Cướp giật “đạo náo” đường phố Sài Gòn

LTS – Liên tiếp trong thời gian gần đây tại TP.HCM xảy ra nhiều vụ tội phạm cướp giật khi gây án đã chống trả, đâm chết và bị thương nạn nhân, người đi đường tham gia truy bắt; thậm chí là phản kháng cả lực lượng công an. Điều này cho thấy, nạn cướp giật đang là thực trạng đáng quan ngại; bộ mặt đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam có phần bất ổn, xấu đi trước con mắt bạn bè quốc tế.
 
Chính quyền TP.HCM đã từng nhiều lần đem “vấn nạn” này lên bàn nghị sự; nhưng nay cướp giật vẫn lộng hành gây nhức nhối cho xã hội. 

Loạt bài phản ánh về thực trạng cướp giật ở TP.HCM và ý kiến của nhiều người có kinh nghiệm như: hiệp sĩ đường phố, công an…với mong muốn người dân hãy thận trọng, cảnh giác mỗi khi ra đường, khi đối mặt với tội phạm cướp giật.


 
Cướp giật “khoái săn” máy tính xách tay

Vụ trọng án xảy ra vào sáng 17/9 tại giao lộ đường Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám, giáp ranh giữa P.12 và P.13, Q.Tân Bình như VietNamNet đã thông tin, đến nay công an Q.Tân Bình đã làm rõ về hành vi phạm tội của đối tượng Cao Xuân Lập (SN 1984, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM). Theo đó Lập bị điều tra về các hành vi như: “cướp giật tài sản”, “giết người”….

Cướp giật trên đường phố – tiềm ẩn những nguy hiểm cho người đi đường

Theo Lập khai, bản thân hành nghề sữa chữa điện tử nhưng công việc không ổn định, chi xài hạn chế. Chính vì sự túng thiếu đó, sáng 17/9, Lập điều khiển xe gắn máy ra đường đi cướp tài sản và nhắm vào các đối tượng mang máy tính xách tay.

Chạy quanh nhiều tuyến đường, khi đến đường Cộng Hòa, Lập phát hiện anh Hoàng Ngọc Tri (SN 1990, ngụ tỉnh Bình Định, tạm trú huyện Bình Chánh) chở theo bạn gái, phía trước xe có treo giỏ xách chứa máy tính xách tay, không treo móc vào xe nên lập tức ra tay.

Khi vừa giật được túi xách, sau đó bị anh Tri và nhiều người truy đuổi, Lập đã gây ra vụ cuồng sát làm anh Trí tử vong và 1 đại úy cảnh sát khác bị thương tích nặng.
 
Theo cơ quan công an các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, khi bắt giữ các tên cướp giật, chúng đều khai báo chỉ khoái “săn” máy tính xách tay.

Thủ đoạn của chúng nhắm đến những người đến công sở làm việc có mang theo máy tính, tầm di chuyển vào buổi sáng hoặc tầm chiều tối khi họ đi làm về.

Điển hình là trường hợp cặp vợ chồng anh Võ Minh Phong – Đinh Ngọc Quỳnh Như (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM, đều là phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM) đã bị cướp giật mất balô bên trong chứa máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số và nhiều tài sản khác vào tầm 8h sáng, cách đây không lâu, khi đang chở nhau đi đến cơ quan làm việc.
 
Một trường hợp điển hình khác, giữa tháng 9/2012 công an Q.9, TP.HCM đã khởi tố 2 đối tượng là Lê Văn Tính (SN 1992) và Đặng Như Ý (SN 1993, cùng ngụ Quảng Ngãi, tạm trú tại Q.6, TP.HCM) về hành vi “cướp giật tài sản” và “giết người”.

Cả 2 tên khai nhận, chúng chỉ thích giật máy tính xách tay vì buổi sáng dòng người đi làm trên Xa lộ Hà Nội khá đông, nhiều người mang theo giỏ xách chứa máy tính xách tay, nhưng khá chủ quan, bất cẩn…

Máy tính xách tay của người đi đường là miềng mồi ngon cho tội phạm cướp giật.

Tính và Ý khai nhận, để phục vụ cho việc cướp giật túi xách máy tính xách tay, chúng còn mang theo cả kéo được mài sắc bén. Do đó khi gặp nạn nhân nào mang túi xách bằng quai sẽ từ phía sau ập đến, nhanh tay cắt dây túi xách, giật lấy rồi rồ ga tẩu thoát.

Chính vì thế mà chỉ trong một buổi sáng, 2 đối tượng trên đã giật thành công 3 túi xách chứa máy tính xách tay của người đi đường. Đến vụ thứ 3, chúng bị nạn nhân, người dân và cảnh sát truy đuổi nên phải dùng dao, giật súng từ tay cảnh sát chống trả quyết liệt để thoát thân làm 2 người đi đường và 2 cảnh sát bị thương tích.
 
Vì sao tội phạm cướp giật cuồng sát ?
 
Trung tá Trịnh Văn Sâm – Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an Q.9 – chia sẻ, tâm lý chung của các đối tượng cướp giật khi bị truy đuổi đều liều lĩnh, gây sát thương cho người đi đường, cảnh sát để thoát thân cho bằng được, bất chấp tất cả.

Lực lượng cảnh sát chui vào cống để truy bắt tên cướp tại Q.9, TP.HCM mới đây

Khi bị bắt giữ, chúng đều khai báo là không cố ý hạ sát người, chỉ mục đích là mở đường máu thoát thân mà thôi.
 
Phóng viên từng tiếp xúc với đối tượng tội phạm cướp giật khi chúng vừa bị công an bắt giữ, số đông từng có tiền án, tiền sự về hành vi “cướp giật tài sản” nhưng hễ ra tù lại tiếp tục nghiệp cũ.

Có vẻ như đối tượng cướp giật nắm khá rõ về pháp luật, biết rằng tội danh này chỉ vài ba năm “bóc lịch” là về. Một đặc điểm nữa là chúng rất tự tin vào khả năng điều khiển xe, đua tốc độ trên đường phố nên khi xác định được con mồi là sẵn sàng gây án, bất kể đường phố đông đúc như thế nào.
 
Một trinh sát hình sự đặc nhiệm thuộc phòng hình sự, công an TP.HCM giải thích ngắn gọn, tâm lý tội phạm khi bị ngăn cản là điên cuồng chống trả để thoát thân, nhất là tội phạm mang theo hung khí, “hàng nóng”…
 
“Khi gặp tội phạm dạng này, cách tốt nhất là phối hợp đông người để truy bắt, tìm cách tước vũ khí của đối tượng, nhằm hạn chế thấp nhất thương vong cho người dân” – vị cảnh sát có lời khuyên.   

Theo Vietnamnet


From the same category