Cường Ngô: Đây là thời đại Metrosexual mà

– “The Golden Pin” chạm được vào cảm giác của người xem vì nó chừng mực. Anh có nghĩ mình sẽ mang góc nhìn này đến với khán giả Việt Nam?

– Ban đầu tôi không dự định làm “The Golden Pin” cho đề tài tốt nghiệp, nhưng thầy giáo của tôi nói người đồng tính ở châu Á tại Bắc Mỹ là những gì mà khán giả quốc tế vẫn chưa hình dung rõ, vả lại muốn tôi làm một cái gì đó giao thoa giữa Á và Âu nên cốt truyện của bộ phim này hấp dẫn tôi. Bộ phim đã đoạt giải phim ngắn xuất sắc nhất tại Canada và trình chiếu hơn 50 LHP Quốc tế, và hãng truyền hình HBO đã mua bản quyền. Ở Việt Nam, đề tài đồng tính trong phim có lẽ không còn xa lạ gì nữa bởi vì tôi nghĩ đã đến lúc một đề tài nhạy cảm được đưa ra ánh sáng để bảo vệ nhân quyền, để chia sẻ và nhận thức. Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và được tôn trọng như nhau. “Để mai tính” hay “Hotboy nổi loạn” … đều có những góc nhìn riêng và triết lý sống riêng của mỗi đạo diễn về những người thuộc thế giới này. Nó là tự do nghề nghiệp, tự do ngôn luận cũng như tự do báo chí … nên tôi không thể đánh giá quá sát được.

– Nếu đủ tiền, đủ nhân lực, anh sẽ làm một phim đồng tính ở Việt Nam thế nào?

– Nhà văn Bùi Anh Tấn đã cho phép tôi chuyển thể tác phẩm văn học “Một thế giới không có đàn bà” qua kịch bản điện ảnh. Tôi muốn những nhân vật phải có tiếng nói riêng của mình và cần thể hiện thông điệp nhân quyền, một thế giới không phân biệt để họ sống công bằng.

– Anh cảm thông bao nhiêu % với các nhân vật đồng tính?

– Tôi thông cảm 100%. Vì với tôi, họ có quyền được sống, được yêu, được cống hiến cho xã hội như bao người khác. Dị tính hay đồng tính, chung quy cũng chỉ là tình yêu mà thôi. Họ có quyền làm những gì họ muốn và thực sự cảm thấy hạnh phúc.

 

– Và họ sẽ hạnh phúc hơn khi chuyển thành một người phụ nữ từ đàn ông?

– Đồng tính không nhất thiết phải chuyển giới để yêu người đàn ông hay đàn bà. Cái này còn do tư duy của từng người nữa, và cả hoàn cảnh cũng như quan điểm sống của họ. Bạn tìm hiểu thêm về những danh từ như “gay”, “bisexual”, “lesbian”, “drag queen”, “she-male”, “transvestite” … chúng sẽ cho bạn gợi ý trong câu trả lời và đến một lúc nào đó, những danh từ này sẽ được các bạn trẻ Việt Nam hiểu rõ để không còn phải loạn như bây giờ.

– Theo anh, “loạn” ám chỉ việc chuyển giới ồ ạt như nay?

– Tôi nghĩ những người đồng tính đủ thông minh và hiểu biết về việc mình đang làm. Đất nước chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập với các nền văn hóa phương Tây vì vậy phim ảnh và tài liệu nói về đề tài này là rất lớn trên mạng cộng đồng. Nói thật tôi không quan tâm đến những cái tên mà bạn nhắc đến, dù họ đồng tính/ dị tính hay chuyển giới thì đó là chuyện của họ. Tôi chỉ quan tâm đến công việc, những con người thực sự tài năng.

– Anh có ủng hộ người đồng tính chuyển giới?

– Tôi nghĩ họ có quyền làm tất cả điều gì họ muốn nếu điều đó mang lại hạnh phúc cho họ. Tuy nhiên, họ nên tìm hiểu thật kỹ trước các khái niệm về giới tính mà tôi đã nêu ra. Có nhiều trường hợp chuyển giới nhưng sau đó đã phải chuyển ngược lại vì không thể sống trong hình hài khác biệt đó. Hơn nữa ở Việt Nam hiện nay, việc công nhận người chuyển giới và thay đổi hộ tịch vẫn còn khá mơ hồ.

– Trong một số phim của đạo diễn Francois Ozon, Pedro Almodovar hay Lâu Diệp có xuất hiện những nhân vật nam đồng tính cải trang thành nữ nhưng lại không chuyển giới. Anh hiểu thế giới nội tâm của họ như thế nào?

– Đây là một câu hỏi lớn và tôi không thể trả lời một cách trọn vẹn. Cá nhân tôi nghĩ rằng ở mỗi người, tính nam hoặc tính nữ đều hiện hữu và đôi lúc người ta không thể chế ngự nó vì cảm xúc nhất thời, vì môi trường sống … Có phụ nữ nhìn bề ngoài rất yếu đuối nhưng đôi khi lại mạnh mẽ như đàn ông và cũng có những người đàn ông bình thường thì không sao nhưng gặp chuyện này chuyện kia lại có thể khóc như một đứa trẻ. Phụ nữ đôi lúc cố tính không mặc váy đầm mà lại diện đồ tomboy, còn đàn ông thậm chí mặc áo hoa, nhuộm tóc … Tôi thấy hết sức bình thường, đây là thời đại Metrosexual mà! Còn với người đồng tính có sở thích (hoặc một vài lần) ăn mặc như phụ nữ thì theo tôi, thế giới nội tâm của họ còn phức tạp hơn chúng ta tưởng tượng!

– Nếu chuyển giới sẽ không còn khái niệm đồng tính nữa phải không anh? Và lúc đó chúng ta sẽ sống trong thế giới “thẳng”?

– Người đồng tính là người đồng tính. Còn người chuyển đổi giới tính lại là một người khác. Hai phạm trù về giới tính hoàn toàn khác nhau không thể gộp chung được. Vì vậy tôi nghĩ mọi người nên nghiên cứu kỹ về tâm lý học, khoa học xã hội để hiểu rõ hơn về những thuật ngữ này. Việc một người chuyển giới là nhân quyền và quyền cá nhân của họ, tôi không có quyền gì phán xét họ. Còn người đồng tính, họ vẫn luôn tranh đấu cho bản thân và cho giới tính của họ suốt nhiều năm ròng và ở các nước phát triển, họ đã được nhìn nhận, ví dụ gần đây diễn viên gạo cội Jodie Foster đã hé lộ một lần nữa với truyền thông về giới tính của cô. Một người đồng tính khác hẳn một người chuyển giới. Vì vậy, tôi nghĩ hoàn toàn không có khá niệm thế giới “thẳng” như bạn nói.

Chu Trần Minh Đức (theo Sành điệu)


From the same category