Những chiêu cướp mới, những “thủ đoạn phạm tội mới” là những từ để nói về loại cướp giật này: cướp giật ipad, iphone, laptop… làm dân và khách ngại ngùng.
Cướp không chỉ ở ngoài đường, mà xông vào tận nhà, cửa hàng, không chỉ cướp của trẻ con, mà có cả người lớn trong nhà, cả chặt tay để cướp điện thoại xịn…
Ở phố Kim Ngưu, Hà Nội, chiều 8/3, có người lớn ở nhà, cướp vẫn táo tợn xông vào cướp iPad trên tay trẻ con. Ở quận Hai Bà Trưng, cướp vào nhà “nhặt” iPhone 5 ở trên mặt bàn. Phụ nữ móc laptop gần yên xe máy gần tòa nhà Keangnam, bị cọ quẹt, gỡ túi laptop…
Tại TP.HCM, cướp xông vào quán café cướp iPad 4, cầm dao vào cửa hàng cướp iPhone 5. Cuối năm ngoái, một vụ còn ghê hơn tại Q5: chặt tay người đang gọi điện ngoài đường để cướp iPhone xịn…
Ba cái đồ cùi bắp cướp nay chả buồn để ý, toàn nhắm vào công nghệ cao. Chúng hay hơn người thường chỉ thoáng qua là biết xịn hay không, rình rập cơ hội cướp đoạt.
Có của đừng khoe, như thời mới giàu. Xưa có đồ xịn, người ta hay cất kỹ trong nhà để tự hưởng, “tự sướng”, may lớp trẻ mới giàu thường vác ra chia sẻ, lại hay mất cảnh giác. Thói quen “ra đóng vào khóa” mất đi từ hồi nào, cái gì cũng bừa bãi tơ hơ, chủ quan khinh địch.
Xài cho nó sướng, chả buồn biết cướp nhiều khi chỉ nổi máu nếu thấy tênh hênh. Giữa đường lúi húi mở cốp xe lấy áo mưa, đổ xăng là lúc hớ hênh nhất. Vào nhà không khóa cửa, để đồ đạc thập thò làm trỗi dậy những tham vọng thấp hèn của lòng tham và lòng khốn…
Tự cứu mình trước khi trời cứu vẫn là bài học đầu tiên, nhất là khi chân thì yếu tay thì mềm.
Các lực lượng cứu giúp tuy tinh thần cao, nhưng còn bận trăm công ngàn việc, sức người có hạn, địa bàn lại rộng, khó xuể, khó kịp.
Đối phó với nạn này, trước hết tự mỗi người nêu cao cảnh giác, đừng ỷ lại phong trào, trông chờ ra quân, chi viện… Chiến dịch phải đợi cao điểm, toàn dân mới là mãi mãi.
Trần Giang Phương