000 cuộc đào thoát của tất cả tù nhân thuộc nhiều sắc tộc, nhưng không xác định được tỷ lệ sống sót là bao. Vậy ông đánh giá như thế nào về cuộc vượt ngục của 3 nhà cách mạng này?
Đúng là ước tính có đến 9.000 cuộc đào thoát, nhưng số tù nhân vượt ngục thành công có lẽ ít hơn nhiều. Như những gì tôi nêu trong sách về các trường hợp người Việt Nam đào thoát. Có người đào thoát đến lần thứ tám mới thành công. Như vậy, phải nói cuộc đào thoát của ba nhà Nho này thật sự ngoạn mục. Các bạn biết đấy, chỉ có khoảng 10% tù chính trị bị giam cầm ở Guyane thôi, còn lại đều là thường phạm, bao gồm những người phạm tội trộm cắp, chém giết, lêu lổng. Nhà nghiên cứu Olivier Delesale thống kê được khoảng độ 2.000 người Việt Nam đi tù bên đó, thì chỉ có khoảng 200 người là chính trị phạm. Thường phạm cố vượt ngục, nghĩa là dân giang hồ hay chém giết mà vượt ngục cũng không thoát, trong khi đó mấy ông nhà Nho chân yếu tay mềm, ít dùng dao búa mà có thể vượt ngục được. Các bạn có thể thấy ý chí của họ vững vàng và lòng quyết tâm trở lại quê hương của họ mạnh mẽ đến nhường nào.
11 tù nhân của ta tại Guyane trong chuyến tàu Loire năm 1914, 11 tù chính trị đợt đó thì có 9 người đã đào thoát. Và 4 người mà tôi vừa nêu, có 3 ông có trong quyển sách này và ông Đinh Hữu Thuật là biết được tường tận, còn 5 người kia vẫn chưa biết số phận ra sao. Nhưng nhìn chung, đây là cuộc đào thoát có sự đóng góp vô cùng to lớn của cộng đồng người Hoa tại vùng Caribbean. Đúng hơn đó là một cuộc vượt ngục mang tính chất nhân dân và sống trong lòng nhân dân, khác với cuộc vượt ngục dựa vào cơ bắp hay sức mạnh của “Papillon – Người tù khổ sai” (2017) đã được Hollywood dựng thành phim.

Có khoảnh khắc nào ông cảm thấy mình “chạm gần” đến lịch sử không?
Tôi nhớ mãi giây phút mình cởi quần áo, lội xuống sông Maroni. Đây là con sông ranh giới của Guyane với nước láng giềng. Nhà tù ở ven sông và con sông này cũng là nơi các nhà Nho đã vượt ngục, vượt sông. Tôi tắm ở dưới sông vào một buổi trưa tháng 09/2015. Bạn nghĩ xem tôi nghĩ gì lúc đó?
Ông nội tôi đã từng lội qua vùng nước này, đã vượt ngục ở đây. Hàng nghìn người tù cũng đã từng lội qua con sông này. Cho nên, tôi viết cuốn sách “Ba người vượt ngục Guyane” không phải chỉ để tri ân ông nội và các nhà Nho, mà còn để ca tụng một người trẻ: Lý Liễu. Đây là người tổ chức, chỉ huy cho cuộc vượt ngục. Nếu để ý kỹ thì bạn đọc có thể nhận thấy cuốn sách không phải chỉ nói về ba người, mà còn cả hơn một nghìn người tù ở Guyane được liệt kê ở cuối sách. Cuốn sách này không phải chỉ nói chuyện gia đình, nói về chuyện ba người, mà tôi muốn kể về tất cả những người tù Việt Nam tại Guyane.

Vậy có thể hiểu rằng, việc ông viết lại câu chuyện này cũng là một cách để trả lại tiếng nói cho những số phận mà lịch sử đã lãng quên?
Đúng vậy! Nhiều câu chuyện bi kịch của những người tù Guyane mà hiện nay chúng ta chưa biết được hết. Thí dụ như trong chuyến đi tù ở Guyane, có một cậu rất trẻ bằng tuổi với Lý Liễu là Lương Văn Phúc, thường được gọi là “Bé Con”. Đây là người đã góp phần trong việc ám sát tuần phủ Thái Bình vào năm 1913, đáng lẽ ra phải bị tử hình nhưng được giảm án xuống thành tù chung thân tại Guyane. Lúc cậu ấy đi tù mới có 19 tuổi, cũng vượt ngục cùng mọi người, thoát nhưng đến nay vẫn không biết số phận ra sao.
Tôi tin độc giả sẽ nhìn nhận cuốn sách này dưới các góc độ khác nhau. Các bạn trẻ có thể đọc nó để hiểu về lịch sử, các nhà nghiên cứu cũng có thể lấy làm tư liệu và còn rất nhiều vấn đề cần thảo luận. Tôi cũng mong cuốn sách có thể tiếp cận nhiều người đọc trẻ hơn. Chỉ như vậy thôi (cười)!

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Ảnh: